Tàu cảnh sát biển lớn nhất Việt Nam về nước quý 3.2017
Sau khi được bàn giao cho Cảnh sát biển VN, Tàu CSB 8020, nguyên là tàu Morgenthau của lực lượng Tuần duyên Mỹ, đang trong quá trình bảo dưỡng, nâng cấp, huấn luyện thủy thủ tại Hawaii và sẽ về nước vào mùa thu 2017.
Quốc kỳ Việt Nam trên tàu CSB 8020 tại Honolulu ngày 29.5.2017Maritime Hawaii
Về Đà Nẵng vào mùa thu 2017
Theo trang tin của Tuần duyên Mỹ, ngày 25.5 qua tại Honolulu (bang Hawaii, Mỹ), Tuần duyên Mỹ đã tổ chức lễ bàn giao tàu tuần duyên Morgenthau (WHEC 722, đã hoạt động 48 năm) cho Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ 8 mà Tuần duyên Mỹ chuyển giao cho nước ngoài thông qua chương trình bán vũ khí dư thừa của Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho các nước, và cũng là chiếc tàu tuần tra đầu tiên Tuần duyên Mỹ chuyển giao cho lực lượng Cảnh sát biển của nước ngoài (các lần trước là giao cho hải quân các nước, như Nigeria, Bangladesh, Philippines).
Khi Cảnh sát biển Việt Nam tiếp nhận, tàu Morgenthau được đổi tên là CSB 8020. Với chiều dài 115 m, ngang rộng nhất 13 m, mớn nước 4,6 m, lượng choán nước 3.250 tấn, tầm hoạt động 22.530 km, đây sẽ là chiếc tàu lớn nhất của Cảnh sát biển Việt Nam.
Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm và chuẩn đô đốc Tuần duyên Mỹ Michael J. Haycock bắt tay tại lễ chuyển giao tàu Morgenthau cho CSB VN ở Honolulu, Hawaii ngày 25.5.2017 Tuần duyên Mỹ
Phát biểu tại lễ bàn giao tàu ngày 25.5, chuẩn đô đốc Tuần duyên Mỹ Michael J. Haycock (phụ trách việc thu mua) cho biết: “Hai quốc gia chúng ta có cùng mối quan tâm đến việc bảo vệ tự do hàng hải, tôn trọng pháp luật hàng hải quốc tế và bảo đảm an ninh hàng hải – những lĩnh vực mà lực lượng bảo vệ bờ biển đóng vai trò quan trọng. Việc chuyển giao con tàu này, nhằm tăng cường sức mạnh của Cảnh sát biển Việt Nam, là một minh chứng cho cam kết của chúng tôi đối với những lợi ích nói trên”.
Hiện tại, Văn phòng Thu mua quốc tế của Tuần duyên Mỹ đang hỗ trợ tàu CSB 8020 trong thời gian bảo dưỡng, nâng cấp tàu và đào tạo thủy thủ đoàn VN tại Honolulu. Dự kiến sau khi hoàn tất, tàu CSB 8020 sẽ khởi hành về đến Đà Nẵng vào mùa thu này. Tuần duyên Mỹ cũng hỗ trợ mua sắm và lắp đặt thiết bị trên tàu với kinh phí từ quỹ tài trợ quân sự nước ngoài.
Mỗi chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton khi chuyển giao cho nước ngoài sẽ giúp Tuần duyên Mỹ tiết kiệm được khoảng 12 triệu USD chi phí liên quan đến việc thanh lý tài sản, theo trang tin Tuần duyên Mỹ.
Sĩ quan và quân nhân CSB Việt Nam trên tàu Morgenthau, nay là CSB 8020, ngày 25.5.2017 Tuần duyên Mỹ
Trên website của DSCA ngày 13.4.2017, trong phần liệt kê các khoản cung cấp vũ khí dư thừa năm 2016 cho thấy Việt Nam đề nghị mua 3 tàu tuần duyên lớp Hamilton, nhưng phía Mỹ quyết định cung cấp 1 chiếc.
Theo thông lệ, các tàu tuần duyên Mỹ khi chuyển giao cho các nước đều bị tháo gỡ các thiết bị điện tử quan trọng cùng các khí tài “nhạy cảm” như radar, hệ thống pháo bắn nhanh tầm gần Phalanx điều khiển bằng radar… Quan sát ảnh chụp tàu CSB 8020 ở Honolulu ngày 29.5 cũng thấy tàu không còn khẩu pháo Phalanx (6 nòng, tốc độ bắn hơn 2.000 phát/phút, bắn đạn 20 mm với đầu đạn bằng tungsten, chống máy bay và tên lửa các loại trong phạm vi 5 km) ở phía đuôi tàu, chỉ còn khẩu pháo Otobreda 76 mm phía mũi cùng radar khóa mục tiêu và dẫn bắn. Radar tìm kiếm mục tiêu trên không SPS-40 với tầm trinh sát tối đa 450 km (ở trên đỉnh tháp tín hiệu phía sau tàu) và radar hỗ trợ nằm giữa thân tàu cũng không còn.
Video đang HOT
Có thể thấy dàn radar tìm kiếm mục tiêu trên không ở trên đỉnh tháp tín hiệu phía sau tàu và radar hỗ trợ nằm giữa thân tàu CSB 8020 (ảnh trên) đã bị tháo dỡ cùng khẩu pháo cận chiến bắn nhanh Phalanx phía đuôi tàu, so với ảnh dưới chụp khi tàu còn thuộc biên chế lực lượng Tuần duyên Mỹ ở Honolulu ngày 8.8.2015 Maritime Hawaii
Các khí tài bổ sung cho tàu tuần duyên lớp Hamilton khi đại tu vào cuối những năm 1980 Tuần duyên Mỹ
Từng là “Tàu tuần duyên tương lai”
Tàu CSB 8020 vốn là tàu tuần duyên Morgenthau (WHEC 722) thuộc lớp tàu Hamilton được đóng vào cuối những năm 1960, là chiếc thứ 8 trong tổng số 12 chiếc loại này do tập đoàn Avondale Shipyards ở New Orleans (bang Louisiana) thực hiện.
Được ca tụng là “tàu tuần duyên của tương lai”, Hamilton là lớp tàu tuần duyên lớn nhất của Mỹ lúc đó, dài 115 m, ngang rộng nhất 13 m, mớn nước 4,6 m, lượng choán nước 3.250 tấn. Tàu có 2 động cơ diesel và 2 động cơ turbin khí, đạt tốc độ tối đa 53,7 km/giờ, tầm hoạt động đến 22.530 km. Tàu có 160 sĩ quan và thủy thủ, hoạt động liên tục 45 ngày trên biển.
Đây là loại tàu đa chức năng được trang bị các công nghệ hiện đại nhất thời bấy giờ. Khi sử dụng động cơ turbin khí, tàu có thể tăng tốc từ 0 lên 30 knot (53,7 km/giờ) chỉ trong 60 giây. Tàu có 2 chân vịt phía đuôi và chân vịt ở hai bên mũi tàu, giúp tàu có thể di chuyển theo chiều ngang để cập mạn cầu cảng thay vì dùng tàu kéo lai dắt. Nội thất trên tàu rộng rãi để phục vụ thủy thủ đoàn và sĩ quan. Tàu còn mang theo 1 trực thăng.
Ngoài chức năng tuần tra lãnh hải, cứu hộ cứu nạn, khảo sát đại dương, tàu tuần duyên lớp Hamilton còn hoạt động như tàu chiến (khi cần thiết có thể tham gia vào biên đội tác chiến của tàu sân bay) và có thể hoạt động ở mọi vùng biển trên thế giới, chịu được sóng to gió lớn, nên lớp tàu này còn có tên là tàu tuần duyên có độ bền cao (high endurance cutter). Lớp tàu này được cho sẽ hoạt động hàng chục năm, và hiện sau gần nửa thế kỷ, các tàu thuộc lớp Hamilton vẫn còn phát huy tác dụng.
Tạp chí của Học viện Hải quân Mỹ năm 1969 về lớp tàu Hamilton – tàu tuần duyên của tương lai
Từng bị hư hại trong chiến tranh Việt Nam
Tàu được đặt tên Morgenthau để lưu danh ông Henry Morgenthau Jr. (1891-1967), Bộ trưởng Tài chính Mỹ từ 1934 – 1945, và được biên chế vào lực lượng Tuần duyên Mỹ tháng 3.1969. Thời chiến tranh lạnh, tàu Morgenthau cũng như các tàu lớp Hamilton khác còn trang bị khả năng dò tìm và săn tàu ngầm. Tàu này từng có mặt ở nhiều điểm nóng trên thế giới.
Theo Tuần duyên Mỹ, tàu Morgenthau vào tháng 4.1971 được điều sang hỗ trợ quân đội Mỹ tham chiến ở miền nam Việt Nam. Tháng 7 cùng năm, tàu này bị “sự cố nghiêm trọng” khi đang tuần tra làm hư hỏng cả 2 chân vịt cùng phần thiết bị định vị thủy âm (sonar) ở mũi tàu. Sau đó tàu được lai dắt sang căn cứ Subic (Philippines) để sửa chữa. Tuần duyên Mỹ không nói rõ nguyên nhân con tàu này bị tai nạn.
Đại tu giữa kỳ, chuyển sang phục vụ ở Hawaii
Vào những năm 1980, lớp tàu tuần duyên Hamilton sau khi trải qua thời gian đại tu giữa kỳ thì được nâng cấp hệ thống vũ khí, gồm vũ trang 1 pháo 76 mm loại Otobreda (điều khiển bằng radar khóa mục tiêu và dẫn bắn), 1 hệ thống pháo bắn nhanh Phalanx (6 nòng, 20 mm) điều khiển bằng radar phía đuôi tàu, 2 pháo 25 mm M242, nhiều đại liên M2 Browning, súng máy hạng nhẹ M240. Tàu lớp Hamilton còn được trang bị thêm nhà chứa trực thăng (do Canada sản xuất) dạng mái vòm, có thể kéo ra thu vào được để tiết kiệm diện tích ở phần sân đỗ máy bay.
Tàu Morgenthau được đại tu vào năm 1989, năm 1991 thì hoàn tất. Vào năm 2001, Morgenthau là chiếc tàu lớp Hamilton đầu tiên được gắn thêm một cánh tà dưới phần đuôi tàu, giúp tàu đạt tốc độ tối đa khi di chuyển mà không cần phải chạy hết công suất của động cơ, giúp tiết kiệm khoảng 15.000 USD tiền nhiên liệu/năm.
Năm 1996, Morgenthau là tàu tuần duyên đầu tiên của Mỹ được điều sang vùng Vịnh giám sát Iraq tuân thủ các nghị quyết trừng phạt của LHQ. Sau đó tàu được đưa sang vùng biển Thái Bình Dương tuần tra bảo vệ môi trường và ngư nghiệp ở Alaska, ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và chống buôn lậu ma túy ở vùng biển Guam, Trung và Nam Mỹ. Tàu này từng bắt 1 vụ buôn lậu ma túy trị giá 32 triệu USD ngoài khơi Mexico vào năm 2001. Cũng trong năm này, tàu Morgenthau từng truy đuổi 1 tàu cá của Nga đánh bắt trộm trong vùng biển Mỹ, cuộc truy đuổi trên biển Bering kéo dài tới vùng biển của Nga. Sau sự cố này, hai nước phải thành lập nhóm phối hợp chung về các hoạt động thực thi pháp luật.
Tàu tuần duyên Morgenthau và tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 2102 trên vùng biển Bắc Thái Bình Dương năm 2012 khi tàu Mỹ bàn giao tàu cá Yin Yuan cho tàu Trung Quốc Tuần duyên Mỹ
Năm 2012, trong một lần tuần tra ở đông bắc Thái Bình Dương, tàu Morgenthau phát hiện tàu cá Yin Yuan của Trung Quốc sử dụng lưới rà kéo dài hơn 3 km để đánh cá. Loại lưới này bị thế giới cấm vì tận diệt hải sản. Sau khi lập biên bản, tàu Morgenthau đã trao trả tàu Yin Yuan cùng thuyền viên cho tàu hải cảnh Trung Quốc tại khu vực cách phía đông Tokyo (Nhật Bản) khoảng 1.100 km.
Từ năm 2013, tàu Morgenthau chuyển về căn cứ ở Honolulu, Hawaii, thay thế chiếc Jarvis cũng thuộc lớp Hamilton được loại biên và chuyển giao cho hải quân Bangladesh theo chương trình bán vũ khí dư thừa của Mỹ.
Ngày 3.8.2016, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm có chuyến công tác đến Hawaii và đã lên thăm tàu Morgenthau, theo Bộ Chỉ huy tuần duyên Mỹ ở Hawaii.
Phái đoàn Cảnh sát biển Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm với lực lượng Tuần duyên Mỹ tại khu vực sàn đáp và nhà chứa trực thăng phía đuôi tàu Morgenthau, ngày 3.8.2016 Tuần duyên Mỹ
Ngày 18.4.2017, tàu Morgenthau làm lễ loại biên sau 48 năm hoạt động. Và ngày 25.5, lễ chuyển giao con tàu này cho Cảnh sát biển VN được tổ chức ở Honolulu, sau đó tàu mang tên CSB 8020, là con tàu lớn nhất của CSB Việt Nam.
Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm Tuần duyên Mỹ thu được khoảng 80 triệu USD từ việc bán các thiết bị quân sự dư thừa. Tuần duyên Mỹ hiện còn 4 chiếc tàu lớp Hamilton phục vụ tại Thái Bình Dương. Những tàu Hamilton đã chuyển giao cho hải quân các nước trước đó gồm Philippines (3 chiếc), Bangladesh (2) và Nigeria (2 chiếc).
Tàu tuần duyên lớp NSC (còn gọi là lớp Legend) của Mỹ, thay thế tàu lớp Hamilton Tuần duyên Mỹ
Tàu lớp Hamilton đang được thay thế bằng các tàu lớp An ninh quốc gia (NSC, còn gọi là lớp tàu Legend), đã có 6 chiếc đi vào hoạt động trong tổng số 9 chiếc được đóng. Lớp tàu này dài 127 m, ngang rộng nhất 16 m, lượng choán nước 4.600 tấn, tầm hoạt động 22.000 km, tốc độ tối đa 52 km/giờ, thủy thủ đoàn và sĩ quan là 113 người. Tàu mang được 2 trực thăng loại MH-65C hoặc 1 MH-65C cùng 2 trực thăng không người lái, hoặc 4 trực thăng không người lái.
(Theo Thanh Niên)
Tàu Cảnh sát biển 8004 của Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc
Tàu Cảnh sát biển 8004 của Việt Nam sáng 9/5 đã tới TP Hà Khẩu, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc.
Sáng 9/5, tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8004 và đoàn công tác đã cập cảng Tú Anh, thuộc thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc.
Trung tướng Hoàng Văn Đồng (giữa) và ông Trần Nghị Đức, Phó Cục trưởng Cục CSB Trung Quốc (áo trắng đứng giữa) cùng lãnh đạo các cơ quan chức năng của lực lượng CSB 2 nước Việt Nam-Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm tại cảng và tại tàu CSB8004.
10h sáng nay, theo giờ Trung Quốc, lễ đón tàu Cảnh sát biển 8004 và đoàn công tác đã được tổ chức trọng thể, trong tiếng quân nhạc trang nghiêm. Đây là lần đầu tiên tàu Cảnh sát biển Việt Nam thăm, giao lưu tại Trung Quốc.
Chuyến thăm lần này đáp lại chuyến thăm của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc tới thành phố Hải Phòng vào tháng 11/2016. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa Quân đội và lực lượng thực thi pháp luật hai nước; tiếp tục tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Cảnh sát biển hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Ngay sau lễ đón, các thành viên trong đoàn cảnh sát biển Trung Quốc đã tham quan tàu cảnh sát biển 8004. Đây là con tàu đa năng thế mới của cảnh sát biển Việt Nam có khả năng thực thi nhiều nhiệm vụ khác nhau như chấp pháp trên biển, thực hiện các nhiệm vụ an ninh phi truyền thống, tìm kiếm cứu nạn...
Sau lễ đón chính thức, Đoàn công tác do Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam dẫn đầu đến thăm và chào xã giao ông Mao Siêu Phong, Ủy ban thường trực tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng thường trực tỉnh Hải Nam. Ông Mao Siêu Phong đánh giá cao tình cảm Việt Nam dành cho Trung Quốc và tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác, đoàn kết hữu nghị giữa hai bên.
Lực lượng Cảnh sát biển 2 nước hội đàm
Chiều cùng ngày, Đoàn Cảnh sát biển Việt Nam đã tham gia hội đàm với Lãnh đạo và các cơ quan chức năng của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc. Tại buổi hội đàm, hai bên cùng nhìn nhận và đánh giá lại kết quả phối hợp hoạt động mà lực lượng Cảnh sát biển hai nước đã thực hiện trong thời gian qua.
Ông Trần Nghị Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Trung Quốc cho rằng, năm 2016 là một năm hợp tác quan trọng giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước mang tính đột phá hợp tác trên biển; đặc biệt tăng số lượng tuần tra liên hợp chung từ 1 lên 2 lần/năm. Trong khuôn khổ các hoạt động tuần tra chung liên tục có những bước phát triển mới thể hiện sự tin cậy giữa hai bên; đặc biệt là chuyến thăm vào tháng 11/2016 của tàu cảnh sát biển Trung Quốc. Đó là những bước đi cụ thể củng cố và tăng cường tình hữu nghị giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển hai nước.
Ông Trần Nghị Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Trung Quốc cũng cho biết, đây là lần đầu tiên sau khi lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc thành lập mời tàu đồng nghiệp đến thăm, giao lưu.
Tại buổi hội đàm,Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định sự hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc đã thúc đẩy các cơ chế đàm phán đạt tiến triển thực chất, nỗ lực triển khai các dự án hợp tác trên biển mà hai bên đã thỏa thuận; trao đổi thiết lập cơ chế hợp tác thực thi pháp luật, tìm kiếm cứu nạn trên biển; kiên trì thông qua trao đổi và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.
Qua các hoạt động tuần tra chung giữa hai lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc đã tạo được niềm tin cho ngư dân hai nước vươn khơi bám biển, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân khi khác thác trong Vịnh Bắc Bộ được nâng lên.
Hai bên cho rằng, thời gian tới cần nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định vì điều này phù hợp với nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực, hướng tới mục tiêu xây dựng vùng biển hòa bình, hợp tác hữu nghị. Hai bên nhất trí cùng nhau thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đã đạt được trong thời gian qua.
(Theo VOV)
Khánh thành cơ sở sửa chữa tàu cảnh sát biển Mỹ hỗ trợ ở Quảng Nam Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và các quan chức Việt Nam hôm nay khánh thành cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng tàu cảnh sát biển tại Quảng Nam. Đô đốc Harris, Tổng Lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka và các quan chức cảnh sát biển Việt Nam thăm cơ sở sửa chữa bảo dưỡng tàu. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ...