Tàu sân bay Mỹ bắt đầu chiến dịch chống IS từ vùng Vịnh
Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz bắt đầu các nhiệm vụ chống IS từ vùng Vịnh trong chiến dịch Nhổ tận gốc.
Các chiến đấu cơ cất cánh từ tàu sân bay Nimitz hôm 29/7. Ảnh: USNavy.
Các chiến đấu cơ đã cất cánh từ boong tàu Nimitz trong các nhiệm vụ tấn công Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, UPI dẫn hải quân Mỹ hôm 31/7 thông báo. Các chuyến đầu tiên có sự tham gia của máy bay F/A-18E/F Super Hornet, máy bay cảnh báo sớm và các máy bay hỗ trợ khác.
“Với nhóm tác chiến Nimitz, hôm nay là ngày cuộc chơi bắt đầu”, Chuẩn Đô đốc Bill Byrne, tư lệnh nhóm tác chiến tàu sân bay số 11 (CSG-11), cho biết. Ngoài việc tham gia nhiệm vụ chống IS ở Iraq và Syria, CSG-11 sẽ thực hiện các chiến dịch an ninh định kỳ, chiến dịch tự do hàng hải trong khu vực.
Video đang HOT
Tàu Nimitz là tàu đầu tiên trong lớp Nitmitz và hiện là tàu sân bay lâu đời nhất còn hoạt động tại Mỹ. Nó gia nhập hải quân năm 1975. Nhóm tác chiến tàu sân bay bao gồm một số tàu khu trục tên lửa dẫn đường, tàu tuần dương, một tàu ngầm tấn công nhanh và các tàu hỗ trợ.
Nhóm tàu sân bay Nimitz xuất phát từ căn cứ Kitsap – Bremerton hôm 1/6, đi qua eo biển Hormuz để tiến vào vùng Vịnh. Theo kế hoạch, nhóm sẽ hiện diện ở Tây Thái Bình Dương trong vòng 6 tháng, với các chuyến thăm Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương.
Trọng Giáp
Theo VNE
Tàu sân bay 13 tỷ USD của Mỹ không có bệ tiểu đứng
Việc loại bỏ hệ thống bệ tiểu đứng sẽ giúp việc bố trí thủy thủ nam và nữ trên tàu sân bay Gerald Ford linh hoạt hơn.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ. Ảnh: US Navy.
Tất cả nhà vệ sinh trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford mới nhất của Mỹ lần đầu tiên được thiết kế theo quy chuẩn phi giới tính với hệ thống xí bệt được ngăn thành từng gian riêng biệt, Business Insider ngày 24/7 đưa tin.
Các chuyên gia từng cho rằng việc thay thế hệ thống bệ tiểu đứng vốn dành riêng cho nam giới bằng xí bệt sẽ không đảm bảo vệ sinh và chiếm nhiều diện tích, do 82% thủy thủ đoàn trên tàu sân bay là nam.
Tuy nhiên, hải quân Mỹ khẳng định thiết kế này lại mang lại lợi ích về lâu dài khi bộ phận kỹ thuật có thể phân bố lại vị trí của thủy thủ đoàn mà không cần thực hiện bất cứ sự sửa đổi nào.
"Sự thay đổi này mang lại sự linh hoạt và thuận tiện. Chúng tôi có thể hoán đổi các khu vực nghỉ ngơi giữa thủy thủ nam và thủy thủ nữ mà không phải chỉnh sửa bất cứ thứ gì", chuyên gia thiết kế Kaylea Motsenbocker cho biết.
Ngoài nhà vệ sinh, USS Gerald R. Ford còn được thực hiện một loạt thay đổi về thiết kế bao gồm phòng ngủ ít giường hơn, hành lang có diện tích rộng hơn và phòng tập thể dục hiện đại hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/7 tham dự lễ bàn giao tàu USS Gerald R. Ford cho hải quân Mỹ.
Là tàu sân bay được thiết kế mới đầu tiên trong 40 năm qua, USS Gerald R. Ford được trang bị công nghệ cùng các hệ thống vận hành mới, giúp tàu có thể tăng số lượt máy bay xuất kích và hạ cánh, giảm khối lượng công việc do con người thực hiện và tăng khả năng sống sót trước những mối đe dọa.
Con tàu được định giá 10,7 tỷ USD vào năm 2007, tuy nhiên việc đội giá thêm 23% do những chi phí phát sinh biến USS Gerald R. Ford thành tàu sân bay đắt nhất lịch sử với đơn giá lên đến 13 tỷ USD.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Tàu sân bay Mỹ - Ấn - Nhật dàn hàng Tập trận hải quân chung giữa ba nước kết thúc hôm qua với màn dàn đội hình của ba tàu sân bay tại Vịnh Bengal. 15 tàu dàn đội hình ở Vịnh Bengal, cách bờ biển thành phố Chennai, Ấn Độ khoảng 145 km. Vào 10h, tàu sân bay Nimitz của Mỹ, Vikramaditya của Ấn Độ và tàu sân bay trực thăng Izumo...