Tàu thuyền rầm rộ hút cát trên sông Hương bất chấp lệnh cấm
Thừa Thiên Huế cấm tàu thuyền không được khai thác cát về đêm nhưng cát tặc vẫn hoạt động rầm rộ trên sông Hương.
Thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản và triển khai giải pháp trên thực địa nhằm tăng cường quản lý việc khai thác cát sỏi trên sông Hương. Nhưng tình trạng cát tặc “rút ruột” dòng sông này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Ông Nguyễn Đắc Trường – Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Thừa Thiên Huế cho hay, việc khai thác cát trái phép đang diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sông Hương vào ban đêm. Trong khi đó, hiện tỉnh chỉ cấp phép cho 3 doanh nghiệp khai thác cát ở bãi bồi Lương Quán (Thủy Xuân, TP Huế); 2 doanh nghiệp khai thác cát ở mỏ cát xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy).
Hạ lưu sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh.
Cát tặc hoạt động ban đêm
Theo quy định của nhà chức trách Thừa Thiên Huế, tàu thuyền không được khai thác cát về đêm; chỉ được khai thác, vận chuyển cát từ 6h sáng đến 17h chiều.
Tỉnh này cũng cấm các phương tiện công suất lớn hơn 24 CV và xà lan vận chuyển cát, sỏi lưu thông trên sông Hương, đoạn từ cầu Dã Viên đến Cồn Hến; các phương tiện công suất nhỏ hơn hoặc bằng 24CV chỉ được lưu thông từ 6h đến 17h.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Chung (62 tuổi, thôn Ngọc Hồ, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà) và nhiều người dân địa phương khác bức xúc cho biết, đêm nào cũng có tàu thuyền đến khu vực gần nhà ông hút cát trái phép, cứ 20h đêm, tàu khai thác bắt đầu hoạt động.
“Thay vì hút cát giữa lòng sông, nhiều tàu thuyền vào ngay gần bờ hoạt động. Phía trước nhà máy nước Vạn Niên, nơi cung cấp nước sạch cho cả thành phố Huế cũng bị cát tặc đục khoét, gây ô nhiễm môi trường” ông Chung nói.
Ông Võ Đăng Thái – Phó chủ tịch phường Thủy Biều (TP Huế) thông tin, tại bãi bồi Lương Quán có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát với diện tích 6,3 ha, độ sâu từ 3,7 – 4, 5 m. Vừa qua, người dân địa phương nghi ngờ độ sâu khai thác của các doanh nghiệp không đúng với thực tế cấp phép, kiến nghị lên phường và phường đã gửi báo cáo đến Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị vào cuộc.
Video đang HOT
Theo ông Thái, vào ban đêm, nhiều tàu thuyền ở nơi khác thường đến hút cát trái phép rầm rộ trên đoạn sông thuộc địa bàn phường khiến người dân phường Thủy Biểu bức xúc.
“Chúng tôi nắm được thực tế, nhưng việc ngăn chặn rất là khó khăn. Vừa qua, sau nhiều nỗ lực, phường đã bắt giữ được 3 tàu đang khai thác cát trái phép vào rạng sáng”, ông Thái thông tin.
Xà lan hoạt động dưới chân đồi Vọng Cảnh. Ảnh: Võ Thạnh.
Cảnh sát gặp khó
Khu vực hạ lưu sông Hương đoạn qua xã Phú Thanh ( huyện Phú Vang) và xã Hương Phong (thị xã Hương Trà) không có doanh nghiệp nào được cấp giấy phép khai thác cát. Nhưng theo phản ảnh của nhiều người dân địa phương cũng như quan sát thực tế, hàng ngày đều có thuyền khai thác cát hoạt động ở khu vực gần đập ngăn mặn Thảo Long.
Tàu thuyền hút cát trên giữa sông Hương đoạn qua phường Thủy Biều. Ảnh: Võ Thạnh.
Trung tá Lê Viết Sơn – Phó phòng cảnh sát giao thông đường thủy Thừa Thiên Huế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã bắt giữ 34 tàu thuyền khai thác cát trái phép, xử phạt hơn 130 triệu đồng.
Theo ông Sơn, việc ngăn chặn cát tặc trên sông Hương gặp rất nhiều khó khăn, do cát tặc hoạt động ngày càng tinh vi, thường bố trí người cảnh giới trên bờ báo cho nhau để trốn chạy nếu phát hiện lực lượng chức năng. Hơn nữa, cát tặc thường hoạt động vào ban đêm, khu vực khai thác nằm ở vùng sâu, vùng xa.
“Cảnh sát đường thủy lực lượng mỏng nên khó bố trí khép kín địa bàn. Phương tiện ca nô tốn rất nhiều nhiên liệu gây khó khăn trong công tác chuyên môn, mặt khác đi ca nô dễ bị cát tặc phát hiện và trốn chạy”, ông Sơn nói.
Võ Thạnh
Theo VNE
Bất lực nhìn cát tặc hoành hành trên sông Chu
Bờ sông bị sạt lở, diện tích đất canh tác của người dân bị thu hẹp, nguy cơ mất an toàn tính mạng người dân, tài nguyên đất nước bị thất thoát... Đó chính là hậu quả của nạn khai thác cát trái phép kéo dài trên sông Chu.
Theo phản ánh của người dân một số xã dọc sông Chu thì tình trạng khai thác cát trên con sông này càng ngày càng nghiêm trọng. Ngay thời điểm PV có mặt tại nhiều vị trí của sông trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, những chiếc tàu hút cát vẫn ngang nhiên nổ những tiếng chát chúa, chiếc máy bơm vẫn đều đặn hút cát lên khoang tàu.
Cụ thể, khu vực bờ sông Chu giáp ranh giữa xã Thiệu Toán và xã Thiệu Vũ (huyện Thiệu Hóa), không khó khăn để thấy những chiếc tàu hút cát bất ngờ xuất hiện. Những chiếc tàu này ngang nhiên nổ máy tiến hành khai thác cát trái phép. Khi phát hiện thấy có người quay phim, chụp ảnh, chiếc tàu nhanh chóng chạy dạt sang phía xã Thiệu Vũ rồi lại tiếp tục hút cát cho đến khi đầy mới rời đi.
Một chiếc tàu ngang nhiên bắt vòi hút cát giữa sông
Theo chân anh Nguyễn Văn Thảo, Xã đội trưởng xã Thiệu Nguyên (huyện Thiệu Hóa) kiêm Tổ phó Tổ trực bảo vệ tài nguyên cát của xã, chúng tôi được lên một chiếc tàu tuần tra tiếp cận những chiếc tàu đang hút cát trái phép trên sông thuộc địa phận xã Thiệu Nguyên.
Thấy có người chụp ảnh và có tàu tuần tra đuổi theo, chiếc tàu hút cát trên vội vàng nhổ nheo, cho tàu chạy hết công lực về hướng xã Thiệu Vận, Thiệu Minh.
Anh Thảo cho biết: "Do lực lượng mỏng nên khi phát hiện có tầu đến hút cát trái phép trên địa bàn, chúng tôi cũng chỉ đến để đuổi đi, không cho hút cát làm sạt lở bờ sông chứ xử phạt thì rất khó. Muốn xử phạt phải có sự kết hợp giữa các đơn vị chức năng. Nhiều khi tức lắm mà không làm gì được".
Khi chiếc tàu tuần tra đi khoảng 2 km trên sông Chu, chúng tôi tiếp tục bắt gặp hàng chục chiếc tàu hút cát "không số", không biển kiểm soát đang tập trung tại phía bờ sông xã Thiệu Nguyên tiến hành bán cát từ tàu này sang tàu khác.
Việc mua bán cát diễn ra ngay trên tàu
Theo ghi nhận, tại các bờ sông, tình trạng sạt lở do việc hút cát dưới lòng sông. Có những đoạn do việc hút cát nên nước sông đã lấn sâu vào trong đất liền có nơi lên đến hàng chục mét, nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở dài hàng trăm mét, có đoạn bờ sông đã trở thành "vực" sâu cả chục mét.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên bộc bạch: "Để chống lại nạn khai thác cát trái phép làm sạt lở đất đai hoa màu của người dân, UBND xã Thiệu Nguyên đã cho thành lập Tổ bảo vệ tài nguyên cát với 13 tổ viên là người dân trong xã, trang bị 1 thuyền tuần tra bảo vệ cát trên sông, cho xây dựng 1 chòi canh và 2 trạm quan sát cát tặc, thay phiên nhau tuần tra bảo vệ bờ sông. Toàn bộ kinh phí hoạt động của Tổ bảo vệ tài nguyên cát được trích ra từ nguồn thu của xã".
"Hàng năm chúng tôi đã chi một nguồn kinh phí lên đến cả trăm triệu đồng cho việc chống lại nạn cát tặc. Xã Thiệu Nguyên lại giáp ranh xã Thiệu Đô được ngăn cách bởi con sông Chu, trong khi đó lực lượng chức năng lại mỏng, các đối tượng cát tặc đôi khi còn chống đối, khi phát hiện có lực lượng kiểm tra các đối tượng sẽ bỏ chạy. Từ đầu năm 2017 đến nay, UBND xã đã xử phạt trong thẩm quyền với 3 vụ với số tiền là 13 triệu" - ông Thắng cho biết thêm.
Những đoạn sông bị sạt lở nghiêm trọng
Trao đổi về nạn cát tặc trên địa bàn, ông Phạm Đình Lam, Chủ tịch UBND xã Thiệu Toán, chia sẻ: "Hiện tại xã Thiệu Toán chưa có mỏ cát nào đã được cấp phép, chiếc thuyền khai thác trên là hoàn toàn vi phạm. Xã đã nhiều lần kiểm tra, giám sát nhưng do lực lượng mỏng, nhân lực không đủ nên rất khó thực hiện, tháng 4/2017 xã đã xử phạt 2 tàu hút cát trái phép, phạt mỗi tàu 3 triệu đồng".
Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe
Cũng theo ông Lam thì diễn biến tính hình khai thác cát trái phép là rất phức tạp, các đối tượng khai thác tinh vi thường chọn vào buổi trưa, tối, trong khi đó lực lượng công an lại mỏng, cả xã chỉ có 3 thôn nên chỉ có 3 công an viên quản lý 4,7 km bờ sông. Hiện tại, trên địa bàn xã đã có hơn 1000 mét đất bị sạt lở.
Bình Minh
Theo Dantri
"Cát tặc" lộng hành với nhiều thủ đoạn tinh vi Ngang nhiên hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, táo tợn, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng, nạn khai thác cát trái phép trên sông Lạch Trường đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất và đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân. Có mặt tại khu vực sản xuất rau màu dọc sông...