Tập trung ổn định đời sống 1.348 hộ dân bị thiệt hại
Chiều 16-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San cho biết, đến thời điểm này đã thống kê được 1.348 hộ dân, các cơ quan, đơn vị bị thiệt hại trong vụ nổ kho pháo hoa ở Xí nghiệp Z4 thuộc Nhà máy Z121 ( Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) xảy ra lúc 7h50 ngày 12-10 làm 23 người thiệt mạng, 71 người bị thương.
Ngày 16-10, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam thăm hỏi và trao hỗ trợ của Bộ Tổng tham mưu cho gia đình công nhân Hà Minh Nguyệt, khu 11, xã Võ Lao (huyện Thanh Ba) thiệt mạng sau vụ nổ pháo hoa
Vụ nổ đã làm thiệt hại ở 3 xã vùng lân cận xí nghiệp là Khải Xuân, Võ Lao và Đông Thành, trong đó, có 6 nhà bị sập, cháy cần phải làm mới; 877 hộ, cơ quan bị thiệt hại nặng như nứt tường, bay mái nhà…; 471 hộ bị thiệt hại nhẹ. Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Nhà máy Z121 sẽ tùy thuộc vào từng thiệt hại của các hộ dân để có biện pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân khu 2, công an, quân đội, đội dân quân tự vệ các xã vùng ven đã sát cánh cùng người dân trong việc khắc phục vụ cháy nổ, thu dọn đồ đạc, dựng lại nhà cửa cho dân. Hơn 100 chiến sỹ đã được huy động cùng với lực lượng công an tăng cường công tác giúp dân, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tập trung khắc phục sự cố. Trước mắt, sẽ bố trí các chiến sỹ đến những gia đình bị thiệt hại nặng như sập nhà, nhà bị cháy để cùng gia đình sửa chữa lại nhà cửa nhằm từng bước giúp người dân ổn định lại cuộc sống. Đến thời điểm này cơ bản các hộ dân đã ổn định cuộc sống.
Các sinh viên tình nguyện, công nhân Nhà máy Z121 tích cực thu dọn đổ nát…
Đối với những nạn nhân xấu số không may bị chết trong vụ cháy nổ này đã được các bộ, ngành liên quan hỗ trợ 98 triệu đồng/nạn nhân. Mỗi nạn nhân bị thương hỗ trợ 31 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ trích ngân sách hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 5 triệu đồng, người bị thương 2 triệu đồng và 10 triệu đồng đối với những hộ có nhà bị cháy, đổ.
Hiện nay, công tác khắc phục vẫn đang được các ngành liên quan tiếp tục triển khai; trong đó tập trung cứu chữa người bị thương, đồng thời làm tốt công tác chính sách đối với những gia đình có người tử vong; tiếp tục rà soát kỹ mọi khu vực, thu dọn hiện trường, ổn định tư tưởng cán bộ, công nhân viên và nhân dân địa phương; tập trung xác định rõ nguyên nhân vụ nổ; xây dựng phương án phục hồi sản xuất, sớm ổn định đời sống của người lao động.
Video đang HOT
Theo TTXVN
Nổ kho pháo hoa kinh hoàng ở Phú Thọ do...nước mưa?
Dù chưa đưa ra kết luận cuối cùng nhưng một số cơ quan có trách nhiệm nhận định vụ cháy nổ tại Nhà máy Z121 (H.Thanh Ba, Phú Thọ) vào 7h40 sáng 12/10, khiến hàng chục người chết có thể do trời mưa, dột mái làm ẩm pháo hoa, gây phân hủy rồi phát nổ.
Trời mưa, dột mái làm ẩm pháo hoa gây nổ
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Nhà máy Z121 (Bộ Quốc phòng) hôm 13/10, tổ điều tra thuộc Bộ Quốc phòng cho biết, vụ cháy nổ có thể xuất phát từ phân xưởng 616 là nơi có chứa pháo hoa thành phẩm.
Theo báo cáo của đoàn điều tra, tại phân xưởng này có chứa loại pháo hoa tầm thấp. Việc pháo hoa phát nổ được lý giải là do tự bốc cháy với hai khả năng. Thứ nhất các hộp pháo hoa bị rơi đổ, cọ xát va đập dẫn đến cháy nổ. Thứ hai là do thuốc pháo hoa bị phân hủy và tự bốc cháy.
Tuy nhiên, bước đầu cơ quan điều tra đã loại bỏ nguyên nhân pháo hoa bị rơi đổ với lý do: các hộp chứa pháo hoa được bao gói bằng hộp các tông, sắp xếp chắc chắn nên không có khả năng tự rơi đổ. Do vậy, cơ quan điều tra nghiêng về khả năng pháo hoa bị phân hủy, tự bốc cháy.
Hình ảnh vụ nổ được 1 người dân chụp lại.
Hiện tượng này được giải thích: Cấu tạo vỏ quả pháo hoa bao gồm hai bán cầu được gắn với nhau bằng băng dính giấy, bên trong chứa viên màu, chất nhồi cháy (trấu tẩm thuốc đen). Trong các viên màu có viên đỏ, viên trắng có chứa thành phần hợp kim nhôm ma-giê (Al-Mg) đóng vai trò làm chất cháy.
Trận bão gần đây gây mưa nhiều, thời tiết ẩm, mái nhà kho bằng fibro xi măng có thể bị dột hoặc bị hắt nước làm nước mưa rơi vào quả pháo hoa. Khi đó quả pháo hoa bị ẩm, làm hỗn hợp Al-Mg bị phân hủy tăng nhiệt âm ỉ nhiều ngày. Đến thời điểm nhất định tự bốc cháy gây cháy pháo hoa.
Do lượng pháo hoa lớn, từ cháy đã dẫn tới nổ toàn bộ kho chứa pháo hoa. Khi nổ các pháo hoa bắn lên trời rơi vào các kho và khu vực sản xuất gây cháy nổ toàn bộ khu vực, cả trong nhà máy và bên ngoài nhà dân.
Chuyên gia ngành hóa học: Nước mưa gây cháy vô cùng khó
Về khả năng phân hủy và phản ứng hóa học của hợp kim nhôm ma-giê, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Sỹ Lương hiện đang công tác tại khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, trả lời với tư cách một chuyên gia khoa học độc lập cho biết:
Trong hóa học, Ma-giê là kim loại nhóm 2A (kim loại kiềm thổ), còn nhôm là kim loại nhóm 3A, loại này có đặc điểm phản ứng với oxy rất mạnh. Đặc biệt khi cháy trong không khí sẽ tỏa ra một lượng nhiệt rất lớn, có ánh sáng mạnh, rực rỡ, giàu tia tử ngoại.
Do đó, thường thường trong pháo hoa luôn sử dụng những kim loại này để tạo hiệu ứng màu sắc, ánh sáng. Đặc trưng của hợp chất nhôm magie này khi không có ngọn lửa mồi hoặc không có tác động ngoại lực thì không thể cháy được.
Vụ nổ kéo dài vài giờ san phẳng nhiều kho, xưởng của nhà máy Z121.
Về giả thiết mưa nhiều, thời tiết ẩm, mái nhà kho bằng fibro xi măng có thể bị dột hoặc bị hắt nước làm nước mưa rơi vào quả pháo hoa. Khi đó quả pháo hoa bị ẩm, làm hỗn hợp Al-Mg bị phân hủy tăng nhiệt âm ỉ nhiều ngày. Đến thời điểm nhất định tự bốc cháy gây cháy pháo hoa. PGS.TS Ngô Sỹ Lương đánh giá:
"Quá trình oxy hóa, ăn mòn của môi trường sẽ có một số hợp chất kim loại có thể phát ra nhiệt, và với khối lượng lớn cũng có thể sẽ cho ra nhiệt độ cao hơn bình thường khá nhiều. Nhưng để cháy do hơi ẩm từ không khí với hợp kim ma-giê, nhôm thì bản thân tôi đánh giá là khó có khả năng ấy xảy ra.
Với ma-giê, nhôm khi tiếp xúc với không khí thì thường thường với dạng bột, sẽ bị ăn mòn rất nhanh trong không khí, còn ở dạng lá hoặc dạng tấm sẽ bị bao bọc bởi một màng trên bề mặt là oxit. Lúc này thì đốt còn khó cháy chứ nói gì đến tự cháy. Chúng tôi trong phòng thí nghiệm vẫn phải cất những kim loại này trong bình thủy tinh không có không khí vì sợ quá trình oxy hóa làm hỏng tính chất của kim loại"
Ngôi nhà 2 tầng xây kiên cố bên trong khuôn viên nhà máy bị tàn phá.
"Theo tôi nghĩ, các nhà máy làm những sản phẩm dễ cháy, nổ, người ta sẽ có những quy định an toàn rất nghiêm ngặt. Nếu là kho thành phẩm thì sẽ phải có các biện pháp chống ẩm, bởi pháo hoa ẩm thì bắn làm sao được?
Đã là thành phẩm thì bao giờ cũng phải có hạn sử dụng. Ví dụ là 3 năm chẳng hạn, thì trong vòng 3 năm đó anh bắn nó phải đảm bảo nổ chứ. Theo tôi, ở đây phải có nguyên nhân tác động từ bên ngoài thì mới nổ, chứ không thể tự bản thân nó (ma-giê, nhôm -PV) phát nhiệt mà nổ được". - ông Lương nhận định.
Theo PGS.TS Ngô Sỹ Lương, ông không ngoại trừ bất kỳ nguyên nhân nào, nhưng theo ông, khả năng có sự va đập, rơi đổ dẫn đến nổ thành phẩm dễ xảy ra hơn. Còn việc ma-giê, nhôm bị ẩm, tự phân hủy và phát ra nhiệt thì rất khó xảy ra trường hợp này.
PGS.TS Ngô Sỹ Lương cũng chia sẻ thêm, ông cũng có một người học sinh đang bảo vệ luận án thạc sỹ công tác trong kho pháo hoa vừa nổ này. May mắn trong vụ nổ, anh đang được nghỉ để đi học cao học, nếu không chắc rằng anh cũng sẽ gặp nguy hiểm.
Theo Đất Việt
Nổ kho pháo hoa: Tang thương phố núi Hiện tại, toàn bộ nhà máy Z121 đã được phong tỏa, quây kín bằng bạt, bên trong lực lượng chức năng đang tiến hành khám nghiệm hiện trường, khắc phục hậu quả. Quan sát từ bên ngoài, khu vực nhà xưởng giờ chỉ còn là đống đổ nát, hệ thống tường rào xây bằng gạch bị phá hủy hoàn toàn, nhiều nhà dân...