Tàu sân bay trực thăng Izumo – ’siêu phẩm’ phòng vệ biển của Nhật
Tàu Izumo mà Nhật vừa đưa vào hoạt động được đánh giá là “ siêu phẩm” phòng vệ biển của nước này, “qua mặt” tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Tàu sân bay trực thăng Izumo. Ảnh: manilalivewire
Ngày 25/3 vừa qua, Tokyo chính thức đưa vào hoạt động tàu chiến lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản sau Thế chiến II. JDS Izumo (DDH-183) là tàu sân bay trực thăng, được Nhật gọi với tên chính thức là tàu khu trục trực thăng. Đây là chiếc đầu tiên trong loạt 4 tàu mà nước này dự định chế tạo và chiếc thứ đã được khởi đóng.
Theo truyền thông Nhật Bản, buổi lễ bàn giao tàu được tổ chức ở nhà máy đóng tàu của Công ty JMU, thành phố Yokohama, Nhật Bản. Tại buổi lễ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói với các phóng viên rằng “Izumo, một tàu khu trục trực thăng nặng 19.500 tấn, dài 248 m, có thể chở được 470 người và khoảng 9 chiếc trực thăng, sẽ tăng cường khả năng phòng vệ chống tàu ngầm”. Không đề cập đến quốc gia nào cụ thể, ông Nakatani cho biết thêm “tàu có khả năng phát hiện, đối phó với tàu ngầm trên phạm vi rộng vì nó được trang bị rất nhiều trực thăng”.
Theo Military Today, Izumo đươc hạ thủy vào 6/8/2013 và tiến hành đợt thử nghiệm cuối cùng vào cuối tháng 9/2014, là loại tàu sân bay kiểu mới được Nhật Bản xây dựng cho lực lượng phòng vệ trên biển. Tàu phòng vệ này và chiếc cùng lớp chưa đặt tên (DDH-184, nhiều khả năng sẽ hạ thủy vào tháng 8 năm nay và chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 3/2017) được dự định sẽ thay thế 2 chiến hạm kỳ cựu của cụm tác chiến hải quân Nhật là các tàu JS Shirane (DDH-143) và JS Kurama (DDH-144) thuộc lớp Shirane, đã phục vụ từ năm 1980 và 1981.
Tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo là tàu hộ vệ mặt nước lớn nhất trong hạm đội Nhật Bản hiện nay. So với tàu sân bay hạng nhẹ Hyuga lớn nhất Nhật đang sở hữu, Izumo dài hơn tới 51m, đủ cho thấy kích thước đáng nể của nó. Izumo cũng có kích cỡ lớn hơn các tàu sân bay hạng nhẹ như Cavour của Italy và Principe de Asturias của Tây Ban Nha và các tàu sân bay hạng nhẹ khác của Anh.
Ngoài ra, Izumo là một chiếc tàu chiến đa nhiệm. Nó có thể tiến hành đồng thời nhiều hoạt động, vừa có khả năng đổ bộ vừa có khả năng kiểm soát không phận và tấn công đất liền. Chiến hạm này có thể chở quân lính và phương tiện bên trong, khoảng 400 thủy quân lục chiến và xe tải (hoặc thiết bị tương đương). Vì vậy Izumo sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng vệ của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản.
Giới chức Tokyo tiết lộ tàu Izumo có thể mang các trực thăng tác chiến chống ngầm SH-60K Seahawk và trực thăng MCH-101 rà phá thủy lôi cải tiến.
Izumo còn được thiết kế để trong trường hợp cần huy động sẽ mang theo tối đa 14 trực thăng (7 chiếc SH-60K và 7 chiếc MCH-101). 5 chiếc trong số này có thể cất và hạ cánh đồng thời, nhờ Izumo có boong tàu lớn và 5 điểm hạ cánh.
Hơn nữa, việc mang được tới 12 – 15 chiếc F-35B sẽ khiến Izumo “vượt mặt” tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, với phương thức tác chiến thứ hai là sử dụng Izumo theo mô hình tàu đổ bộ tấn công. Nếu đảm nhận chức năng kiểu này, Izumo sẽ tăng cường khả năng tấn công mặt đất và kiểm soát không phận trên biển, có vai trò cực kỳ quan trọng tác chiến đổ bộ quy mô lớn.
Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh chỉ mang được tối đa 24 chiếc J-15, mà tính năng của những tiêm kích loại này còn kém xa F-35B. Vì vậy giới phân tích cho rằng hàng không mẫu hạm Trung Quốc sẽ rất khó khăn khi phải đối đầu với Izumo. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật sẽ thuận lợi hơn trong các hoạt động kiểm soát không phận và hải phận Hoa Đông, nơi hai nước đang tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chiếm ưu thế lớn trong tác chiến đổ bộ đánh chiếm hoặc tái chiếm đảo. Đồng thời những chiếc F-35B có thể kết hợp với F-15J tấn công thọc sâu vào đất liền đối phương.
Video đang HOT
Tàu Izumo trong buổi lễ bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ biển Nhật. Ảnh: i24news
Tuy nhiên, do là một tàu đổ bộ chở trực thăng nên Izumo có nhược điểm là hệ thống vũ khí không mạnh, chỉ với hai hệ thống phòng không tầm gần Phalanx và hai bệ phóng tên lửa phòng không Raytheon RIM-116 SeaRAM, để chống lại tên lửa đối hạm. Đây có lẽ còn xuất phát từ lý do chính trị và theo Hiến pháp Hòa bình của Nhật, không được phép sở hữu trang thiết bị mang tính tấn công. Cũng chính vì vậy mà Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã phân loại Izumo là tàu khu trục trực thăng. Và dù Izumo được được chế tạo theo nguyên mẫu một tàu đổ bộ tấn công kiểu Mỹ, Tướng Nakatani vẫn nhấn mạnh, “tàu Izumo có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ như gìn giữ hòa bình hay cứu trợ nhân đạo quốc tế” ngay khi tiếp nhận tàu Izumo từ xưởng đóng tàu Japan United Marine ở Yokohama.
Sau sự kiện Nhật biên chế Izumo, một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên nhận định “Izumo là minh chứng rằng Nhật Bản hoàn toàn có mọi tiềm lực, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để xây dựng một chiếc tàu sân bay. Và chắc chắn họ cũng sẽ đáp ứng được những khả năng để vận hành chiếc tàu chiến này”.
Chuyên gia nhận định lực lượng trên biển Trung Quốc sở hữu một lượng tương đối lớn tàu ngầm nên việc Nhật Bản phát triển lực lượng săn ngầm là điều dễ hiểu.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Lỵ cũng cho rằng “so với tàu lớp Hyuga, tàu Izumo đã tăng thêm thiết bị định vị thủy âm dùng để săn ngầm ở mũi tàu, đối phó tàu ngầm thông thường hoạt động ở vùng nước nông. Izumo còn có thể làm tàu chỉ huy tác chiến săn ngầm, dẫn đầu các lực lượng như tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển”.
Tuy nhiên, Zhang Junshe, một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc, lại cho rằng một mình tàu Izumo không thể tạo ra mối đe dọa đối với chiến lược mở rộng trên biển của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Minh Anh
Theo VNE
Tàu ngầm Trung Quốc có thể thành "mồi ngon" cho Izumo Nhật Bản
Trung Quốc đang lo ngại rằng, tàu khu trục chở trực thăng Izumo sẽ được Nhật Bản triển khai để đối phó với tàu ngầm của nước này ở Hoa Đông.
Trả lời phỏng vấn trên Thời báo Hoàn Cầu hôm 26/3, Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc Li Jie cho rằng, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ dùng tàu khu trục chở trực thăng Izumo vừa biên chế để chống lại tàu ngầm Trung Quốc.
Đồng thời, con tàu có thể được dùng để thực hiện nhiệm vụ tác chiến đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Izumo còn có khả năng bảo vệ các tuyến giao thông và liên lạc trên biển của Nhật Bản.
Theo Li Jie, tàu Izumo có thể được sửa đổi để trở thành tàu sân bay và một cuộc xung đột hải quân giữa Trung Quốc - Nhật Bản có thể xảy ra trong tương lai gần do Nhật Bản biên chế con tàu này.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Trung Quốc Zhang Junshe cho rằng, một mình tàu Izumo không thể tạo ra mối đe dọa đối với chiến lược mở rộng trên biển của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, nó sẽ có ảnh hưởng lớn tới các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở Hoa Đông.
Theo Junshe, Izumo có thể tăng cường khả năng tấn công kết hợp của các lực lượng mặt đất, hải quân và không quân Nhật Bản trong một cuộc xung đột tiềm năng với Trung Quốc, nhờ đóng vai trò như một tàu chỉ huy hoặc vận tải.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) đã đưa vào biên chế tàu khu trục chở trực thăng JS Izumo (DDH-183) trong một buổi lễ tổ chức tại căn cứ hải quân Yokosuka của JMSDF ở Yokohama hôm 25/3 vừa qua.
Theo tạp chí Diplomat (Nhật Bản), mặc dù được giới thiệu là tàu chiến đa nhiệm nhưng nhiệm vụ chính của Izumo sẽ là tác chiến chống ngầm và thực hiện các hoạt động chỉ huy - kiểm soát để bảo vệ lãnh hải Nhật Bản ở Hoa Đông.
"Điều này giúp tăng cường khả năng của chúng tôi nhằm đối phó với các tàu ngầm Trung Quốc khi chúng đã trở nên khó phát hiện hơn" - Một quan chức Nhật Bản cho biết.
Theo các quan chức khác thuộc JMSDF, tàu Izumo cũng sẽ được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa.
Izumo sẽ trở thành mối đe dọa chí tử với tàu ngầm Trung Quốc
Với lượng giãn nước đầy tải 27.000 tấn (một số nguồn nói là 24.000 tấn), dài 248m, tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo là tàu chiến mặt nước lớn nhất trong hạm đội Nhật Bản cho tới nay.
Lớp tàu này có kích cỡ lớn hơn đáng kể so với lớp tàu khu trục Hyga, với lượng giãn nước 19.000 tấn.
Izumo sẽ có thủy thủ đoàn 470 người và cũng có thể chở theo 400 - 500 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF).
Theo tạp chí IHS Jane's (Anh), Izumo được trang bị sonar QQQ-22 để truy tìm tàu ngầm, 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx và 2 bệ phóng tên lửa phòng không Raytheon RIM-116 do Raytheon chế tạo.
Con tàu có thể mang các trực thăng tác chiến chống ngầm SH-60K Seahawk và trực thăng MCH-101 biến thể rà phá thủy lôi.
Giới chức Tokyo còn cho biết, tàu Izumo có thể mang theo máy bay V-22 Osprey.
Tàu Izumo được thiết kế để mang được tới 14 trực thăng (7 chiếc SH-60K và 7 chiếc MCH-101). 5 chiếc trong số này có thể cất và hạ cánh đồng thời, nhờ Izumo có boong tàu lớn và 5 điểm hạ cánh.
Theo website của Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ (USNI), tàu Izumo cũng có thể chứa tới 27 máy bay có cánh cố định.
Bên cạnh đó, ngoài máy bay MV-22, con tàu có thể triển khai biến thể cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng của tiêm kích F-35.
Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Nhật Bản đã nhiều lần tuyên bố họ không có kế hoạch sử dụng F-35 trên tàu Izumo.
Izumo có kích cỡ lớn hơn một chút cho với các tàu sân bay hạng nhẹ như Cavour của Italia và Principe de Asturias của Tây Ban Nha.
Chi phí đóng tàu được công bố là 1 tỷ USD, dù trên thực tế, mức này có thể lên tới 1,5 tỷ USD.
Theo Trí Thức Trẻ
Chiêm ngưỡng tàu trực thăng khủng Izumo của Hải quân Nhật Sau khi 2 tàu lớp Izumo này được biên chế đầy đủ, năng lực phòng thủ đảo nhỏ của Nhật Bản sẽ được nâng cao, cũng như năng lực tác chiến ở cách xa lãnh thổ Nhật Bản. Tàu Izumo được đóng theo mẫu của các tàu đổ bộ tấn công của Hải quân Mỹ, tuy nhiên có thể chở được nhiều trực...