Tây Nguyên ‘oằn’ mình trong đại hạn lịch sử
Hồ chứa trơ đáy nứt nẻ, giếng đào sâu 40 m không có nước khiến hàng hàng nghìn hecta cà phê, tiêu, lúa… chết cháy và người dân Tây Nguyên vùng “rốn” hạn cũng không còn cả nước sinh hoạt.
Trong cơn hạn hán kéo dài nhiều tháng qua, hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn khoảng 30-40% so với dung tích thiết kế. Tại Đăk Lăk có 250 hồ cạn nước, con số này ở Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai lần lượt là 17-40-5 hồ.
Trong ảnh là hồ Iamơnông rộng 69 ha trơ đáy ở huyện Chư Păh, Gia Lai. Đây cũng là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của trận hạn hán khắc nghiệt được đánh giá nghiêm trọng nhất hai mươi năm qua.
Không chỉ hồ chứa, tất cả giếng đào sâu 30-40 m cũng không có nước. “Mình đã đào 42 m, tạt ngang 3 m nữa nhưng cứ bơm chừng 10 phút là hết nước. Hiện không thể đào sâu thêm vì tiền công nhiều, lại gặp đá tảng”, Anh Hồ Duy Hoàng, chủ 3 hecta cà phê ở huyện Chư Sê cho hay.
Thiếu nước, hàng nghìn ha lúa trên các cánh đồng ở phía tây tỉnh Gia Lai cháy khô, giờ làm nguồn thức ăn cho trâu bò.
“Lúa đương bông nhưng chẳng có giọt nước nào nên cháy vàng, lép xẹp, mình đành để cho bò ăn thôi. Năm nay đói rồi, đồng bào mình chỉ dựa vào đây nên chờ chính quyền cứu trợ thôi”, chị Rơ Châm Chút ở huyện Chư Pưh than thở.
Việc thiếu nước tưới khiến hàng trăm nghìn ha cà phê ở Tây Nguyên queo quắc. Bà Nguyễn Thị Nga ở huyện Chư Pưh có 5 sào cà phê nhưng phần lớn đã chết khô do 2 tháng nay do chỉ được tưới một lần.
Hàng loạt gia đình đã nhổ cọc, phá bỏ cây tiêu vì không có nước tưới. “Giờ nước sinh hoạt cho người còn phải tằn tiện lấy đâu ra nước tưới. Tiêu giúp mình làm giàu mấy năm nay giờ phải nhổ bỏ. Lâu lắm rồi làng này mới thấy hạn hán khốc liệt như năm nay”, ông Võ Lâm Ba huyện Chư Pưh chia sẻ.
Video đang HOT
Dọc theo các tuyến đường dẫn vào rẫy tiêu, cà phê, người dân đua nhau đào, khoan giếng mới hoặc đào sâu hơn các giếng cũ để tìm nước. Nhiều chủ vườn cho biết phải vay ngân hàng, mượn tiền bà con ở xa để đào giếng bởi mỗi cái tốn 60-70 triệu đồng.
Nước sinh hoạt cũng trở thành vấn đề nan giải với người dân vùng hạn. Chiều tối hoặc sáng sớm, tại các khe suối, sông cạn, người dân địu giỏ mang bình ra hứng nước về sử dụng. Nguồn nước này dùng để ăn uống, tắm giặt trong gia đình.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp, hiện có hơn 30.000 người ở Tây Nguyên thiếu nước sinh hoạt. Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên dự báo, đợt hạn hán sẽ còn kéo dài và lên đỉnh điểm vào thời gian tới.
Tại xã Hbông, nơi đang hứng chịu hạn hán khốc liệt nhất của tỉnh Gia Lai, hàng nghìn thùng nước được chính quyền địa phương hỗ trợ người dân giải “cơn khát” nước.
Chị Rơ Chăm Hân cho biết mỗi gia đình được hỗ trợ 3 thùng nước 20 lít, 3 can nhựa để chứa nên có thể yên tâm trong 10 ngày tới. “Vườn coi như bỏ rồi, người giờ cũng thiếu nước nữa mà. Giếng thì cạn khô nên nhận được nước hỗ trợ thì quý lắm”, Rơ Chăm Hân hớn hở.
Nhận định về tình hình khô hạn tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Nông nghiệp &Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng, đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc nước ta. Điều này khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa ít gây thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân.
“Mùa khô năm nay sẽ hạn gay gắt, khốc liệt nhất trong lịch sử Tây Nguyên”, ông Trần Trung Thành – Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Tây Nguyên nói.
Trước đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thị sát hạn hán tại Tây Nguyên nhận định tình hình hết sức nghiêm trọng. Ông chỉ đạo giãn nợ cho người dân, phát 500 tấn gạo mỗi tỉnh để cứu đói đồng thời chi gấp 300 tỷ xây thêm hồ chứa khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai.
Duy Trần
Theo VNE
Tây Nguyên trong 'chảo lửa' hạn hán
Ruộng đồng nứt toác, ao hồ cạn kiệt, cây cà phê và tiêu chết khô, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng... là thực trạng do hạn hán gây ra tại Tây Nguyên và ngày càng khốc liệt.
Những ngày này các tỉnh ở Tây Nguyên đang đối mặt với "cơn khát" đỉnh điểm khi hầu hết ruộng đồng nứt nẻ, cây cối chết khô... Là nơi khắc nghiệt nhất, hàng nghìn người dân Gia Lai đang tìm đủ mọi cách vét kênh, đào đất, chắt chiu từng giọt nước để cứu mùa màng. Tuy nhiên, nhiều nơi người dân đã buông tay bất lực.
Vẻ mặt rầu rĩ nhìn vườn cà phê 3 ha cháy lá, cành chết khô, anh Phùng Văn Thanh (xã Ia Đreng, huyện Chư Pứh, Gia Lai) cho biết, mấy tháng nay vườn cà phê của gia đình không có nước tưới dù bỏ ra gần 100 triệu đồng khoét sâu, đào thêm 3 cái giếng.
"Một tháng nữa không có mưa thì vườn cà phê gần 10 tuổi của tôi đành vứt bỏ. Nhiều nhà may mắn hơn vẫn còn nước để tưới nhưng họ phải kéo ống nước dài mấy cây số mới mua được nước. Chưa có năm nào tôi chứng kiến cảnh khô hạn như thế này", anh Thanh nói.
Những cánh đồng nứt nẻ, lúa khô héo để bò ăn ở Tây Nguyên. Ảnh: Nhật Hạ
Còn anh Lê Văn Phương ở thôn Thiên An, xã Ia Blứ (huyện Chư Pứh) cho hay những người trồng tiêu ở khu vực cũng gặp cảnh khốn đốn vì thiếu nước. Cây tiêu có giá trị cao nên người dân vẫn ra sức cứu, riêng cây cà phê bị chặt bỏ gần hết. Nhà nào may mắn thì mỗi ngày có nước tưới từ một đến hai giờ, còn đa số rơi vào tình trạng "sắp nhổ trụ tiêu đi bán".
"Không có nước tưới thì chỉ có chết thôi. Từ đầu mùa đến giờ tôi ăn ngủ không yên. Ngày nào tưới không đủ thì phải thức đêm canh nước. Giếng tôi đào gần 30 m, từ đáy giếng tiếp tục khoan ngang thêm 4 mũi sâu gần 300 m hy vọng có đủ nước qua khỏi mùa khô", anh Phương nói.
Thống kê của tỉnh Gia Lai cho thấy, tình trạng thiếu hụt nguồn nước đang diễn ra trên diện rộng khiến hơn 25.000 ha lúa, 21.000 ha cây công nghiệp và hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng (tăng hơn 810 ha so với cùng kỳ năm trước). Ước tính thiệt hại trên 151 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh có gần 15.000 hộ với hơn 64.000 nhân khẩu thiếu đói.
Nhận định về tình hình khô hạn tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc nước ta. Điều này khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa ít gây thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân.
"Năm ngoái Tây Nguyên có trên 95.000 ha cây trồng bị hạn. Dự kiến đến cuối tháng 3 này nếu không có mưa thì diện tích thiệt hại sẽ không dưới 167.000 ha. Nguy cơ cháy rừng đang cở cấp 4 và 5", ông Thắng nói.
Đập thủy lợi huyện Ia Grai, Gia Lai, trơ đáy. Ảnh: Nhật Hạ
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, đến tháng 4 hạn vẫn diễn ra trên diện rộng và diễn biến phức tạp. Lượng nước trên các ao hồ, công trình thủy lợi rơi vào tình trạng cạn kiệt và sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Đến thời điểm này, con số thiệt hại do hạn ở các tỉnh Tây Nguyên đều ở mức trên 100 tỷ đồng.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn khoảng 30-40% so với dung tích thiết kế, thấp hơn nhiều so với năm 2015. Tại Đăk Lăk có 115 hồ cạn nước, dự kiến đến cuối tháng 3 tăng lên 250 hồ. Tỉnh Đăk Nông 17 hồ cạn đáy, dự kiến tăng lên hơn 40 hồ, Kon Tum có 5 hồ. Đặc biệt, các hồ chứa ở Gia Lai chỉ đạt 10-50%.
Hiện có gần 28.000 hộ thiếu nước. Con số này có thể tăng lên gấp đôi trong thời gian tới, nặng nhất là Đăk Lăk với 25.000 hộ.
Ông Trần Việt Hùng - Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - cho rằng, Tây Nguyên không còn nước dồi dào, hiện tượng tụt mạch nước ngầm xảy ra nghiêm trọng. Biện pháp bền vững là sử dụng nước ngầm hợp lý trước tình trạng người dân khai thác quá mức, không có thẩm định của cơ quan chuyên môn. Đợt hạn này cũng là cơ hội để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tránh phá vỡ quy hoạch, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Ông Hùng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ nghành và các địa phương liên quan đến thủy điện thống kê lại hệ thống thủy điện ở khu vực Tây Nguyên để có giải pháp cụ thể trong việc điều phối nguồn nước. Không thể vì lợi ích trước mắt mà phát triển bằng mọi giá.
Lúa chết khô ở Tây Nguyên. Ảnh: Nhật Hạ
Riêng tại là thủy điện An Khê - Ka Nak (Gia Lai), ông Hùng kiến nghị tạm dừng hoạt động của nhà máy này để trả nước về sông Ba, đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng hạ lưu. Bởi từ khi nhà máy đi vào vận hành, nguồn nước đã bị đổi dòng đưa về sông Côn - Bình Định, nước trả về lại sông Ba chỉ còn 4m3/s. Hậu quả khiến hàng nghìn hộ dân hai bên bờ sông chịu khát.
Thực hiện giải pháp chống hạn lâu dài, 5 tỉnh Tây Nguyên đều thống nhất đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng mới các đập thủy lợi lớn. Nâng cấp, sửa chữa 48 các công trình thủy lợi nhỏ với kinh phí 300 tỷ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Chính phủ cấp gần 4.000 tấn gạo cứu đói cho 200.000 nhân khẩu. Hỗ trợ 115 tỷ cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Qua đó, đề nghị bổ sung nguồn vốn trung hạn hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư 16 công trình thủy lợi trọng điểm.
Trong chuyến công tác, thị sát tình hình hạn hán ở Tây Nguyên mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Đến tận nơi mới thấy hạn hán nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Nếu không có biện pháp lâu dài thì trong tương lai người dân sẽ chịu thiệt hại rất lớn".
Phó Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương không được để dân đói, khát, dịch bệnh xảy ra... Đồng thời yêu cầu hệ thống ngân hàng thực hiện giãn nợ, khoanh các khoản vay cho người dân tập trung chống hạn. Trước mắt, sẽ đồng ý cấp mỗi tỉnh 500 tấn gạo để cứu đói cho người dân vùng hạn nặng.
Nhật Hạ
Theo VNE
Người miền Tây phải trả 200.000 đồng cho một khối nước sông 'Khát' nghiêm trọng khi hạn và xâm nhập mặn khắc nghiệt nhất trăm năm qua hoành hành, người dân vùng sông nước phải mất 200.000 đồng để có một khối nước ngọt. Nước máy ở Bến Tre nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép, người dân phải mua nước sông. Ảnh: Cửu Long Toàn vùng Bến Tre đang bị thiên tai gay gắt, gây...