Tàu chiến Mỹ bám biển Đông, đề phòng Trung Quốc?
Tàu chiến Mỹ bám biển Đông 16 tháng, tuy không đề cập mục tiêu đề phòng Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông.
Tàu chiến cận duyên (LCS) USS Fort Worth ngày 17.11 đã rời cảng Mỹ đi châu Á, nơi nó sẽ hoạt động suốt 16 tháng quanh Singapore khi đến đảo quốc này vào cuối năm nay.
Đây là cuộc triển khai tàu chiến Mỹ lâu nhất trong hơn 42 năm qua, kể từ sau lần tàu sân bay Midway hoạt động suốt 327 ngày hồi năm 1973 với duy nhất một thủy thủ đoàn.
4 tháng thay quân/lần
USS Fort Worth có nhiệm vụ tuần tra, huấn luyện, tập trận chung quanh Singapore, biển Đông và các khu vực khác thuộc vùng trách nhiệm của Hạm đội 7.
54 thủy thủ đoàn USS Fort Worth sẽ được thay quân lần đầu tiên sau 4 tháng, và trong 16 tháng có tổng cộng 4 đợt thay quân trước khi trở về căn cứ ở San Diego (bang California), theo Hạm trưởng Ken Bridgewater.
Nhóm thủy thủ có 19 người phụ trách sử dụng các phương tiện chiến đấu trên biển, và một phi đội không quân 24 người để điều khiển chiếc trực thăng MH-60R Seahawk có người lái và chiếc trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout vốn có tầm bay 161 km, cho phép tàu thêm khả năng tuần tra khu vực xung quanh tàu.
Video đang HOT
Tàu chiến cận duyên Fort Worth đi Singapore
USS Fort Worth đóng xong hồi tháng 9.2012, là chiếc LCS đầu tiên triển khai hai phương tiện này. Nó cũng là chiếc thứ hai của lớp tàu Freedom vốn dựa trên mẫu thiết kế một thân bằng thép.
Chiếc LCS đầu tiên là USS Freedom đã triển khai 10 tháng ở Singapore hồi năm ngoái, gặp nhiều trục trặc trong khâu bảo trì (mất lực chuyền động sau khi tiếp nhiên liệu, có vấn đề về lực quạt nước) khi nó chuyển hàng cứu trợ nhân đạo đến các vùng Philippines bị một cơn bão tàn phá nặng nề nhất năm 2013.
Sau 16 tháng, USS Forth Worth sẽ được thay thế bằng chiếc Freedom.
Chống 5 vụ cháy trong 90 phút
Hải quân Mỹ muốn USS Fort Worth hoạt động dài hạn để thí điểm khả năng hậu cần, tìm hiểu những trục trặc có thể có, gồm động cơ chạy diesel.
Chiếc LCS này dài 119 mét, có vạch ngấn nước 4 mét, điều giúp nó có thể vào các cảng nước nông- nơi những kiểu tàu chiến khác của hải quân Mỹ không vào được-để giao lưu với các đối tác, đồng minh.
LCS được thiết kế để chiến đấu ven biển, có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ, gồm dò mìn, chống tàu nổi và tàu ngầm.
Chúng cũng có nhân sự và phương tiện cần thiết cho các nhiệm vụ “thăm, tìm kiếm-cứu hộ và bắt giữ”, gồm các hoạt động chống hải tặc.
USS Fort Worth được trang bị các phương tiện chiến đấu có thể dễ dàng triển khai, gồm 2 trực thăng, 2 ụ súng 30 mm, 1 ụ súng 57 mm có thầm bắn 10,5 đạn để chống những đe dọa từ các tàu nhỏ.
Nó còn có hai tàu cao su có thân cứng dài 11 mét có thể phóng xuống biển từ đuôi tàu, và 2 tổ quân nhân đổ bộ, mỗi tổ 8 lính.
USS Fort Worth có thể đạt tốc độ 40 hải lý (74 km/giờ), được đánh giá tiết kiệm nhiên liệu nhiều hơn chiếc Freedom khoảng 15 %, và lướt nhanh hơn.
Đại úy Randy Garner chỉ huy hải đội 1 LCS, nói hải quân Mỹ dự tính có 3 tổ quân cho cứ mỗi cặp tàu LCS, cứ 4 tháng thay kíp quân một lần, tức một sự giảm quân lớn so với số thủy thủ luôn chốt trên tàu của họ.
Ông nói Hải quân Mỹ đã rút được nhiều bài học từ việc triển khai chiếc Freedom, nhưng nói thêm, rằng bất kỳ chương trình tàu mới nào cũng có những trải nghiệm như chiếc này. Ông cũng cho biết USS Fort Worth hoạt động gần như tự động, điều chỉ cần ít người.
Đại úy Gardner nói chương trình LCS đã thử nghiệm thành công các phương tiện chiến đấu chống tàu nổi hồi mùa hè này, và thủy thủ USS Forth Worth vượt qua kỳ kiểm tra khả năng tồn tại, trong đó họ chiến đấu chống lại 5 vụ cháy suốt 90 phút.
Ông nói hồi tháng 9, cả 4 chiếc LCS đã đi biển cùng lúc, với 3 chiếc có nhiệm vụ khác nhau, chiếc thứ thứ tư lo phóng thử một tên lửa tầm xa do hãng Kongsberg Gruppen đóng.
Hải quân Mỹ dự tính có 4 chiếc LCS hoạt động ngoài khơi Singapore từ khoảng năm 2018.
Tiết kiệm tiền nhưng vẫn bị đặt dấu hỏi
Trong bối cảnh bị cắt giảm kinh phí, hải quân Mỹ phải lập chiến lược mới vừa tiết kiệm tiền nhưng cũng vừa duy trì sự hiện diện trên các vùng biển.
Họ xem LCS là cách rẻ tiền hơn để thay việc luân phiên đưa một tàu lớn đến châu Á và nhất là Đông Nam Á. Một khu trục hạm lớp Arleigh Burke thường có hơn 300 thủy thủ, cần nhiều nhiên liệu, nước uống và các nguồn hậu cần khác. Việc hoạt động và hỗ trợ thường chiếm 70 % kinh phí của một tàu chiến.
Nhưng Quốc hội Mỹ đang tiếp tục tranh luận nên đóng thêm bao nhiêu tàu LCS, để duyệt kinh phí trước cuối năm nay, nhằm tuân thủ Luật cho phép phòng thủ quốc gia vốn có hiệu lực từ năm 2015.
Kế hoạch duyệt chi kinh phí phải được thông qua trước khi kỳ họp quốc hội tạm nghỉ từ giữa tháng 12 tới. Hồi tháng 4, thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa- đã đặt dấu hỏi về khả năng “sống” sau một trận thủy chiến của LCS, sau khi biết những trục trặc kỹ thuật của chiếc Freedom.
Bộ Quốc phòng Mỹ hiện chỉ có khoảng 20 chiếc LCS so với kế hoạch ban đầu là 52 chiếc, cũng đang xem xét đề nghị nâng cấp LCS, sửa hay đổi sang một mẫu thiết kế khác. Dự kiến năm 2016 sẽ xem xét vấn đề này, khi quốc hội Mỹ duyệt chi quốc phòng.
Theo Một Thế Giới