Tất cả các phe phái ở Syria đều vi phạm thỏa thuận ngừng bắn
Lực lượng của Chính phủ Syria vẫn duy trì vũ khí hạng nặng tại một số thành phố và các nhóm vũ trang đối lập tiếp tục tiến hành các vụ tấn công.
Bất chấp sự có mặt của các quan sát viên Liên Hợp Quốc (LHQ) tại những điểm nóng, các vụ đụng độ gây thương vong lớn vẫn xảy ra hàng ngày tại Syria. LHQ khẳng định, tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột Syria đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, trong khi Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép với chính quyền Damascus.
Ngay 1/5, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình, ông Herve Ladsous, cáo buộc các phe phái Syria vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đã cam kết trong khuôn khổ kế hoạch hòa bình 6 điểm do Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab Kofi Annan đề xuất.
Video đang HOT
Đội cứu hộ kiểm tra hiện trường vụ nổ ở Aleppo (Anh: Internet)
Ông Herve Ladsous cho biết, lực lượng của Chính phủ Syria vẫn duy trì vũ khí hạng nặng tại một số thành phố và các nhóm vũ trang đối lập tiếp tục tiến hành các vụ tấn công bạo lực nhằm vào quan chức chính phủ và dân thường.
Ông Herve Ladsous nói: “Tôi nghĩ rằng, các vụ vi phạm mà chúng ta đã chứng kiến đến từ cả hai phía. Tôi sẽ không đưa ra tỉ lệ vi phạm vì tôi nghĩ có thể đây không phải là thời điểm thích hợp. Đến nay, chúng ta vẫn chỉ có một số lượng hạn chế các quan sát viên tại một số địa phương”.
Về phần mình, ông Neeraj Singh, một quan chức thuộc nhóm quan sát viên tiền trạm của LHQ đang có mặt tại Syria nói: “Chúng tôi đang xây dựng phái đoàn. Hiện chúng tôi có 31 quan sát viên quân sự trong thành phần phái đoàn quan sát viên giám sát thoả thuận ngừng bắn ở Syria và công việc đang diễn ra suôn sẻ. Các chiến dịch giám sát sẽ tiếp tục”.
Bất chấp sự có mặt của nhóm quan sát viên LHQ, riêng trong ngày 1/5, bạo lực bùng phát tại hai địa phương ở Syria khiến 10 dân thường thiệt mạng; 12 binh sỹ Syria cũng đã bị giết hại trong cuộc giao tranh với các phiến quân.
Trước tình trạng bạo lực tiếp diễn, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề về trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang, bà Radhika Coomaraswamy đã báo động về thực trạng có nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của các vụ tấn công tại Syria. Các báo cáo gần đây cho thấy, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, bạo lực leo thang đã làm nhiều dân thường thiệt mạng, trong đó có 34 trẻ em.
Trong khi đó, nhằm tăng cường sức ép đối với Chính phủ Syria, ngày 1/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký lệnh cho phép Bộ Tài chính áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các tổ chức và cá nhân nước ngoài không thực hiện các lệnh cấm vận của Mỹ đối với quốc gia Trung Đông này./.
Theo VOV
LHQ triển khai phái bộ đầy đủ tại Syria vào tuần tới
Ngày 23/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã quyết định việc triển khai phái bộ đầy đủ gồm 300 quan sát viên của tổ chức này để giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria có thể được bắt đầu vào tuần sau.
Theo phó phát ngôn viên LHQ Eduardo del Buey, quyết định của ông Ban Ki-moon được đưa ra, theo tinh thần nghị quyết của Hội đồng Bảo an thông qua hôm 21/4 vừa qua, cho phép các quan sát viên tới Syria theo "từng giai đoạn" bắt đầu từ tuần sau.
Việc triển khai 30 quan sát viên đầu tiên dự kiến sẽ được hoàn tất trước cuối tháng 4 này và các nhóm quan sát viên còn lại sẽ nhanh chóng được triển khai sau đó.
LHQ hy vọng việc gia tăng quy mô phái bộ quan sát viên sẽ giúp chấm dứt được tình trạng bạo lực tại Syria, mà tổ chức này cho rằng hiện đang ở "thời điểm quyết định." Đây là bước đi tiếp theo sau khi Hội đồng Bảo an LHQ chính thức thông qua nghị quyết cho phép triển khai một phái bộ lên tới 300 quan sát viên không có vũ trang đến Syria trong thời hạn 90 ngày, để giám sát việc các bên tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ hôm 12/4 vừa qua.
Hiện Mỹ, Anh và Pháp đều tuyên bố sẽ kêu gọi HĐBA thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào Syria nếu như sứ mệnh của phái bộ quan sát viên nói trên thất bại. Tuy nhiên, Nga đã chỉ trích "những lời đe dọa và dự đoán tiêu cực" mà các nước phương Tây nhằm vào Syria. Thay vào đó, Mátxcơva cho rằng kế hoạch hòa bình 6 điểm mà đặc phái viên quốc tế Kofi Annan đề xuất, cần phải được ưu tiên.
Trong khi đó, truyền thông Syria cùng ngày dẫn lời giới chức nước này tuyên bố chính quyền Damascus cam kết thực thi đầy đủ kế hoạch hòa bình của ông Annan, đồng thời khẳng định đối thoại dân tộc là "con đường duy nhất" để đưa Syria thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tuy nhiên, bất chấp cam kết của chính quyền Damascus, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định tiếp tục gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bằng nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.
Ngày 23/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt Syria, bao gồm phong toả tài sản và cấm cấp thị thực đối với những công ty và cá nhân tham gia trong lĩnh vực công nghệ của chính quyền Damascus.
Còn tại Luxemburg, phiên họp ngoại trưởng 27 quốc gia thành viên EU cùng ngày cũng đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Syria. Đây là vòng trừng phạt thứ 14 của EU đối với Syria./.
Theo TTXVN
Bạo lực ở Syria 'chào đón' quan sát viên LHQ Từ 30/4, 30 quan sát viên đầu tiên của Liên Hợp Quốc chính thức bắt tay thực thi kế hoạch hòa bình 6 điểm tại Syria. Kế hoạch do đặc phái viên Kofi Annan khởi xướng. Dự kiến, sau một tháng, phái bộ quan sát viên quốc tế tại Syria sẽ lên đến 100 người và dần nâng lên thành 300, với sứ...