Tàu vỏ thép 18 tỷ “mắc cạn” vì chưa có… lưới
Đã hơn 1 tháng kể từ ngày con tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân tỉnh Bình Định được đóng mới với giá trị 18 tỷ đồng theo Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay tàu vẫn nằm bờ vì chưa có ngư lưới cụ đồng bộ theo tàu.
Sốt ruột chờ ra khơi
Ngày 12/8, tại cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh – thành viên của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã hạ thủy tàu đánh cá vỏ thép mang tên Hải Cảng 1, số hiệu BĐ 99009 TS.
Ngày 27/8, tàu vỏ thép 18 tỷ đồng mang tên Hải Cảng 1, số hiệu BĐ 99009 TS được bàn giao cho ngư dân Nguyễn Việt Hằng.
Tàu Hải Cảng 1 có vốn đầu tư 18 tỷ đồng (ngân hàng cho vay 95% theo chương trình hỗ trợ nghề cá của Nghị định 67 của Chính phủ). Tàu BĐ 99009 TS được đóng theo mẫu tàu đánh cá lưới vây, công suất 880 CV, tốc độ 12 hải lý/giờ,hoạt động với cấp sóng 8B, thời gian hoạt động 30 ngày liên tục. Đồng thời, tàu được trang các thiết bị hiện đại gồm máy dò ngang, ra đa, định vị toàn cầu, bản đồ số cùng máy móc phục vụ đánh bắt bằng thủy lực, giảm thiểu nhân công lao động, tăng hiệu quả khai thác…
Đến ngày 27/8, tàu Hải Cảng 1 chính thức được bàn giao cho chủ tàu ông Nguyễn Việt Hằng (ở khu vực 7, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng hạ thủy, lắp đặt máy móc và bàn giao cho ngư dân; đến nay tàu Hải Cảng 1 vẫn không thể ra khơi vì chưa có… lưới theo mẫu.
Video đang HOT
Ông Hằng đang sốt ruột chờ lưới để vươn khơi
Ngư dân Nguyễn Việt Hằng – chủ tàu cho biết: “Công ty bàn giao tàu hơn cả tháng nay rồi nhưng vẫn phải nằm bờ vì chưa có lưới đánh bắt. Cả tháng nay phải chạy ngược chạy xuôi tìm chỗ neo đậu tàu. Phía cảng Quy Nhơn không cho neo đậu phần vì gây vướng đò khách bên khu vực Hải Minh qua, phần vì sợ các tàu lớn khác vào cảng neo đậu theo. Sau đó, tôi phải làm việc xin chỗ cảng Hải đoàn 48 cho thuê tạm, trả phí hàng ngày. Vừa rồi tàu cảnh sát biển vào không có chỗ đậu đành phải vào cảng Quy Nhơn đậu ít hôm. Nhưng mới đây họ lại bảo tôi phải di dời…”.
“ Nóng ruột lắm chứ. Đây là thời điểm đang mùa ăn nên làm ra trên biển mà tàu mình vẫn nằm bờ, đợi thêm thời gian nữa lại trúng mùa gió chướng ra khơi cũng phập phù với mưa bão. Hơn nữa, vốn đóng tàu rất lớn, dù nhà nước hỗ trợ chính sách, ngân hàng cho vay vốn. Thời hạn trả trong 11 năm (sau 1 năm ân hạn), bắt đầu phải trả vốn và lãi, mỗi quý là 425 triệu đồng”, ngư dân Nguyễn Việt Hằng chia sẻ.
Tàu chờ… lưới!
Theo ông Hằng, mẫu lưới do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định đặt hàng cho trường Đại học Thủy sản Nha Trang thiết kế. Sau khi có mẫu thiết kế, UBND tỉnh phê duyệt thì ngân hàng mới giải ngân vốn để làm. Theo thiết kế, lưới mới này có ưu điểm là khai thác được cả ngày lẫn đêm. “Thường thì phải làm lưới trước, khi bàn giao tàu là có lưới để khai thác ngày hoặc làm đồng bộ cùng tàu khi bàn giao tàu. Đằng này, tàu hoàn thiện hết rồi vẫn không thể ra khơi vì mẫu lưới. Nếu để ngư dân tự lo làm lưới thì tàu đã vươn khơi khai thác rồi”, ông Hằng phân trần.
Ông Hằng chia sẻ thêm, hiện mọi thủ tục đăng ký, đăng kiểm để tàu ra khơi đã hoàn tất, thuyền viên trên tàu cũng sẵn sàng nhưng do chưa có lưới nên tàu vẫn nằm bờ cho… hàu bám. Số anh em đi bạn trên tàu do đợi lâu đành phải đi tàu khác kiếm sống.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, khi triển khai Nghị định 67 phải phê duyệt mẫu lưới, nhưng Bộ NN&PTNT lại không quy định rõ đơn vị nào được phê duyệt nên Sở có văn bản báo cáo Bộ. Sở cũng đề nghị với Bộ khi đóng tàu vỏ thép làm luôn ngư lưới cụ. Tuy nhiên, lúc đó trục trặc của Nghị định 67 là ngư lưới cụ chưa được phê duyệt nên Bộ cũng không phê duyệt. Do đó, khi đóng tàu xong phải có mẫu lưới mới được hỗ trợ theo Nghị định 67.
Ông Hổ cho biết thêm: “Hiện mẫu lưới cho tàu vỏ thép do ĐH Thủy sản Nha Trang thiết kế đã được thông qua hội đồng Sở và được ngành chức năng trong tỉnh thẩm định xong nhưng vẫn phải chờ ý kiến ngoài Bộ. Nếu Bộ đồng ý ủy quyền cho Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm về mẫu lưới thì chúng tôi sẽ phê duyệt ngay để ngư dân nhanh chóng được vươn khơi”.
Doãn Công
Theo Dantri
Sửa đổi Nghị định 67 phù hợp thực tiễn
"Thực hiện Nghị định 67 là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì thế, Tổng cục sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi trong thời gian gần nhất để phù hợp hơn với thực tiễn", đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) vào ngày 23/9 tại Quảng Ngãi.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến nay, địa phương đã phê duyệt 79 hồ sơ cần vay vốn tín dụng đóng tàu mới. Trong đó có 39 chiếc được phê duyệt mới, có 15 tàu chưa triển khai, 25 tàu không tham gia, 16 tàu được các ngân hàng ký hợp đồng tín dụng.
Hiện tại có 3 tàu vỏ gỗ đã hoàn thành và đi vào khai thác, 2 tàu đã hạ thủy và 11 tàu đang thi công. Số tiền cam kết cho vay gần 99 tỷ đồng, 12/16 tàu đã giải ngân với số tiền hơn 40,5 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã triển khai cho vay vốn lưu động được gần 9,5 tỷ đồng.
Đối với chính sách bảo hiểm, đã triển khai đóng bảo hiểm với 34,6 tỷ đồng; trong đó bảo hiểm tàu đã đóng 30,7 tỷ đồng, bảo hiểm thuyền viên gần 4 tỷ đồng (tương đương 12.972 ngư dân). Qua đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chi trả cho đơn vị bán bảo hiểm hơn 19 tỷ đồng.
Tàu vỏ thép đầu tiên được tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67 sau thời gian thay đổi thiết kế và điều chỉnh hồ sơ nhiều lần
Trước đó, vào ngày 8/9/2015, Dân trí phản ánh bài "Ngư dân nản lòng chờ vốn vay ưu đãi đóng tàu vươn khơi", đề cập đến việc ngư dân khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ phía ngân hàng, thiết kế tàu không phù hợp từng ngành nghề, trăn trở giữa máy mới và máy cũ.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Tổng cục Thủy sản kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định 67 phù hợp với thực tiễn, đơn giản hóa thủ tục, chỉ đạo các ngân hàng tích cực và tạo thuận lợi cho ngư dân tiếp cận vốn vay, việc hoàn thuế GTGT và hỗ trợ 1 lần sau đầu tư theo Nghị quyết 40 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ phù hợp.
Tiếp nhận các kiến nghị trên, ông Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh: "Thực hiện Nghị định 67 là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì thế, Tổng cục sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi trong thời gian gần nhất để phù hợp hơn với thực tiễn. Thời gian trả nợ của ngư dân sẽ được tăng lên 16 năm đối với tàu vỏ thép thay vì 11 năm. Đề nghị địa phương cần thực hiện đồng bộ 5 nhóm chính sách và hỗ trợ ngư dân có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi".
Hồng Long
Theo Dantri
Tàu Bình Thuận 16 chở 150 người mắc cạn ngay cửa biển Rạng sáng nay 5.9, tàu Bình Thuận 16 chở 150 hành khách và hàng chục tấn hàng hoá theo tuyến Phú Quý - Phan Thiết, đã mắc cạn ngay cửa biển Phan Thiết, chỉ cách cảng cá Phan Thiết chừng 2 km. Tàu Bình Thuận 16 đang "nằm" trên bãi đá ngay cảng Phan Thiết - Ảnh: Quế Hà Vào trưa nay, con...