“Tất cả ngồi bàn mà không hỏi trẻ em muốn gì”
Ngày 28/8, Uỷ ban Văn hóa – Giáo dục- Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong bản dự thảo đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến, hệ thống môn học, chuyên đề học tập đã được Bộ thiết kế lại theo cơ cấu 5 năm tiểu học – 4 năm THCS – 3 năm THPT chứ không còn là 10 năm cơ bản như bản dự thảo trước đó.
Không lấy ảo tưởng làm căn cứ đổi mới
“Những năm 60, tôi có theo dõi cuộc thảo luận về việc thả cá vào nước. Vấn đề được đưa ra là tại sao khi thả con cá sống vào nước thì nước trong lọ không trào ra, khi thả con cá chết nước lại trào ra?” – GS Hồ Ngọc Đại bắt đầu phần góp ý của mình.
“Và cuộc thảo luận này phải đến 2 năm sau mới có câu trả lời. Đó là thả cá sống hay chết vào lọ nước thì nước cũng trào ra hết. Các nhà khoa học cứ lo thảo luận trên một tiên đề, thảo luận một cái không có thật mà không ai làm thử nghiệm”.
Ý tứ mà vị giáo sư này đưa ra sau câu chuyện đó là: “Dự án đổi mới giáo dục hiện nay cũng thế”.
“Có trẻ em mới có trường, có trường mới có thầy giáo, có giáo viên mới có hiệu trưởng, có hiệu trưởng mới có trưởng phòng GD-ĐT, có giám đốc sở GD-ĐT, có ông Bộ trưởng GD-ĐT, có các giáo sư tiến sĩ. Vì trẻ em mới có tất cả. Rồi tất cả lại ngồi bàn mà bỏ rơi không hỏi trẻ em muốn gì?
GS Hồ Ngọc Đại: “Tất cả lại ngồi bàn mà bỏ rơi không hỏi trẻ em muốn gì?”
“Phải căn cứ vào trẻ em hiện đại – là nhân vật lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử – làm căn cứ xây dựng chương trình mới, chứ không phải lấy ảo tưởng của chúng ta làm căn cứ” – ông Đại nhấn mạnh.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng bày tỏ sự băn khoăn trước việc Bộ GD-ĐT đánh giá tác động của một chương trình chưa được thực hiện.
Video đang HOT
Theo GS Thuyết, bản Báo cáo đánh giá tác động của chương trình giáo dục phổ thông mới dài 16 trang, xét về hình thức đây là một bản báo cáo khá chỉn chu. Nhưng khi đọc kỹ nội dung thì có thể thấy hầu hết các tác động, nhất là các tác động tích cực, “đều là tưởng tượng của người viết báo cáo”, không dựa trên cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn hay số liệu điều tra, thử nghiệm, khảo sát nào.
GS Thuyết đưa những dẫn chứng như trong dự thảo báo cáo viết “Do chương trình chú trọng phát triển năng lực nên nội dung học sẽ được tinh giản, từ đó khắc phục hiện tượng quá tải, học sinh không phải đi học thêm, tiến tới khắc phục được nạn dạy thêm học thêm tràn lan và bệnh thành tích, nạn thiếu trung thực trong học tập và thi cử”. “Có chắc không?” – GS Thuyết đặt câu hỏivà giải thích “bởi nạn dạy thêm học thêm trong nhiều trường hợp không phải do chương trình quá tải mà do túi tiền của thầy cô. Cũng như giáo viên hiện nay chưa chủ động, sáng tạo có thể do mục tiêu “nhồi” cho học sinh vào đại học, chứ không phải do chương trình cũ”.
GS Nguyễn Minh Thuyết: “Đều là tưởng tượng của người viết báo cáo”
Cũng đề cập tới vấn đề thực tiễn khi thực hiện đổi mới giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội đề nghị Chính phủ cần tập trung làm rõ những bài học kinh nghiệm khi thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH để giúp nghị quyết mới có điều kiện thực hiện tốt hơn.
TS Lâm đặc biệt nhấn mạnh tới công tác chỉ đạo thực hiện: “Thiếu Nghị quyết hay văn bản hướng dẫn nọ kia thì chúng ta khó chịu, nhưng lại không biết bên dưới làm như thế nào, cơ sở có thực hiện được hay không. Chúng ta chưa chú ý nắm thông tin ngược từ cơ sở. Sau 5 năm chúng ta mới đánh giá, đánh giá còn xuê xoa, nên chỉ biết kêu ca mà không tìm ra những nút thắt cụ thể để tháo gỡ cho từng loại cơ sở, không rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng bộ phận, từng cá nhân nhà quản lý”.
Tiếp tục theo đuổi 10 năm giáo dục cơ bản?
Không quá bất ngờ trước việc Bộ GD-ĐT không còn đưa phương án giáo dục cơ bản 10 năm ra để lấy ý kiến nữa, nhưng nhiều nhà giáo, nhà khoa vẫn tỏ ra tiếc nuối.
GS Hồ Ngọc Đại vẫn muốn có một chương trình giáo dục cơ bản 10 năm, với 6 năm tiểu học và 4 năm THCS. “Tôi đề nghị 6 năm tiểu học được ưu tiên tuyệt đối. Nhà nước phải quản lý vững chắc 10 năm giáo dục cơ bản, 2 năm phổ thông có thể “thả nổi”".
GS Nguyễn Đình Hương đồng tình với quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại về cơ cấu 6 – 4 – 2, bởi theo ông Hương “tiểu học lúc nào cũng được coi là cấp học cơ bản, hình thành nhân cách trí tuệ cho học sinh sinh viên, nên thêm 1 năm cho các em”.
Một số chuyên gia đề xuất thay đổi số năm học ở từng cấp học
GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên giám đốc NXB Giáo dục bày tỏ sự đồng tình với phương án 10 2, và ông cho rằng có thể thiết kế hệ thống giáo dục một cách linh hoạt, không cứng nhắc. Ví dụ như có thể thiết kế song song các chương trình tiểu học dành cho 5 năm, chương trình tiểu học 6 năm…
Đánh giá cao ý tưởng xác định lại cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông theo hướng giáo dục cơ bản là 10 năm, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng “đây là việc làm hết sức mạnh dạn, rất cách mạng. Nhưng Bộ GD-ĐT cần phải làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của phương án, tính khả thi của đề án, loại hình trường THPT định hướng nghề nghiệp”. Theo ông Lâm, tư tưởng tốt nhưng đưa ra ở thời điểm này chưa được, nhưng cứ nghiên cứu chuẩn bị để đến thời điểm phù hợp, như năm 2020, có thể bắt đầu.
Hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra trong buổi chiều nay.
Theo Vietnamnet
Máy tính bảng khiến học sinh mất nhiều kỹ năng xã hội
Công trình nghiên cứu cho thấy việc lệ thuộc và thiết bị điện tử khiến học sinh kém nhạy cảm hơn trong giao tiếp xã hội.
Ngày 25/8, tờ Science World Report của Mỹ cho hay các nhà nghiên cứu ở Đại học California, Los Angeles đã phát hiện ra rằng các học sinh ít sử dụng các thiết bị công nghệ số như máy tính bảng, điện thoại thông minh, tivi có khả năng đọc cảm xúc của con người tốt hơn rất nhiều so với bạn bè có thói quen này.
Ông Patricia Greenfield, giáo sư tâm lý học thuộc Đại học California cho biết: "Hiện có rất nhiều người đang quan tâm đến lợi ích của các thiết bị công nghệ số trong giáo dục mà quên đi cái giá phải trả của nó".
Ngày càng có nhiều học sinh trở nên lệ thuộc vào các thiết bị điện tử (Ảnh minh họa)
Ông giải thích: "Một trong những cái giá phải trả đó là độ nhạy cảm đối với các tín hiệu cảm xúc, hay khả năng hiểu được cảm xúc của người khác ở học sinh. Việc thay thế giao tiếp xã hội bằng giao tiếp trên màn hình khiến cho các em mất đi các kỹ năng xã hội cần thiết".
Kết luận này được các nhà nghiên cứu đưa ra sau khi đánh giá hai nhóm học sinh lớp 6 ở trường trung học Nam California. Trong chương trình nghiên cứu, họ mời 51 em học sinh tới sống cùng nhau suốt 5 ngày tại Viện Pali, một khu vực nghiên cứu khoa học gần gũi với tự nhiên của trường đại học. Sau đó, họ mời tiếp 54 em khác cũng tới sống 5 ngày ở viện này.
Trước khi thực hiện chương trình nghiên cứu, các nhà khoa học đánh giá khả năng đọc cảm xúc của các em bằng cách cho các em xem nhiều bức ảnh với các khuôn mặt vui, buồn, giận dữ, sợ hãi khác nhau.
Tại Viện Pali, các học sinh không được phép sử dụng bất cứ thiết bị điện tử nào. Trong hai ngày đầu tiên, các em cảm thấy rất khó thích nghi với chính sách nghiêm ngặt này.
Thay vào việc cắm đầu vào màn hình điện thoại, máy tính bảng, các em được yêu cầu xem những đoạn video các diễn viên đang tương tác với nhau để mô tả cảm xúc của từng nhân vật.
Việc không dùng thiết bị điện tử sẽ giúp các em cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội (Ảnh minh họa)
Trong những đoạn video này có cảnh một học sinh tự tin và hào hứng nộp bài kiểm tra cho giáo viên, trong khi một bạn khác thì lại tỏ vẻ lo lắng. Trong một đoạn video khác, một học sinh tỏ ra buồn bã khi bị các bạn cho ra rìa trong các cuộc trò chuyện.
Sau 5 ngày ở Viện Pali và thực hiện các bài trắc nghiệm trên, các học sinh này đã thể hiện sự tiến bộ rõ rệt trong khả năng đọc cảm xúc của người khác. Các em giờ đây đã có thể nhận biết được nét mặt và các tín hiệu không lời của người đối diện nhanh nhạy và chính xác hơn rất nhiều so với các bạn vẫn thường xuyên sử dụng máy tính bảng, điện thoại.
Nhà nghiên cứu Yalda Uhls, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Truyền thông Số Trẻ em thuộc Đại học California nhận xét: "Các em không thể học được những tín hiệu cảm xúc không lời trên màn hình thiết bị số giống như ngoài đời thực. Nếu các em không luyện tập các giao tiếp mặt đối mặt mỗi ngày, các em có thể mất đi những kỹ năng xã hội vô cùng quan trọng".
Chương trình nghiên cứu này sẽ được xuất bản trên tạp chí Computers in Human Behavior vào tháng 10 tới đây.
Theo Khampha
Sách giáo khoa điện tử: 15 cái lợi, 17 điều hại Sử dụng sách giáo khoa điện tử giúp kết quả học tập tăng 20%, chuẩn bị kỹ năng tốt cho tương lai, nhưng có thể khiến não khó xử lý, lưu trữ thông tin, gây nguy hiểm cho học sinh. Trang thông tin ProCon vừa đưa ra những mặt tích cực và tiêu cực xung quanh câu chuyện đổi mới sách giáo khoa...