Tập đoàn Hà Đô sắp triển khai dự án điện gió 50MW tại Ninh Thuận
Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) vừa có Nghị quyết thành lập công ty con tại tỉnh Ninh Thuận để triển khai dự án đầu tư Điện gió 7A.
Công ty mới thành lập là Công ty TNHH MTV Điện gió Hà Đô Thuận Nam có vốn điều lệ đăng ký dự kiến là 10 tỷ đồng, do Tập đoàn Hà Đô góp vốn 100%.
Cùng với đó, ban lãnh đạo của Hà Đô được bổ nhiệm làm ban lãnh đạo của công ty mới. Cụ thể, Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hà Đô, cũng sẽ đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Công ty TNHH MTV Điện gió Hà Đô Thuận Nam.
Ông Nguyễn Trọng Minh, Chu Tuấn Anh, Trần Trung Dũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc, ông Phạm Hồng Hiếu đảm nhiệm chức danh kế toán trưởng.
Mục tiêu của Dự án là đầu tư sản xuất điện năng cấp cho hệ thống điện quốc gia với công suất lắp máy 50MW.
Chỉ sau 1 ngày công bố thành lập Công ty TNHH MTV Điện gió Hà Đô Thuận Nam, Hội đồng quản trị Hà Đô cũng ra thông báo góp thêm 455 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ tại Công ty này lên thành 555 tỷ đồng.
Hà Đô đẩy mạnh lĩnh vực năng lượng trong tương lai.
Cho năm 2020, Công ty dự kiến phát triển bền vững, đầu tư dài hạn, trung hạn và ngắn hạn vào 3 lĩnh vực là bất động sản, năng lượng và xây lắp.
Công ty đưa ra kế hoạch đẩy mạnh triển khai thi công 2 nhà máy điện tại tỉnh Quảng Nam gồm Sông Tranh 4-48MW và Đăk mi 2-147MW. Dự kiến nhà máy Sông Tranh 4 có thể phát điện từ tháng 6/2020 và nhà máy Đăk Mi 2 sẽ bắt đầu phát điện từ tháng 3/2021.
Về kế hoạch kinh doanh, phía Hà Đô dự kiến tăng trưởng với mức tối thiểu 15%, trong đó kế hoạch doanh thu và lãi sau thuế lần lượt đạt 4.500 tỷ đồng và 1.150 tỷ đồng.
Video đang HOT
Kết thúc năm 2019, Công ty có doanh thu thuần vào mức 4.327 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước. Hoạt động kinh doanh bất động sản mang về cho Công ty 2.759 tỷ đồng, tiếp đến là doanh thu xây lắp (649 tỷ đồng), doanh thu từ thủy điện và điện mặt trời (601 tỷ đồng).
Công ty lãi ròng hơn 842 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2018. Như vậy, doanh nghiệp bất động sản này đã thực hiện được gần 94% chỉ tiêu doanh thu thuần và vượt 29% chỉ tiêu lãi sau thuế đề ra.
Anh Nhi
Theo vietnamdaily.net.vn
Nợ vay chèn ép HDG
Dù đạt kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2019, nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) vẫn đang đối mặt với áp lực trả nợ lớn.
Áp lực trả nợ của HDG tăng mạnh hơn khi doanh nghiệp này lấn sân mạnh mẽ sang lĩnh vực năng lượng.
Lợi nhuận từ mảng cốt lõi
Theo báo cáo tài chính quý 4/2019, HDG đạt doanh thu thuần gần 1.209 tỷ đồng, giảm 36% cùng kỳ năm 2018. Lãi gộp trong kỳ của HDG đạt hơn 418 tỷ đồng, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2018, nên biên lãi gộp cũng giảm mạnh xuống 34,6%.
Tính chung cả năm 2019, HDG ghi nhận doanh thu thuần gần 4.327 tỷ đồng, tăng 34% cùng kỳ. Trong đó, 64% doanh thu đến từ mảng kinh doanh bất động sản, 15% đến từ mảng xây lắp, 14% đến từ mảng thủy điện và điện mặt trời, còn lại thuộc về mảng cho thuê bất động sản (BĐS) đầu tư, khách sạn và dịch vụ khác.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của HDG năm 2019 đạt hơn 1.026 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước- mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất kể từ khi thành lập đến nay. Kết thúc năm 2019, HDG chỉ hoàn thành được 94% mục tiêu doanh thu và vượt 29% kế hoạch lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh của HDG trong những năm gần đây.
Từ những số liệu phân tích trên cho thấy, dòng tiền cho tăng trưởng của HDG đến chủ yếu từ mảng kinh doanh cốt lõi là BĐS mà tập đoàn này đã theo đuổi kể từ khi thành lập đến nay.
Lấn sân sang năng lượng
Năm 2020, HDG dự kiến tăng trưởng ở mức tối thiểu 15%, doanh thu dự kiến đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận 1.150 tỷ đồng và tiếp tục đầu tư phát triển vào ba lĩnh vực: bất động sản, năng lượng và xây lắp.
Đáng chú ý, mới đây HDG đã mua lại dự án SP Infra 1 thông qua mua lại toàn bộ phần vốn góp của Công ty TNHH Năng lượng Surya Pracash Việt Nam. Sau khi hoàn tất giao dịch, Công ty TNHH Năng lượng Surya Pracash Việt Nam sẽ trở thành công ty con của HDG. Trước đó, HDG đã mua thêm Công ty CP Năng lượng Agrita Quảng Nam và biến công ty liên kết này thành công ty con của mình.
1.026 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong năm 2019 của HDG, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Dù là doanh nghiệp kinh doanh BĐS, nhưng báo cáo tài chính của HDG cho thấy những năm gần đây, lĩnh vực năng lượng là một trong 3 mảng cơ bản, bên cạnh bất động sản và xây dựng. Tính đến cuối năm 2019, HDG đã sở hữu 5 nhà máy thủy điện và 1 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất 313 MW, cho sản lượng điện 1.138 triệu Kwh.
Theo Ban Lãnh đạo HDG, năng lượng sẽ tiếp tục là hướng đi mới của Tập đoàn và được đẩy mạnh hơn nữa trong năm nay khi tình hình kinh doanh trong lĩnh vực BĐS được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Áp lực trả nợ lớn
Việc HDG phân bổ thêm nguồn lực cho mảng năng lượng, bên cạnh 2 mảng bất động sản và xây dựng, phần nào giúp doanh nghiệp này cân bằng hoạt động kinh doanh, nếu thị trường BĐS có biến động không thuận lợi. Tuy nhiên, điều này khiến cho gánh nặng nợ của HDG tăng mạnh.
Tại thời điểm 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của HDG khoảng 3.852 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 10.211,5 tỷ đồng. Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã lên tới mức hơn 265%- một mức quá cao so với mức trung bình của các doanh nghiệp niêm yết, cho thấy áp lực trả nợ của doanh nghiệp này rất lớn.
Do các dự án BĐS được thực hiện trong thời gian kéo dài và cần nguồn vốn lớn, nên phần lớn các doanh nghiệp BĐS thường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp BĐS nói chung và HDG nói riêng cần kiểm soát chặt chẽ quy mô và hệ số nợ trong ngưỡng an toàn, nhằm tránh rủi ro, nhất là khi NHNN vừa siết lộ trình vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Theo ông Nguyễn Quốc Thái- Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán AVA Việt Nam, nếu hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lớn hơn 100%, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Ngược lại, hệ số này càng lớn, thì khả năng các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản càng cao.
Do vậy, dù lấn sân sang các mảng kinh doanh năng lượng sạch nhưng HDG phải cân nhắc giữa lợi ích mang lại và rủi ro tài chính, có như vậy mới phát triển bền vững.
Động lực cho năng lượng tái tạo
Nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức cao, từ 6,9%- 7,1% năm tới năm 2028. Bởi vì tình trạng thiếu điện sẽ trầm trọng hơn trong giai đoạn 2021-2025 do một số nhà máy lớn bị chậm tiến độ thi công.
Theo Quy hoạch điện 7 (Báo cáo điều chỉnh số 58/BC-BCT), hiện tại có một số dự án điện trọng điểm bị chậm trễ, dẫn tới việc Việt Nam sẽ phải tiếp tục tăng nhập khẩu điện ở mức 1,2% tổng sản lượng điện trong năm 2018 lên 1,5% trong năm 2025. Điều này đồng nghĩa với việc giá mua điện trong nước có thể tăng lên, từ đó tăng nguồn thu cho các nhà máy phát điện.
Trong tương lai, ngành điện Việt Nam sẽ hướng tỷ trọng vào năng lượng tái tạo nhiều hơn để bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, Chính phủ đã ra Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg để tạo động lực phát triển năng lượng tái tạo bằng cách cấp những ưu đãi về đất, thuế và giá thu mua cho những dự án năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, Chính phủ đồng ý sẽ thu mua điện mặt trời ở mức giá 9,35 cents/kWh trong vòng 20 năm cho các dự án điện mặt trời phát điện trước 30 tháng 6 năm 2019 (ngoại trừ các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận sẽ được kéo dài đến cuối năm 2020). Đối với điện gió, Chính phủ ưu đãi mức giá 8,5 cents/kWh cho điện gió trên bờ và 9,8 cents/kWh cho điện gió ngoài khơi. Các mức giá này cao hơn nhiều so với mức giá mua điện bình quân của EVN hiện nay khoảng 1.320 đồng/kWh.
Hà Phương
Theo enternews.vn
Thêm hai dự án điện gió tại Quảng Trị về tay Xây lắp điện 1 Sau thương vụ M&A Công ty Điện gió Liên Lập với giá hơn 195 tỷ đồng, CTCP Xây lắp điện 1 (PCC1, mã PC1) tiếp tục bỏ vốn đầu tư vào hai doanh nghiệp điện gió khác, cũng đều đang sở hữu các dự án tại Quảng Trị. Chưa đầy nửa năm, PCC1 đã thâu tóm 3 dự án điện gió tại Quảng...