Tàu chiến Trung Quốc vào Biển Đen: Mũi tên hướng nhiều đích
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Trung Quốc đã có mặt tại Biển Đen. Đây được đánh giá là một cột mốc trong lịch sử phát triển của Hải quân Trung Quốc.
Tàu khu trục lớp Jiangkai II tiến vào biển Đen. (Ảnh: USNI)
Trang tin The Diplomat dẫn các nguồn tin ngày 4/5 cho biết 2 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã tới căn cứ hải quân của Nga ở Novorossiysk và sẽ ở lại đây trong thời gian Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng phát xít.
Trước đó, hai tàu khu trục trên đã cùng với tàu chiến Nga tiến hành tập trận lần đầu tiên tại vùng biển Địa Trung Hải.
Theo giới quan sát, việc tới biển Đen lần này của hai tàu khu trục lớp Jiangkai II mang nhiều ý nghĩa, vừa là để thể hiện khả năng tác chiến tầm xa và vừa là để “chào mời” chính Nga.
Trong khi đó, tạp chí Want China Times có trụ sở tại Đài Loan cho rằng Hải quân Trung Quốc muốn nhân cơ hội này để phô diễn các khả năng của tàu khu trục lớp Jiangkai II với Nga, quốc gia từng gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển các mẫu tàu chiến mới thời hậu Liên bang Xô viết.
Nga hiện nay vẫn đang có nhiều dự án đóng các loại tàu thế hệ mới cho hải quân, song nhiều ý kiến cho rằng năng lực của các nhà máy đóng tàu chiến Nga vẫn chưa bằng các nhà máy đóng tàu ngầm.
Trang tin USNI News mô tả về một nhà máy đóng tàu chiến ở Nga như sau: “Nhà máy đóng tàu chiến Severnaya Verf ở St. Petersburg phải mất tới bảy năm để tàu hộ tống Đô đốc Gorshkov có thể được đưa vào triển khai trong hàng ngũ các tàu chiến của Hải quân Nga”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc chào mời Nga các mẫu tàu chiến mới của nước này có thể đảo ngược mối quan hệ bên mua và bên bán một chiều lâu nay giữa Điện Kremlin và Trung Nam Hải. Trang tin The Diplomat cũng cho rằng không thể phủ nhận quá trình hiện đại hóa với tốc độ nhanh của hải quân Trung Quốc.
Do đó, Nga có thể cân nhắc khả năng mở rộng hạm đội tàu chiến bằng phương án mua các tàu chiến của Trung Quốc, thay vì đóng ở trong nước.
Nếu làm như vậy, giới quan sát nhận định Nga sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho các dự án khác, ví dụ như dự án đóng tàu ngầm hay các dự án bảo vệ lợi ích ở phương Bắc.
Video đang HOT
Ngọc Anh
Theo Dantri
Nga-Trung: Đối mặt hay nhượng bộ?
Cả Trung Quốc và Nga đều có hấp lực với Kazakhstan, nhưng dù sao thì hiện tại, Nga vẫn là đối tác chính của quốc gia Trung Á này.
Các lợi ích Trung Quốc
Hai vấn đề cốt lõi xác định chính sách của Trung Quốc với Kazakhstan: Đầu tiên, sự phát triển của khu tự trị Tân Cương thông qua hợp tác liên vùng, xây dựng đường bộ, đường sắt; thứ hai là dễ dàng tiếp cận các tài nguyên của Kazakhstan (dầu, khí đốt và uranium) cũng như lộ trình vận chuyển tin cậy khí đốt của Turkmen sang Trung Quốc.
Thêm vào đó, Bắc Kinh còn muốn mở rộng sự hiện diện của hàng hóa Trung Quốc tại các thị trường ở Kazakhstan, ràng buộc kinh tế Astana với các gói hỗ trợ tài chính và tín dụng, thúc đẩy quan hệ văn hóa, tạo ra một thế hệ ảnh hưởng mới với các hoạt động sức mạnh mềm.
Trong giai đoạn này, hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Kazakhstan chủ yếu là các nỗ lực của Bắc Kinh trong phát triển mỏ dầu và khí đốt cũng như xây dựng hoặc nâng cấp mạng lưới ống dẫn để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu tài nguyên của Trung Quốc. Trung Quốc rõ ràng mong chờ sẽ trở thành người chơi lâu dài và thường trực trong các dự án dầu khí cũng như thúc đẩy thị phần nắm giữ với ngành công nghiệp dầu Kazakhstan so với tỉ lệ hiện tại khoảng 22-24%; tăng cường khối lượng dầu Kazakhstan bơm qua hệ thống ống dẫn Kazakhstan - Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. (Ảnh: Syne)
Trung Quốc đặt ra chiến lược quốc gia là thay thế than đá bằng khí đốt và đây cũng chính là động lực để họ đa dạng hóa các lộ trình cung cấp khí. Theo đó, khí đốt Turkmen được vận chuyển qua Kazakhstan và sang Trung Quốc, giúp làm giảm ô nhiễm không khí cũng như giảm gánh nặng cho mạng lưới giao thông (hiện tại, vận tải than chiếm 50% công suất đường sắt Trung Quốc).
Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ tập trung vào các cuộc thương thảo dầu và khí; họ còn ngắm tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc gia Trung Á. Ví dụ, Trung Quốc là một thị trường quan trọng của đầu ra uranium. Điều này dẫn tới các cuộc đàm phán giữa Kazatomprom, CNNC và CGNPC, đi tới nhất trí xuất khẩu 24,2 tấn uranium sang Trung Quốc vào năm 2020 từ các dự án khai thác chung.
Các quan chức Kazakhstan cũng nhất trí bán các bánh nhiên liệu do nhà máy luyện kim Ulba sản xuất. Điều này giúp Trung Quốc có được nguồn tài nguyên cần thiết cho chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia từ 2005-2020, với mục tiêu gia tăng công suất hạt nhân lắp đặt 42 GW.
Hơn nữa, để thực hiện kế hoạch an ninh năng lượng của Trung Quốc năm 2011-2015, CNNC dự kiến đầu tư hơn 500 tỉ nhân dân tệ (78 tỉ USD) trong việc xây dựng các nhà máy hạt nhân, để điện hạt nhân chiếm khoảng 5% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Nỗ lực này khiến lĩnh vực hạt nhân Trung Quốc trở nên năng động nhất thế giới, mở ra thị trường rộng lớn cho nguồn uranium.
Chiến lược "Go Out" của Trung Quốc đảm bảo sự đầu tư mạnh mẽ vào nước láng giềng Kazakhstan. Theo Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 24,1 tỉ USD năm 2013, trong đó Trung Quốc chiếm 9% còn Nga chiếm 5,4%. Trong tương lai, Trung Quốc rõ ràng chiếm ưu thế về đầu tư.
Trung Quốc cũng mở rộng đáng kể các khoản cho vay với Kazakhstan. Astana hiện nợ Bắc Kinh 15,8 tỉ USD, gấp gần bốn lần khoản nợ Moscow. Mặc dù các quỹ của Trung Quốc góp phần tạo lập nhiều liên doanh, tái thiết cơ bản cơ sở hạ tầng thì ở Kazakhstan tồn tại mối lo ngại ngày càng lớn về một "nguy cơ Trung Quốc".
Cảm nhận này diễn ra khá tương tự ở Kirgizia hay Uzbekistan. Trước thực tế này, Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược sức mạnh mềm để cải thiện hình ảnh. Hiện có hơn 20% trung tâm khoa học chuyên nghiên cứu Trung Á tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã mở bốn học viện Khổng Tử (tại Almaty, Astana, Aktobe và Karaganda), mở rộng cánh cửa các trường đại học Trung Quốc cho hơn 10.000 sinh viên Kazakhstan. Ngoài ra, Trung Quốc còn tổ chức các khóa đào tạo cho nhân viên Kazakhstan tại viện Khổng Tử.
Hợp tác giữa Trung Quốc và Kazakhstan sẽ tiếp tục phát triển, khi cả hai nước đều hăm hở thắt chặt quan hệ trong lĩnh vực hậu cần, viễn thông và hàng không.
Điểm mạnh và điểm yếu
Ưu điểm chính sách của Nga ở Kazakhstan được coi là sự chia sẻ di sản tạo lập từ thời Liên Xô cũ. Do kết quả sự phụ thuộc kinh tế giai đoạn này mà Nga vẫn giữ vị trí đáng kể trong nền kinh tế Kazakhstan và có thể làm sâu sắc thêm mối tương tác giữa hai nước.
Tuy nhiên, tầng lớp tinh hoa hiện nay từng được giáo dục tại Liên Xô trong nền tảng mối quan hệ mạnh mẽ. Putin và Nazarbaev trong khi vừa có mối quan hệ thân mật thì cũng lại chia sẻ sự bất an trước nguy cơ tan rã và bất ổn nội bộ. Có 3,7 triệu người Nga ở Kazakhstan năm 2013, chiếm gần 22% dân số. Ông Nazarbaev hiểu rằng, cùng tồn tại hòa bình với cộng đồng này là điều cốt tử cho sự phát triển nội bộ ổn định, và đó là lý do vì sao ông ủng hộ cả hai bên cùng ngả bài để tránh phải lặp lại số phận của Crimea.
Yếu điểm trong chính sách của Nga với Kazakhstan cũng như với chính sách Trung Á nói chung là: tham vọng ảnh hưởng của Moscow với các vùng đất thuộc Liên Xô cũ đi ngược lại với mong muốn bảo đảm chủ quyền và không trở thành vệ tinh từ các nước Trung Á. Trong trường hợp này, đầu tư và viện trợ Nga bị coi là công cụ của sức mạnh cứng mà Moscow lại muốn tạo dựng hình ảnh là một đối tác hay nhà viện trợ đáng tin cậy.
Gần đây, Nga mới bắt đầu chú ý vào sức mạnh mềm, và phát triển các công cụ có thể chuyển tải hình ảnh tích cực của Nga ở nước ngoài. Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ đã gây dựng được sự hiện diện của họ trong khu vực và Kremlin đang phải chứng kiến việc sử dụng ngôn ngữ Nga sụt giảm trong vùng. Tầng lớp thanh niên Trung Á ngày nay thích học tập tại Trung Quốc hơn.
Điều này đã thu hẹp cơ hội để Moscow phát triển một thế hệ mới sùng bái Nga.
Điểm mạnh trong chính sách của Nga tại Kazakhstan dựa trên ba yếu tố: sự tiếp cận lâu dài, đa dạng ít bị thăng trầm chính trị do chính sách Trung Á gắn liền với việc phát triển vùng tự trị Tân Cương. Thứ hai, Trung Quốc có nguồn lực tài chính lớn, từ đó thúc đẩy sâu sắc mối quan hệ đầu tư và tín dụng với Astana. Thứ ba, ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh với các mối quan hệ kinh tế.
Vấn đề chính trong chiến lược của Trung Quốc là cơ chế sức mạnh mềm không hiệu quả do cảm giác "mối đe dọa Trung Quốc". Kazakhstan luôn thận trọng với bất kỳ sự phụ thuộc nào vào nguồn nhập khẩu Trung Quốc, cũng như việc sụt giảm từ các ngành công nghiệp nội địa như dệt may, da giày. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa những thương nhân Trung Quốc và Kazakhstan hiển hiện rõ ràng tại các thị trường địa phương, nơi một nửa doanh số bị các lợi ích Trung Quốc kiểm soát. Các lo ngại khác đó là an toàn sản phẩm và môi trường.
Cạnh tranh
Vấn đề cấp bách nhất trong tam giác hợp tác Kazakhstan - Trung Quốc - Nga là cạnh tranh tài nguyên uranium. Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng công nghiệp năng lượng hạt nhân nhưng lại thiếu các mỏ tài nguyên này ở trong nước. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 18.968 tấn. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đặt ra mục tiêu khối lượng uranium chiến lược sẽ tăng tới 100.000 tấn. Mặc dù Bắc Kinh mua uranium từ 5 quốc gia (Kazakhstan, Uzbekistan, Namibia, Australia và Canada), thì trong năm 2013, họ nhập khẩu 14.981 tấn uranium Kazakhstan (tăng so với mức 9.613 tấn năm 2012).
Nga sở hữu nguồn tài nguyên uranium tới 541.000 tấn nhưng nhu cầu tiêu thụ đang phát triển nhanh chóng, buộc Moscow phải tìm tới nguồn dự trữ mới. Nhu cầu gia tăng dường như đang châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa Moscow và Bắc Kinh.
Sự cạnh tranh đáng kể thứ hai giữa Nga và Trung Quốc tại Kazakhstan nằm ở giai đoạn phát triển tiếp theo của SCO (tổ chức hợp tác Thượng Hải). Ở đó, Moscow và Bắc Kinh bất đồng về việc thiết lập một Ngân hàng Phát triển SCO cũng như sự hội nhập kinh tế sâu rộng hơn của tổ chức này. Hai bên có xu thể kiềm chế nhau trong con đường đạt tới vị trí ưu thế tại SCO.
Bắc Kinh đã vận động việc thành lập Ngân hàng Phát triển SCO tại ba hội nghị thượng đỉnh gần đây và sẵn sàng khởi động nó với 10 tỉ USD. Tuy nhiên, Moscow lại lo ngại việc có thể phải từ bỏ vị trí dẫn đầu cũng như khả năng phân bổ tài chính khiến họ tìm cách kiềm chế sáng kiến của Trung Quốc.
Rõ ràng, Nga và Trung Quốc cần phải nhượng bộ lẫn nhau nếu muốn phát huy tiềm năng của SCO cũng như đáp ứng nhu cầu đầu tư của Trung Á. Tương tự như vậy, Moscow sẽ phải đối mặt với nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tạo lập một khu vực tự do thương mại SCO - đối thủ cạnh tranh tiềm năng với Liên minh Hải quan và cũng là mối đe dọa với thị trường quốc gia từ hàng hóa rẻ Trung Quốc.
Còn với Kazakhstan, con đường phía trước còn nhiều chông gai. Một mặt lãnh đạo Nga và Kazakhstan có lịch sử quan hệ thân thiết, và Liên minh Kinh tế Á Âu đang tìm cách phát triển, nâng cao vị thế. Một mặt Astana muốn thu hút tiền từ Trung Quốc. Cả Trung Quốc và Nga đều có hấp lực với Kazakhstan, nhưng dù sao thì hiện tại, Nga vẫn là đối tác chính của quốc gia Trung Á này.
(* Tác giả Arthur Guschin là nhà phân tích cấp cao tại Trường Nghiên cứu quan hệ quốc tế S. Rajaratnam (RSIS).
Theo Minh Tâm (theo Diplomat)
Vietnamnet
Tuyến đầu cuộc chiến giành ảnh hưởng của Nga - Trung Là quốc gia trung tâm trong bất kỳ dự án hội nhập nào ở Trung Á, Kazakhstan đã trở thành tuyến đầu trong "cuộc chiến" giữa Nga và TQ để giành ảnh hưởng. Cho tới gần đây, Trung Á vẫn chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong nền chính trị thế giới, do yếu kém về kinh tế, các vấn đề nội...