Tây Bắc hết cảnh “vác rá” đi xin lương thực cứu đói
Nghĩ đến Tây Bắc là người ta nghĩ đến đói nghèo, nhất là những dịp tết đến, xuân về – những kỳ giáp hạt. Tuy nhiên, vài năm gần đây, các tỉnh Tây Bắc đã chủ động gạo cứu đói cho người dân, không cần phải “vác rá” đi xin Trung ương như trước.
Không để ai thiếu đói
Trong niềm vui với sự khởi sắc đầu xuân trên miền quê nghèo nhất cả nước, chúng tôi tìm về huyện Quỳnh Nhai – một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, nhưng vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ di dân tái định cư thủy điện Sơn La, dành những phần đất thuận lợi nhất trong sản xuất cho lòng hồ thủy điện.
Từ xã Chiềng Khoang, chúng tôi đến với những bản làng thuộc xã Chiềng Bằng, Mường Chiên, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn… trong huyện Quỳnh Nhai và cảm nhận được những nét hân hoan chào xuân mới trên gương mặt mỗi con người nơi đây.
Tết ấm no, người Thái Mường La lại rộn ràng làm cốm đón xuân. Ảnh: V.C
Điều đó không khỏi làm chúng tôi ngạc nhiên bởi Quỳnh Nhai xưa nay vốn là vùng đất nhiều khó khăn và càng khó khăn hơn khi những cánh đồng lúa nước, nương vườn bằng phẳng (vốn chỉ có ở những nơi cửa sông, vùng đất thấp) đã chìm dưới lòng hồ, thay vào đó là nếp sống mới hoàn toàn: Canh tác trên mặt nước và đất dốc.
Bà Triệu Thị Ngân – Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Quỳnh Nhai cho biết, năm nay huyện có 756 hộ (2.928 nhân khẩu) thuộc diện thiếu đói, cần được được hỗ trợ gạo trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Theo quyết định này, trung bình mỗi nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 15kg gạo/khẩu, tổng số gạo hỗ trợ là 43.920kg, đơn giá 14.000 đồng/kg. Tất cả nguồn kinh phí hỗ trợ lấy từ “nguồn đảm bảo xã hội” giao trong dự toán thu – chi ngân sách từ đầu năm 2019 của UBND huyện cho Phòng LĐTBXH huyện Quỳnh Nhai và đã được chuyển đến tận tay bà con trước Tết Nguyên đán.
Video đang HOT
Bà Ngân cho biết thêm, để giúp các hộ dân đảm bảo an ninh lương thực trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, UBND huyện Quỳnh Nhai đã thành lập 11 tổ công tác tiến hành rà soát, thẩm định tại 11/11 xã trong huyện về các hộ thiếu đói. Trên cơ sở rà soát, các tổ đã tiến hành lập danh sách các và cân đối ngân sách mua lương thực hỗ trợ các hộ thiếu đói. Nguồn kinh phí hỗ trợ gạo này lấy từ nguồn ngân sách của UBND huyện Quỳnh Nhai giao trong dự toán thu – chi ngân sách từ đầu năm 2019 của UBND huyện cho Phòng LĐTBXH, không phải nguồn ngân sách xin hỗ trợ của UBND tỉnh Sơn La và Chính phủ.
Chủ động “cứu đói” cho mình
Đến với bản Hua Tạt (xã Vân Hỗ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) – nơi cư trú của 100% đồng bào Mông với sự “nổi tiếng” bởi thiên nhiên khắc nghiệt. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào nơi đây đã có nhiều khởi sắc.
Anh Tráng A Chu – dân bản Hua Tạt, thật thà bảo: “Trước đây thì cứ tết đến là người Mông, Người Thái, Xinh Mun… ở đây lại ngóng chờ Nhà nước hỗ trợ gạo ăn, cho quà tết. Nhưng bây giờ khác rồi, nhờ cơ chế khuyến khích làm ăn hợp lý, có hỗ trợ của Nhà nước, hầu hết chúng tôi đã lo đủ lương thực cho mình, nhiều họ còn có của ăn, của để. Hộ nghèo, khó khăn không phải không còn nhưng chúng tôi được cán bộ hướng dẫn cách giúp đỡ nhau để mọi nhà không đói, để “mọi nhà đều có tết”.
Nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Ngay những năm đầu của thập kỷ này, đời sống nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Ông Lê Văn Thăng – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lai Châu cho biết, do tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh còn cao, nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu ăn trong thời kỳ giáp hạt. Vì vậy, tỉnh Lai Châu vẫn xin Chính phủ cấp gạo cứu đói cho hộ nghèo trên địa bàn trong dịp “tháng ba, ngày tám”, nhưng không nhiều.
Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lai Châu đã có những quyết sách đúng đắn, lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng vụ, đưa cây, con giống mới vào sản xuất, chủ động giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Ông Dương Xuân Hương – Chánh Văn phòng Sở LĐTBXH tỉnh Sơn La chia sẻ, trước đây, Sơn La là một trong nhiều tỉnh khó khăn, số người dân đói cần cứu trợ đông. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tỉnh Sơn La đã có thể chủ động được lương thực, không phải xin Chính phủ cấp gạo cứu đói trong dịp tết và trong thời kỳ giáp hạt nữa.
Theo Danviet
Xuống hồ thủy điện "làm ruộng", thành triệu phú cá lồng
Đó là anh Lềm Văn Sơn, dân tộc Thái, ở bản Bung (xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), một chi hội trưởng nông dân năng động, nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào. Tích cực vận động hội viên tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế với mô hình nuôi cá lồng, giúp nhiều hội viên đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Xuất thân từ gia đình làm nông nhưng với sự nhiệt tình, năng nổ, anh Sơn được bà con dân bản tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng chi Hội nông dân bản Bung. Không chỉ nhiệt tình với công tác Hội mà anh còn là một tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi, với mô hình nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ sông Đà, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La rất thuận lợi, môi trường nước sạch, cá lớn nhanh, ít dịch bệnh.
Anh Sơn chia sẻ: Năm 2009, "vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc", gia đình anh cũng như nhiều hộ dân khác ở huyện Quỳnh Nhai đã di chuyển đến nơi ở mới để dành đất xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Khi thủy điện tích nước đã hình thành mặt nước rộng lớn trên vùng lòng hồ, là tiềm năng cho người dân khai thác nuôi thủy sản. Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn bà con dân bản phát triển kinh tế bằng nuôi cá lồng.
Theo anh Sơn, nương rẫy, ruộng lúa đều đã chìm nghỉm cả dưới sông, số đất được Nhà nước cấp không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của gia đình, vì thế anh Sơn nghĩ bụng chỉ có nuôi cá lồng là hợp lý. Năm 2012, được Hội Nông dân huyện, xã tổ chức cho một số hội viên đi thăm quan các mô hình nuôi cá lồng tại tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, anh Sơn cũng được tham gia. Thấy người dân ở đó nuôi cá lồng đều có thu nhập ổn định, sau chuyến thực tế trở về, anh bàn với gia đình đầu tư hơn 50 triệu đồng, làm liền 8 cái lồng cá.
Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên cá lồng của anh Sơn lớn nhanh, mỗi năm thu được 5 - 6 tấn cá.
Được tham gia học hỏi kinh nghiệm tại các lớp tập huấn, hướng dẫn cách nuôi cá do Trạm khuyến nông và Tổ tư vấn hỗ trợ thủy sản huyện Quỳnh Nhai tổ chức và học thêm kinh nghiệm của những người nuôi trước, chỉ sau thời gian ngắn từ cách chăm sóc đến phòng dịch bệnh cho cá anh đều thuần thục.
Mới đầu, chưa có kinh nghiệm nên anh không dám mạo hiểm nuôi nhiều, chỉ nuôi cá trắm và cá nheo. Sau một năm, thấy cá lớn nhanh, chi phí đầu tư ít, cá bán chạy. Với số tiền tích góp được anh Sơn tiếp tục đầu tư làm thêm 4 lồng, cứ thế mỗi năm làm tăng thêm vài lồng, đến nay anh đã có 16 lồng cá trong tay. Trung bình mỗi lồng có thể nuôi từ 1 - 1,5 tấn cá, ước tính mỗi năm anh xuất bán từ 5 - 6 tấn cá, giá bán giao động từ 70.000 đồng/kg - 100.000 đồng/kg tùy từng loại cá và trọng lượng của cá. Sau khi trừ chi phí mỗi năm anh lãi gần 200 triệu đồng.
Mặt nước rộng rất thuận lợi cho việc nuôi cá lồng
Từ ngày gắn bó với nghề nuôi cá lồng thu nhập của gia đình ngày càng ổn định. Nuôi cá lồng hiệu quả anh Sơn còn tích cực vận động các hội viên nông dân trong bản cùng nuôi cá lồng, thấy vậy ai nấy đều tham gia làm theo. Đến nay, từ nuôi cá lồng nhiều hội viên đã có thu nhập từ 100 triệu đồng - 200 triệu đồng. Thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, trồng sắn, nhiều gia đình từ hộ nghèo, nay đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để.
Anh Sơn bảo: Cá nuôi từ 6 - 7 tháng là có thể xuất bán.
Chia sẻ kinh nghiệm anh Sơn nói rằng: Để tạo được lòng tin của khách hàng thì cá nuôi phải ngon, mà muốn cá ngon thì không nên dùng thức ăn công nghiệp. Nên cách nuôi của anh Sơn là chỉ cho cá ăn các loại thức ăn tự nhiên như: Cỏ voi, cây chuối, sắn, cá tép mương, tép dầu bắt dưới sông... Và để cung cấp đủ nguồn thức ăn cho cá, anh làm 6 chiếc vó bè có kích cỡ mắt lưới theo đúng quy định đặt sẵn dưới sông để bắt cá tép sông, tép dầu, tôm... làm thức ăn cho cá lăng, cá nheo. Còn trên nương anh trồng cây chuối, sắn, cỏ voi làm thức ăn cho cá chép, cá trắm, cá rô, cho nên anh Sơn nuôi được rất nhiều khách hàng ưa thích.
Theo anh Sơn, để cá ngon thì không nên dùng thức ăn công nghiệp, chỉ nên cho cá ăn các loại thức ăn tự nhiên như: Cỏ voi, sắn, cây chuối, cá tép sông...
Nhờ chăm chỉ, dám nghĩ, dám làm, anh Sơn đã được Hội Nông dân xã, huyện công nhận là hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Với việc duy trì 16 lồng cá, thu nhập của gia đình anh Sơn ngày càng nâng lên. Anh Sơn dự tính thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng số lồng nuôi thêm cá để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Không chỉ năng động, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá lồng, làm giàu cho gia đình, anh Lềm Văn Sơn còn là chi hội trưởng chi Hội Nông dân có trách nhiệm, nhiệt tình với phong trào. Những kinh nghiệm nuôi cá lồng hay, kỹ thuật nuôi cá lồng tốt mà anh tích lũy được, anh sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ các gia đình hội viên, nông dân trong bản để cùng nhau vươn lên thoát nghèo, hướng tới làm giàu...
Theo Danviet
Xã vùng nước nổi Pá Ma Pha Khinh đạt chuẩn nông thôn mới Ngày 30.12, tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ công bố xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là xã thứ 4 của huyện Quỳnh Nhai và là xã thứ 25 của tỉnh Sơn La đạt chuẩn NTM. Pá Ma Pha Khinh là xã thuộc khu vực II của huyện Quỳnh Nhai, cách trung tâm huyện...