Tập đoàn Huawei chính thức đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ
Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc ngày 7/3 đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ lên tòa án liên bang tại Plano, bang Texas, liên quan một đạo luật trong đó Washington cấm các cơ quan liên bang Mỹ sử dụng thiết bị của tập đoàn này.
Trong tuyên bố ngày 7/3, Chủ tịch Huawei Quách Bình nhấn mạnh: “Quốc hội Mỹ đã liên tục không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để giải thích cho việc cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei”, buộc hãng sử dụng hành động pháp lý trên như một “giải pháp thích hợp cuối cùng”.
Ngoài ra, Huawei còn cáo buộc Chính phủ Mỹ “xâm nhập các máy chủ”, “đánh cắp nhiều thư điện tử và mã nguồn” của tập đoàn này.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Huawei tại Hội nghị Di động Thế giới 2019 ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 25/2. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, trong nội dung đơn kiện, Huawei tập trung vào điều khoản 889 trong Đạo luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành năm ngoái, theo đó cấm các cơ quan liên bang Mỹ ký hợp đồng mua sắm các trang thiết bị viễn thông do Huawei và ZTE – một công ty công nghệ khác cũng của Trung Quốc – sản xuất.
Huawei cho rằng lệnh cấm trên không chỉ trái pháp luật mà còn cản trở tập đoàn này tham gia cạnh tranh công bằng, dẫn tới gây tổn hại cho chính người tiêu dùng Mỹ.
Video đang HOT
Tòa án liên bang tại Plano, bang Texas sẽ đưa ra quyết định liệu có thụ lý vụ kiện này hay không. Theo quy định, một tòa án có quyền “vô hiệu hóa” một phần nội dung điều khoản mà không gây ảnh hưởng tới toàn bộ đạo luật.
Bởi vậy, về mặt lý thuyết, Huawei có thể kỳ vọng tòa án trên sẽ bãi bỏ điều khoản 889 trong NDAA, từ đó mở đường để công ty này tiến hành các cuộc thương thảo với Chính phủ Mỹ.
Trước đó, hồi tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Mỹ đã ký phê duyệt NDAA tài khóa 2019, trong đó có điều khoản quy định sự kiểm soát của quốc hội nước này đối với các hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với các tập đoàn công nghệ Huawei và ZTE.
Điều khoản này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện quan ngại về việc hai tập đoàn trên có mối liên hệ với các cơ quan tình báo Trung Quốc. Bắc Kinh đã bày tỏ sự bất bình trước động thái này của Washington, trong khi Huawei liên tục bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng tập đoàn này là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang khi đầu tháng 12/2018 Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Washington. Hiện tòa án Canada đang xem xét yêu cầu dẫn độ bà này sang Mỹ.
Minh Tâm (TTXVN)
Theo Tintuc
Sau Canada, Huawei tiếp tục kiện Mỹ vì lệnh cấm thiết bị Huawei
Việc kiện chính phủ Mỹ có thể sẽ khó khăn đối với gã khổng lồ công nghệ Huawei nếu nhìn vào vụ kiện tương tự giữa công ty Kaspersky Lab của Nga với Mỹ.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đang chuẩn bị kiện chính phủ Mỹ vì đã cấm các cơ quan liên bang sử dụng sản phẩm của hãng, báo New York Times dẫn 2 nguồn tin cho biết.
Đơn kiện này sẽ được nộp ở Texas, nơi Huawei đặt văn phòng, và công ty dự kiến sẽ công bố vụ kiện trong tuần này, 2 nguồn tin nói với New York Times với điều kiện giấu tên để có thể bàn về các thông tin nội bộ.
Động thái này được cho là sẽ buộc Mỹ phải giải trình cụ thể hơn trước dư luận về lệnh cấm nhắm vào Huawei. Đây cũng được cho là nằm trong chiến dịch rộng hơn của Huawei nhằm bảo vệ hình ảnh của mình, trước việc Mỹ coi Huawei như một mối đe dọa.
Vụ kiện của Huawei ở Mỹ dự kiến sẽ thách thức một phần của đạo luật ngân sách quốc cấm các cơ quan hành pháp sử dụng các thiết bị do công ty này sản xuất. Ảnh: Reuters.
Trong nhiều năm, các quan chức Mỹ luôn nói các thiết bị viễn thông của Huawei có thể bị Bắc Kinh nghe lén. Công ty này đã phủ nhận, nhưng các mạng di động lớn ở Mỹ như AT&T và Verizon đã gần như bị cấm sử dụng các thiết bị của Huawei.
Trong năm ngoái, Washington đã tăng cường sức ép khi Huawei đang tham gia xây dựng mạng di động thế hệ mới ở các nước trên thế giới. Các quan chức Mỹ đã kêu gọi các nước khác cấm dùng sản phẩm của Huawei, còn Bộ Tư pháp Mỹ kiện hãng này cùng giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu về việc trốn tránh lệnh cấm vận của Mỹ tại Iran.
Các luật sư của bà Mạnh đã kiện chính phủ Canada đã bắt giữ bà vào tháng 12/2018. Họ lập luận rằng vụ bắt giữ này đã vi phạm quyền của bà. Chẳng hạn, cảnh sát đã thẩm vấn bà dưới vỏ bọc hải quan mà không thông báo rằng bà đã bị bắt, theo AP.
Bà Mạnh Vãn Châu đang được tại ngoại ở Vancouver, Canada. Ảnh: AP.
Vụ kiện của Huawei ở Mỹ dự kiến sẽ nhắm đến một phần của đạo luật ngân sách quốc phòng được thông qua năm ngoái đã cấm các cơ quan hành pháp sử dụng các thiết bị do Huawei và một công ty Trung Quốc khác là ZTE sản xuất.
Theo một nguồn tin của New York Tímes, Huawei nhiều khả năng sẽ lập luận rằng đạo luật trên có tính phân biệt, trừng phạt một người hoặc nhóm cụ thể mà không qua xét xử. Luật như vậy trái với Hiến pháp của Mỹ.
Trận chiến pháp lý giữa Huawei và chính phủ Mỹ có nhiều điểm tương đồng với trường hợp của công ty an ninh mạng Nga Kaspersky Lab.
Tháng 9/2017, Bộ An ninh Nội địa Mỹ chỉ đạo các cơ quan liên bang phải xóa phần mềm của Kaspersky khỏi hệ thống máy tính. Quốc hội sau đó đã luật hóa lệnh cấm này cũng trong một đạo luật chi tiêu công. Kaspersky theo đuổi 2 vụ kiện, nhưng các tòa án Mỹ đều phán quyết cho rằng Quốc hội có quyền hành động vì an ninh quốc gia.
Theo Zing.vn
Đan Mạch trục xuất 2 nhân viên của Tập đoàn công nghệ Huawei Cảnh sát Đan Mạch ngày 4/2 cho biết nhà chức trách nước này đã trục xuất 2 nhân viên Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc sau khi kết quả thanh tra tại văn phòng công ty này ở thủ đô Copenhagen cho thấy họ không tuân thủ các quy định về giấy phép lao động và cư trú. (Nguồn: Yahoo News)...