Tập đoàn Quế Lâm: Nông nghiệp bền vững từ sản xuất hữu cơ
Từ thành công trong hướng đi ban đầu là sản xuất phân hữu cơ vi sinh, tập Đoàn Quế Lâm đã tấn công sang lĩnh vực nông sản hữu cơ. Hàng loạt sản phẩm nông sản hữu cơ lần lượt xuất hiện trên thị trường như rau hữu cơ, trà hữu cơ, cà phê hữu cơ, thanh long hữu cơ, tiêu hữu cơ…
Từ phân vi sinh hữu cơ
Được biết đến nhiều nhất, ra đời sớm nhất, uy tín nhất và bán được nhiều nhất của tập đoàn Quế Lâm là các loại phân bón hữu cơ. Giữa năm 1990, giáo sư tiến sỹ Phạm Văn Hữu, một nhà khoa học và là Việt kiều từ Canada trở về Việt Nam thăm quê hương đã mang theo nhiều kiến thức và công nghệ với hy vọng sẽ giúp quê hương đất nước cải cách đổi mới để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tiến sỹ đã chuyển giao công nghệ cho nhiều công ty trên toàn quốc.
Mô hình liên kết giữa tập đoàn Quế Lâm với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tạo thành một chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh nông sản.
Nhưng để thực hiện thành công thì rất ít, trong số đó có tập đoàn Quế Lâm, là đơn vị áp dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh theo phương pháp lên men ủ háo khí của Canada trên cơ sở các chủng vi sinh vật, nguồn than bùn tại các mỏ và photphorit tự nhiên trong các hang động vô tận tại nhiều địa phương trên đất nước ta. Đây là công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh tiên tiến nhất của thế giới vào thời kỳ bấy giờ và vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
Với 14 chủng vi sinh vật khác nhau của một trong các tập đoàn sản xuất vi sinh vật nổi tiếng hàng đầu thế giới là Nataghi – Canada và EM – Nhật Bản, trong đó các vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải Xenlulo và vi sinh vật phân giải lân khó tiêu ở than bùn và quặng P2O5 thành các khoáng và hữu cơ dễ tiêu. Bên cạnh đó các chủng vi sinh vật này khi được đưa vào đất sẽ tiếp tục hoạt động với các chức năng cố định đạm, phân giải hệ thực vật vốn có để tạo mùn…
Video đang HOT
Đến nay tập đoàn đã đầu tư các nhà máy sản xuất quy mô lớn trên nhiều địa bàn trọng điểm để tận dụng các nguồn nguyên liệu và đến năm 2015 năng lực sản xuất của tập đoàn lên đến 500.000 tấn phân bón các loại/năm. Với nhiều thế mạnh về công nghệ, nguồn nhân lực, tiềm lực tài chính và biết tận dụng triệt để các cơ hội. Tập đoàn phấn đấu trong vài năm tới sẽ đưa năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lên 600.000 tấn/năm.
Tập đoàn Quế Lâm có 11 Công ty thành viên hoạt động trên khắp trong và ngoài nước. Kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trải dài trên 63 tỉnh thành Việt Nam với hơn 250 nhà phân phối cấp 1, hơn 2.000 đại lý cấp 2, cấp 3 và xuất khẩu qua Lào và Campuchia.
Đặc biệt, Tập đoàn còn cung cấp phân bón cho một số tổ chức, dự án lớn như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Vingroup, Tổng công ty Chè, Tổng công ty Cafe, Hiệp hội Tiêu Việt Nam, các dự án trồng rừng sản xuất, dự án Rau sạch của Bộ Nông nghiệp và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đến nông sản hữu cơ
Sau thành công của sản phẩm gạo hữu cơ, tập đoàn Quế Lâm đầu tư nhiều triệu đô la cho tham vọng nông sản hữu cơ. Hàng loạt sản phẩm nông sản hữu cơ lần lượt xuất hiện trên thị trường như rau hữu cơ, trà hữu cơ, cà phê hữu cơ, thanh long hữu cơ, tiêu hữu cơ… để phục vụ cho mục tiêu của họ là hướng đến một nền nông nghiệp xanh – sạch – an toàn – bền vững.
Vùng nguyên liệu sản xuất gạo hữu cơ Quế Lâm.
Hàng loạt mô hình khảo nghiệm nông sản hữu cơ được thực hiện một cách dàn trải trên nhiều loại cây trồng, nhiều tỉnh thành trong cả nước. 1 ha chè ở Thái Nguyên, 2 ha cà phê ở Quảng Trị và Gia Lai, 1 ha tiêu ở Quảng Trị, 7 ha lạc ở Quảng Trị và Huế, 1 ha thanh trà ở Huế, 5 ha thanh long ở Bình Thuận, 1 ha thanh long ruột đỏ ở Vĩnh Phúc, 1 ha nhãn ở Hưng Yên, 2,5 ha rau tại Huế và Hà Tĩnh…
Song song với việc tự túc các vùng nguyên liệu, tập đoàn Quế Lâm tổ chức nhiều mô hình liên kết với hộ nông dân, các HTX nông nghiệp. Đã có không ít các ý kiến nghi ngại về chất lượng, sự đảm bảo của các mô hình liên kết, thực tế cũng chứng minh những mô hình này thất bại nhan nhản, nhưng với Quế Lâm thì không. Đơn giản là vì trong các bản cam kết, người nông dân phải sử dụng sản phẩm của mình trước khi bán ra thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Quế Lâm cho biết: Sau khi sản xuất phân hữu cơ vi sinh, chúng tôi đã được Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương thừa nhận. Bây giờ, sản xuất nông sản hữu cơ, chúng tôi kỳ vọng sẽ trở thành một điểm điển hình. Mới đây, một tổ chức ngoài khi đến tham quan mô hình sản xuất nông sản hữu cơ của chúng tôi họ rất thích nên đặt vấn đề liên kết đầu tư, nếu thành công, chắc chắn chúng ta sẽ hạn chế đi rất nhiều những ám ảnh về vấn đề ATVSTP.
Theo Dantri
Thiếu chuỗi giá trị bền vững - nông nghiệp dễ bị tổn thương
Giải pháp cốt yếu vẫn là thực hiện có hiệu quả chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Sáng nay (1/12), tại Bến Tre, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tỉnh ủy Bến Tre và Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức Hội thảo "Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững". Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và chỉ đạo hội thảo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Trong bối cảnh tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp để chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả thì việc xây dựng và phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và chỉ đạo Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.
Cũng theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, rất ít khi một đơn vị kinh tế có thể đảm nhận tất cả các khâu, từ đầu vào đến đầu ra cho một sản phẩm, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau; giữa các tổ chức kinh tế với các cơ sở sản xuất, các hộ nông dân để phát huy thế mạnh của mỗi bên nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, thương hiệu, uy tín thị trường là một xu thế tất yếu.
"Nước ta chuẩn bị ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương -TPP, chúng ta có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nước nhà nhưng đồng thời, cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và nền nông nghiệp rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta không thể né tránh và phải nỗ lực để có thể tồn tại, phát triển; cần tìm ra giải pháp cho nền nông nghiệp bền vững, tìm ra những cách tốt nhất để thực hiện có hiệu quả chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản", Phó chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý và các nhà khoa học đã tập trung phân tích, đánh giá việc ban hành và thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp; xem xét các phương thức, mô hình chuỗi giá trị trong nông nghiệp hiện nay và đề xuất phương hướng, tìm ra những mặt hạn chế để sớm có biện pháp khắc phục, nhân rộng mô hình lan tỏa phạm vi cả nước.
Các ý kiến mang tính giải pháp sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, Bộ NN&PTNT và các ngành liên quan có những chính sách hỗ trợ hiệu quả cho việc phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp./.
Sa Oanh
Theo_VOV