Teen và nỗi khổ bị đặt biệt danh “quái dị”
Teen đặt biệt danh cho nhau như một cách gọi vui vẻ, thân mật giữa bạn bè, đồng thời thể hiện tính cách nổi bật của bản thân. Những cái biệt danh vui vui thì sẽ chả có hại đến ai. Thế nhưng, đôi khi, việc đặt biệt danh cho ai đó một cách vô ý lại khiến người đó cảm thấy khó chịu, thậm chí tổn thương.
Không phải biệt danh nào nghe cũng đều hay cả, hoặc nếu có đi chăng nữa, thì cũng chỉ là trong một số trường hợp. Q, một nam sinh lớp 12 tại trường V, kể lại:” Về chuyện biệt danh của mình thì lắm chuyện để nói lắm. Mà toàn chuyện chả đâu với đâu. Cứ nghĩ mà lại bực cả mình”
Hồi cấp 2, không hiểu vì lý do gì mà bạn bè đặt cho Q một biệt danh rất nhạy cảm, đó là…”chim” Q tâm sự: “Lâu quá rồi nên mình cũng không nhớ tại sao nữa. Nhưng hồi cấp 2 bạn bè hay gọi mình như thế”. Hồi đó còn bé, Q cũng không để ý mấy chuyện tên gọi này. Hơn nữa, chắc do tâm sinh lý hồi đó khác nên thậm chí có lúc Q còn thấy biệt danh đó hay hay. Nhưng rắc rối chỉ đến vào cái ngày đầu tiên Q bước vào cấp 3. Chuyển trường, lên cấp học mới, mọi thứ đều bỡ ngỡ, Q vẫn còn chưa kịp có hình dung gì về ngôi trường mới thì đã được “ghi xương khắc cốt” hậu quả tai hại từ cái biệt danh của mình.
Hôm đó, Q đến trường lần đầu, đang đi tham quan trường trước giờ vào lớp, nhìn trước ngó sau xem có ai quen không thì bỗng nhiên đằng sau có tiếng gọi:” Ê ê Chim ơi chim chim…”
Q giật mình, tiếng gọi vang lên giữa sân trường đông người, theo phản xạ Q quay lại. Thì ra đó là tiếng một người bạn học cùng trường hồi cấp 2 của Q, do quen cách gọi hồi học cấp 2, lại mừng vì tìm được người quen, cô bạn này chả để ý gì mà gọi hay tên “độc” của Q lên. Khỏi nói Q ngượng đến thế nào. Đứng giữa sân trường, Q không nói được câu nào. Mọi người thì tủm tỉm cười, to nhỏ: “Chim mới hay chứ”, “Cái tên thật vãi chưởng bọn mày ạ”.
Thế là Q “ghi điểm” ngay ngày đầu tiên đi học với cả trường với cái biệt danh “chim” Suốt một thời gian đầu, Q bị mọi người trêu chọc vì cái biệt danh này, mãi sau mới thôi.
Đừng biến chuyện gọi biệt danh của bạn bè trở thành “thảm hoạ” cho họ, teen nhé!
Cũng khổ sở vì cái biệt danh của mình như Q, nhưng L còn có phần thê thảm hơn, bởi biệt danh của cô bạn gắn liền ngay với dáng người, không chạy đi đâu được. L tuy là con gái nhưng lại có dáng người khá thô, vai rộng, ngực bé, hông to, và tai hại nhất ở dáng người quả lê của cô bạn là cặp mông hơi quá khổ với thân hình của mình. Vào cấp 3, L bị mấy cậu con trai đặt cho biệt danh là L “mông” có nhiều cậu còn gọi mỗi bằng cái chữ “mông” không, khiến L rất khó chịu. L tâm sự: “Có khi đi ngoài đường gặp mình mà nó cứ “mông mông” to tướng giữa đường. Bạn bè gọi thế trong lớp còn được, nhưng cứ đem cái biệt danh ra réo lung tung rồi trêu người ta thì quá đáng lắm, mình cũng là con gái cơ mà, bị gọi thế sao chịu được”.
Việc gọi biệt danh những tưởng chỉ là cho vui nhưng đôi khi nếu không cẩn thận lại trở thành một hình thức miệt thị, thậm chí xúc phạm đến người khác. Trong giới học sinh, không hiểu do ai khởi xướng, có cả một kiểu gọi biệt danh khá quái đản, đó là gọi tên cộng với tên của bố, mẹ hoặc thậm chí réo cả tên ông bà nhà người ta ra nữa. Cách gọi tên ghép kiểu này thực ra là một cách gọi theo gia đình, vợ chồng phổ biến ở các làng quê Việt, nhằm dễ dàng giao tiếp hàng ngày. Thế nhưng, khi được những teen vô ý thức sử dụng, nó lại trở thành một cách gọi xấu xí.
Q.H, học sinh lớp 11 trường G, kể “Mình biết nói ra nghe rất buồn cười, nhưng dù sao đây cũng là tên bố mẹ mình. Bố mình tên là Bảy, mẹ tên là Lương. Ngày trước, bạn bè do tình cờ biết được tên bố mẹ mình, nên lấy luôn tên bố mẹ ra đặt biệt danh cho mình, gọi mình là “Lương Bảy” .
Khi bị bạn bè gọi với cái biệt danh này, ban đầu Q.H cũng chỉ cười xòa cho vui vì nghĩ mọi người không có ác ý. Nhưng càng về sau các bạn càng quá đáng, họ thường xuyên réo tên bố mẹ của H ra để trêu trọc. Không ai gọi H bằng tên tuổi của cậu mà cứ gọi tên bố mẹ cậu với một cái giọng rất miệt thị.
Phần lớn những teen sử dụng việc gọi biệt danh một cách vô tư quá đều không có ý thức về việc mình đang làm. Hơn nữa, do tâm lý ngại nói thẳng của nạn nhân mà những teen này lại càng được thể làm tới. Họ cứ nghĩ thế là hay, là vui lắm nên càng ngày càng quá đáng hơn. Tuy nhiên, với những hành vi ứng xử như vậy, không sớm thì muộn những teen này cũng phải chịu hậu quả.
Như trường hợp của L, sau mầy lần tức phát khóc vì bị mấy cậu con trai xúc phạm, nói mãi mà họ cứ nhơn nhơn, một lần, khi một cậu con trai réo biệt danh của L giữa hành lang, L đã đến trước mặt và tát một cái trời giáng cho cậu bạn kia. Trước thái độ của L, không một ai dám gọi L bằng cái biệt danh đó nữa.
Nhóm bạn của Q.H thì còn thảm hơn. Có lần, khi bố của Q.H đưa cậu đến trường, đám bạn kia đừng từ xa lại tưởng nhầm là xe ôm nên vẫn thản nhiên trêu chọc như thường: “Ê Lương Bảy đến rồi đấy hả”. Bố của Q.H nghe được đã lập tức gọi tất cả mấy cậu choai choai có lớn mà không có khôn đó lại nói chuyện. Khỏi nói sau buổi hôm đó mấy cậu này sợ thế nào, không thấy dám ho he trêu chọc gì nữa.