“Taxi 2 bánh” ở Sài Gòn
Khác với taxi truyền thống dùng ô tô chở khách, taxi 2 bánh dùng xe gắn máy chở khách. Nhưng khác với xe ôm, xe thồ, taxi 2 bánh cũng có đồng hồ tính cước, khách hàng không phải trả giá, không lo bị chặt chém…
Đó là dịch vụ xe ôm taxi của Công ty Thiên Khách (TPHCM). Ông Đoàn Hữu Phát, giám đốc công ty chuyên cung cấp dịch vụ taxi 2 bánh này cho biết: “Công ty chỉ mới hoạt động được hơn 3 tháng nhưng nhìn chung là khá tốt, rất được người dân ưa chuộng”.
Taxi 2 bánh không khác gì xe ôm hiện nay
Dịch vụ taxi 2 bánh cũng giống như hình thức xe ôm ở miền Nam, xe thồ ở miền Bắc. Tuy nhiên, điểm khác biệt là taxi 2 bánh có lắp đặt đồng hồ tính cước như taxi tại vị trí kính chiếu hậu phải nên khách hàng có thể biết được khoảng đường đi chính xác của mình và bảng giá cước rõ ràng để khách hàng tính ra số tiền phải trả.
Taxi 2 bánh cũng có chế độ tính cước như taxi truyền thống, tức là khách hàng đi quãng đường càng dài thì cước càng rẻ. Cụ thể, giá “mở cửa” của km đầu tiên là 10.000 đồng, km thứ 2 đến thứ 11 là 6.000 đồng/km, km thứ 12 trở đi chỉ là 3.000 đồng/km.
Video đang HOT
Đồng hồ cước và bảng giá cước niêm yết rõ ràng trên xe
Ngoài đồng hồ cước, taxi 2 bánh còn được trang bị thiết bị khá hiện đại là hệ thống định vị GPS để giúp chỉ đường cho tài xế nên không cần tuyển những tài xế rành địa bàn, khách hàng cũng dễ dàng xác định tuyến đường ngắn nhất để đến địa điểm mình cần.
Ông Đoàn Hữu Phát cho biết: “Chúng tôi thực hiện mô hình này với mục đích giúp khách hàng có cái nhìn thân thiện hơn đối với dịch vụ xe ôm. Đến nay chúng tôi đã có 17 tài xế chạy luân phiên các giờ trong ngày. Các tài xế này phân bổ ở tất cả các địa điểm, khi có khách hàng yêu cầu thì chúng tôi sẽ dựa vào hệ thống định vị GPRS trên xe để điều động tài xế đến địa điểm khách hàng yêu cầu một cách nhanh nhất”.
Nhân viên trực tại tổng đài để điều phối xe và hướng dẫn đường đi dựa vào hệ thống định vị GPRS
Chị Lê Xuân Mai, ngụ tại phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú cho biết: “Khi chưa có dịch vụ xe ôm taxi này tôi thường gọi xe ôm bên ngoài để đưa con đi học nhưng không yên tâm chút nào hết. Nay tôi rất yên tâm nhờ xe ôm taxi đưa đón con đi học vì họ có công ty hẳn hòi, công ty lại có tài xế nữ, giá cả cũng rẻ hơn taxi rất nhiều”.
Anh Phạm Minh Hải cũng ngụ tại phường Tân Sơn Nhì cho biết: “Trước đây tôi đi làm bằng taxi nhưng thường gặp tài xế tính gian cước quá, giá đắt đỏ mà lại hay kẹt xe. Nay tôi chuyển sang dùng taxi 2 bánh, đỡ tiền mà ít lo kẹt xe”.
Vì công ty tuyển tài xế làm theo ca nên mô hình này khá phù hợp cho các sinh viên làm thêm, thu nhập cũng không kém nên nhiều sinh viên tham gia. Anh Phạm Phú Tài, một tài xế taxi 2 bánh cho biết: “Tôi làm đã được hai tháng rồi, nhìn chung công việc cũng ổn định”.
Nói về ý tưởng cho ra đời mô hình taxi 2 bánh này, ông Đoàn Hữu Phát tâm sự: “Trước đây tôi có đi du lịch Thái Lan và thấy người ta làm mô hình này rất hiệu quả, tôi đã nghĩ ngay đến việc áp dụng tại quê hương mình. Một điều mà tôi cũng không ngờ đến là mô hình này lại rất được người dân ưu chuộng, đặc biệt là các chị em nội trợ và các em học sinh”.
Theo ông Phát thì xe ôm vẫn là loại hình dịch vụ phù hợp với điều kiện giao thông tại TPHCM, nhất là với khách hàng có nhu cầu di chuyển quãng đường ngắn. Cản trở duy nhất để nó phát triển là không có quy cũ, khách hàng ít tin tưởng vào giá cả tài xế đưa ra nếu không quen đường… Hình thức kinh doanh taxi 2 bánh với đồng hồ cước sẽ loại bỏ những trở ngại này nên ông tin tưởng nó sẽ phát triển mạnh.
Theo Dantri
Những ấn tượng buồn
Sau khi Báo ANTĐ đăng bài viết: "Sang đường ở Hà Nội: Chiến thắng nỗi sợ hãi", kể lại trải nghiệm khó quên của những vị khách nước ngoài đến Hà Nội choáng ngợp trước thói quen giao thông của người dân địa phương, tôi đã có dịp trò chuyện với những khách nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Những hình ảnh giao thông như thế này theo nhiều người nước ngoài chỉ có ở Việt Nam
Còi xe: Âm thanh tạp nham
"Tôi là Tiamo Maldini đến từ Tây Ban Nha. Tôi đã nhiều lần đến Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Cảm nhận về Hà Nội ư? Thật tuyệt vời và thanh bình. Người dân thân thiện, cởi mở, các món ăn truyền thống cũng rất ngon. Song bạn biết không ấn tượng đầu tiên của tôi về Hà Nội lại là tình hình giao thông ở đây. Tôi biết bạn sẽ buồn khi tôi nói điều này nhưng giao thông ở Việt Nam lộn xộn tới mức khó tin. Không ở đâu trên thế giới, người dân lại lái xe "siêu" như ở Việt Nam. Tôi đã chụp rất nhiều bức ảnh về những kiểu lái xe có một không hai ở Hà Nội rồi gửi cho bạn bè. Họ đã vô cùng kinh ngạc và không thể giải thích được tại sao người ta có thể sống sót giữa sự hỗn tạp khi tham gia giao thông như thế.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi đến Hà Nội là năm 2002, khi đó quy định đội mũ bảo hiểm vẫn chưa được áp dụng, tình trạng đi xe máy chở 3 diễn ra rất phổ biến, thậm chí đã có lần tôi nhìn thấy cả gia đình trên một chiếc xe máy. Thú thật, ngồi trên xe taxi từ sân bay Nội Bài vào trung tâm thành phố, tôi nhiều lần tưởng như cầm chắc cái chết khi những chiếc xe máy cứ uốn lượn như con rắn trên đầu ô tô hoặc vượt phải một cách vô tư mà không cần nhìn trước, ngó sau. Vậy mà chẳng hiểu sao người lái xe taxi vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra, ông ấy chỉ nói vài câu bực mình trước hành động điên rồ của một số người điều khiển xe máy. Tôi cảm thấy đó là người lái xe giỏi nhất tôi từng gặp và hẳn ông ấy phải có thần kinh thép mới có thể lái xe trong tình trạng giao thông hỗn độn như thế. Sau khoảng 45 phút, tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy mình bình an vô sự đến khách sạn. Tôi hết lời cảm ơn người lái xe và tặng ông ấy 20 USD vì đã giúp tôi trải qua một cuộc thử thách đầy gay cấn".
Anh Frank Marthin, một du khách người Hà Lan cho biết: "Bất kì người khách nước ngoài nào đến Hà Nội cũng đều ngạc nhiên tới mức khó hiểu bởi giữa những dòng phương tiện nối đuôi nhau di chuyển tấp nập trên đường phố là những tiếng còi không ngớt. Ở nước tôi, hầu như chỉ có cảnh sát mới dùng đến còi. Vậy mà, tôi không hiểu tại sao ở Hà Nội, bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào, người lái xe đều bấm còi inh ỏi, trong khi các phương tiện giao thông phía trước còn cách xa họ hàng cây số. Thậm chí, ngay cả khi họ biết chắc rằng phương tiện phía trước không thể nhích thêm giữa một biển người, thì người lái xe vẫn bấm còi mà không vì lý do nào cả.
Luật riêng lấn án luật chung
Theo khá nhiều vị khách nước ngoài thì khủng khiếp nhất có lẽ là tại các ngã ba, ngã tư trong khu phố cổ, những nơi không có đèn giao thông. Ở những nơi này, các phương tiện đi lại ngược xuôi, rẽ trái, rẽ phải không tuân theo một quy luật nào. Dường như, mỗi người đều tự tạo luật lệ của riêng mình. Còn với những "ông Tây" sống ở Việt Nam thì sao? Sau 5 năm sống và làm việc tại Hà Nội, anh Dennis, người Mỹ đã thành thật chia sẻ: "Vạch kẻ đường dành cho người đi bộ hầu như bị cả người đi bộ lẫn các phương tiện giao thông khác phớt lờ. Có lẽ đó chính là lý do giải thích cho việc tại sao người đi bộ thường sang đường rất "ngẫu hứng", bất cứ nơi nào họ thích. Thời gian gần đây tình trạng giao thông ở Hà Nội có cải thiện hơn trước, nhưng ý thức chấp hành luật giao thông của người dân vẫn chưa được nâng cao. Nhiều người vẫn vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều hoặc đi trái đường để khỏi đi đường vòng. Nguy hiểm hơn, trên các đoạn đường cao tốc, những dải phân cách bằng sắt thường bị tháo trộm, thậm chí những hàng cây trồng giữa hai làn đường cũng bị người dân phá đi để tiện cho việc sang đường".
Làm "rể" Việt Nam đã hơn chục năm nhưng anh James Madison, quốc tịch Mỹ cho rằng đến bây giờ vẫn không thể quen với kiểu tham gia giao thông "hồn nhiên" của người dân Hà Nội. "Những người bán hàng rong với xe thồ hàng cồng kềnh đứng ngay cạnh rìa đường để chào mời người mua. So với thời điểm 5 năm trước thì ô tô, xe máy đã tăng lên đáng kể, trong khi đường phố lại rất nhỏ hẹp khiến tôi cảm thấy như bị ngộp thở vào mỗi buổi chiều từ văn phòng về nhà. Với tôi, đây là khoảng thời gian đáng sợ nhất".
Nếu bạn đang ở Mỹ...
Ông Brian Chappell - một du khách người Mỹ khi trao đổi với PV Báo ANTĐ đã khẳng định: "Ở nước tôi phí nộp phạt khi vi phạm luật lệ giao thông rất cao. Ví dụ nếu bạn vượt đèn đỏ, tùy vào tình huống, bạn sẽ phải nộp phạt từ 80 đến 300 USD, đồng thời bị trừ từ 3 đến 4 điểm trong bằng lái xe (nếu bằng lái bị trừ 12 điểm, bạn sẽ bị cấm lái xe trong 6 tháng), hoặc bị tịch thu bằng lái trong vòng 1 tháng. Theo tôi để hệ thống giao thông Việt Nam được nâng cao và phát triển thì ngoài những thay đổi tích cực từ phía chính phủ, người tham gia điều khiển phương tiện giao thông cần phải có ý thức tự giác và có trách nhiệm hơn. Bên cạnh đó, giáo dục về luật lệ và an toàn giao thông nên được đưa vào chương trình học tại các trường học ngay từ bậc tiểu học".
Theo ANTD
"Mót" quặng sắt héo hắt những thảm trạng Việc khai thác khoáng sản ở những tỉnh miền núi như Cao Bằng không phải là mới, nhưng việc "chảy máu tài nguyên" kèm theo những đau thương mất mát từ việc khai thác khoáng sản đang là một nỗi đau giữa miền sơn cước. Tình trạng khai thác quặng sắt bừa bãi ở Cao Bằng đã để lại những hậu quả đau...