Tàu hút cát ‘tái xuất’, đất vườn lại trôi sông Đồng Nai
Sau một thời gian tạm ngưng, khoảng 1 tháng nay nhiều doanh nghiệp khai thác cát dọc sông Đồng Nai được phép hoạt động trở lại đoạn qua H.Đạ Tẻh và Cát Tiên (Lâm Đồng).
Một đoạn sông Đồng Nai ẢNH: LÂM VIÊN
Điển hình, hộ ông Nguyễn Văn Nghĩa (xã Đạ Kho, H.Đạ Tẻh) bị trôi hơn 100 m2 đất trồng dâu; cuối vườn dâu nhà ông hiện có một hàm ếch dài hàng chục mét, đe dọa phần diện tích còn lại. Tương tự, mảnh vườn trồng dâu của gia đình bà Nguyễn Thị Luyến (ngụ thôn 5, xã Đạ Kho, H.Đạ Tẻh) cũng bị trôi sông một phần…
Trước tình trạng tàu khai thác cát gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, người dân đã kiến nghị với chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Duy Thái, Trưởng phòng TN-MT H.Đạ Tẻh, cho biết trên địa bàn huyện hiện có 4 doanh nghiệp và 1 hộ dân được tỉnh cho phép khai thác cát trở lại sau gần 1 năm bị tạm ngưng. Đoạn sông Đồng Nai được phép khai thác kéo dài khoảng 19 km, đi qua địa bàn các xã Đạ Kho, Đạ Lây, Hương Lâm, An Nhơn và TT.Đạ Tẻh.
Video đang HOT
Theo ông Thái, các đoạn cho phép khai thác cát trở lại thuộc những vị trí ít có nguy cơ bị sạt lở. Khi nhận được phản ánh của người dân, phòng đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, ghi nhận và xử lý một doanh nghiệp vi phạm tăng thêm 1 tàu hút cát so với quy định. Ông Thái thừa nhận đất sạt lở có tác động từ việc khai thác cát.
Trong khi đó, ông Trần Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Đạ Kho, lại cho rằng nguyên nhân đất vườn bị sạt lở xuống sông có thể do ảnh hưởng của dòng chảy, cộng với thời gian qua trên địa bàn có mưa lớn liên tục khiến mực nước dâng cao gây sạt lở bờ sông.
Theo TNO
Bất an trước nạn khai thác cát trái phép ở Cù lao Rùa
Cù lao Rùa nổi tiếng ở xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang bị đe dọa từng ngày vì nạn khai thác cát trái phép liên tục xảy ra khiến những phần đất "bờ xôi ruộng mật" đang bị sạt lở từng ngày. Nguy hiểm hơn, vùng đất Cù lao Rùa lại nằm ở địa bàn giáp ranh với tỉnh Đồng Nai khiến tình trạng khai thác cát càng trở nên phức tạp, khó xử lý.
Bờ kè bê tông ở Cù lao Rùa cũng bị sạt lở xuống sông.
Bên bồi cũng thành bên lở
Mặc dù các hoạt động khai thác cát dọc tuyến sông Đồng Nai qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đều bị ngăn cấm từ lâu, nhưng tình trạng khai thác trái phép, hút trộm cát hàng đêm vẫn diễn ra làm xáo trộn cuộc sống người dân và nghiêm trọng hơn khiến diện tích đất ven sông Đồng Nai ngày càng trở nên sạt lở nghiêm trọng. Cù lao Rùa sở dĩ có tên như vậy là vì hình dạng cù lao như con rùa với phần thân chiếm diện tích lớn, phần cổ và đầu rùa là đoạn đất hẹp. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép khiến đất lở dần xuống sông, đoạn cổ và đầu rùa ngày càng hẹp lại.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa một người dân ở cù lao Rùa cho biết, xưa nay phía cù lao này luôn là bên bồi, còn bờ phía Đồng Nai là bên lở, nhưng nay thì cả hai bên bờ sông đều đã lở như nhau. Trước tình trạng đất đai, vườn tược ở cù lao Rùa sạt lở dần xuống sông Đồng Nai, gia đình ông Nghĩa đầu tư hơn nửa tỷ đồng để làm bờ kè bê tông giữ đất. Nhưng chỉ sau trận mưa lớn vào ngày đầu tháng 8.2018, toàn bộ công trình bờ kè dài hàng chục mét của ông đã lún sụt xuống sông. Theo ông Nghĩa đất lở ở cù lao này một phần do thiên nhiên, nhưng phần lớn là do tác động của việc khai thác cát từ nhiều năm qua.
PV ghi nhận về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai đoạn qua xã Thạnh Hội, người dân cho biết, mỗi đêm, trên đoạn sông này có nhiều chiếc ghe công suất lớn dồn dập khai thác cát trái phép khiến dòng sông trở nên náo động, tiếng máy nổ ầm ầm thi nhau hút cát, hai bên bờ bị sạt lở nghiêm trọng. Trước việc khai thác cát lộng hành lo sợ nhà cửa bị sạt lở nên nhiều người dân sống ven sông thường xuyên mất ngủ, phải thức khuya để xua đuổi, phản ứng chống lại các đối tượng khai thác trái phép nhưng tình trạng này không hề thuyên giảm.
"Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra lâu rồi làm cho việc sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm đến cuộc sống của người dân. Cả gia đình tôi như ngồi trên đống lửa, sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, không biết ngôi nhà sẽ bị sạt lở khi nào rất nguy hiểm. Trước tình trạng "cát tặc" lộng hành gây sạt lở nghiêm trọng bà con chúng tôi đã gửi nhiều đơn kiến nghị" - một người dân sống ở cù lao Rùa bức xúc.
Một số hộ dân ở Thạnh Hội buộc phải đối đầu với "cát tặc" bằng cách thức đêm, trang bị đèn pha mỗi khi các đối tượng khai thác hoạt động là xua đuổi, thậm chí phải đối mặt nguy hiểm khi các đối tượng này còn manh động chống trả lại người dân. Theo người dân ở đây thì sau khi các đối tượng khai thác cát trong đêm sẽ vận chuyển, chở đến bán cho các vựa cát trong địa bàn. Lợi dụng các bãi cát ven sông các đối tượng này tiêu thụ, khi kiểm tra họ đều xuất được hóa đơn cát dưới miền Tây chở lên nhưng thực chất là cát khai thác cát lậu.
Cù lao Rùa có nguy cơ bị "xẻ đôi"
Cát xây dựng trên sông Đồng Nai là loại cát "thượng hạng" dùng trong xây dựng, có lợi nhuận cao nên các đối tượng rất manh động, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, thậm chí chống trả quyết liệt để cơ quan chức năng không thể lại gần thu cát. Do đó, góp phần khiến nạn khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai đoạn qua xã Thạnh Hội tồn tại nhiều năm qua, chưa thể dẹp yên bởi các đối tượng khai thác cát ngày càng tinh vi, sử dụng máy hút công suất lớn, lén lút hoạt động trong khoảng thời gian rất ngắn, lợi dụng địa bàn giáp ranh để khai thác trái phép. Theo tìm hiểu của PV, để tránh nguy hiểm cho các hộ dân có vườn bị sạt lở nặng, có nguy cơ sạt nhà, thời gian qua, địa phương đã di dời các hộ dân thuộc diện này đến nơi ở an toàn.
UBND xã Thạnh Hội cũng đã kiến nghị UBND thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cần có biện pháp mạnh, kiên quyết bắt, xử lý các đầu nậu. Ông Thanh Giang, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Hội lo lắng nói: "Trước đây phần đất cổ rùa có bề ngang rộng gần 200m, nay lở dần còn không đầy 100m. Nếu không có biện pháp kè bờ giữ đất thì nguy cơ sẽ đứt phần cổ rùa, khi đó cù lao sẽ tách ra làm 2 phần". Ông Giang cho biết thêm, hàng đêm trên sông Đồng Nai vẫn còn tình trạng lén lút khai thác cát. Từ khi chính quyền địa phương được cấp ca nô tuần tra thì nạn hút trộm cát mới giảm. Theo ông Giang, việc ngăn chặn khai thác cát trộm còn gặp nhiều khó khăn do đây là địa bàn giáp ranh giữa 2 tỉnh. Nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương thì rất khó ngăn chặn.
TX.Tân Uyên cũng đã thành lập một tổ chuyên trực trên sông phối với các xã, phường tăng cường công tác tuần tra, xử lý để ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng khai thác cát trái phép vẫn khó khăn. Hiện nay trên địa bàn thị xã có rất nhiều điểm sạt lở do 2 nguyên nhân chủ yếu là do thiên nhiên và do khai thác cát, đặc biệt khu vực xã Thạnh Hội sạt lở khá nhiều.
HÀ ANH CHIẾN
Theo LĐO
Gian nan cuộc chiến chống 'cát tặc': Dân tự phát chống trộm cát Trước thực trạng "không thể làm gì khác" của chính quyền với nạn "cát tặc" hoành hành, một số địa phương người dân đã tự đứng ra lập đội chống "cát tặc". Nhưng qua đó cũng cho thấy tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm... Người dân xã Tân Thiềng bức xúc chỉ tay về phía xáng cạp đang múc cát ẢNH: BẮC BÌNH...