Teen và những kế hoạch hè bị xếp vào xó
Mùa hè đã đến, đây là thời điểm thích hợp cho những kế hoạch học tập, giải trí, phượt… Kế hoạch khi vạch ra thì thấy náo nức và hấp dẫn, nhưng khi thực hiện nó thì chẳng đơn giản gì đâu bạn ạ, vì thế có nhiều teen, bởi không khéo sắp xếp hay vì nhiều lí do, khi hết hè lại quay nhìn nuối tiếc…
Những kế hoạch ôm đồm
Vừa kết thúc buổi thi cuối cùng, Hằng, một teengirl đã vui vẻ hy sinh giấc ngủ trưa quý giá để “soạn thảo” những kế hoạch cho mùa hè của mình. Cuốn sổ tay xinh xinh đầy những gạch đầu dòng thú vị: đi “bụi” khám phá Hòa Bình cùng mấy nhỏ bạn thân, đi nghỉ mát Hạ Long cùng gia đình, đi học nhảy, học nấu ăn, học võ…
Ngoài ra, còn nhiều vụ tụ tập khác cùng bạn bè nữa xếp hàng dài trong list của Hằng. Cái gì nàng cũng muốn thử, muốn làm. Cô bạn lí giải, nghỉ hè là thời gian để xả hơi toàn tập, nên nàng sẽ dành trọn cho vui chơi giải trí. Thấy trào lưu “phượt” của mọi người lan rộng, Hằng cũng hăm hở muốn tham gia. Cô bạn đã tính dành ra bao nhiêu tiền, bao nhiêu ngày để nghiên cứu từng cái “gạch đầu dòng” của mình và nở nụ cười mãn nguyện khi nghĩ tới thành quả của nó.
Tuy nhiên, Hằng lại không hề xem xét kĩ, chỉ với hơn một tháng được nghỉ, một đống bài tập chờ đợi và rất nhiều thứ “ngoài kế hoạch” có thể xảy ra. Quan trọng hơn, những kế hoạch của Hằng nghe thì hay, nhưng chồng chéo nhau và tính khả thi chẳng cao.
Bởi thế, chỉ sau vài ngày mệt nhoài ở lớp võ, lại miệt mài ở lớp nấu ăn, Hằng đã oải. Cô bạn quyết định bỏ ngang khi tới ngày cả nhà đi Hạ Long. Sau tour nghỉ mất gần một tuần ở đó, Hằng về nhà và hoàn toàn thờ ơ với cả võ và nữ công gia chánh…
Để chuẩn bị cho vụ đi Hòa Bình, Hằng mày mò lên các diễn đàn, rồi sa vào những trò game ảo, bắt đầu những cuộc tán gẫu bất tận… Cuối cùng, không khó để hình dung, cô nàng đã nhanh chóng khai tử kế hoạch đi Hòa Bình vừa xa vừa mạo hiểm. Cô bạn tự xoa dịu mình: “Ở nhà học cho lành…”
Còn Vinh – ĐH Ngoại ngữ thì kể: “Còn nhớ năm ngoái, ngay từ đầu hè, mình đã đăng kí rất nhiều chương trình tình nguyện. Nghĩ có đi tình nguyện mới sống đúng chất sinh viên nên mình hăm hở lắm. Sau kì “tiếp sức mùa thi” thì cũng đã 10/7, mình lại bắt đầu vụ đi dạy thêm cho các em hoàn cảnh khó khăn vùng ngoại thành Hà Nội. Kế hoạch hè thì nhiều, lại liên tục, không ngờ mình đuối sức. Khi bắt đầu chuyến đi cùng đội xung kích của trường đi tỉnh xa thì mình… đành xin ở lại nhà. Tháng bảy đã sắp hết, mà kế hoạch quan trọng nhất là đi học để nâng cao trình Tiếng Anh mình vẫn chưa động tới. Hè đó qua đi, mình bước vào năm học mà tiếc hùi hụi. Tiếc khi xem những bức ảnh bạn bè đi về, tiếc khi chưa hề kịp đăng kí lớp học nào… Và tiếc nhất là khi nhìn lại, thấy mình thật thiếu thông minh khi bắt tay vạch ra những quá nhiều kế hoạch.”
Teen ham mê hoạt động nên mùa hè là mùa để teen trải nghiệm nhiều nhất. Vạch ra những kế hoạch hay ho nhưng nhiều bạn quá ôm đồm, làm không xuể, hoặc mất hứng giữa chừng, để cuối cùng kết quả không đâu vào đâu…
Chẳng riêng gì những kế hoạch cho mùa hè, mà trong mọi việc, chúng ta đều cần sự bố trí, tính toán hợp lí. Nhiều teen còn thiếu kinh nghiệm trong khâu này nên đành ngậm ngùi khi mùa hè đi qua…
Video đang HOT
Lập kế hoạch thật kỹ cho những chuyến đi của bạn nhé! (Ảnh minh họa)
Những kế hoạch chỉ nằm trên giấy
Những kế hoạch hè của teen không chỉ tan vỡ bởi sự thiếu hợp lí mà còn bởi sự “thất thường”. Thất thường ở đây cũng dễ hiểu, vì một số bạn rất hay “cả thèm, chóng chán”. Bắt đầu mùa hè thì việc gì cũng muốn làm, cái gì cũng muốn trải nghiệm. Nhưng bắt đầu một thời gian thì… nản!
Như Quân, một 9x trường THPT Việt Đức là một ví dụ. Trong năm, đọc nhiều, nghe nhiều về Bóng đá nghệ thuật, về bóng chày, anh chàng chỉ chờ mong hè đến để đăng kí cả hai môn. Thế nhưng bắt đầu được có hơn hai tuần thì Quân bỏ dở. Cậu bạn giải thích: “Thấy không hợp với mình!”
Thế nhưng, nhìn cách Tuấn tham gia hai hoạt động ấy thì ai cũng phải lắc đầu. Buổi tập nào của CLB, anh chàng cũng đi muộn. Khi tham gia thì mau xuống sức, lại nghĩ mình là “lính mới”, có tập cũng chẳng ăn thua nên cậu chỉ luyện tập cho có. Được vài buổi thì bắt đầu thích… ngồi ghế đá ngắm các “mem” luyện tập. Bạn bè có hỏi thăm học đến đâu rồi thì cậu lắc đầu: “Bình thường, nếu không muốn nói là chán!”
Được một thời gian lãng phí, có lẽ Tuấn cũng hiểu ra nên quyết định ở nhà. Và cuối cùng, cậu bạn có một tháng nghỉ hè quen thuộc… bên chiếc máy tính! Anh chàng lao vào chơi game online. Cái háo hức dễ thương của một 9x đam mê khám phá đã lùi vào sâu, rất sâu….
Hoài – THPT Chuyên ngữ thì khá ân hận khi kể về “mùa hè vô bổ” của mình. Chẳng là, Hoài quyết tâm tự học IELTS trong hè. Lên mạng search kinh nghiệm chán chê, ra hiệu sách tìm đủ sách cần thiết… Nghe các bạn rỉ tai nhau kinh nghiệm xem phim phụ đề tiếng anh để học cho nhanh và lí thú, Hoài cũng thử và rồi thay vì lao vào học tiếng anh, Hoài bắt đầu… ghiền phim online.
Những bộ phim bỗng có một sức hút ghê gớm đối với cô bạn. Hoài cứ ậm ừ, xem nốt, xem nốt, thời gian còn dài… Và rồi cô nàng quên luôn kế hoạch chính của mình. Hết hè, cái Hoài thu nhặt được là những kiến thức về diễn viên, phim ảnh và cơ thể sút đi 3 kg vì… trót xem phim đêm quá nhiều. Chỉ đến lúc ngồi bên bạn bè nghe kể về những thành quả mùa hè, Hoài mới bắt đầu… cắn rứt. Khả năng tiếng anh của cô bạn không những chẳng được nâng cao mà trái lại còn giảm sút. Và buồn nhất là cô bạn phải bắt đầu chiến dịch “cai phim”, vì kì học mới sắp bắt đầu…
Thiếu một chút quyết tâm, thiếu một chút ý chí là teen có thể đánh mất hết những kế hoạch hay ho mà mình đã cố công xây dựng. Quan trọng nhất, làm việc gì cũng cần sự bền bỉ, thiếu điều này, chẳng thành công nào gõ cửa. Nhiều teen cứ nghĩ hè xả hơi, ngày dài tháng rộng nên khá lần chần với những kế hoạch hè. Vậy nên rút cục chẳng đâu vào đâu, những kế hoạch chỉ nằm trên giấy!
Thay lời kết
Mùa hè lại hân hoan gõ cửa. Xì tin năng động đã mau chóng bắt đầu mùa hè theo cách riêng của mình. Mỗi ngày là một ngày vui khi bạn làm được điều gì đó có ích cho mình và mọi người. Dù chỉ là những kế hoạch nhưng cũng cần lắm trách nhiệm của teen. Nếu chỉ vạch ra rồi để đấy, thì cũng chỉ là vô dụng. Vậy nên, hãy cẩn thận teen nhé, để giữ cho mình nụ cười rạng rỡ cả khi mùa hè kết thúc.
Theo PLXH
Những chuyện "đau con mắt" ở hồ bơi
Những chàng "điệp viên" lố lăng
Gọi "điệp viên" là cách gọi lịch sự và tao nhã nhất dành cho những kẻ... chuyên rình. Nhiều teenboy tìm đến hồ bơi chỉ để đi rình các bạn nữ khác. Bơi lội chẳng thấy, chỉ thầy mắt đảo láo liên. Cứ thấy "em nào xinh xinh" là bắt đầu mon men nhìn rồi bắt đầu tiếp cận.
Thanh Trà, 17 tuổi chia sẻ: "Mình rất thích đi bơi nhưng không dám. Mỗi lần đi bơi hay bị lũ con trai lạ hoắc dòm ngó. Đôi khi còn đem mình ra làm trò cười. Rất khó chịu".
Nhiều tốp nam sinh có sở thích kì cục là thích vào hồ bơi ngắm các em xinh. Mỗi khi thấy con mồi thì các bạn là "ồ à" tán thưởng khen chê soi xét đủ kiểu. Thậm chí, nhiều teenboy còn mang theo cả máy ảnh để... rình. Nếu chẳng may đối tượng phát hiện và tỏ vẻ khó chịu thì bắt đầu buông lời kiếm nhã.
Do đi với số lượng đông đảo nên các bạn í chẳng ngại làm cả những hành động lố bịch. Không chỉ chụp hình còn ngồi cười nói chê bai thẳng thừng chẳng sợ chi. Chê bai thôi chưa đủ, nhiều bạn nam còn chơi trò đoán số đo. Chẳng lạ gì khi nghe những câu kiểu như: "Em này được quá, chắc phải size 90 đây". Thật là xấu xí!
Hãy là người văn minh khi đi bơi nhé bạn. (Ảnh minh họa)
Thời trang... thượng "hãi"
Thay vì mặc những trang phục bình thường, nhiều teen đến bể bơi với trang phục... đúng hãi. Chẳng lạ gì khi thấy những cô nàng chích chòe bông lượn lờ ở nhiều hồ bơi dành cho teen. Dĩ nhiên là chẳng ai cấm con gái diện bikini đi bơi, đẹp thì mọi người còn ngưỡng mộ í chứ. Nhưng mà cố làm nó "sếch-xi" bằng cách chọn những bộ bikini quá bé, quá chật thì thật là đau con mắt.
Quốc Cường ( học sinh trường N.T.D) cho biết: "Đi bơi cũng lắm trò cười. Nhiều bạn nữ vào hồ mặc đồ "bốc" thật hết nói. Mình gặp thì kệ nhưng thật ra mình cũng chẳng thích. Mình nghĩ những bạn gái ăn mặc hớ hênh thì quá thiếu ý tứ. Con gái mà như vậy là không được rồi".
Một số teengirl chẳng hiểu vô tình hay cố ý ngang nhiên mặc những bộ đồ bơi bé hơn nhiều lần so với kích thước của mình. Chuyện các chàng đi bơi thỉnh thoảng vẫn hay thấy nhiều em mặc chiếc quần chỉ vừa "đủ che", hay những chiếc áo "sếch xi" đến độ người khác nhìn vào chẳng khác gì không mặc cũng là thường. Nhiều thứ trang phục bơi lạ hình như chỉ chắp vá vào cho có. Các nàng cứ nghĩ rằng vậy là gợi cảm, vậy là sếch- xi nhưng đâu biết vậy chỉ bị đánh giá không tốt.
Trách cứ lên án nhiều teenboy thiếu văn minh khi đến hồ bơi "rình mò", nhưng chuyện ăn mặc của nhiều nàng đúng thật là không chịu nổi. Thậm chí đến nhiều teengirl cũng đến phát sợ vì kiểu ăn mặc thượng "hãi" ấy của bạn mình.
Hãy giữ vệ sinh khi... đi bơi
Chuyện vệ sinh là chuyện muôn đời muôn thưở mà có nói đi nói lại vẫn đáng nói. Tìm đến hồ bơi, nhiều teen thản nhiên phá hoại vệ sinh chung. Nếu không phải ăn uống bị cấm thì chuyển sang khạc nhổ ngay hồ. Đây là hành động phổ biến và dễ thấy nhất vì theo lời nhiều bạn thì đó là... thói quen. Nhưng nói sao thì đó cũng chỉ là một cách bào chữa không chấp nhận được. Chẳng có thói quen nào mang tên là phá hoại vệ sinh chung nếu teen không cố tình cả.
Ngoài chuyện khạc nhổ thì phải kể đến chuyện nhiều teen mắc bệnh hay... vờ quên. Trước khi xuống hồ, nhiều nơi để tấm bảng rất to ghi rõ "tắm trước khi xuống hồ". Ấy vậy mà nhiều bạn vẫn thản nhiên mồ hôi nhẽ nhại, người đầy đất cát nhảy ùm xuống hồ bơi tắm rửa.
Xuân Lan chia sẻ: "Trước kia mình rất hay đi bơi. Nhưng nhiều lần chứng kiến mấy bạn nam sinh ngang nhiên kì cọ tráng người đầy mồ hôi thì mình... hãi. Đôi khi tắm xong về cũng không bị gì, nhưng cứ nhớ đến thì có cho tiền mình cũng chẳng dám đi nhiều".
Chưa hết, nhiều teen còn tỏ ra thích thú với việc vô tình xả thải ra hồ. Cứ đổ lỗi cho chuyện nước hồ dơ sẵn, nhiều teen chẳng ngại góp phần làm hồ thêm dơ. Vì theo những lí luận cùn thì... mình không xả thải thì người khác cũng xả. Thật là hết thuốc chữa.
Cặp kè cả trong hồ bơi
Đến hồ bơi không chỉ để bơi, nhiều cặp rủ nhau đến hồ bơi để "tình tứ". Đôi khi nó thái quá khiến mất mĩ quan chung. Teen chẳng ngại khi cặp kè ôm hôn ngay giữa hồ để bà con thiên hạ dòm vào... ngần ngại. Cứ tưởng người khác nhìn vào ghen tị, nhưng teen nào hay người khác chẳng muốn xem tí nào.
Lâu lâu những cặp như vậy lại còn la thất thanh từ đầu hồ đến giữa hồ khiến ai cũng phải chú ý. Kiểu như: "Honey ơi, em đến với anh đây và chờ em nhé người yêu nhỏ bé". Có những cặp thì "dung dăng dung dẻ" chiếm khá lớn diện tích của hồ. Cứ đứng níu níu kéo kéo ngang ra, chẳng cho ai đi qua đi lại, cứ như chốn không người vậy.
Chuyện thế là còn nhẹ, nhiều teen còn thô lỗ đến mức giựt cả quần cả áo nhau rồi chạy rượt nhau đùa nghịch, đến lúc té ầm hay xô vào người khác lại kêu la. Thậm chí chuyện lâu lâu các teen bị "lộ hàng" cũng không còn là mới mẻ. Người trong cuộc thì cứ thản nhiên, nhưng nhiều người cảm thấy khó chịu vì những hành động lố lăng quá mức ấy. Có cần thiết không khi phải đến hồ bơi để... yêu?
Hãy là người văn minh khi đi bơi
Bơi là một môn thể thao rất tốt cho sự phát triển ở tuổi mới lớn. Nó lại là môn thể thao giải trí hiệu quả sau những giờ học căng thẳng. Thế nhưng, văn minh ở hồ bơi nhiều teen lại quên mất. Teen không thích những hành vi xấu xí của các bạn khác ở bể bơi thì hãy tự ý thức với bản thân mình trước teen nhé. Khi mỗi teen đều tự giác giữ gìn thì mọi chuyện sẽ được cải thiện đáng kể đấy!
Theo kênh 14