Tàu Trung Quốc dùng súng đe dọa, tấn công tàu ngư dân ngay gần Cô Tô
Tàu Trung Quốc chĩa súng, đe dọa, uy hiếp và đâm hỏng một tàu đánh cá Việt Nam khi tàu này đang đánh bắt cá trong vùng biển cách đảo Cô Tô chỉ khoảng 30 hải lý…
Đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng vừa cho biết, đã báo cáo lên Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng về việc tàu cá mang hiệu số hiệu HP 90258 TS của ông Nguyễn Đức Quang ở xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) bị tàu vỏ sắt có chữ Trung Quốc đâm húc, xịt vòi rồng khi đang khai thác trên vùng biển cách đảo Cô Tô khoảng 30 hải lý khiến tàu bị thủng, hư hỏng nặng vào sáng 6/6 vừa qua.
Trước đó, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng đã nhận được báo cáo về vụ việc trên. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Quang, thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu HP 90258TS cho biết, tàu HP 90258 TS ra khơi ngày 4/6 với 4 thuyền viên.
Trong suốt hành trình, tàu của ông Quang chỉ đánh bắt, câu mực ở khu vực biển của Việt Nam. Sáng ngày 6/6, khi đang hoạt động bình thường thì ông Quang cùng các thuyền viên bất ngờ phát hiện một tàu vỏ sắt cỡ lớn, lù lù tiến đến và tấn công tàu của ông. Tàu sắt lạ này có chữ Trung Quốc và chữ tiếng Anh là “China Guard Type” mang số hiệu 45024.
Ông Quang chỉ vào tàu cá bị đâm.
“Khi đó, trên tàu vỏ sắt có súng. Những người trên tàu này mở bạt che rồi chĩa súng vào tàu HP 90258 TS. Ngoài ra, một số người cầm gậy đứng ở mạn tàu thị uy, dọa nạt và xua đuổi. Dù thuyền trưởng tàu HP 90 258 TS cố cho tàu chạy nhưng vẫn bị tàu đó đâm. Tàu Trung Quốc cứ áp sát rồi xua đuổi tôi chạy qua cả đường phân định sang vùng biển phía bên Trung Quốc. Họ còn phun nước vòi rồng cực mạnh làm giàn đèn câu mực và đồ đạc trên tàu hỏng hết. Tàu của tôi bị thủng lớn ở phía sau và bên mạn tàu. Ước tính thiệt hại do bị tàu vỏ sắt đâm khoảng 300-500 triệu đồng”, ông Quang thuyền trưởng cho hay.
Sau hai giờ bị truy đuổi tàu HP 90258 TS mới thoát được và chạy về phía đảo Cô Tô. Ông Quang cùng các thuyền viên đã vào đồn biên phòng Cô Tô trình báo. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã cử lực lượng làm việc, yêu cầu ông Quang viết lời khai tường trình vụ việc. Đồng thời, công an, Viện kiểm sát tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp khám nghiệm sơ bộ hư hại trên tàu của ông Quang.
Theo xác minh ban đầu của Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, tàu đâm tàu cá HP 90 258 TS là tàu vỏ sắt, sơn màu trắng sọc xanh, cabin 2 tầng màu trắng, cắm cờ đỏ có 5 ngôi sao màu vàng, boong phía trước có ụ súng phủ bạt, có chữ tiếng Trung Quốc và tiếng Anh (chữ tiếng Anh: “China Guard Type”) mang số hiệu 45024.
Bộ chỉ huy BĐBP Hải Phòng khẳng định, tàu của HP 90258 TS không vi phạm chủ quyền vùng biển Trung Quốc. Trong quá trình bị rượt đuổi, tàu của ông Quang có chạy sang vùng biển của Trung Quốc khoảng 1,6 hải lý ở tọa độ 200 54′N-1080 17′E. Tuy nhiên, việc vượt qua vùng định danh ở vịnh Bắc Bộ là do tàu ông Quang phải chạy để không bị tàu vỏ sắt tấn công.
Video đang HOT
Bộ chỉ huy BĐBP Hải Phòng đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc.
Theo Kiến Thức
Học giả Trung Quốc: Ở cạnh nước lớn không muốn bị đánh phải ngoan?!
Họ có súng ống, vũ khí tối tân hiện đại thật đấy, nhưng người Việt lại luôn biết "lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo".
Một số học giả, quan chức và giới truyền thông nhà nước Trung Quốc luôn tỏ ra diều hâu, hiếu chiến với láng giềng, lúc nào cũng chỉ thích nói chuyện bằng nắm đấm.
Tờ Đông Phương Nhật báo xuất bản tại Hồng Kông ngày 9/6 đăng bài phân tích của Ngưu Bạch Vũ, một chuyên gia về quan hệ chính trị Trung - Mỹ bình luận, giới chức Trung Quốc đang nghiên cứu áp dụng Binh pháp Tôn Tử để đối phó với Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam, trong đó "với Mỹ dùng mưu, với Nhật Bản dùng ngoại giao còn với Việt Nam thì dùng quân sự"?!
Ngưu Bạch Vũ dẫn Binh pháp Tôn Tử: "Thượng binh phạt mưu, kỳ thứ phạt giao, kỳ thứ phạt binh, kỳ hạ công thành" và diễn giải ý nghĩa: Kẻ cầm quân thượng sách là dùng mưu, kế đến sử dụng ngoại giao, thứ nữa dùng binh và cuối cùng (hạ sách) mới là công thành.
Ông Vũ lý luận, sở dĩ Bắc Kinh tính toán tới thủ đoạn "phạt binh" tức dùng vũ lực với Việt Nam là vì " tính đặc thù quan hệ Việt - Trung và tương quan lực lượng 2 bên". Quan hệ Trung - Việt khác với quan hệ Trung - Mỹ ở chỗ, Bắc Kinh và Washington là 2 cường quốc hạt nhân phụ thộc nhau rất lớn về kinh tế, nếu dùng quân sự thì cả hai đều phải trả giá quá đắt.
Quan hệ Trung - Việt cũng khác quan hệ Trung - Nhật ở chỗ, tương quan lực lượng quân sự giữa Tokyo với Bắc Kinh không chênh lệch là bao, nếu Trung Quốc dùng vũ lực với Nhật Bản thì chưa chắc thắng nổi. Quan trọng hơn, sau lưng Nhật bản là Mỹ với một hiệp ước đảm bảo an ninh ràng buộc. Một khi xảy ra xung đột quân sự, Mỹ sẽ nhảy vào. Đó là lý do tại sao tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông dù rất căng thẳng nhưng chỉ dừng lại ở "phạt giao" chứ rất khó rơi xuống ngưỡng "phạt binh" - dùng vũ lực.
Tuy nhiên, quan hệ Trung - Việt thì "đơn giản hơn nhiều", Ngưu Bạch Vũ nhận định. Thứ nhất, thực lực (kinh tế, quân sự) của Việt Nam kém Trung Quốc, thứ 2 quan trọng hơn là "tranh chấp lãnh thổ Trung - Việt" (thực tế là Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa, 7 bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam và nhảy vào tranh chấp cả vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - PV) lại không liên quan gì đến Mỹ, Nhật Bản.
Tham vọng bành trướng, bá quyền sẽ không còn chỗ đứng trong xã hội văn minh.
Ngưu Bạch Vũ cho rằng, một khi Trung Quốc dùng vũ lực với Việt Nam thì Bắc Kinh khỏi lo Mỹ sẽ can thiệp quân sự, thậm chí Bắc Kinh còn tự tin hơn khi ây áp lực ngoại giao, kinh tế và quân sự để "chiến thắng Việt Nam"!? Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn có thể chuyển hóa mâu thuẫn nội bộ, tăng cường tự tin cho giới chức cầm quyền thông qua cuộc xung đột với Việt Nam. Vì vậy Bạch Vũ cho rằng nguy cơ mâu thuẫn Trung - Việt có thể bùng phát thành xung đột quân sự cục bộ rất cao.
Tàu thuyền của Việt Nam đang thực thi pháp luật, ngăn cản và kêu gọi giàn khoan Trung Quốc 981 cùng "hạm đội" tàu hộ tống rút khỏi vùng biển Việt Nam và đang bị Trung Quốc hành hung, gây hấn, theo Ngưu Bạch Vũ có thể dẫn đến 1 cuộc hải chiến quy mô nhỏ.
Vũ thừa nhận có không ít người cho rằng nếu Trung Quốc dùng vũ lực với Việt Nam sẽ bị lên án ỷ lớn hiếp nhỏ, nhưng kết luận: "Đó là thực tế tàn khốc. Khủng hoảng Ukraine đã cho người Trung Quốc thấy, luật chơi trên sân khấu chính trị quốc tế không hề thay đổi. Một nước nhỏ mà ở cạnh một nước lớn đang giở mình trỗi dậy, nếu không muốn bị đánh thì hãy ngoan ngoãn nằm im, chớ để nước lớn phiền lòng"!? Một quan điểm cực kỳ ngông cuồng, hiếu chiến.
Ngưu Bạch Vũ có lẽ chưa từng học lịch sử của chính dân tộc mình hay vì lý do chính trị phải bẻ cong ngòi bút theo ý đồ của thế lực nào đó. Vũ hãy nhớ rằng, dù rất nhiều lần bị gã hàng xóm lớn xác ức hiếp, nhưng chưa bao giờ người Việt biết khuất phục. Họ có súng ống, vũ khí tối tân hiện đại thật đấy, nhưng người Việt lại luôn biết "lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" để bao đời nay vẫn vững vàng nền độc lập tự chủ dù ai đó lúc nào cũng rắp tâm bành trướng, đồng hóa, chia rẽ...đối với láng giềng.
Trận Bạch Đằng, Đống Đa, Chi Lăng vẫn còn đó, Ngưu Bạch Vũ và những tay bút tuyên truyền cổ súy quan điểm diều hâu hiếu chiến ở Trung Quốc hãy đọc lại để tránh cho những người dân lương thiện của họ phải bỏ mạng vì bị xúi giục hay cưỡng ép tham gia một cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược nước khác.
Và những người như Ngưu Bạch Vũ nên tìm đọc lại câu chuyện của cụ Thám hoa Việt Nam Giang Văn Minh khẳng khái đáp lại vế đối trịch thượng, ngỗ ngược của Sùng Trinh nhà Minh để thấy được ý chí độc lập tự chủ của người Việt muôn đời không thay đổi:
Theo Wikipedia:
Vào thời điểm Thám hoa Giang Văn Minh đi sứ Trung Quốc, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Hậu Lê và nhà Mạc) với mục đích để cuộc chiến tranh Lê-Mạc kéo dài. Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào năm 1638.
Đến khi triều kiến, Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (tức hoàng đế Sùng Trinh) lấy lý do "Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ" để ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc.
Đồng thời, Chu Do Kiểm còn ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:
"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục""
Nghĩa là:
Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc.
Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).
Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"
Nghĩa là: Bạch Đằng thủa trước máu còn loang.
Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.
Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan và sứ bộ các nước. Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận bỏ qua thể diện, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem "sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu". Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Nhưng Minh Tư Tông vẫn kính trọng ông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và đưa thi hài ông về nước. Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng" (tức là "Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ").
Theo Giáo Dục
Tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc đang tự "chui đầu vào rọ" Hành động Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam khiến vấn đề Biển Đông đang đang được quốc tế hóa nhanh hơn - điều mà Bắc Kinh lâu nay không mong đợi. Đây là nhận định được Cố vấn chính sách Hạ viện Philippines kiêm giảng viên ngành Ngoại giao và Khoa...