Tàu sân bay: Chiến lược ’sòng bạc nổi’ của Trung Quốc
Trong nhiều thập kỷ nay, tàu sân bay đã trở thành biểu tượng của sức mạnh quân sự và công nghệ. Các quốc gia phát triển chung có khả năng tấn công kẻ thù cách xa hàng nghìn km, khiến kẻ thù chịu tổn thất lớn.
Tuy nhiên, những con tàu ấy cần nhiều tỉ đô la để phát triển và vài tỉ USD nữa để duy tu bảo dưỡng cũng như chi phí kéo dài thời gian hoạt động. Các thông tin gần đây về việc rao bán con tàu sân bay của Anh từ thời Chiến tranh Lạnh HMS Ark Royal đã khẳng định thực tế này.
Ảnh: Diplomat
Video đang HOT
Năm 2010, Anh cắt giảm 8% ngân sách quốc phòng và các tàu sân bay nằm trong “hạng mục” xem xét. Trong kỷ nguyên thắt lưng buộc bụng và sụt giảm kinh tế, việc hạn chế các tàu sân bay của Anh chỉ là một ví dụ cho sự tiết kiệm mà các quốc gia châu Âu đang cố gắng thực hiện. Tuy nhiên, Ark Royal được đồn đoán là mục tiêu bỏ thầu của một doanh nhân Trung Quốc, nước muốn biến chiếc tàu từng thuộc về Hải quân Anh trở thành một sòng bạc nổi.
Nó có vẻ mang tính biểu trưng lớn – một mặt phản ánh sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, một mặt là nước Anh cuối cùng đã rơi khỏi hạng top của ngoại giao quốc tế. Nhưng trước đây, chúng ta có từng nghe câu chuyện về sòng bạc?
Chuyện Trung Quốc theo đuổi các tàu sân bay cũ để tìm tòi nghiên cứu dưới chiêu bài sẽ biến những tàu này thành các sòng bạc nổi, hay khu vui chơi giải trí không còn là điều mới mẻ. Sau tất cả, mong muốn của Trung Quốc trong việc triển khai các tàu sân bay ở tương lai gần từ lâu đã được nói tới, và gần đây là chính thức thừa nhận.
Trở lại năm 1985, Trung Quốc mua lại tàu sân bay của Australia thời Thế chiến II mang tên HMAS Melbourne với cái giá bèo bọt, nhằm mục đích nghiên cứu thiết kế của nó. Người Trung Quốc cũng mua ba tàu sân bay thời Liên Xô trong những năm 1990 từ Nga và Ukraine gồm tàu: Kiev, Minsk và Varyag.
Trên thực tế, tàu Kiev và Minsk cuối cùng đã trở thành nơi vui chơi giải trí. Tuy nhiên, người Trung Quốc đã nghiên cứu một cách cẩn thận tỉ mỉ hai con tàu này trong nỗ lực phát triển công nghệ tàu sân bay. Hàng triệu đô la ban đầu được chi ra thay vì hàng tỉ đô la sau đó để học hỏi được thành công cũng như thất bại của nước khác là điều chỉ có lợi cho các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc cũng như thúc đẩy các nỗ lực của họ.
Và những nỗ lực ấy giờ đây đã được đền đáp. Tàu Varyag, con tàu nổi tiếng nhất trong danh sách “sòng bạc nổi” được người Trung Quốc mua vào tháng 3/1998 với giá 20 triệu USD. Công ty mua con tàu này có quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc, sau đó đã trải qua một hành trình kéo dài hơn 15 tháng. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép con tàu đi qua Dardanelles, với quy định không một tàu sân bay nào được đi qua eo biển này. Có tin đồn rằng, Trung Quốc đã trả cho Thổ Nhĩ Kỳ hơn 360 triệu USD dưới danh nghĩa “gói viện trợ du lịch và kinh tế” để sòng bạc nổi có thể đi qua trên con đường trở về Trung Quốc.
Tuy nhiên, Varyag đã không bao giờ được trang bị những chiếc bàn chơi súc sắc hay máy giật xèng. Thay vào đó, tàu sân bay thời Liên Xô đã được hoàn thiện trên cơ sở tân trang, lắp đặt thêm các hệ thống để trở thành một con tàu sân bay hiện đại hơn trước. Được trang bị với máy bay chiến đấu thế hệ 4, với Varyag, Trung Quốc đang tiến sát tới việc có chiếc tàu sân bay đầu tiên. Con tàu giờ đây đổi tên thành Thi Lang dù còn đang gặp một số vấn đề kỹ thuật, nhưng các cuộc thử nghiệm trên biển dự kiến sẽ bắt đầu sớm diễn ra.
Việc Trung Quốc mua các tàu sân bay cũ ở khắp thế giới với những kế hoạch khác nhau đã rất hợp thời với mục tiêu của họ. Họ thu thập được kiến thức từ các thế hệ tàu sân bay khác nhau ở nhiều quốc gia và nhà máy đóng tàu khác nhau trên thế giới, nhưng lại chỉ phải trả mức giá thấp. Với Nga, Ukraine và Anh, tất cả đều đối mặt với những khó khăn kinh tế ở các thời điểm khác nhau, Trung Quốc chi trả hàng triệu đô la để mua tàu, và đổ nhiều tiền của cho việc nghiên cứu phát triển tàu sân bay mua lại.
Trong khi Trung Quốc chưa thể tiếp cận được với các tàu sân bay hạt nhân hiện đại như thiết kế của Mỹ, thì các kiến thức họ có được đã cho phép họ thăm dò nhiều thiết kế tàu sân bay và sử dụng hữu ích trong việc nâng cấp tàu Thi Lang. Chiến thuật của họ cũng có thể mang lại lợi ích cho các thiết kế tàu sân bay nội địa trong tương lai.
Cùng với nỗ lực củng cố lực lượng hải quân và phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc, người ta phải tự hỏi, liệu Washington giờ đây có thúc giục London ngăn chặn mọi nỗ lực sở hữu Ark Royal của Trung Quốc hay không.
Trong khi việc mua bán Ark Royal vẫn chưa chắc chắn, thì hồ sơ tậu tàu sân bay của Trung Quốc có thể nói rõ đâu là động cơ đằng sau nó. Khi quân đội Mỹ và Anh buộc phải cắt giảm chi phí, thì chiến lược “sòng bạc” của Trung Quốc đã gặt hái được những lợi ích lớn.
Theo VietNamNet