Tàu vỏ thép ở Bình Định phải nằm bờ vì không mua được bảo hiểm
Đang vụ khai thác, trong khi nhiều tàu cá ra khơi đánh bắt thì 4 con tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định phải nằm bờ vì không mua được bảo hiểm.
Những ngày này, trong khi những tàu cá nối nhau vươn khơi thì 4 con tàu vỏ thép vẫn nằm phơi mưa nắng tại cảng cá Đề Gi, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Những tàu vỏ thép này đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, mỗi tàu trị giá từ 18 – 21 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép vừa kết thúc chuyến biển, chuẩn bị gần 30 triệu đồng đến Công ty Bảo hiểm Pjico – Chi nhánh Bình Định để mua bảo hiểm nhưng công ty không bán.
Ông Thãi cho biết, tháng 7 năm ngoái, ông mua bảo hiểm thân vỏ con tàu vỏ thép hơn 54 triệu đồng, thời hạn từ tháng 7/2018 – 7/2019. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ một nửa giá trị bảo hiểm, ông Thãi chỉ chi trả 27 triệu đồng mỗi năm cho bảo hiểm thân vỏ tàu. Thế nhưng, tháng 8 vừa rồi, ông đến mua bảo hiểm thì công ty bảo hiểm lại không chịu bán, bảo phải chờ. Không mua được bảo hiểm, tàu đành nằm bờ vì ngân hàng không cho ra khơi, lại không có tiền trả nợ ngân hàng.
“Bảo hiểm bây giờ họ đang trả lời là lỗ nhiều, tạm dừng để rà soát, kiểm tra, nếu hợp lệ thì bán lại. Mùa đông thì sắp tới, chúng tôi mong được ra khơi một vài tháng nữa để kiếm tiền xoay xở. Nếu cứ phải nằm bờ thì rất lãng phí thời gian, chi phí” – ông Lê Văn Thãi lo lắng cái vòng nợ nần cứ vây kín gia đình mình.
4 tàu vỏ thép đang nằm bờ do không mua được bảo hiểm thân tàu.
Từ năm 2018, những tàu đóng mới theo Nghị định 67 khi mua bảo hiểm được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu. Công ty Bảo hiểm Pjico là một trong 4 doanh nghiệp được chỉ định bán bảo hiểm cho ngư dân. Thế nhưng, hiện nay Công ty Bảo hiểm Pjico – Chi nhánh Bình Định vừa thông báo tạm dừng bán bảo hiểm đối với thân vỏ tàu cá.
Như vậy, nhiều tàu cá chưa mua được bảo hiểm cho năm 2020 sẽ phải nằm bờ. Hiện nay, tại Cảng cá Đề Gi, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, 4 tàu vỏ thép BĐ – 99016, BĐ – 99168, BĐ – 99068 và BĐ – 99160 đang phải nằm bờ.
Ông Lê Đức Hải, Giám đốc Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Phú Tài, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định giải thích, do công ty bảo hiểm không bán bảo hiểm cho tàu cá nên Ngân hàng đã đề nghị không cho tàu cá ra khơi vì nếu xảy ra sự cố trên biển thì cả ngân hàng và ngư dân đều thiệt thòi.
Video đang HOT
“Theo quy định về hoạt động tín dụng, khi cho vay các phương tiện đánh bắt thì 100% giá trị con tàu phải yêu cầu được mua bảo hiểm và điều đó được quy định rất rõ trong NĐ/67. Việc triển khai trong thực tế thì hiện nay đang rất nhiều vướng mắc. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đã có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo 67 tỉnh Bình Định đề nghị tất cả các con tàu chưa mua bảo hiểm không được phép ra khơi, nhất là mùa mưa bão sắp tới”, ông Lê Đức Hải nói.
Ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Pjico – Chi nhánh Bình Định cho rằng, việc bán bảo hiểm cho tàu cá ngư dân đang chờ ý kiến của Tổng Công ty: “Việc đó phải hỏi Tổng Công ty chứ chúng tôi cũng không nắm được gì. Công ty chỉ biết là hiện nay đang đánh giá lại việc cấp đơn, do tổn thất quá nhiều nên đang đánh giá lại tình hình tổn thất”./.
Theo Thành Long/VOV-Miền Trung
Tàu lớn 16 tỷ ôm bờ, ông chủ thắt ruột trả lãi 150 triệu/tháng
Được hỗ trợ vốn vay đóng tàu vỏ thép để ra khơi, tuy nhiên mỗi chuyến ra khơi lỗ hàng chục triệu đồng nên các chủ tàu ở Hà Tĩnh đành phải cho tàu nằm bờ.
Cứ ra khơi là lỗ
Có mặt tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà), trái ngược với cảnh nhộn nhịp, đông vui của ngư dân trên những chiếc thuyền nan ắp đầy cá là khung cảnh lặng như tờ của hai con tàu vỏ thép to lớn, hiện đại bậc nhất vùng được đóng theo Nghị định 67. Giờ chúng nằm bất động tại một góc cảng.
Tàu Triệu Vy 09 thuộc sở hữu của anh Trần Xuân Sinh (trú thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) nằm im lìm từ sau Tết đến nay. Trên con tàu trị giá gần 16 tỷ đồng đã xuất hiện nhiều vết hoen gỉ, lớp sơn bóc tróc, loang lổ.
Con tàu vỏ thép của anh Sinh nằm bờ từ Tết đến nay không ra khơi.
Anh Sinh ngán ngẩm với cảnh cứ ra khơi là thua lỗ.
Anh Sinh ngán ngẩm nói: "Thời tiết đẹp, muốn ra biển lắm những không tìm ra lao động, hơn nữa, cứ ra khơi là lỗ không biết lấy tiền đâu mà trang trải".
Thuyền của anh đã hạ thủy 2 năm nay, năm đầu tiên lãi gần 400 triệu, năm 2018 vừa qua đi chuyến nào lỗ chuyến ấy, cuối năm kiểm kê lại lỗ gần 800 triệu đồng.
Tàu anh luôn duy trì 7 lao động, mỗi tháng anh trả công 10 triệu đồng/người, trong khi mỗi chuyến ra khơi thu về dao động khoảng 50 triệu đồng, nếu trừ các loại chi phí như dầu, đá,... thì tiền bán cá không đủ trả công cho lao động. "Nằm bờ ngày nào chịu lãi ngày ấy, nhưng nếu ra khơi thì lại càng lỗ hơn, bây giờ tìm lao động cũng khó chưa nói đến việc khác", anh Sinh nói.
Kế đó khoảng 100m, con tàu vỏ thép của ông Nguyễn Văn Lòng (trú xã Thạch Kim) mang tên Thành Đạt 08 trị giá 13,5 tỷ đồng được hoàn thành vào năm 2017.
Mặc cho tên con tàu mỹ miều đến mấy thì sau khi hạ thủy, số chuyến vươn khơi của con tàu này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ năm 2018 đến nay, tàu về đậu "nghĩ dưỡng" tại âu cảng.
Con tàu Triệu Vy 09 của anh Sinh đã xuất hiện nhiều vết gỉ, sơn bong tróc sau 2 năm hạ thủy.
Khác với anh Sinh, tàu ông Lòng làm ăn không hiệu quả vì đăng ký... nhầm nghề. Trước đây, khi đăng ký đóng tàu vỏ thép, ông Lòng đăng ký đi đánh bằng nghề câu, kéo nên tàu ông được thiết kế phù hợp với nghề đăng ký. Thế nhưng, khi tàu về và ra khơi, ông Lòng mới nhận ra nghề mình đăng ký không phù hợp.
Thời điểm ban đầu đưa tàu về, mỗi chuyến ra khơi chi phí hết khoảng 70 triệu đồng nhưng cá đánh bắt được bán ra chỉ được từ 30-50 triệu đồng nên liên tục 6 đến 7 chuyến đều lỗ nặng.
Ông đã đổi phương thức đánh bắt khác nhưng cũng không ăn thua, bất đắc dĩ ông đành đưa tàu về neo ở cảng suốt năm qua.
Nguy cơ vỡ nợ
Anh Sinh cho biết, ở Hà Tĩnh không chỉ riêng tàu của anh và ông Lòng cứ ra khơi là thua lỗ mà hầu hết các tàu vỏ thép đều chung cảnh ngộ.
Theo anh Sinh, ngư trường đánh bắt của tàu vỏ thép là vùng biển cách bờ 60 hải lý trở ra, ngoài 100 hải lý thuộc vùng biển nước khác nên các tàu vỏ thép chỉ thật sự hoạt động trong vùng biển 40 hải lý. Trong khi vùng biển đánh bắt hẹp, mật độ thuyền vỏ thép hoạt động nhiều, cá ít, chi phí thuê lao động, tiền dầu cao nên lỗ.
Con tàu vỏ thép của ông Lòng nằm bất động trên âu cảng Cửa Sót suốt năm qua.
Khi đóng tàu Triệu Vy 09 anh Sinh được ngân hàng cho vay hơn 14,9 tỷ đồng, theo cam kết mỗi tháng anh trả lãi khoảng gần 150 triệu đồng, mỗi năm trả thêm 1 tỷ đồng tiền gốc. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ nên hầu như tháng nào anh cũng trả lãi chậm.
"Tôi cũng chưa biết bao giờ mới cho thuyền ra khơi trở lại, ra khơi cũng lỗ, nằm ở bờ cũng phải trả lãi ngân hàng, khổ trăm bề, không biết tính phương án gì đây" - anh Sinh than thở.
Ông Hà Minh Tân - Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, cho hay, khó khăn lớn nhất của của các tàu vỏ thép hiện nay là nguồn vốn và người lao động. Chính vì không giải quyết được hai vấn đề trên nên tàu ông Lòng nằm bờ cả năm qua, từ khi nhận tàu đến nay hoạt động không hiệu quả.
Ở địa phương này, thanh niên hầu hết đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm ăn xa, các chủ tàu thiếu lao động tại chỗ nên phải thuê tìm ở các địa phương khác, tiền công theo đó cũng cao hơn.
Đối với tàu vỏ thép của ông Lòng, địa phương này cũng từng mời ông Lòng lên làm việc để tháo gỡ vướng mắc, tuy nhiên, khó khăn vẫn không được giải quyết vì không tiếp cận được nguồn vốn để chuyển đổi nghề.
"Tại nhiều cuộc làm việc, ông Lòng có đơn xin chuyển đổi nghề từ đi câu, kéo sang nghề lưới rê, chi phí chuyển đồi nghề cả tỷ đồng nhưng vốn không có nên tương lai con tàu này không biết bao giờ mới ra khơi trở lại" - ông Tân nói.
Theo vietnamnet
Nhiều chủ tàu cá ở Quảng Trị bị ngân hàng kiện ra tòa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh tỉnh Quảng Trị đang hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện 10 chủ tàu cá. Trước đó, 10 chủ tàu cá này đã vay vốn đóng tàu theo Nghị đinh 67về một số chính sách phát triển thủy sản nhưng không trả nợ theo kỳ hạn đã...