Tàu không người lái Trung Quốc sắp khuấy động Biển Đông
Tân Hoa xã hôm 8/7 cho hay, Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai nhiều tàu không người lái tới Biển Đông và các vùng biển quốc tế như Nam Cực để làm nhiệm vụ khảo sát, tuần tra biển.
Một mẫu tàu không người lái Jinghai của Trung Quốc
Theo Tân Hoa xã, Viện nghiên cứu kỹ thuật tàu mặt nước không người lái (Unmanned Surface Vehicles- USV) tại Trường Đại học Thượng Hải thành lập năm 2010, cũng là đơn vị nghiên cứu phát triển USV đầu tiên của Trung Quốc, đã và đang cung cấp một loạt các tàu không người lái được thiết kế độc lập với ký hiệu “Jinghai”.
Trong năm 2013, tàu không người lái Jinghai 1 đã tiến hành một cuộc khảo sát đại dương và địa chất của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Đến năm 2014, tàu không người lái Jinghai 2 đã đi cùng với tàu phá băng Xuelong (Băng Long) của Trung Quốc đến Nam Cực để giúp khảo sát và lập bản đồ dưới nước.
Việc nghiên cứu và phát triển tàu không người lái Jinghai 7 đang được tiến hành.
Tân Hoa xã dẫn lời các chuyên gia nước này cho biết, việc triển khai bổ sung các tàu không người lái ở Biển Đông và các vùng biển quốc tế khác có thể giúp gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong tương lai gần, bao gồm khảo sát và lập bản đồ các khu vực ven biển, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, tuần tra ngoài khơi, chống buôn lậu và bảo vệ tuyến đường biển. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các USV có thể tham gia vào nhiều nhiệm vụ gần cảng và giàn khoan dầu.
Cũng theo Tân Hoa xã, ngoài Đại học Thượng Hải, một số trường đại học và viện khác thuộc Tổng công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cũng đã tham gia nghiên cứu và phát triển các USV.
Video đang HOT
Có thể thấy, Trung Quốc đang triển khai một loạt các biện pháp đồng bộ, từ tăng cường sự hiện diện quân sự, dân sự, đến nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật để có thể “nắm trọn” Biển Đông – kiểm soát được cả bầu trời, mặt nước và các loại tài nguyên dưới đáy Biển Đông. Các tàu không người lái Jinghai, hay tàu lặn Giao Long mà Trung Quốc đưa đến thám sát Biển Đông hồi năm 2013, chính là các công cụ để Bắc Kinh thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Theo Năng Lượng Mới
Indonesia, Malaysia tăng cường năng lực biển
Indonesia và Malaysia đang tích cực hiện đại hóa hải quân nhằm ứng phó các nguy cơ ngày một sát sườn.
Tàu hải quân Indonesia trong một cuộc tập trận gần đây. ABC
Indonesia không tham gia trực tiếp vào tranh chấp trên Biển Đông, còn Malaysia lâu nay vẫn giữ thái độ bị đánh giá là có phần "ngoài cuộc". Thế nhưng, tình hình đã thay đổi khi cả hai nước gần đây liên tục có nhiều động thái tăng cường năng lực an ninh biển cũng như phản ứng mạnh hơn trước các sự cố.
Theo giới quan sát, Jakarta và Kuala Lumpur không thể ngồi yên khi tình hình Biển Đông đang ngày một biến động theo chiều hướng đáng quan ngại, đồng thời cả hai phải liên tục ứng phó những vụ việc xảy ra "ngay trước cửa nhà".
Chiến lược cường quốc biển
Kể từ vụ tàu hải cảnh chặn đường ngăn cản tàu công vụ Indonesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia ở Biển Đông hôm 19.3, chính quyền Jakarta đã tăng cường huy động tàu hải quân và tàu tuần tra cỡ lớn đến khu vực, theo báo Jakarta Globe. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cũng cho biết sẽ triển khai chiến đấu cơ F-16 tới Natuna để "chống trộm", còn giới nghị sĩ thì kêu gọi chính phủ nhanh chóng xây dựng một căn cứ quân sự ở Natuna để bảo vệ khu vực miền trung nước này.
Đến hôm 27.5, giới hữu trách Indonesia tiếp tục phát hiện tàu cá Trung Quốc đánh bắt tại Natuna nhưng lần này tàu hải cảnh đã không dám can thiệp nữa, theo Jakarta Globe. Như đã đề cập, Indonesia không có tuyên bố chủ quyền đối với khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, khu vực Natuna cũng bị gom vào trong bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc.
Ngoài việc bảo vệ lãnh hải, Indonesia còn đang tích cực hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc biển nên liên tục thực hiện các kế hoạch hiện đại hóa hải quân. Chuyên san Defense Review Asia dẫn nguồn tin quốc phòng cho biết trong năm 2017, hải quân sẽ nhận 2 tàu hộ vệ trị giá 220 triệu USD được đóng với công nghệ Hà Lan. Các tàu hộ vệ mới dài 105 m, rộng 14 m, được trang bị bộ cảm biến có thể phát hiện mục tiêu cách xa 200 km, cùng nhiều vũ khí hiện đại như pháo 76 mm OTO Melera, bệ phóng tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm và hệ thống phóng ngư lôi được tích hợp với hệ thống kiểm soát - chỉ huy tiên tiến.
Hải quân Indonesia cũng đang chờ nhận 11 trực thăng đa nhiệm Panthers do Pháp sản xuất, với 4 chiếc đầu tiên dự kiến được giao trong năm nay và số còn lại đến vào năm 2017. Đây là loại trực thăng có thể đảm nhận các nhiệm vụ giám sát biển, chống tàu chiến nổi lẫn tàu ngầm, tìm kiếm, cứu hộ, vận tải, hậu cần và sơ tán.
Về tàu ngầm, Jakarta đang chuẩn bị mở một căn cứ tàu ngầm mới ở TP. Palu, sẽ đóng vai trò vành đai an ninh cho khu vực phía đông hướng ra Biển Đông. Dự kiến căn cứ mới cũng sẽ là cảng nhà của 3 tàu ngầm đã đặt mua từ Hàn Quốc trong hợp đồng trị giá tới 1,07 tỉ USD và sẽ được giao vào cuối năm nay. Ba chiếc tàu ngầm mới có độ choán nước 1.400 tấn, dài 61,3 m, có thể chở 40 thủy thủ và được trang bị 8 ống phóng ngư lôi.
Ngoài ra, Hãng tin TASS dẫn lời Đại sứ Indonesia tại Nga Wahid Supriyadi tiết lộ nước ông đang có kế hoạch mua 2 tàu ngầm lớp Kilo và một số thủy phi cơ của Nga.
Tàu tuần tiễu KD Terengganu của Hải quân Malaysia. REUTERS
Malaysia cứng rắn hơn
Trong khi đó, Malaysia cũng ngày càng có động thái cho thấy phản ứng cứng rắn hơn trước những hành động gây quan ngại của Trung Quốc gần bờ biển nước này.
Lâu nay, Malaysia bị giới quan sát đánh giá là không muốn phản ứng mạnh về tình hình Biển Đông vì quan hệ thương mại, đầu tư khắng khít với Trung Quốc. Theo Reuters, Kuala Lumpur đã không phản đối dữ dội khi Trung Quốc 2 lần tập trận hải quân tại bãi James, cách bờ biển thuộc bang Sarawak chỉ chưa tới 50 hải lý, vào các năm 2013 và 2014 trong khi ngư dân Malaysia liên tục phàn nàn bị tàu cá, tàu công vụ Trung Quốc dọa nạt, xua đuổi.
Tuy nhiên, hồi tháng 3.2016, khi phát hiện nhiều tàu cá Trung Quốc hiện diện gần bãi cạn Luconia, phía tây bang Sarawak, Malaysia lập tức điều tàu hải quân đến ứng phó và bất ngờ triệu tập Đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải trình. Vài tuần sau, Bộ Quốc phòng Malaysia loan báo kế hoạch biến một giàn khoan dầu đã qua sử dụng thành căn cứ hải quân hoạt động tại vùng biển Sarawak.
Hãng thông tấn Bernama dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein cho hay căn cứ nói trên có thể hoạt động như một cơ sở triển khai trực thăng, máy bay không người lái và lực lượng đặc nhiệm, nhằm "bảo vệ tài sản dầu khí khỏi những cuộc tấn công tiềm ẩn từ thành phần ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)".
Tuy nhiên, nhiều quan chức và giới chuyên gia khẳng định những hoạt động trên biển của Trung Quốc mới là lý do chính. Trong đó, một bộ trưởng Malaysia khẳng định với Reuters rằng Kuala Lumpur phải có hành động quyết liệt để ứng phó tình trạng lãnh hải bị xâm nhập. Một quan chức thì tiết lộ nước ông vừa nhờ Mỹ hỗ trợ thu thập thông tin tình báo và phát triển năng lực cho lực lượng tuần duyên.
Bên cạnh đó, hải quân Malaysia mới đây vừa nhận một tàu hỗ trợ mới mang tên Bunga Mas Lima. Tàu dài 132,8 m này sẽ vận hành để bảo đảm an toàn biển và nâng cao chiến lược phòng thủ biển trong tương lai, theo Bernama.
Đây là một phần trong kế hoạch nâng cấp hạm đội đang ngày càng lão hóa của Malaysia, với trọng tâm là trang bị những loại tàu tân tiến gồm tàu tác chiến cận bờ (LCS), tuần tra thế hệ mới (NGPV), tàu thực hiện sứ mệnh cận bờ (LMS), tàu hỗ trợ đa nhiệm (MRSS) và tàu ngầm, Bernama dẫn lời Tư lệnh hải quân Ahmad Kamarulzaman Ahmad Badaruddin cho biết.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Tổng thống tân cử Philippines tuyên bố không dựa vào Mỹ Tổng thống tân cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte tuyên bố đất nước ông sẽ không phụ thuộc vào đồng minh Mỹ. Tổng thống tân cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. REUTERS Reuters ngày 1.6 đưa tin Tổng thống tân cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte khẳng định sẽ theo đuổi chính sách đối...