Tây Ninh: Theo dõi từ xa để phát hiện bệnh đậu mùa khỉ tại cửa khẩu quốc tế
Theo Sở Y tế Tây Ninh, ngành y tế thực hiện giám sát nhiệt độ tự động theo dõi từ xa tại các cửa khẩu đối với người nhập cảnh về VN, để kịp thời phát hiện ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Ngày 15.10, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh cho biết, để kịp thời phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đối với các trường hợp nhập cảnh về Việt Nam, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện giám sát nhiệt độ tự động theo dõi từ xa tại các cửa khẩu quốc tế.
Tây Ninh kiểm soát chặt chẽ các ca mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đối với người nhập cảnh. ẢNH GIANG PHƯƠNG
Cụ thể, tại các cửa khẩu, ngành y tế chuẩn bị phòng cách ly tạm thời, không thực hiện lấy mẫu xét nghiệm mà chuyển về cơ sở cách ly điều trị để thực hiện các bước tiếp theo.
Tỉnh Tây Ninh hiện có 3 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam. Tỉnh này còn có 3 cửa khẩu quốc gia là Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân cùng 10 cửa khẩu phụ.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó giám đốc Sở Y tế Tây Ninh, trước thông tin về ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM ngày 3.10, theo hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế, ngành đã triển khai kế hoạch công tác giám sát tại các cơ sở y tế trực thuộc.
Giám sát chặt chẽ bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu quốc tế
Theo đó, khi ghi nhận trường hợp bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương thực hiện phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả, đảm bảo phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế. Đồng thời báo ngay cho đơn vị y tế dự phòng để phối hợp điều tra, truy vết.
Tất cả các trường hợp nhập cảnh về Việt Nam đều được giám sát để phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Trong ảnh, người dân làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. ẢNH GIANG PHƯƠNG
Sở Y tế cũng kiện toàn 2 đội phản ứng nhanh, sẵn sàng xuống địa bàn điều tra, truy vết các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch tễ có nghi ngờ hoặc mắc bệnh, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, đưa cách ly điều trị theo quy định.
Trước đó, tại buổi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày 12.10, TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nhận định, nguy cơ bệnh nội tại tuy không cao nhưng Tây Ninh cần thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt tại cửa khẩu quốc tế. Đồng thời, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cũng đề nghị các cơ sở y tế cần tăng cường phòng ngừa nhiễm khuẩn, xét nghiệm, giám sát, chú trọng đối tượng có nguy cơ cao, điều tra dịch tễ, kiểm soát nguồn lây (lây khi có triệu chứng), kể cả phòng khám tư nhân.
TP.HCM triển khai các giải pháp giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?
Ngành y tế TP.HCM tăng cường kiểm dịch tại các cửa khẩu, tăng cường sàng lọc tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tăng cường truyền thông trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Sáng 25.7, Sở Y tế TP.HCM đã họp bàn các giải pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, đây được xem là một nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống dịch của ngành y tế TP trong giai đoạn hiện nay.
Theo Sở Y tế, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và theo phân loại của Tổ chức y tế thế giới (WHO), Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm 1 (chưa có trường hợp xác định bệnh đậu mùa khỉ).
Căn cứ vào các yêu cầu của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc và yêu cầu các cơ sở y tế đóng trên địa bàn TP khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.
TP.HCM giám sát chặt người nhập cảnh. Ảnh ĐẬU TIẾN ĐẠT
Kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) triển khai giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Đó là giám sát thân nhiệt người nhập cảnh; triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả các người nhập cảnh. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin hành chánh, lập phiếu điều tra dịch tễ.
Sau khi điều tra dịch tễ, nếu là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ) thì kiểm dịch viên y tế hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi.
HCDC xây dựng nội dung truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh có các triệu chứng nghi ngờ hoặc yếu tố dịch tễ thông báo cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn.
Sàng lọc tại các cơ sở khám, chữa bệnh
Sở Y tế chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu (Trung tâm y tế, Trạm y tế, phòng khám) tăng cường truyền thông cho người dân khi có triệu chứng nghi ngờ phải đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần). Ở giai đoạn hiện nay, khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được khám, xét nghiệm chẩn đoán.
Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập, tư nhân (kể cả các bệnh viện bộ ngành đóng trên địa bàn TP), khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc (bệnh viện bố trí buồng khám dự phòng để khám sàng lọc, phân công nhân sự sẵn sàng khám sàng lọc khi có trường hợp nghi ngờ cần khám). Nếu là trường hợp có thể, lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Viện Pasteur TP.HCM để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp có thể kèm triệu chứng nặng; các trường hợp có thể nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện; các trường hợp xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được giao phối hợp Đơn vị nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) để tiến hành nghiên cứu ca lâm sàng đối với các trường hợp có thể. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp HCDC tập huấn về phát hiện, cách ly, chăm sóc người mắc bệnh đậu mùa khỉ cho các cơ sở y tế và các tổ chức sức khỏe dựa vào cộng đồng; các đồng đẳng viên của chương trình phòng, chống HIV/AIDS và các phòng khám khám, điều trị HIV/AIDS trên địa bàn thành phố.
Truyền thông trong cộng đồng
Sở Y tế huy động mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe của ngành y tế; mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng (như cộng tác viên dân số, tình nguyện viên tham gia chương trình sức khỏe cộng đồng...) để truyền thông, tư vấn về phát hiện và phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ đến từng hộ dân trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở Y tế sẽ huy động các tổ chức sức khỏe dựa vào cộng đồng; các đồng đẳng viên của chương trình phòng, chống HIV/AIDS và các phòng khám khám, điều trị HIV/AIDS tham gia truyền thông, tư vấn về phát hiện và phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ đối với nhóm người có quan hệ tình dục đồng giới nam. Các tổ chức này sẽ tham gia công tác truy vết khi có trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ trên địa bàn TP.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn triển khai thực hiện. Tất cả các đơn vị khi tiếp nhận các trường hợp có thể phải báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện. Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố là bộ phận thường trực để giám sát, tổng hợp, báo cáo và tham mưu cho Sở Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn.
Tăng cường xuất khẩu nông sản chính ngạch bằng đường sắt Ngày 7/10, Tổng cục Hải quan cho biết đã có các đề nghị tăng cường xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch trên các tuyến đường sắt. Công chức Hải quan Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, kiểm soát chủng loại hàng hóa thông quan qua cửa khẩu ga. Ảnh tư liệu: Nguyễn Quang Duy/TTXVN Theo Bộ Tài chính,...