Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) dự kiến thoái vốn khỏi công ty con
Vinaruco (VRG) công bố thông tin về quyết định phê duyệt phương án thoái vốn của GVR
Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (Vinaruco, mã chứng khoán: VRG – sàn UPCOM) vừa công bố thông tin về quyết định phê duyệt phương án thoái vốn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (Mã chứng khoán: GVR – sàn HOSE).
Theo đó, GVR và các đơn vị thành viên quyết định bán toàn bộ cổ phần của VRG, được biết hiện tại GVR và các công ty thành viên đang sở hữu 15,38 triệu cổ phiếu VRG, tương ứng khoảng 59,41% vốn điều lệ tại Vinaruco.
Giá chào bán chưa được công bố, tuy nhiên giá khởi điểm được lấy theo chứng thư thẩm định giá. Trong trường hợp giá thẩm định thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp trên sàn thì giá khởi điểm thực hiện chuyển nhượng vốn là mức giá tham chiếu bình quân.
GVR và nhóm công ty thành viên dự kiến sẽ thoái ra trong năm 2020.
Nguồn: Internet
Được biết, VRG được thành lập năm 2005 với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, doanh nghiệp được góp bởi 4 cổ đông. Trong đó, GVR là công ty mẹ.
Doanh nghiệp chủ yếu hoạt động tại KCN Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương với ngành nghề là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Điểm đáng lưu ý là quỹ đất hiện nay của doanh nghiệp có giới hạn, tỷ lệ lắp đầy cao, doanh nghiệp sẽ không còn nguồn cung đất cho thuê, việc mở rộng quy mô của dự án sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đề án và chính sách quy hoạch của tỉnh Hải Dương.
Video đang HOT
Tính tới 30/06/2020, VRG đang sở hữu 290,3 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chiếm gần 43% tổng tài sản. Doanh nghiệp thuyết minh đây là chi phí xây dựng cơ bản dở dang KCN Cộng Hòa với tổng vốn đầu tư hơn 834 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án được chia làm 2 giai đoạn.
Trong giai đoạn 1 tính từ ngày cấp phép 04/2008 đến năm 2019 và giai đoạn 2 từ năm 2020 đến năm 2021.
Có thể thấy hạn chế lớn nhất của VRG là quỹ đất hạn chế, sau giai đoạn năm 2021 việc khai thác hết quỹ đất sẽ là bài toán không nhỏ đối với doanh nghiệp.
Ở một diễn biến khác liên quan tới GVR, gần đây sau khi niêm yết đủ 6 tháng trên HOSE, cổ phiếu GVR cũng chính thức được cấp margin.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, GVR ghi nhận doanh thu là 6.060,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 850 tỷ đồng, lần lượt giảm 20,4% và 19,7% so với 6 tháng đầu năm 2019. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm doanh nghiệp hoàn thành được 21,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, biên lợi nhuận gộp tăng từ 18,6% lên 20,2% và biên lợi nhuận ròng tăng từ 13,9% lên 14%. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, GVR chỉ ghi nhận thu nhập khác là 240,3 tỷ đồng, cùng kỳ là 525,1 tỷ đồng, giảm tới 54,2%.
Năm 2020, GVR đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 24.647 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.029 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,8% và 5,1% so với thực hiện năm 2019. Ngoài ra, doanh nghiệp còn dự kiến tỷ lệ cổ tức 6% như năm 2019.
Điểm đáng lưu ý trong báo cáo là dòng tiền hoạt động kinh doanh chính trong 6 tháng đầu năm âm tới 1.042,1 tỷ đồng, so với cùng kỳ dương 967,9 tỷ đồng.
Tính tới 30/06/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp giảm 0,7% về mức 77.969,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định trị giá 31.020,9 tỷ đồng, chiếm 39,8% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn là 17.925,9 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn là 13.697,2 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng tài sản; tồn kho là 3.515,2 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng tài sản.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 06/10, cổ phiếu VRG tăng 300 đồng lên 19.000 đồng/cổ phiếu, trong khi đó cổ phiếu GVR giảm 100 đồng về 12.900 đồng/cổ phiếu.
Cục diện thoái vốn mới tại Viglacera
Kịch bản thoái vốn nhà nước còn lại tại Viglacera (VGC) có thể chịu tác động từ kết quả chào mua công khai của Gelex.
Dự kiến, trong tháng 11 - 12/2020, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn tại Viglacera. Ảnh: Dũng Minh.
Gelex quyết tâm nâng sở hữu
Thị trường đang nóng lòng chờ đợi kết quả đợt chào mua công khai cổ phiếu VGC mà Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) công bố thực hiện trong thời gian từ ngày 26/8 đến 25/9/2020.
Nhiều nhận định thiên về khả năng Gelex hoàn tất thương vụ mua gom 95 triệu cổ phiếu, tương đương 21,19% vốn điều lệ Viglacera để nâng tỷ lệ sở hữu lên 46,15% như mục tiêu đặt ra. Qua 2 đợt nâng giá chào mua có thể thấy quyết tâm của Gex.
Trên sàn chứng khoán, khối lượng giao dịch cổ phiếu VGC tăng mạnh ở cả phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trong thời gian Gelex chào mua.
Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 133,5 triệu đơn vị tính đến ngày 17/9, tương đương gần 30% vốn điều lệ Viglacera. Với yếu tố này, có thể sơ bộ đánh giá được phần nào khả năng thành công của cả đợt chào mua.
Thương vụ chào mua thành công sẽ mở đường cho việc thực hiện mục tiêu nâng sở hữu lên mức chi phối 51%, hoàn thành hợp nhất VGC trong năm nay đã được Đại hội đồng cổ đông 2020 của Gelex đặt ra.
Doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thiết bị điện này cũng để ngỏ khả năng sẽ mua thêm dưới 5% cổ phiếu VGC mà không phải chào mua công khai theo quy định mới của Luật Chứng khoán.
Kịch bản thoái vốn nhà nước có thể thay đổi
Nếu đợt chào mua công khai của Gelex thành công, kịch bản thoái vốn nhà nước tại Viglacera có thể chịu tác động từ cục diện mới này.
Trong cơ cấu cổ đông tại Viglacera, Bộ Xây dựng hiện nắm giữ trên 38,6% vốn điều lệ. Theo kế hoạch thoái vốn đã được phê duyệt, cổ đông nhà nước sẽ phải thực hiện thoái số vốn còn lại đến hết năm 2020. Kịch bản thoái vốn nào để đảm bảo tối ưu hóa phần lợi ích thu về cho Nhà nước đang là câu hỏi lớn đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, Bộ sẽ cùng các bên rà soát thẩm định để hoàn tất việc định giá cổ phần sau khi có báo cáo tài chính bán niên 2020 của Viglacera. Dự kiến, trong tháng 11 - 12/2020, Bộ sẽ hoàn thành thoái vốn nhà nước tại Viglacera.
Với cục diện nhóm cổ đông lớn thứ hai chỉ sau cổ đông nhà nước gần như đã hoàn thành nâng tỷ lệ sở hữu qua chào mua công khai, giới đầu tư cho rằng, phương án thoái vốn nhà nước sắp tới tại Viglacera sẽ không dễ dàng.
Trong cả 2 phương án thoái vốn nhà nước còn lại tại Viglacera là thoái trọn lô và xé lẻ bán rộng rãi cho nhà đầu tư đại chúng, hầu như đều không còn lợi thế cho cổ đông nhà nước.
Trong đó, phương án xé lẻ sẽ bất lợi hơn với khả năng cao là lặp lại kịch bản bị ế lượng lớn cổ phiếu như đợt thoái vốn đầu tiên bởi giá khởi điểm theo quy định mới thường cao hơn thị giá cổ phiếu trên sàn.
Còn với phương án thoái trọn lô, xét theo cơ cấu cổ đông từ trước tới nay, Gelex vẫn là một trong những ứng viên nặng ký, có mục tiêu rõ ràng để có thể mua trọn lô nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối.
Song ở tình thế hiện tại, khi mục tiêu nắm giữ cổ phần chi phối 51% không còn xa, việc tiếp tục tham gia cuộc chơi thoái vốn của Bộ Xây dựng không còn là động cơ bắt buộc đối với Gelex.
Tất nhiên, nếu mức giá thoái vốn hấp dẫn, Gelex có thể sẽ không bỏ lỡ cơ hội mua lại toàn bộ lô cổ phần từ Nhà nước để có toàn quyền quyết định đối với Viglacera.
Một kịch bản khác là một nhóm cổ đông hoặc nhà đầu tư khác quan tâm tới Viglacera có thể mua trọn lô cổ phiếu VGC để nắm quyền phủ quyết, hoặc Bộ Xây dựng mang cổ phiếu VGC đến lại mang về.
Dù trong kịch bản nào, Bộ Xây dựng cũng không còn là người cầm trịch về giá trong cuộc chơi lần này.
Sau Hancorp thoái vốn, cuộc chiến mới ở ICON 4 (CC4) Việc tăng vốn tại CTCP Đầu tư và Xây dựng số 4 (ICON 4, mã chứng khoán CC4 - UPCoM) sẽ khiến cơ cấu cổ đông thay đổi. Điều này có thể tạo ra cuộc chiến mới tại ICON 4, sau khi Công ty mẹ Hancorp thoái vốn. Tại Đại hội cổ đông bất thường 2020 vào ngày 15/10/2020 sắp tới đây, CTCP...