Tây Ban Nha chuyền bóng hơn 1.000 lần để làm gì?
Tây Ban Nha là đội duy nhất ở vòng 16 đội World Cup còn cố gắng triển khai lối chơi bóp nghẹt và triệt tiêu khả năng cầm bóng của đối thủ, một phong cách có lẽ không còn hợp thời.
Chiến thắng 7-0 của Tây Ban Nha trước Costa Rica vẫn là một trong những màn trình diễn ấn tượng nhất tại World Cup 2022 tính đến thời điểm này. HLV Luis Enrique có lý của mình khi vẫn trung thành với cách chơi làm nên thương hiệu cho bóng đá Tây Ban Nha hơn một thập niên qua, đấy là kiểm soát bóng và ban chuyền nhiều nhất có thể.
Tuy nhiên, “ La Roja” của năm 2022 khác xa với tập thể vĩ đại hơn một thập niên trước. Bóng đá lúc này cũng vận động liên tục và người Tây Ban Nha không thể tiếp tục lối chơi cũ khi nhiều đối thủ đã tìm ra cách khắc chế họ.
Phản công là xu thế
Điểm chung trong các chiến thắng của Hà Lan, Pháp, Brazil hay Anh ở vòng 16 đội chính là việc họ nhường đối thủ quyền sở hữu bóng trong vài thời điểm của trận đấu. Mỹ thậm chí có tới 59% thời lượng kiểm soát bóng trong cuộc đối đầu Hà Lan nhưng phần lớn đều tin rằng họ sập bẫy đối thủ. Pháp chỉ kiểm soát 55% thời lượng bóng trước Ba Lan trong khi Brazil cũng cho Hàn Quốc cầm bóng tới 46%.
Nhiều thời điểm, Mỹ, Senegal, Ba Lan hay Hàn Quốc có thế trận áp đảo những ứng viên vô địch World Cup 2022 và tạo cho người ta cảm giác họ đủ sức ghi bàn. Ba Lan, Mỹ và Hàn Quốc cuối cùng đều ghi được bàn danh dự nhưng về mặt thế trận, họ bị tổn thương vào đúng những thời điểm dâng đội hình lên cao nhất.
Tây Ban Nha có kỳ World Cup thứ hai liên tiếp bị loại ở vòng 16 đội. Ảnh: Reuters.
Nói như Jose Mourinho thì “càng cầm nhiều bóng, càng dễ mắc sai lầm”. Hà Lan, Brazil hay Pháp tận dụng hoàn hảo thời điểm đối thủ cầm bóng để tung ra những pha phản công ghi bàn. Đó là xu thế của World Cup 2022, giải đấu chứng kiến các đội bóng lớn không tập trung vào việc kiểm soát hay chuyền bóng, thay vào đó nâng cao tốc độ trong việc chuyển trạng thái từ phòng ngự sang phản công.
Loxston, thành viên Tiểu ban Kỹ thuật của FIFA ở World Cup 2022, phân tích: “Những gì chúng tôi thấy ở vòng bảng là các đội đang chơi phản công nhiều hơn. Càng giành lại bóng nhanh hơn, càng có nhiều cơ hội ghi bàn hơn”.
Cựu HLV người Italy, Alberto Zaccheroni, người cũng nằm trong Tiểu ban Kỹ thuật FIFA ở giải này, nhấn mạnh: “Phản công vốn rất quan trọng trong bóng đá. Nhưng ngày nay, nó thậm chí còn quan trọng hơn”.
Bóng đá cấp CLB cũng chứng kiến điều tương tự khi Real Madrid vô địch Champions League vào tháng 5 mà không cần lối đá kiểm soát toàn diện. Và muốn phản công, các đội phải để đối thủ cầm bóng. Tây Ban Nha lại đi ngược xu thế đó, khi cố gắng chuyền nhiều và triệt tiêu thời lượng kiểm soát bóng của đối thủ.
Video đang HOT
Kể từ năm 1966, “La Roja” là đội duy nhất trong lịch sử thực hiện hơn 1.000 đường chuyền trong một trận đấu tại World Cup. Cả 4 trận đấu ghi nhận một đội thực hiện số đường chuyền nhiều hơn 1.000 đều thuộc về “La Roja”.
Đứng đầu là trận đấu với Nga tại vòng 16 đội World Cup 2018 khi Tây Ban thực hiện 1.115 đường chuyền. Tới trận gặp Nhật Bản tại vòng bảng vừa qua, họ thực hiện 1.058 đường chuyền. Trước Costa Rica, đội bóng của HLV Enrique chuyền 1.045 lần. Khi chạm trán Morocco ở World Cup 2022, “La Roja” chuyền tổng cộng 1.019 lần. 3 trên 4 trận đấu kể trên đều kết thúc với thất bại cho Tây Ban Nha.
Nếu 4 năm trước, một “La Roja” gặp nhiều vấn đề nội bộ cũng như chất lượng đội hình suy giảm đã thua Nga trên chấm luân lưu thì ở giải đấu tại Qatar, họ được đánh giá cao hơn với một hệ thống nhuần nhuyễn cùng những kết quả khởi sắc dưới thời Enrique. Nhưng kết quả chung với tuyển Tây Ban Nha ở hai kỳ World Cup gần nhất vẫn là bị loại sau loạt luân lưu.
Bóng đá là câu chuyện của thành tích và khi một đội tuyển tắm hai lần trên cùng một dòng sông, họ cần phải xem lại mình. Thực tế, nếu tính cả thất bại ở EURO 2020, tuyển Tây Ban Nha đã tắm ba lần trên dòng sông mang tên kiểm soát bóng và luân lưu.
Vừa để đối thủ cầm hòa trong thời gian thi đấu chính thức, vừa thua ba lần liên tiếp trên chấm 11 m thì không còn là thiếu may mắn nữa. Tây Ban Nha cần xem lại mình.
Tây Ban Nha nên thay đổi?
Quan điểm cầm bóng là cách tốt nhất để phòng ngự của Pep Guardiola hay nhiều HLV Tây Ban Nha vẫn đáng được tôn trọng. Nhưng nó sẽ vô nghĩa nếu họ thất bại. Man City và Pep chưa thể vô địch Champions League, một giải đấu cúp có tính chất tương tự World Cup trong khi Tây Ban Nha không thắng một trận đấu knock-out nào tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh kể từ trận chung kết trên đất Nam Phi năm 2010.
Đối đầu Nhật Bản, họ trở thành đội đầu tiên trong lịch sử kiểm soát tới 82,3% thời lượng bóng nhưng vẫn thua. Sau chiến thắng lịch sử trước Tây Ban Nha, HLV Hajime Moriyasu nói: “Chúng tôi không quan tâm đến khả năng kiểm soát bóng của Tây Ban Nha bởi mục tiêu chính của đội là tìm khoảng trống sau lưng hàng thủ của họ, gây sức ép và dùng tốc độ để tấn công”.
Morocco chưa thể ghi bàn vào lưới Tây Ban Nha như Nhật Bản nhưng họ đã có những cơ hội ghi rõ rệt. Nếu Walid Cheddira không bỏ lỡ những cơ hội cuối trận, Morocco đã có thể kết liễu “La Roja” trong thời gian thi đấu chính thức.
Chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) của Tây Ban Nha trận này chỉ là 0,74, kém cả Morocco với 0,85. Đội bóng châu Âu chỉ có một cú sút trúng đích trong khi đại diện Bắc Phi có hai. Hàng phòng ngự của đại diện châu Phi cũng được tổ chức tốt và nằm trong số những đội để thủng lưới ít nhất ở giải đấu năm nay. Chưa đối thủ nào tại World Cup 2022 ghi được bàn vào lưới thủ môn Yassine Bounou ngoại trừ chính đồng đội của anh trong trận gặp Canada (phản lưới).
Tính xa hơn, kể từ khi HLV Walid Regragui lên dẫn dắt Morocco vào cuối tháng 8, đội bóng này chưa từng để đối thủ nào ghi bàn. Những dữ kiện đó có thể lý giải phần nào cho thế trận khó khăn của Tây Ban Nha trước Morocco. “La Roja” của năm 2022 là một tập thể với hàng tiền vệ mạnh nhưng hàng công có chất lượng không cao.
Marco Asensio, Dani Olmo hay Ferran Torres đều không phải những cầu thủ hay nhất ở vị trí của mình. Họ chưa bao giờ được coi là các chân sút có hiệu suất ghi bàn đáng nể trong sự nghiệp. Alvaro Morata cũng không phải tiền đạo có tỷ lệ ghi bàn cao. Mùa này, anh mới ghi 5 bàn cho Atletico sau 19 lần ra sân.
Morata đã ghi 3 bàn ở World Cup năm nay nhưng hiếm khi được HLV Enrique cho đá cả trận. Trước Morocco, trung phong đúng nghĩa duy nhất của Tây Ban Nha ở giải này chỉ vào sân ở phút 63. Có thể “La Roja” đã lại không gặp may trên chấm 11 m.
Nhưng nhìn cách những đội bóng lớn khác thắng thuyết phục ở vòng 16 đội World Cup 2022 bằng một lối chơi phòng ngự phản công tốc độ, người Tây Ban Nha phải chăng nên thay đổi?
Ngược dòng hạ 'La Roja', 'Samurai xanh' tạo kỳ tích châu Á
Đại diện châu Á - Nhật Bản có quyền tự quyết khi chỉ cần thắng Tây Ban Nha trong cuộc đối đầu diễn ra trên sân Khalifa vào 2 giờ rạng sáng 2-12, là giành vé Nhất bảng, mà không cần quan tâm đến kết quả trận giữa Đức và Costa Rica.
Nếu cầm hòa Tây Ban Nha, 'Samurai xanh' vẫn có thể đi tiếp nếu Đức hòa hoặc thắng với tỷ số tối thiểu Costa Rica. Tuy nhiên, không ai nghĩ Nhật có thể giành chiến thắng trước 'La Roja'.
Doan mừng bàn thắng gỡ hòa cho Nhật. Ảnh: Skysport
Bước vào lượt trận cuối của bảng E, cả 4 đội Tây Ban Nha (4 điểm), Nhật Bản (3 điểm), Costa Rica (3 điểm) và Đức (1 điểm) đều có cơ hội đi tiếp và nguy cơ bị loại. Trong cục diện này, Tây Ban Nha có lợi thế nhất khi chỉ cần không thua Nhật là giành vé đi tiếp. Tuy nhiên, "La Roja" vẫn có thể dừng bước nếu thua Nhật Bản và Costa Rica thắng Đức hoặc Đức thắng Costa Rica trên 7 bàn.
Quyết tâm giành chiến thắng, Tây Ban Nha đẩy cao đội hình tấn công ngay khi tiếng còi khai cuộc, buộc "Samurai xanh" lui về phòng ngự sâu bên phần sân nhà. Kỹ năng kiểm soát bóng vượt trội với lối chơi tiki-taka danh tiếng, "La Roja" chiếm lĩnh hoàn toàn thế trận và sớm có bàn thắng dẫn trước. Phút 12, từ đường câu bóng vào vòng cấm của Azpilicueta, Morata bật cao đánh đầu ở cự ly khoảng 5m làm tung lưới thủ thành Gonda.
Sự vượt trội của đội bóng xứ sở đấu bò tót thể hiện qua tỷ lệ kiểm soát bóng có lúc lên tới 87% trong hiệp 1. Tuy nhiên, "Samurai xanh" thi đấu phòng ngự kiên cường, với số đông bên ngoài vòng cấm khung thành của Gonda, không để thua thêm trong hiệp 1.
Nhật Bản hy vọng có sự cải thiện thế trận trong hiệp 2, khi HLV Moriyasu đưa Doan và Mitoma vào sân thay Kubo và Nagamoto. Cũng như trong trận gặp Đức, các "Samurai xanh" vùng lên mạnh mẽ, tranh chấp quyết liệt ngay bên phần sân đối phương ngay khi trở lại sau giờ giải lao.
Sự chủ động của tấn công của các cầu thủ Nhật có lẽ khiến "La Roja" bất ngờ và bộc lộ sơ hở trong phòng ngự. Phút 48, các cầu thủ Nhật tranh cướp bóng quyết liệt và đoạt được bóng bên phần sân đối phương, chuyền cho Doan để cầu thủ này tung cú sút quyết đoán ngay từ ngoài vạch 16,50m, bóng đi rất căng, thủ môn Unai Simon chạm tay vào bóng nhưng đi luôn vào lưới. Nhật Bản gỡ hòa 1-1.
Chưa đầy 1 phút sau, các cầu thủ Nhật lại đưa được bóng vào lưới, VAR vào cuộc xem bóng có đi hết đường biên ngang trước khi Tanaka đưa bóng vào lưới hay không. Trọng tài mất vài phút để tham khảo và xác định bàn thắng hợp lệ. 2-1 nghiêng về Nhật Bản thật khó tin chỉ trong vài phút đầu hiệp 2.
Lập tức Tây Ban Nha có sự điều chỉnh khi thay liền 3 cầu thủ Asensio, Torres và Cavajal vào thay Morata, Williams và Azpilicueta. Đội bóng của HLV Luis Enrique tiếp tục kiểm soát bóng, ép sân Nhật Bản với những pha lên bóng tấn công dồn dập. "Samurai xanh" lui về phòng ngự số đông, tạo thành lá chắn nhiều tầng lớp trước khung thành thủ môn Gonda, để bảo toàn tỷ số. Một vài pha bóng, Olmo thoát xuống dứt điểm, Fati sút xa, nhưng không thắng được thủ môn Gonda và hàng phòng ngự Nhật Bản.
Thi đấu quả cảm, Nhật Bản bảo toàn tỷ số 2-1, giành chiến thắng đầy bất ngờ trước Tây Ban Nha hùng mạnh, để vào vòng 16 đội với tư cách đầu bảng E. Thất bại, nhưng Tây Ban Nha vẫn đi tiếp ở vị trí Nhì bảng, khi ở trận đấu cùng giờ, Đức chỉ thắng Costa Rica 4-2.
N.MINH
Công nghệ VAR xác định bóng chưa đi hết đường biên ngang. Ảnh: Skysport
Tanaka (giữa) ghi bàn nâng tỷ số cho Nhật Bản. Ảnh: Skysport
Morata ghi bàn mở tỷ số cho Tây Ban Nha. Ảnh: Skysport
Các cầu thủ Nhật chia vui với người hâm mộ. Ảnh: AUAsia
World Cup 2022: Bảng E - Tây Ban Nha sẵn sàng cho trận ra quân gặp Costa Rica Không có đội bóng nào trên thế giới thua nhiều trận ra quân ở World Cup như Tây Ban Nha, với 7 lần thất bại. Chính vì vậy, HLV Luis Enrique đang nỗ lực chuẩn bị để giúp các học trò 'không đi vào vết xe đổ' của quá khứ trong lần ra quân gặp Costa Rica trong khuôn khổ bảng E của...