Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Phát biểu trước nghị trường trong phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân là nguyên tắc bất biến. Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu định hướng, các góp ý cần tập trung vào vấn đề quyền con người, quyền lực nhà nước thống nhất, vị trí các cơ quan trong bộ máy nhà nước, cơ chế bảo hiến…
Cần trưng cầu ý kiến nhân dân
Tuy bấm nút phát biểu khá muộn song ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – thành viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đưa ra nhận được sự đồng tình cao của các ĐBQH. Từ cách đặt vấn đề, nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân là nguyên tắc bất biến của tất cả các bản Hiến pháp. Ông cho biết, nếu Quốc hội đồng ý bằng một nghị quyết, thì trưng cầu dân ý – một trong những quyền dân chủ trực tiếp quan trọng nhất của người dân – sẽ được thực hiện.
Trước đó, ý kiến phát biểu của ĐBQH Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đã thể hiện quan điểm, quyền lực Nhà nước không phải tự nhiên sinh ra, mà xuất phát từ nhân dân. Khi xác định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì mọi hoạt động của các cơ quan công chức Nhà nước phải phục vụ và vì lợi ích của nhân dân. Tất yếu đó đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, để Nhà nước phải làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền. Đại biểu này góp ý, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần bổ sung chế định thể hiện sự kiểm soát quyền lực ngay trong mỗi hệ thống quyền lực. Ông cũng cho rằng, nên quy định chế định về trưng cầu ý dân với các nội dung để xác định phúc quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia.
Tương tự, ĐBQH Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau) cho biết: tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước của mình thông qua Quốc hội và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, cần phân định, phân công nhiệm vụ, quyền hạn giữa Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ một cách hợp lý, khoa học.
Về nội dung các thành phần kinh tế đưa ra trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, còn 2 luồng ý kiến khá đối nghịch đưa ra trong phiên thảo luận. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, cần khẳng định trong Hiến pháp rằng kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, còn kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ 2 lại cho rằng, cần cân nhắc việc liệt kê các thành phần kinh tế trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bởi Hiến pháp là đạo luật gốc nên không cần đưa vào các nội dung quá cụ thể…
Cần thiết có các chế định độc lập
Nội dung nhận được sự đồng tình cao của các ĐBQH trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chính là sự cần thiết thành lập các định chế độc lập và cơ chế bảo hiến. ĐBQH Bùi Ngọc Chương nhất trí cao với việc quy định trong Hiến pháp để Quốc hội thành lập 2 cơ quan độc lập là Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Giống như ý kiến của nhiều ĐBQH khác, đại biểu Bùi Ngọc Chương góp ý, Kiểm toán Nhà nước cần một chế định độc lập, hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Mặt khác, cần làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước, không chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản quốc gia mà còn các nguồn lực khác của quốc gia.
ĐBQH Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) phát biểu: “Tôi hoàn toàn nhất trí với quy định về Kiểm toán Nhà nước là một cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập. Tuy nhiên, tôi góp ý, người đứng đầu cơ quan này, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải được bầu trong số các ĐBQH”.
Video đang HOT
“Rất khó có Hiến pháp hoàn hảo”
Rất khó để xây dựng một bản Hiến pháp hoàn hảo bởi thực tế Hiến pháp chỉ phù hợp cho từng giai đoạn hoặc từng thời kỳ phát triển theo quan điểm của chủ thể Hiến pháp. Theo tôi, Hiến pháp phải mang một sứ mệnh lịch sử to lớn với tầm nhìn dài hạn, định hướng cho chiến lược phát triển đất nước phù hợp với cương lĩnh đã được bổ sung và sửa đổi phát triển. Điều đó có nghĩa là ngoài vai trò tạo nền tảng dân chủ và pháp lý vững chắc Hiến pháp phải là bản tuyên ngôn về sứ mệnh lịch sử dân tộc Việt Nam.
ĐBQH Phạm Trọng Nhân
“Thấy được những vấn đề hệ trọng, cốt lõi”
Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện nhiều tư tưởng pháp luật đổi mới một cách căn bản, thể hiện nhất quán những điều được khẳng định trong Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 và khắc phục một cách căn bản những bất cập do hoàn cảnh lịch sử có nhiều thay đổi lớn của Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần thể hiện rõ và tuyên bố để quốc dân, đồng bào thấy được những vấn đề hệ trọng, cốt lõi sẽ được sửa đổi, bổ sung và phát triển trong Hiến pháp lần này.
ĐBQH Hồ Trọng Ngũ
Theo ANTD
Dân phải được quyền phúc quyết Hiến pháp
Góp ý dự thảo Hiến pháp sửa đổi chiều 16/11, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề xuất phải khẳng định quyền phúc quyết của dân với Hiến pháp.
Làm được hay không là ý chí của nhà nước
Theo Bộ trưởng Tư pháp, vấn đề quan trọng khi sửa Hiến pháp là đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và cần đưa vào Hiến pháp quy định về trưng cầu ý dân, quy định về thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp.
Ông Hà Hùng Cường nhắc lại, bản Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định nguyên lý mọi quyền bính đều thuộc về dân. Nhân dân là nguồn gốc của mọi quyền lực, trong đó có quyền lực nhà nước. Do đó nhân dân phải được quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng nhất của đất nước.
"Hiến pháp là đạo luật gốc quy định những vấn đề cơ bản nhất. Việc ban hành Hiến pháp và sửa Hiến pháp là một trong các vấn đề quan hệ trọng nhất của đất nước. Cho nên Hiến pháp phải do nhân dân làm ra và quyết định, nói cách khác, nhân dân phải là chủ thể của quyền lập hiến", ông Cường khẳng định.
Tuân thủ nguyên tắc trên, Hiến pháp 1946 đã ghi rõ dân có quyền phúc quyết Hiến pháp và những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia.
Ông Cường cho hay, kế thừa Hiến pháp năm 1946, thì nguyên lý tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân đã trở thành nguyên tắc bất biến của đất nước. Bản Hiến pháp năm 1992 cũng tái xác lập là nhân dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý.
"Tuy nhiên thực tế đến nay quyền dân chủ trực tiếp đó của nhân dân chưa được cụ thể hóa trong luật và chưa được thực hiện trong đời sống", ông Cường nói.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, bản dự thảo sửa đổi lần này đã bổ sung nguyên tắc trên theo hướng nhân dân được thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp đồng thời với dân chủ đại diện.
Dự thảo cũng bóc tách quy định quyền biểu quyết của công dân khi nhà nước trưng cầu thành một điều khoản riêng. "Song lại vẫn chưa minh định rõ cần trưng cầu vào lúc nào và những vấn đề gì thì phải trưng cầu, trong khi Hiến pháp năm 1946 lại quy định rất rõ ràng các nội dung này. Vì vậy đây cũng chỉ là quy định. Có thực hiện được không là ý chí của nhà nước", ông Cường băn khoăn.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, nhiều quốc gia quy định bắt buộc là phải đưa dự thảo Hiến pháp ra trưng cầu ý dân trước và sau khi QH hoặc nghị viện thông qua.
Ông Cường tán thành việc đưa dự thảo sửa đổi Hiến pháp ra lấy ý kiến toàn dân sau đó mới thông qua. Đồng thời, đề xuất bổ sung thêm vào Hiến pháp quy định "trưng cầu ý dân về Hiến pháp sửa đổi sau khi QH đã thông qua" để áp dụng cho những lần sửa đổi sau này.
"Có như vậy mới đảm bảo thực hiện tốt nhất sự kết hợp giữa quyền đại diện của QH và quyền của nhân dân. Hy vọng với việc nhân dân tự mình biểu quyết Hiến pháp, Hiến pháp sẽ có chất lượng tốt hơn và đời sống lâu dài hơn", Bộ trưởng Tư pháp nói.
Ông Cường phân tích, chỉ cần một động thái như vậy nhưng đã thể hiện cao nhất sự kính trọng của QH với nhân dân. "Sự tin tưởng của Đảng, nhà nước với dân sẽ là tiền để để dân thể hiện trách nhiệm công dân của mình".
Làm rõ nội hàm quyền phúc quyết
Nhiều ĐB khác cũng khẳng định Hiến pháp sửa đổi phải ghi rõ nội dung "công dân được quyền trưng cầu ý dân về những vấn đề hệ trọng quốc gia và về thay đổi Hiến pháp" như một quyền cơ bản giống với Hiến pháp năm 1946.
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) góp ý, phải làm rõ nội hàm quyền phúc quyết của nhân dân và ghi vào bản Hiến pháp sửa đổi để dễ thực thi.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy
Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), quyền này được hiểu là người dân có quyền quyết định cuối cùng về những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua việc nhà nước tổ chức lấy ý kiến nhân dân về vấn đề nào đó và phải được sự ủng hộ của đại đa số người dân thì mới làm.
Bà Thúy phân tích, nhân dân là người quyết định còn nhà nước là người chấp hành tổ chức thực hiện quyết định đó. "Nó khác với việc nhà nước đứng ra lấy ý kiến nhân dân để đi đến quyết định của mình như trưng cầu ý dân. Đồng thời cũng cần xác định trong dự thảo lĩnh vực nào, vấn đề nào do nhân dân trực tiếp quyết định thông qua quyền phúc quyết và điều kiện để đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền của mình", bà Thúy nói.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được lấy ý kiến nhân dân đầu năm tới và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm.
Theo Dantri
Quốc hội tiếp tục thảo luận về sửa đổi Hiến pháp: Đề xuất các cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo vệ quyền công dân Tiếp tục thảo luận dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi tại nghị trường hôm qua, 16.11, đại biểu Quốc hội đề nghị: cần khẳng định rõ trong Hiến pháp Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam có những chế định độc lập bảo đảm kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa lập pháp, tư pháp và hành pháp... ĐB...