Tập trung đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, thành phố Hà Nội đang tích cực nghiên cứu các cơ chế phù hợp nhằm thúc đẩy việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng hơn 5.700 km cống rãnh; hơn 250 km mương, sông, kênh; hơn 40.000 ga thu; hơn 110 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính…
Hà Nội cũng đang vận hành 6 nhà máy xử lý nước thải, gồm: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long – Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000 m3/ngày đêm).
Công nhân công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét bùn trên sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường. Thống kê cho thấy, nước thải của Hà Nội chủ yếu được thải vào một số sông – hồ chính như: Hồ Tây, Hồ Bảy Mẫu, sông Tô lịch… bốc mùi hôi thối và rất khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt của những người dân sống xung quanh hồ và dọc theo các con sông, số còn lại ngấm xuống các mạch nước ngầm làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt tại một số nơi trên địa bàn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, những năm qua thành phố đã rất quan tâm đến việc giải quyết ô nhiễm môi trường các con sông thông qua các dự án như: Cụm công trình đầu mối Yên Nghĩa, Liêm Mạc nhằm bổ cập nước vào mùa khô để hạn chế ô nhiễm; xây dựng hệ thống thu gom nước thải sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu cùng với đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải như Phú Đô, Tây Hồ…
Tuy nhiên, do các dự án đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nguồn lực của Thành phố còn hạn hẹp, thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, do vậy việc triển khai các dự án còn chậm…Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều khó khăn.
Cụm công trình trạm bơm Yên Sở nắm vai trò quan trọng trong thoát nước, xử lý nước thải của thành phố Hà Nội.
Video đang HOT
Thực tế, vừa qua việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ đã có một số chuyển biến được xem là tích cực nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, làm sao có thể làm sạch sông khi mà dọc 14km sông Tô Lịch là hơn 300 ống cống xả liên tục 150.000m3 nước thải/ngày đêm? Việc biến một dòng sông thành nơi xử lý ô nhiễm nước thải cũng là điều mà nhiều người băn khoăn.
Được biết, để tháo gỡ một phần khó khăn trong lĩnh vực này, Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính cho đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải và quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải tại tất các cụm công nghiệp trên địa bàn. Đến nay, tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn là 100% với cụm công nghiệp mới và 60,5% đối với cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động (kế hoạch 2019 là 100%).
Hiện lượng nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 350.000 – 400.000m3 mỗi ngày và hơn 1.000m3 rác mỗi ngày , trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi. Hiện chỉ có 5/31 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải; 36/400 cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải. Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn là 100% với cụm công nghiệp mới và 60,5% đối với cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động
Tuấn Dũng
Theo LĐTĐ
Hà Nội vẫn loay hoay tìm "công nghệ" xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết để làm sạch sông Tô Lịch, thời gian qua TP đã thí nghiệm rất nhiều công nghệ mới, vấn đề khó nhất là "nước đang chảy", trước mắt sẽ cố gắng làm hết mùi .
Phát biểu trong kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội (khóa XV) liên quan đến vấn đề môi trường, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: "Chúng ta không đánh đổi vấn đề môi trường để phát triển kinh tế".
Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, trong những năm vừa qua, TP đã làm được những vấn đề như: Tỉ lệ thu gom rác thải đã đưa ra đấu thầu; áp dụng các công nghệ hút bụi và hút rác bằng ô tô; lắp các đập quan trắc để nắm được diễn biến, tình hình, ô nhiễm không khí; triển khai rất nhiều chương trình làm sạch ao hồ, sông, nước sạch, nước ngầm cũng như làm sạch môi trường trường; đưa vào các công nghệ nghiền các chất thải rắn để tái tạo và chống ô nhiễm không khí.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội khóa XV.
Đáng chú ý, liên quan đến phản ảnh của người dân liên quan đến ô nhiễm môi trường, cũng như việc xử lý ô nhiễm các con sông, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện TP đang thí nghiệm rất nhiều công nghệ mới; có rất nhiều tập đoàn đã trực tiếp đưa các kỹ sư đến.
"Các chất này mà đưa xuống sông Tô Lịch nếu như nước đứng thì xử lý được như các hồ. Nhưng vấn đề khó nhất là nước đang chảy, cho nên chúng tôi đang thí điểm toàn bộ các công nghệ", ông Chung khẳng định.
"Thời gian tới, TP sẽ cố gắng trước hết là làm hết mùi và đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải Yên Xá. Khi làm xong một phần rác thải quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng sẽ được thu gom và xử lý", Chủ tịch UBND Hà Nội thông tin.
Trước đó, trong phiên thảo luận kỳ họp thứ 9 HĐND TP, Bí thư quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, vừa qua UBND TP đã có chủ trương tìm những giải pháp mới trong xử lý ô nhiễm sông hồ. Tuy nhiên, thực trạng của hệ thống sông hồ với quá trình phát triển hiện vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự tập trung chương trình, kế hoạch, nguồn lực.
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. (Ảnh: Quân Đỗ. Dantri)
Theo đó, ông Tuấn đề nghị UBND TP có thể nghiên cứu các giải pháp mang tính bền vững, đảm bảo đa mục tiêu như có thể xem xét khả năng cống hoá đối với một số sông có tính chất kênh mương thoát nước, ngay cả như Tô Lịch, Kim Ngưu...
"Điều này sẽ giảm thiểu việc xả thải, góp phần tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân) nhấn mạnh việc giải quyết ô nhiễm các dòng sông, đặc biệt ưu tiên xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch. Trước hết là "bổ cập nước cho dòng sông có nước để chảy, giảm ô nhiễm trước mắt cũng như lâu dài".
Ông Đức nhắc lại, năm 2006, Bộ trưởng TNMT Mai Ái Trực có đưa ra giải pháp trước mắt nên cấp nước cho sông Tô Lịch được chảy, kể cả sau này chúng ta xử lý môi trường thì dòng sông cũng cần được chảy. Từ đó có thể tạo ra tuyến giao thông đường thuỷ.
Đặc biệt, ông Đức cho rằng "ý tưởng bê tông hoá dòng sông là không nên". Bên cạnh đó, đề nghị TP trước mắt bổ cập nước cho sông Tô Lịch chảy sẽ giải quyết phần lớn ô nhiễm.
Hiện nay, TP. Hà Nội đang thí điểm 2 công nghệ làm sạch nguồn nước sông Tô Lịch (Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức). Sau hơn 2 tháng thí điểm, bước đầu công nghệ trên cho kết quả khả quan, trong đó nước đã giảm mùi hôi, hàm lượng oxy trong nước cũng tăng lên.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, hai bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống sông. Cho nên, để giải quyết triệt để ô nhiễm thì phải tách nguồn nước thải ra khỏi dòng sông Tô Lịch.
Vấn đề là, hệ thống xử lý nước thải Yên Xá khởi công từ tháng 10/2016 (bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha) với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu đô la, đến nay gần như... "giậm chân tại chỗ".
Nguyên nhân chậm tiến độ được chủ đầu tư dự án cho biết, do phải thực hiện đấu thầu lại gói 3 (xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ). Năm 2019, dự án được bố trí vốn ODA hơn 70 tỷ đồng trong khi nhu cầu vốn cho các gói thầu 2, 3 và 4 của dự án dự kiến sẽ khởi công năm 2019 khoảng 1.000 tỷ đồng.
Hà Nội có khoảng 2.630 hồ, trải khắp 30 quận, huyện. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nhiều hồ nước tại Hà Nội bị ô nhiễm trầm trọng.
Theo báo cáo, từ tháng 9/2016 đến nay, TP. Hà Nội đã xử lý được 90 hồ nội thành và 44 hồ ngoại thành bằng chế phẩm Redoxy-3C; lắp đặt bè thủy sinh trên 63 hồ; máy sục khí trên 52 hồ và nạo vét bùn 10 hồ.
6 tháng đầu năm 2019, TP duy trì chất lượng nước bằng chế phẩm Redoxy3C đối với 97 hồ; lắp đặt mới 49 bè thủy sinh trên 3 hồ và lắp đặt mới 20 máy sục khí trên 5 hồ.
Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước các hồ sau xử lý, duy trì cơ bản đạt Quy chuẩn quốc gia về nước mặt. Về cảm quan nước hồ trong hơn và không còn mùi khó chịu ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Theo Danviet
Chuyên gia hiến kế hồi sinh sông Tô Lịch Xây cống thu gom nước thải ven sông về nhà máy xử lý; dẫn nước sông Hồng vào; nâng cao ý thức người dân... là những giải pháp được các chuyên gia đưa ra với mong muốn làm sạch sông Tô Lịch ở Hà Nội. Cá Koi được thả xuống bể xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor...