Tây Ninh ra “tối hậu thư” ngăn chặn việc tự ý phân lô bán nền dự án chưa được cấp phép
Mới đây, Sở Xây dựng Tây Ninh ban hành Công văn số 781 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố về việc rà soát, ngăn chặn tình trạng các tổ chức, cá nhân tự ý phân lô, bán nền chưa thực hiện các thủ tục theo quy định.
Theo đó, qua thông tin trên Internet và mạng xã hội Facebook, hiện nay một số tổ chức, cá nhân đăng tin rao bán đất nền dự án theo hình thức phân lô bán nền gây tình trạng sốt bất động sản thời gian gần đây. Tuy nhiên, qua kiểm tra các dự án trên, hầu hết chưa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, do đó không đủ điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định.
Sở Xây dựng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện và thành phố Tây Ninh rà soát, ngăn chặn kịp thời và hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở và kinh doanh bất động sản theo quy định Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và các quy định pháp luật liên quan.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, thời điểm năm 2017, trên địa bàn phường 3, thành phố Tây Ninh có hiện tượng phân lô bán nền công khai (các hộ gia đình, cá nhân treo pa-nô, quảng cáo phân lô tại khu vực đất bán). UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra về đất đai, quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Tây Ninh.
Về việc quản lý thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh dẫn thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản năm 2018 cơ bản vẫn giữ được sự phát triển ổn định, các phân khúc thị trường và sản phẩm có sự tái cơ cấu hợp lý hơn. So với Hà Nội và TPHCM, bất động sản ở các tỉnh cũng không thua kém về sức hút đầu tư, đặc biệt là những dự án hạ tầng đã và đang hình thành.
Riêng tại tỉnh Tây Ninh, Sở Xây dựng cho biết trên địa bàn tỉnh chưa có dự án bất động sản lớn, các dự án đã và đang triển khai có quy mô nhỏ dưới 10 ha. Cụ thể như dự án nhà ở xã hội HQC Tây Ninh (TP Tây Ninh), dự án khu dân cư Vạn Phát Hưng (huyện Dương Minh Châu).
Về nhà ở thương mại hiện có các dự án đã và đang thi công đưa vào sử dụng gồm: khu nhà phố shophouse Tây Ninh của Tập đoàn Vingroup, khu dân cư Phú Thịnh, dự án khu phố thương mại thị trấn Trảng Bàng, khu dân cư Thuận Lợi giai đoạn 1. Đồng thời, dự án khu phố thương mại Mai Anh 2 được UBND tỉnh công nhận chủ đầu tư và đang thực hiện các bước tiếp theo…
Trên cơ sở Quyết định số 72/2016/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 về phê duyệt chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Tây Ninh năm 2019, trong đó triển khai thực hiện và kêu gọi đầu tư 22 dự án. Về nhà ở thương mại tại TP Tây Ninh có 5 dự án, các huyện có 14 dự án; về nhà ở xã hội có 3 dự án.
Video đang HOT
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu đầu tư khu đô thị mới trên địa bàn TP Tây Ninh như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam.
Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh các giải pháp như: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các chủ đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở triển khai đúng tiến độ.
Với các dự án không triển khai hoặc chậm triển khai, kiên quyết thu hồi theo quy định. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, sớm cung cấp sản phẩm cho thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư và triển khai nhanh các dự án nhà ở.
Sau khi có kết quả thanh tra, UBND tỉnh giao UBND Thành phố tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai phạm, thiếu sót trong việc lập, điều chỉnh, công bố quy hoạch; tổ chức thực hiện quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng sai quy hoạch, thu chưa đúng, chưa đủ tiền chuyển mục đích theo đúng quy định; đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém như đã nêu, nhất là nâng cao năng lực quản lý, điều hành, không để xảy ra các sai phạm tương tự.
UBND TP Tây Ninh cũng giao Sở Xây dựng thực hiện các biện pháp củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tham mưu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhằm chấn chỉnh những thiếu sót.
Song song đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng đánh giá, rà soát lại quy hoạch đô thị, nhất là tại các khu vực đã thanh tra, xem xét, tham mưu UBND tỉnh chủ trương điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, Sở tiếp tục tham mưu hoặc hướng dẫn trình tự thủ tục liên quan đến việc phân lô bán nền trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu hoặc có hướng dẫn trình tự, thủ tục tách thửa theo quy định của pháp luật bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Cụ thể, Sở tham mưu điều chỉnh Quyết định số 4/2016/QĐ-UBND ngày 29.2.2016 của UBND tỉnh Tây Ninh về ban hành quy định về hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất, diện tích tối thiểu được phép tách thửa của người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã soạn dự thảo và thông qua UBND tỉnh, đang phối hợp với các sở, ngành tiếp tục lấy ý kiến cộng đồng dân cư, đối tượng chịu sự tác động lần 2 và dự kiến trình UBND tỉnh trong tháng 4/2019.
Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Sở Xây dựng sẽ hướng dẫn về quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê trong đó có trình tự thủ tục liên quan đến việc phân lô bán nền theo đúng quy định nhằm giúp tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các dự án nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đất đai năm 2013. Theo Sở Xây dựng, các thị trấn trong tỉnh “chưa có hiện tượng phân lô bán nền”.
Nam Phong
Theo Nhịp sống kinh tế
'Điểm mặt' các sai phạm tại Hancorp
Kiểm toán nhà nước vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp).
Cụ thể, Hancorp chưa xác định lại kết quả kinh doanh các dự án bất động sản ; quyết toán dự án khi chưa hoàn thành, hạch toán một số chi phí chưa phù hợp ảnh hưởng đến việc xác định lợi nhuận, nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Hancorp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 15/8/2014 với số vốn điều lệ hơn 1.410 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 98,83%, tương đương gần 1.394 tỷ đồng. Ngày 20/10/2016, giao dịch đầu tiên trên sàn UpCom (mã HAN) với giá tham chiếu 12.500 đồng/cổ phần.
Đến thời điểm kiểm toán, Bộ Xây dựng chưa phê duyệt quyết toán, xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần là chưa phù hợp với quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
Hancorp bị điểm mặt nhiều sai phạm.
Tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần (15/8/2014), Hancorp đã không ghi nhận tăng giá trị tài sản các mục này song trong báo cáo quyết toán vốn Nhà nước ghi nhận là khoản phát sinh tăng vốn Nhà nước với giá trị 17,3 tỷ đồng. Cơ quan kiểm toán cho rằng việc ghi nhận tăng giá trị vốn Nhà nước như vậy là không phù hợp.
Còn tại dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Đoàn ngoại giao tại Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Kiểm toán Nhà nước chỉ ra Hancorp chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích xây dựng 3.005 m2 để làm nhà ở cao tầng cho người nước ngoài.
Tiền sử dụng đất của các diện tích này tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (1/1/2012) được tư vấn định giá theo đơn giá tạm tính 15,5 triệu đồng/m2 tương ứng tổng giá trị là 59,1 tỷ đồng. Đến thời điểm kiểm toán, các khu đất này chưa triển khai thực hiện", nguồn tin cho hay.
Tại Dự án Khu dân cư Phước An - Long Thọ (Đồng Nai), Hancorp thực hiện bàn giao toàn bộ diện tích đất 207.274 m2 cho UBND huyện Nhơn Trạch theo các quyết định thu hồi đất trên.
"Trên báo cáo quyết toán vốn nhà nước, Tổng công ty ghi giảm giá trị vốn nhà nước 33.132 triệu đồng là không có cơ sở khi chưa có ý kiến của cấp thẩm quyền đối với các khoản chỉ phí đã phát sinh trên", Kiểm toán nhà nước nêu.
Cũng theo kết luận kiểm toán, tại dự án tổ hợp nhà ở đa năng 28 tầng Làng quốc tế Thăng Long, Hancorp đã thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước về tiền sử dụng đất là 119 tỷ đồng, nhưng lại chưa thực hiện nộp về ngân sách Hà Nội phần giá trị tương ứng với "phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành của 30% diện tích sàn căn hộ của dự án".
Kiểm toán nhà nước yêu cầu Hancorp thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tại Báo cáo kiểm toán này và báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán nhà nước trước ngày 31/05/2019.
Ngọc Vy
Theo VTC News
Thị trường nhà đất nóng sốt thất thường, Long An khuyến cáo người dân thận trọng trước khi xuống tiền Hơn 1 năm trở lại đây, thị trường bất động sản (BĐS) tại Long An liên tục "sốt". Theo ghi nhận, các giao dịch mua, bán BĐS tại những vùng giáp ranh với TPHCM hiện nay phần lớn vẫn là để đầu cơ, nhu cầu về nhà ở thực sự không quá cao. Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng,...