Taxi ‘chặt chém’ ở sân bay Tân Sơn Nhất: Bực mình vì không biết gọi ai để phản ánh
Bị làm phiền hoặc “chặt chém” giá cước khi đón xe từ sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách có thể báo tin ngay đến đâu để được xử lý nhanh nhất? Nhiều giải pháp chấn chỉnh tình trạng này sẽ quyết liệt hơn trong nay mai.
Hành khách đi taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất ( TP.HCM) vào sáng 28-7 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau loạt bài bạn đọc Tuổi Trẻ phản ảnh tình trạng nỗi trần ai của hành khách đón xe ở sân bay Tân Sơn Nhất trước vấn nạn chèo kéo, nâng giá cước, ép khách phải trả giá cao…, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vào cuộc kiểm tra và chỉ đạo “ nóng” giải quyết vấn nạn này.
Gặp nạn “chặt chém”, không biết gọi ai?
Bức xúc rất nhiều nhưng hành khách luôn ở trong thế khó vì cần xe và cũng không biết có thể gọi đến đâu để phản ảnh, góp ý hay “chỉ mặt” những tài xế, hãng xe “làm bậy”.
Cảng vụ Hàng không miền Nam cho hay vẫn còn rất nhiều vụ chèo kéo khách, thái độ tài xế không tốt mà khách chưa phản ảnh do khách chưa biết gọi đến cơ quan nào, bao lâu được xử lý…
Đại diện Trung tâm an ninh hàng không Tân Sơn Nhất cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022 đã xử phạt 213 trường hợp chèo kéo khách. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa giảm và rất khó xử lý do cơ chế xử lý vẫn còn chồng chéo, khiến khách hàng mỏi mệt trong việc trình báo, phản ảnh.
Theo vị này, có trường hợp khách đón taxi ở Tân Sơn Nhất, Hãng xe Saigontourist báo giá cước đón khách ở sân bay 188.000 đồng nhưng tài xế đòi khách trả tới 388.000 đồng. Quá bức xúc, khách phải xuống xe giữa đường, đón xe khác quay về trình báo cơ quan chức năng ở sân bay.
Lúc đầu tài xế quanh co chối “tội”, đến khi xem clip khách quay lại và trích xuất camera mới thừa nhận. Vụ việc đã được lập biên bản chuyển Thanh tra Sở GTVT TP.HCM xử lý. Nhìn chung, qua trường hợp kể trên cho thấy sự tiếp nhận thông tin và quy trình xử phạt vẫn còn nhiêu khê.
“Cần phải thống nhất các biện pháp phối hợp, phát hiện xảy ra vi phạm xử lý ngay từ thấp nhất thậm chí tới mức khởi tố” – ông Nguyễn Minh Tuấn, phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, đề nghị.
Thanh tra giao thông vào cuộc
Ông Đỗ Ngọc Hải – trưởng Phòng quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM – cho biết với các trường hợp hành khách bị chèo kéo, thu phí taxi cao hoặc phát hiện xe dừng, đỗ không đúng nơi quy định trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất thì có thể lập tức trình báo cơ quan quản lý để được can thiệp xử lý. Các đơn vị nhận được tin báo sẽ có hỗ trợ sớm nhất.
Các lực lượng tăng cường phối hợp xử lý sai phạm của taxi, xe công nghệ… để sớm lập lại trật tự xe cộ khu vực này. “Thời gian tới, Sở GTVT TP chỉ đạo thanh tra sở tăng tuần tra, kiểm tra xe cộ đi lại ở sân bay Tân Sơn Nhất, khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo nghị định 100 của Chính phủ” – ông Hải nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-7, một lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam thừa nhận cơ chế xử phạt các hãng xe hoặc tài xế vẫn còn chồng chéo. Với sự chỉ đạo của thứ trưởng Bộ GTVT, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM sẽ trực tiếp kiểm tra, xử phạt những xe vi phạm về giá cước hoặc hành vi chèo kéo khách ở bên trong khu vực nhà xe TCP.
Tuy nhiên, để có cơ chế phù hợp và đầy đủ pháp lý, các cơ quan đang rà soát thống nhất khâu phối hợp, dự kiến sẽ trình Bộ GTVT vào ngày 31-7 để triển khai thực hiện ngay. Vấn đề còn băn khoăn hiện nay là khách hàng đón xe ở Tân Sơn Nhất nhưng khi đi giữa đường hoặc tới nơi mà bị tài xế “chặt chém” giá sẽ xử lý như thế nào khi đã ra khỏi khu vực sân bay?
Video đang HOT
Để có cơ sở xử lý, một số lưu ý khách hàng nắm bắt để phản ảnh đúng “địa chỉ” tiếp nhận. Khi phát sinh tranh cãi về giá cước và có dấu hiệu chèo kéo và ép giá, hành khách cần chụp hình biển số xe, hành trình đi, có clip chứng minh… phản ảnh đến hotline của hãng xe, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Thanh tra Sở GTVT TP.HCM. Từ đó sẽ lập biên bản, giải quyết sự việc, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Hãng xe công nghệ rà soát “cuốc chạy ngoài app”
Ông Nguyễn Việt Linh – giám đốc truyền thông Be – cho hay hiện tại thỉnh thoảng vẫn có các cuốc xe ngoài (các chuyến đi không thông qua ứng dụng). Đây là tình trạng chung của tất cả các ứng dụng gọi xe công nghệ.
Đối với Be, ông Linh cho hay thực hiện các biện pháp để nhắc nhở tài xế, khách hàng (qua các hình thức tin nhắn qua ứng dụng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, mạng xã hội) về việc nên thực hiện các chuyến xe an toàn, văn minh thông qua ứng dụng để mang lại lợi ích cho cả tài xế và khách hàng.
Trường hợp phát hiện tài xế thỏa thuận giá cước ngoài app, khách hàng chụp màn hình và biển số xe, Be tiếp nhận và xử lý nghiêm, thậm chí vi phạm vượt quy định sẽ khóa app.
Theo ông Linh, khi các chuyến xe được thực hiện đầy đủ, hợp lệ thông qua ứng dụng thì các bên tham gia dịch vụ sẽ được hưởng những lợi ích như an toàn (trong trường hợp có rủi ro tai nạn xảy ra sẽ được bảo hiểm và hỗ trợ y tế), đồng thời minh bạch về thông tin chuyến xe, tài xế cũng như hành khách.
Sẽ xử phạt tài xế lẫn doanh nghiệp vi phạm
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp với các đơn vị, tăng cường kiểm tra, phát hiện tình trạng “chặt chém” khách phải xử phạt cả doanh nghiệp vận tải lẫn tài xế.
Đối với doanh nghiệp vận tải, sai phạm nhiều lần phải quyết liệt buộc dừng khai thác. Còn với tài xế vi phạm, đề nghị lưu biển số và từ chối phục vụ khi vào nhà xe đón khách ở sân bay.
Khi cần, hành khách gọi đến đâu?
Đối với hành vi xảy ra bên trong sân bay, khách có thể gọi vào số đường dây nóng của các đơn vị sau để ghi nhận, liên hệ và xử lý:
● Thanh tra Sở GTVT TP.HCM: 028 38300701 – 0913880906.
● Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất: 028 38485634
● Cảng vụ Hàng không miền Nam: 028 38485383
Cần làn ưu tiên cho xe buýt sân bay
Một nhóm du khách Hàn Quốc đi xe buýt 152 tại ga quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào sáng 28-7 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Đỗ Ngọc Hải – trưởng Phòng quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho biết tới đây TP đẩy nhanh phát triển xe buýt phục vụ đưa đón khách ở sân bay. Sẽ có nhiều biện pháp ưu tiên, tạo điều kiện cho xe buýt tiếp cận tốt nhất với hành khách.
Ngoài tuyến xe buýt 152 và 72.1, sẽ khôi phục tuyến 109 (công viên 23-9 – sân bay Tân Sơn Nhất). Đồng thời tính toán tăng chuyến, tăng xe buýt phục vụ nhu cầu người dân.
Đơn vị khai thác tuyến cần đảm bảo chất lượng dịch vụ, nâng cấp xe buýt hiện đại và tiện nghi. Mới đây, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đã đề xuất Cảng vụ Hàng không miền Nam cho điều chỉnh bảng chỉ dẫn, trong đó có hướng dẫn vị trí đón xe buýt cụ thể dễ nhận biết. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là vấn đề quản lý hiệu quả.
Sở GTVT TP cùng Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bàn bạc đưa ra phương án quản lý, bố trí làn phù hợp để vừa đảm bảo ưu tiên xe buýt vừa yêu cầu taxi và xe công nghệ hoạt động lớp lang, không lộn xộn.
Có nên đưa thêm lộ trình của nhiều tuyến xe buýt khác vào sân bay Tân Sơn Nhất hay không? Ông Lương Hoài Nam (chuyên gia giao thông) nhận định về kế hoạch lâu dài là đúng, tuy nhiên cần tính toán kỹ hơn. Với tình hình thực tế hiện nay mặt bằng sân bay rất chật hẹp, khó bố trí các bến đỗ cho xe buýt cũng như lộ trình xe buýt với tần suất dày.
Theo ông Nam, mặt bằng sân bay đang có hạn, vô cùng chật hẹp, việc bố trí xe buýt khó và chạy thưa thớt, không đúng giờ nên ít người đi. Vì vậy chúng ta phải làm đồng bộ, giải quyết vấn đề giao thông từ bên ngoài vào trong. Làn đường riêng cho xe buýt cần phải ưu tiên nghiên cứu để thực hiện, không có làn ưu tiên thì xe buýt khó hoạt động được.
Ông Lê Đỗ Mười – viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) – cho biết khi nhà ga số 3 (T3) hoàn thành thì diện tích của Tân Sơn Nhất sẽ tăng lên đáng kể. Cần tận dụng tối đa quỹ đất tại đó để người dân tiếp cận xe buýt nhanh nhất, dễ dàng nhất.
Một cơ quan cho dù có điều hành giỏi nhưng với quỹ đất hẹp như hiện tại, cộng thêm tần suất lớn hành khách đi lại sau dịch COVID-19 thì cũng khó điều chỉnh. Thế nên cần phải có những phương án, lộ trình cụ thể, phân làn, phân luồng từ xa.
Giải pháp căn cơ cho Tân Sơn Nhất: Phải ưu tiên cho xe buýt!
Thời gian qua, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) liên tục khiến dư luận bức xúc về tình trạng bát nháo do taxi, xe ôm chèo kéo, "chặt chém" khách hàng.
Không những vậy, hành khách còn phải chịu bao bức xúc vì xếp hàng chờ đón taxi.
Khó bắt taxi hoặc giá cước cao, nhiều khách kéo vali ra ngoài sân bay đón xe - Ảnh: C.TRUNG
Trước hết, không thể phủ nhận thực tế hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất đến nay đã quá tải trong khi vẫn còn chờ sự "chia lửa" từ sân bay Long Thành đang được xây dựng.
Tuy nhiên, dù tình trạng quá tải hạ tầng thì cũng phải khẳng định đơn vị quản lý Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có trách nhiệm chính khi để dẫn đến tình trạng trên.
Theo báo Tuổi Trẻ dẫn số liệu từ sân bay này, vào khung giờ chiều và tối, lượng khách lên đến 4.000 khách/giờ. Nếu trời mưa, khách càng dồn ứ. Ngay cả mỗi xe chở 4 khách, trung bình khoảng 2.500 khách/giờ cần khoảng 700 lượt xe/giờ.
Tuy nhiên, do kẹt xe, thiếu bãi đệm, chưa kể các hãng taxi và xe công nghệ thiếu tài xế khiến lượng xe không đáp ứng đủ.
Trong khi đó, một yếu tố quan trọng để giảm tải cho tình trạng trên là xe buýt thì lại chưa hiệu quả.
Vừa qua, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) đã đề xuất tăng cường thời gian hoạt động cho các tuyến xe buýt ở sân bay, đồng thời đưa vào hoạt động trở lại tuyến xe buýt 109 từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đến trung tâm TP.
Thực tế, ở các nước phát triển thì hệ thống giao thông công cộng gồm xe buýt và đường sắt đô thị luôn đóng vai trò quan trọng để đưa đón hành khách đến và đi ở sân bay.
Trong điều kiện hạ tầng đã quá tải và hệ thống đường sắt đô thị chưa đi vào hoạt động, xe buýt chính là lối thoát căn cơ cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Thế nhưng, như chính Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM lẫn phía cơ quan quản lý sân bay đã thông tin đến dư luận, xe buýt chưa hiệu quả tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong đó, lý giải cho nguyên nhân xe buýt chưa hiệu quả, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM chỉ ra phía sân bay chưa có nhiều ưu tiên cho xe buýt.
Lý giải vừa nêu hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế tại khu vực sân bay thì các kiôt, bảng chỉ dẫn dịch vụ vận chuyển bằng taxi gần như áp đảo hoàn toàn xe buýt.
Đó là chưa kể địa điểm bố trí cho xe buýt tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng rất "lép vế". Một bất hợp lý khác phải kể đến là tại sao không bố trí cả làn dành cho xe buýt một cách dễ tiếp cận hơn tại nhà ga quốc tế của sân bay?
Chính vì vậy, để giảm tải lưu lượng giao thông cho sân bay Tân Sơn Nhất thì việc tăng cường và mở rộng hoạt động cho xe buýt là chưa đủ, mà đơn vị quản lý còn phải hỗ trợ và đẩy mạnh ưu tiên cho hoạt động của xe buýt...
Cần nhà quản lý giỏi
Sau loạt bài viết về tình trạng bát nháo khi đón xe ở sân bay Tân Sơn Nhất, Tuổi Trẻ đã nhận được rất nhiều ý kiến từ bạn đọc phản ảnh, góp ý, đưa ra giải pháp giúp sân bay hoạt động tốt hơn...
Bạn đọc Khai Phong dẫn cách làm của sân bay Changi (Singapore). Bạn đọc này viết: "Các nguyên tắc quản lý tại Changi được tuân thủ rất nghiêm ngặt, luồng khách đến và đi khác nhau, luồng khách và xe đón được xếp hàng và vận hành theo hai lối riêng biệt và gặp nhau theo sự điều phối của nhân viên sân bay, tuyệt đối không có bóng dáng của bất kỳ nhân viên hãng taxi nào.
Tất cả phải xếp hàng và lên xe theo sự hướng dẫn của nhân viên sân bay, xe taxi sẽ phải xếp hàng, khách đi cũng phải xếp hàng, gặp nhau không cần hỏi là đường ngắn hay dài mà cứ thế đi thôi. Vậy Tân Sơn Nhất hay Nội Bài có làm được như thế không?".
Không ít bạn đọc chỉ thẳng nguyên nhân ách tắc ở Tân Sơn Nhất là do thiếu làn đường và thiếu xe. Bạn đọc Nam đề nghị mở thêm làn cho xe công nghệ vào đón khách.
Còn theo bạn đọc Thuy Ly, sân bay nên quy hoạch lại vị trí cho taxi và xe công nghệ. Ví dụ như trang bị các quầy lấy số thứ tự ở cổng ra, khách nhận số và tìm đến vị trí của xe có số tương ứng. "Thiết kế lại các làn hiện nay thành hình xương cá để đậu được nhiều vị trí xe hơn và xe di chuyển ra vào dễ hơn", bạn đọc Thuy Ly nhấn mạnh về thiết kế các làn xe.
Lý do bất ngờ khiến khách tại sân bay Tân Sơn Nhất khó đón taxi về nhà dịp sau Tết Sở GTVT TP.HCM đã chỉ ra ba lý do khiến khách tại sân bay Tân Sơn Nhất gặp khó khăn trong việc đón taxi sau kỳ nghỉ Tết. Chiều ngày 17/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp định kỳ Tại cuộc họp Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An cho biết...