Tàu chiến của Trung Quốc có giá bao nhiêu?
Dù Bắc Kinh giấu kín chi phí đóng tàu ngầm hoặc tàu chiến nhưng theo phân tích của một số chuyên gia nước ngoài, tàu khu trục Type 054A của Trung Quốc trị giá tới 348 triệu USD, tương đương 10 máy bay Su-30K của Nga, hay lương của 64.000 hạ sỹ quan quân đội Trung Quốc.
Một tàu khu trục hộ vệ tên lửa Type 054A lớp Jiangkai II của Hải quân Trung Quốc trên biển Địa Trung Hải (Ảnh: Chinesemilitaryreview)
Việc lượng hóa chi phí đóng tàu chiến của Trung Quốc sẽ giúp hiểu rõ hơn ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh đã được chuyển thành năng lực quân sự như thế nào.
Tuy Trung Quốc không hề tiết lộ thông tin về chi phí đóng tàu ngầm hoặc tàu chiến của mình nhưng với mục đích tìm hiểu năng lực quân sự hiện tại của Trung Quốc, một số chuyên gia phân tích nước ngoài đã tổng hợp dữ liệu về vấn đề này.
Những phân tích sau đây tập trung vào tàu hộ vệ tên lửa Type 054A vì đây là lực lượng chiến đấu chủ lực trên mặt nước của Trung Quốc, đồng thời là nhóm tàu hiện đại và được đóng nhiều nhất nước này.
Phân bổ chi phí đóng tàu hộ vệ tên lửa Type 054A của Trung Quốc (Đồ họa: Diplomat/Hoài My)
Giá ước tính của tàu Type 054A hiện nay vào khoảng 348 triệu USD, đã bao gồm cả vũ khí, thiết bị.
Thiết bị điện tử: 102 triệu USD chiếm 29% tổng chi phí
Hệ thống dữ liệu chiến đấu ZKJ-4B/6 của tàu Type 054A được cho là dựa trên thiết bị Tavitac của Thompson CSF. Tavitac có giá thiết bị thấp hơn 5% tổng chi phí của tàu khu trục Lafayette mà Pháp bán cho Đài Loan năm 1992 với giá 466 triệu USD. Thiết bị ZKJ-4B/6 của Type 054A cũng có giá khoảng 20 triệu USD.
Radar tìm kiếm model 382 3D có thể có mức giá 15 triệu USD, tính dựa trên giá loại radar AMD mà hãng Saab bán cho Úc để trang bị cho tàu khu trục LHD lớp Canberra.
Hệ thống dò siêu âm của Type 054A sẽ có giá khoảng 20 triệu USD, tính dựa vào giá thiết bị tương đương Sonar 2087 của Hải quân Hoàng gia Úc.
Hệ thống kiểm soát máy móc của Type 054A có giá khoảng 15 triệu USD, tính dựa trên hợp đồng cung cấp thiết bị tương tự của Northrup Grumman cho tàu khu trục LHA-7. Tương tự, hệ thống kiểm soát vũ khí của Type 054A sẽ có giá khoảng 50,6 triệu USD.
Vũ khí trên tàu: 84 triệu USD – 24%
Phần đắt nhất trong gói thiết bị vũ khí của Type 054A là các bệ phóng tên lửa đứng. Một module 8 khoang phóng tên lửa của US Mk 41 VLS là hệ thống phổ biến nhất trên thế giới có giá khoảng 15 triệu USD. Type 054 có tổng cộng 32 khoang phóng tên lửa, vậy tổng cộng chi phí cho các thiết bị này của Type 054 khoảng 40 triệu USD.
Video đang HOT
Thiết bị đắt thứ hai trong gói vũ khí của Type 054A là 2 hệ thống vũ khí cận chiến 730 (CIWS) có giá khoảng 11 triệu USD. Một ụ pháo Phalanx Block 1B CIWS của Hải quân Mỹ có giá 5,6 triệu USD. Giá thiết bị của Trung Quốc gần tương đương của Mỹ vì dù súng 730 của Type 054A lớn hơn và cỡ nòng cũng lớn hơn, nhưng giá vật liệu và lắp ráp có thể thấp hơn.
Nhân công: 75 triệu USD – 22%
Nhân lực để đóng và thử nghiệm tàu khu trục có lượng giãn nước 3.000 đến 4.000 tấn cần khoảng từ 2,5 triệu (đối với Mỹ, tàu FFG-7) và 10,8 triệu giờ công lao động (với Ấn Độ, tàu lớp Godavari). Số giờ công lao động của Trung Quốc để hoàn thành đóng và thử nghiệm tàu Type 054A là khoảng 3,2 triệu giờ lao động. Giá nhân lực tham khảo được tính theo bảng chi phí của nhà máy đóng tàu hàng đầu của Trung Quốc là Jiangsu Rongsheng, có tính thêm mức tăng 25% do yêu cầu thợ lành nghề đảm bảo các thông số kỹ thuật tàu chiến.
Như vậy, chi phí nhân công để đóng và thử nghiệm Type 054A là khoảng 75 triệu USD, chiếm 22% tổng chi phí.
Thân tàu và thiết bị: 45 triệu USD – 13%
Chi phí trên được tính dựa trên thực tế là khoảng 1/3 trọng ượng của các tàu cỡ tương đương như Type 054A là từ kim loại mà chủ yếu là thép, cùng với một lượng nhỏ hơn là nhôm cao cấp, các đường dây và ống. Với trọng lượng khoảng 1.200 tấn của tàu Type 054A nhân giá trung bình 2.000 USD/tấn thép chất lượng cao dùng đóng tàu chiến.
Các chi phí còn lại trong mục này là của những vật liệu có khả năng hấp thụ sóng radar và các vật liệu composite được tính dựa trên giá trung bình tại thị trường Trung Quốc.
Động cơ: 32 triệu – 9%
Phần lớn nhất trong chi phí cho động cơ của Type 054A là 4 động cơ đẩy diesel Pielstick/Shaanxi PA6. Có ít nhất một công ty thương mại đã chào bán động cơ Pielstick với đơn giá dao động từ 1 triệu đến 10 triệu USD. Vậy tính giá trung bình là 5 triệu USD cho một động cơ đẩy do yêu cầu chất lượng cao trong đóng tàu quân sự, và tổng cộng chi phí cho động cơ là 20 triệu USD.
Phần 12 triệu USD còn lại là chi phí đóng tàu cỡ tương đương cho hộp số, chuyển động, hướng lái…
Chi phí khác: 10 triệu USD – 3%
Mục này tất cả những chi phí khác có thể phát sinh khiến cho đánh giá ước lượng bị thấp hơn so với chi phí thực tế.
Suy luận chiến lược về chi tiêu quốc phòng
Như vậy, giá thành của một chiếc tàu khu trục hộ vệ tên lửa Type 054A là khoảng 348 triệu USD. Giá ước lượng này khá phù hợp với thực tế khi Trung Quốc chào bán cho Thái Lan tàu khu trục Type 054 vào đầu năm 2013 với mức 333 triệu USD. Giá thực tế khi giao cho phía Thái Lan có thể là khoảng từ 350 đến 375 triệu USD.
Chi mua sắm quân sự luôn phải tính đến chi phí cơ hội, kể cả với Trung Quốc là nước có ngân sách quốc phòng lớn. Với giá giả định là 365 triệu USD, chi phí Bắc Kinh dùng đóng 1 tàu khu trục hộ vệ tên lửa Type 054A là tương đương với:
- 13 máy bay tiêm kích J-10
- 10 máy bay Su-30K
- 670 triệu lít xăng máy bay cho huấn luyện, đủ cho đội bay 97 chiếc Su-30 của Trung Quốc nạp đầy 600 lần.
- Tiền lương cả năm của tổng cộng 64.000 hạ sĩ quan Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Hải quân mạnh là nhờ vào sức mạnh ngân khố quốc gia. Bắc Kinh khoe khoang có lực lượng hải quân mạnh cũng là nhờ tiềm lực kinh tế Trung Quốc lớn. Thêm nữa, chi phí tự đóng tàu của nước này cũng thấp hơn chi phí cùng loại của nhiều cường quốc biển khác trong khu vực châu Á – Thái Bình dương.
Hoài My
Theo Dantri/ Diplomat
Chiến tranh xảy ra nếu Mỹ xâm nhập vùng 12 hải lý trên Biển Đông?
Mỹ muốn đưa tàu chiến xâm nhập khu vực 12 hải lý cách đảo nhân tạo của Trung Quốc. Đây là ranh giới cuối cùng có thể dẫn đến xung đột quân sự ở Biển Đông, Naional Interest phân tích.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tháng trước đã đề nghị tăng cường hoạt động quân sự của hải quân Mỹ ở Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam - PV). Chính sách mới bao gồm việc đưa các tàu chiến xâm nhập khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép.
Mỹ thay đổi chiến lược ở Biển Đông
Máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ đã tuần tra trên khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép nhưng việc tàu chiến Mỹ xâm nhập khu vực này là một vấn đề hoàn toàn khác biệt.
Tàu sân bay hạt nhân USS Geogre Washington của Mỹ có thể tham gia tập trận ở Biển Đông.
Điều này sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ với mối đe dọa lớn hơn thay vì những chiếc máy bay tuần tra ở độ cao khoảng 4.600 m. Đề nghị của ông Carter cho thấy Mỹ đang có sự thay đổi chiến lược ở Biển Đông.
Nếu như Washington đưa tàu chiến đến khu vực 12 hải lý cách đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép mà không đưa ra được những hành động răn đe, điều này sẽ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực từ trong nước. Điều này cũng xung khắc chính sách của Bắc Kinh nên có thể gây ra một cuộc chiến tranh.
Trung Quốc sẽ đáp trả Mỹ như thế nào?
Trang National Interest phân tích, nếu như Mỹ cương quyết phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc và tiếp tục tuần tra trong khu vực 12 hải lý, Trung Quốc sẽ có những hành động đáp trả.
Bắc Kinh đã nhận ra bài học từ những sự cố liên quan đến Mỹ. Thời gian ngắn sau khi tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay qua khu vực mà Trung Quốc không đưa ra bất kỳ đối sách nào.
Có những phân tích cho rằng, những máy bay Mỹ không bay đến Trung Quốc và do đó không tạo ra mối đe dọa trực tiếp. Tuy nhiên, xét từ quan điểm của Bắc Kinh, việc không ngăn chặn máy bay Mỹ là một thất bại quân sự và chính trị.
Mỹ từng đưa các máy bay B-52 xâm nhập ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố trên biển Hoa Đông.
Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã tiến hành tuần tra, trinh sát và hộ tống quy mô trên Biển Đông. Kể từ vụ va chạm năm 2001, Mỹ và Trung Quốc đã tham gia vào nhiều sự cố xảy ra trong khu vực. Đụng độ trên Biển Đông xảy ra ở trên không, trên biển, dưới biển và trên vũ trụ. Những xung đột thỉnh thoảng xảy ra liên quan đến lực lượng bán quân sự như tàu đánh cá có vũ trang.
Đáng tiếc rằng, Mỹ và Trung Quốc chưa thiết lập bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Những hành động tương tự như việc gửi tàu chiến tuần tra trong khu vực 12 hải lý sẽ chỉ gây ra sự hiểu lầm và kéo theo nguy cơ xung đột tiềm tàng giữa hai nước, theo National Interest.
Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự
Các nhà hoạch định chiến lược và quân sự ở Washington và Bắc Kinh chắc chắn sẽ cân nhắc chiến lược thông qua khả năng xung đột quân sự tiềm tàng trên Biển Đông.
Xung đột quân sự sẽ chỉ xảy ra một cách hạn chế nhằm đảm bảo chiến lược cân bằng chung giữa hai nước. Theo National Interest, giao tranh sẽ chỉ diễn ra trên biển với các tàu chiến cỡ nhỏ. Khả năng can thiệp bằng không quân của cả Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông đều hết sức hạn chế
Tàu tác chiến gần bờ LCS Fort Worth từng bị tàu Trung Quốc theo dõi trên Biển Đông.
Mỹ hoàn toàn có thể đưa thêm các tàu sân bay đến Biển Đông nhưng điều này sẽ tạo nên mối đe dọa lớn hơn cũng như chi phí vận hành cao hơn. Khả năng chống can thiệp quân sự của Trung Quốc đến từ hạm đội tàu ngầm, không quân và tên lửa tầm xa cũng khiến người Mỹ phải cân nhắc.
National Interest nhận định giao tranh trên biển không phải là ưu thế của quân đội Mỹ. Hải quân Mỹ đang phát triển các vũ khí tấn công mới như vũ khí laser, tên lửa chống hạm tầm xa, súng điện từ lắp đặt trên các tàu chiến. Trong tương lai gần, Mỹ chưa thể chiến thắng trong những cuộc chiến với những tàu nhỏ hơn.
Những tàu tác chiến ven bờ (LCS) nhiều khả năng sẽ tham gia vào xung đột (nếu có) với Trung Quốc. Tuy nhiên, trang bị vũ khí hạn chế là nhược điểm của LCS so với các tàu chiến mang tên lửa dẫn đường Type 054A của Trung Quốc. Hạm đội Nam Hải hiện đang biên chế 8 tàu chiến Type 054A và 5 tàu hộ vệ Type 056.
Nếu Mỹ triển khai các tàu khu trục lớp Zumwalt đến Biển Đông, khả năng giành chiến thắng trong xung đột là cao hơn. Theo National Interest, hải quân Mỹ không thể dựa vào các tàu chiến tối tân để chiếm ưu thế trong một khu vực như ở Biển Đông. Đó cũng là lý do mà các tàu LCS được phát triển.Theo National Interest, hai tàu chiến Type 054A có khả năng tiêu diệt một tàu LCS của Mỹ. Hạm đội từ 3 tàu 054A hoàn toàn khống chế 2 tàu LCS mà Mỹ có thể triển khai trên Biển Đông. Nếu sử dụng tàu hộ vệ Type 056, Trung Quốc sẽ cần đến 4 hoặc 5 tàu để đối trọng với các tàu chiến Mỹ.
National Interest so sánh sự kiện Vịnh Bắc Bộ với nguy cơ xung đột hiện tại ở Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ khó có thể sử dụng chiến lược này vì điều này có thể dẫn đến chiến tranh quy mô hơn với Trung Quốc.
Có nhiều lý do để Mỹ tiếp tục can thiệp vào tình hình Biển Đông. Một số chuyên gia Mỹ tin rằng quân đội cần phải hành động dứt khoát và quyết đoán hơn. Nhưng nếu một cuộc chiến tranh nổ ra, không ai có thể biết liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau đó.
Đăng Nguyễn
Theo_Người Đưa Tin
Trung Quốc lệnh đóng tàu dân sự cho cả mục đích quân sự Chính phủ Trung Quốc phê duyệt kế hoạch yêu cầu các nhà đóng tàu dân sự phải đảm bảo các tàu mới có thể sử dụng cho quân đội trong trường hợp khẩn cấp. Một tàu Trung Quốc neo tại cảng Santos, Brazil hôm 19/5. Ảnh: Reuters China Daily dẫn tin từ hiệp hội công nghiệp đóng tàu cho hay kế hoạch trên...