Tàu ngầm xuất ngoại: Điều khiển dễ hơn đi… xe đạp
Ông Phan Bội Trân đã trở thành người Việt Nam đầu tiên chế tạo tàu ngầm xuất ra nước ngoài khi đã sáng chế một loại tàu ngầm mini chuyên phục vụ cho du lịch.
Điều khiển tàu ngầm dễ hơn đi… xe đạp
Chia sẻ với phóng viên, ông Trân cho biết, nhiều người khi nghe đến việc xuất khẩu tàu ngầm, cứ nhầm tưởng là phiên bản tương tự chiếc Yết Kiêu 1. Thực ra, đây là một phiên bản hoàn toàn khác, đã được ông cải tiến lại, nhỏ gọn, thuận lợi hơn, đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng để phục vụ du lịch.
Theo tìm hiểu, tàu ngầm du lịch này vẫn được làm bằng vật liệu composit, bề dài khoảng 2m và bề ngang 0,8m với tốc độ di chuyển khoảng 1 – 1,5 hải lý/ giờ. Tàu gồm có ba phần, phần đầu gắn thiết bị bánh lái độ sâu, thân tàu thiết kế cho 1 hoặc 2 người ngồi và đuôi tàu sẽ gắn động cơ điện. Với thiết kế như vậy, tàu chỉ nặng khoảng 150 – 200kg với 2 phiên bản: nghiệp dư (lặn sâu được 3m) và chuyên nghiệp (lặn sâu được 45m). Khác với tàu ngầm phiên bản cũ (có cửa ngược phía dưới thân tàu), tàu ngầm du lịch được trang bị nắp kính dạng úp ngược để có thể dễ dàng đóng mở cũng như quan sát bên ngoài. Tàu cũng được sơn màu vàng để tiện theo dõi thay vì màu đen như các loại tàu ngầm khác.
Ông Phan Bội Trân bên chiếc khuôn đúc vỏ tàu ngầm mini du lịch sắp xuất xưởng sang Malaysia.
Việc điều khiển tàu ngầm cũng khá đơn giản, muốn chạy nhanh hay chậm, người điều khiển chỉ cần nhấn hay giảm ga ở động cơ. Bộ phận bánh lái tương tự như của xe đạp hay xe máy, có thể giúp rẽ trái, phải một cách dễ dàng. “Nếu so sánh, việc lái một chiếc tàu ngầm mini dạng này có khi còn dễ dàng hơn việc điều khiển một chiếc xe đạp.”, ông Trân cười chia sẻ.
Giải thích về lý do chọn Malaysia làm nơi xuất khẩu đầu tiên, ông Trân thật thà: “Thực ra, tôi có một công ty riêng với đội ngũ chuyên đi tiếp thị sản phẩm do tôi nghiên cứu và chế tạo. Trong một lần, đi chào hàng ở Malaysia, có đối tác rất thích thú với sáng chế về tàu ngầm mini của tôi. Thế nên cách đây gần 2 tháng, họ đã cử một đội ngũ chuyên gia sang làm việc. Sau khi thấy thiết kế của tôi, họ đồng ý và đặt hàng trước 5 chiếc với giá 3.500 USD mỗi chiếc, ứng trước khoảng 1/3 số tiền”.
Những chiếc tàu này chủ yếu được sử dụng để tham quan các rặng san hô, hệ sinh thái biển dưới nước. Trong 5 chiếc tàu ngầm được đối tác đặt mua, có 4 chiếc tàu nhỏ và 1 chiếc tàu mẹ. Tàu mẹ có khả năng chứa 4 tàu ngầm mini, chuyên chở các tàu này từ cầu cảng ra các bãi san hô là địa điểm du lịch. Trên tàu mẹ, có trang bị hệ thống dây giữ giúp kiểm soát, không cho tàu con đi quá xa khỏi khu vực được cho phép.
Video đang HOT
Được biết, trước khi nhận hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài, ông Trân cũng đã giới thiệu mẫu tàu ngầm này tới nhiều công ty của Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, một công ty chuyên lắp đặt cáp ngầm cao thế trên bờ và dưới biển cũng đã có dự định mua tàu của ông Trân.
“Công ty chúng tôi đang có dự án làm cáp ngầm ở dưới biển nên có thể gặp một số khó khăn nếu độ sâu quá lớn khiến thợ lặn không thể tiếp cận được. Nếu thực sự chiếc tàu lặn của ông Trân có đủ điều kiện hoạt động thì sẽ giúp chúng tôi giải quyết những khó khăn này”, vị đại diện công ty chuyên lắp đặt cáp ngầm cao thế chia sẻ. Dự kiến, cuối tuần này, hai bên sẽ có buổi gặp gỡ để bàn bạc cụ thể hơn.
Tàu ngầm Yết Kiêu 1 được thử nghiệm thành công tại trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân TP.HCM.
Ước mơ của người kỹ sư già
Chia sẻ với PV, ông Trân cho biết, ông đang làm hồ sơ để đăng ký lên Cục Sở hữu trí tuệ về thiết kế kiểu dáng công nghiệp cho những chiếc tàu ngầm mini. Thế nhưng, ông cũng thừa nhận rằng, việc mang tàu xuất khẩu ra nước ngoài, có thể dẫn đến việc bản quyền bị ăn cắp, nước bạn có thể dùng những mẫu tàu của ông để bắt chước và làm ra những thiết kế tương tự. “Biết là như thế, nhưng làm sao bây giờ, họ có bắt chước thì mình cũng chẳng làm gì được. Nếu đăng ký bản quyền trên toàn thế giới thì tốn rất nhiều tiền, mà có khi cũng chẳng có tác dụng. Thôi thì tùy thuộc vào những lời cam kết hay lương tâm của họ mà thôi”.
Không chỉ thế, một điều khiến ông băn khoăn là hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ quan kiểm định, cấp phép cho những tàu ngầm nhỏ quân sự lẫn dân sự. Trong khi đó, nếu mời các cơ quan nước ngoài vào kiểm định thì rất tốn kém. “Ở nước ngoài, việc kiểm định và cấp phép cho những tàu ngầm dạng này dễ dàng hơn rất nhiều. Người ta cũng rất nhạy bén với những công nghệ, thiết bị mới nên sẵn sàng tạo mọi điều kiện để nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo, miễn sao kết quả cuối cùng có thể tạo ra lợi ích kinh tế là được. Đây cũng chính là điều tôi lo lắng nhất khi có ý định sản xuất tàu ngầm tại Việt Nam”.
Mặc dù đã nhận được một số đơn đặt hàng sản xuất tàu ngầm mini phục vụ cho du lịch, nhưng ông Trân thừa nhận rằng, mình vẫn có hứng thú với việc nghiên cứu, chế tạo ra các loại tàu ngầm có thể phục vụ cho quân sự hơn. Sắp tới, khi nhận được số tiền hợp đồng sản xuất tàu ngầm du lịch, cộng với phần tiền thừa kế, ông sẽ tiếp tục chế tạo một chiếc tàu ngầm lớn hơn, dài khoảng 6 thước và có thể sử dụng cho 3 hoặc 4 người ngồi bên trong. Đây sẽ là một phiên bản được nâng cấp từ Yết Kiêu 1 với những tính năng vượt trội hơn nhiều.
“Nước ta không phải là nước giàu để có thể mãi bỏ tiền ra mua vũ khí. Thế nên, nếu muốn tăng cường sức mạnh, chúng ta phải biết sử dụng chất xám của mình, đầu tư đúng chỗ, đúng lúc để tạo ra những tổ hợp khí tài phù hợp với điều kiện kinh tế, mang đậm trí tuệ Việt Nam”, đó là câu nói của vị kỹ sư già trước khi chia tay, như muốn nhắn nhủ tất cả tâm tư của mình vào trong đó.
Theo Khampha
Chế tạo tàu ngầm xuất ngoại: Chỉ với 4.000 USD
Sau khi thử nghiệm thành công tàu ngầm Yết Kiêu 1, ông Phan Bội Trân lại ấp ủ một dự định lớn hơn, đó là nghiên cứu những tổ hợp vũ khí để trang bị cho hệ thống tàu ngầm của mình.
Tự bỏ tiền túi ra nghiên cứu
Sau khi thử nghiệm thành công tàu ngầm Yết Kiêu 1, ông Phan Bội Trân lại tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu, cải tiến những kỹ năng mới cho những chiếc tàu ngầm phiên bản sau này.
Chia sẻ với PV, ông Trân cho rằng, hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ tàu ngầm phải là một loại vũ khí quân sự, đó là suy nghĩ cực kỳ sai lầm. "Chiếc tàu ngầm là phương tiện dân sự hay quân sự tùy thuộc hoàn toàn vào mục đích của người sử dụng. Hiện nay, trên thế giới, nhiều nơi người ta vẫn dùng tàu ngầm cho mục đích tham quan, du lịch, sửa chữa cáp ngầm dưới biển hay cứu hộ cứu nạn.... Nhưng khi gắn vào nó những ống phóng ngư lôi hay khẩu đại bác, nó lại trở thành khí tài quân sự".
Hiện tại, ông Trân đang ấp ủ một dự định lớn hơn, đó là nghiên cứu những tổ hợp vũ khí, đặc biệt là ngư lôi để trang bị cho tàu ngầm mà mình chế tạo. "Do là tàu ngầm mini nên những vũ khí trang bị cũng phải phù hợp với kích cỡ của tàu. Hơn nữa, vì là tàu trong nước sản xuất nên nó sẽ mang những loại vũ khí đậm chất Việt Nam, nhưng không vì thế mà sức mạnh của tàu ngầm bị suy giảm. Hiện tại, tôi đã có lời giải cho việc biến những thứ tưởng chừng như là đồ chơi này trở thành một tổ hợp khí tài quân sự, sẵn sàng trở thành niềm ác mộng đối với bất cứ kẻ thù nào".
Ông Phan Bội Trân bên chiếc tàu ngầm Yết Kiêu 1
Ông cho biết thêm, ngày trước, muốn chế tạo thành công chiếc Yết Kiêu 1 phải mất gần 1 năm trời. Nhưng đến thời điểm hiện tại, do đã có sẵn khuôn và trang thiết bị, máy móc nên chỉ cần khoảng 4 ngày là đã có thể sản xuất ra một chiếc tàu ngầm dân sự với giá tầm 4.000 đến 5.000 USD. Còn để chế tạo một chiếc tàu ngầm quân sự, giống tàu Yết Kiêu 1, thì tốn khoảng 200.000 USD (tương đương 4 tỷ đồng) vì phải trang bị đầy đủ máy móc, khí tài. Nếu so với việc mua tàu ngầm từ nước ngoài, đây thực sự là phương án tiết kiệm hơn nhiều.
"Tàu ngầm của chúng ta có thể không to lớn, tinh vi và hiện đại bằng các tàu ngầm của các nước như Nga, Mỹ. Nhưng bù lại, chúng ta có lợi thế về sự cơ động và số lượng. Cứ thử nghĩ xem, khi tác chiến trên biển, thay vì chỉ có thể điều vài ba chiếc tàu ngầm đi làm nhiệm vụ, chúng ta có hàng trăm chiếc sẵn sàng bao vây, chặn đánh kẻ thù, đó thực sự là một lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được".
Bên cạnh việc chế tạo tàu ngầm, ông Trân cũng tiết lộ, mình đang nghiên cứu một mô hình trạm tiếp vận trên biển, giúp các tàu của ta có thể hoạt động cách xa bờ biển hàng ngàn ki lô mét mà không gặp khó khăn, trở ngại gì về việc thiếu nhiên liệu cũng như nhu yếu phẩm, thực phẩm....
Hiện tại, những nghiên cứu của ông đã được làm thành dự án khoa học để trình lên Bộ Quốc phòng và chờ đợi sự phản hồi. "Nếu nhà nước còn nghi ngờ tính khả thi của nó, tôi sẽ tình nguyện làm mẫu trước, hoàn toàn bằng tiền túi mà không cần đến sự hỗ trợ của nhà nước. Nếu thành công, Bộ Quốc phòng sẽ không cần xét duyệt đề án mà có thể sử dụng ngay được công nghệ này. Với tôi, làm được một điều gì đó giúp ích cho Tổ quốc là một niềm tự hào chứ không đơn thuần chỉ vì lợi ích của cá nhân".
"Yết Kiêu 1 gần sát với phiên bản tàu ngầm thực thụ"
Là một trong những người đầu tiên ủng hộ kế hoạch chế tạo tàu ngầm của ông Phan Bội Trân, ông Lê Kế Lâm, Chuẩn Đô đốc, Chủ tịch hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP.HCM đã có những chia sẻ về dự án tưởng chừng như "ảo tưởng" này.
"Ngay từ lúc đầu nghe anh Trân nói về dự án sản xuất tàu ngầm, tôi đã thấy hào hứng lắm. Với nhiều người thì nghe có vẻ xa vời, nhưng với dân làm nghiên cứu như chúng tôi, không có gì là không thể. Thế nên tôi có động viên anh Trân cứ mạnh dạn làm, có khó khăn gì thì cứ nói, tôi sẽ giúp được trong khả năng cho phép".
Tàu ngầm Yết Kiêu 1 được thử nghiệm thành công tại trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân TP.HCM.
Theo ông Lâm, so với tàu ngầm của ông Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình, tàu ngầm của ông Phan Bội Trân có sự hoàn thiện và gần hơn với hiện thực của tàu ngầm thực thụ khi được điều khiển bởi chính người lái bên trong. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, Yết Kiêu 1 vẫn còn 2 điểm yếu lớn cần phải khắc phục, đầu tiên là tiềm vọng kính. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có đơn vị nào sản xuất được loại tiềm vọng kính này, trong khi nước ngoài, họ gần như không bán thiết bị này bao giờ. Đơn giản bởi tiềm vọng kính như là con mắt của chiếc tàu ngầm, tiềm vọng kính tốt thì chiếc tàu ngầm có khả năng quan sát xa, rộng, thuận lợi cho việc do thám thính tình hình cũng như khả năng tác chiến.
Một hạn chế nữa của Yết Kiêu 1 đó là hệ thống thông tin liên lạc. Đối với tàu ngầm, muốn thông tin qua lại phải sử dụng những thiết bị thu phát có bước sóng cực dài. Hiện trên thế giới, chỉ có Nga và Mỹ là có khả năng chế tạo ra loại phương tiện phát sóng này. Do đó, muốn trang bị cho hệ thống tàu ngầm của ông Trân là điều không phải dễ.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho biết, những thiết bị trên dù Việt Nam chưa sản xuất được, nhưng nếu chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu từ nước ngoài, chúng ta hoàn toàn có khả năng sản xuất được tại Việt Nam.
"Hiện nay, tàu ngầm mini rất có ích cho dân sự lẫn quốc phòng. Chúng ta đã có được người đi đầu, chiếc tàu ngầm do ông Trân chế tạo đã rất gần với một chiếc tàu ngầm thực thụ. Nhưng muốn để cho nó hoàn thiện, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các đơn vị quản lý cần phải ủng hộ, tạo điều kiện thêm nữa để cho ông Trân thực hiện được những ý tưởng của mình", Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhấn mạnh.
Theo Khampha
Xem tàu ngầm Yết Kiêu 1 bơi trong bể thử nghiệm Sau gần một năm nghiên cứu, chế tạo, chiếc tàu ngầm "made in Việt Nam" đầu tiên đã được sản xuất và thử nghiệm thành công trước sự thán phục của rất nhiều người. Tàu ngầm "made in Việt Nam" Ông Phan Bội Trân chia sẻ: "Để có được thành công như ngày hôm nay, tôi cũng phải trải qua đủ mọi khó...