Tập đoàn AEON sẽ đầu tư vào khu vực bến xe Giáp Bát số vốn “kỷ lục”
Chiều 19/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tiếp ông Tetsuyuki Nakagawa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam đến chào và trao đổi một số định hướng đầu tư, kinh doanh tại thành phố Hà Nội.
Tại buổi tiếp, ông Tetsuyuki Nakagawa cho biết, Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm để mở rộng đầu tư, kinh doanh, nhất là lĩnh vực mua sắm và bán lẻ. Hiện nay, AEON có 5 trung tâm thương mại đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó, có 2 trung tâm thương mại tại Hà Nội.
Ông Tetsuyuki Nakagawa mong muốn lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố quan tâm, hỗ trợ để Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Trước mắt, sớm phê duyệt chủ trương để Công ty được triển khai dự án bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại tại Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai).
Ông Tetsuyuki Nakagawa cho biết, nếu được Thành phố chấp thuận, đây sẽ là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong các dự án mà Công ty đã triển khai tại Việt Nam. Ngoài dự án trên, Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam cũng đang nghiên cứu để triển khai thêm một số dự án trung tâm thương mại khác trên địa bàn các quận của thành phố Hà Nội.
Hoan nghênh những ý tưởng, đề xuất đầu tư của Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, đây cũng là những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố Hà Nội. Riêng với Dự án bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại tại Bến xe Giáp Bát, Bí thư Thành ủy cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã thông qua, tới đây, sẽ trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố để có thể trao chứng nhận cho Công ty tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của Thành phố, được tổ chức vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới đây.
Ngoài lĩnh vực thương mại, bán lẻ mà Tập đoàn đang triển khai tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng gợi ý Tập đoàn AEON có thể tiếp tục nghiên cứu, mở rộng sang các lĩnh vực khác như tín dụng tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt… để tích hợp với các dịch vụ của Tập đoàn AEON, tạo thành một hệ thống đồng bộ.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội cho biết thành phố đã nhận được đề xuất xây dựng dự án này của các nhà đầu tư gồm: Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam, Công ty Cổ phần Xuân Nam Việt, Công ty TNHH cơ khí chế tạo và dịch vụ tổng hợp 27/7. Vị trí xây dựng dự án nằm tại Lô 6A.KT – Phân khu H2-3, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
Video đang HOT
Sau khi xem xét, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận nguyên tắc để để Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Xuân Nam Việt cùng Công ty TNHH cơ khí chế tạo và dịch vụ tổng hợp 27/7 đề xuất dự án bãi đỗ xe, trung tâm thương mại Aeon Mall Giáp Bát Hoàng Mai với quy mô 6,1 ha, vốn đầu tư dự kiến là 280,7 triệu USD.
Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ là "quả đấm" kinh tế cho TP.HCM
Được kỳ vọng là Trung tâm động lực kinh tế cho 10 năm tới của TP, khu đô thị này sẽ đóng góp khoảng 30% GDP, tương đương mức GDP của nhiều tỉnh khác cộng lại.
Sáng 8/5, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo TP. HCM, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo Thủ tướng xin chủ trương về hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, trung tâm động lực kinh tế cho 10 năm tới chính là Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố. Đề án được xây dựng tích hợp 3 lợi thế của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, là trung tâm lớn nhất về công nghệ cao, về đào tạo nhân lực trình độ đại học với 15 trường đại học, 100.000 sinh viên.
Dự báo, khu đô thị này sẽ đóng góp khoảng 30% GDP của Thành phố, tương đương mức GDP của nhiều tỉnh khác cộng lại. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đây sẽ là "quả đấm kinh tế" của Thành phố và UBND Thành phố đã có kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng "Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM " nhằm hình thành và phát triển khu đô thị nêu trên.
Dự kiến, thành phố phía đông sẽ có diện tích tự nhiên 211,5 km2 (đạt 141% so với tiêu chuẩn quy định), quy mô dân số hơn 1,1 triệu người (đạt 779% so với tiêu chuẩn quy định). Tuy nhiên, việc sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố trực thuộc thành phố là chưa có tiền lệ mặc dù theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì phù hợp quy định. TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại cuộc làm việc, UBND Thành phố cũng nêu hơn 20 kiến nghị. Trong đó, các ý kiến tại cuộc làm việc cho rằng, TP.HCM là đô thị đặc biệt, phải giữ vững vai trò là động lực tăng trưởng của cả nước. Sau khi các biện pháp "giãn cách xã hội" được nới lỏng, kinh tế Thành phố sẽ phục hồi mạnh mẽ. Thành phố cần điều tra tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn để có các kịch bản tăng trưởng; xử lý sớm các tồn tại của một số dự án.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, trong 3-4 tháng đầu năm nay, kinh tế Thành phố có giảm sút, chủ yếu do cầu giảm (do dịch COVID-19), nhưng tổng năng lực cung của Thành phố vẫn bảo đảm.
Đến nay, có 7.773 doanh nghiệp của Thành phố phá sản hoặc đóng cửa, như vậy, so với tổng số 250.000 doanh nghiệp của Thành phố thì chỉ chiếm 3%.
Nếu có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì từ tháng 5 trở đi, với việc mở cửa thị trường trong nước và bước đầu với thị trường nước ngoài thì bộ máy kinh tế là các doanh nghiệp của Thành phố bắt đầu hoạt động trở lại. Theo Bí thư Thành ủy, tiềm năng phục hồi kinh tế trong quý II và III rất rõ.
"Hãy bung ra ngay và trở lại chính mình"
Phát biểu tại cuộc làm việc trực tuyến với TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM thành công, đóng góp vào thành công chung của cả nước.
Trong quý I/2020, kinh tế Thành phố tăng trưởng 1,03%, chứ không phải con số 0,42% trước đây. Đối với một thành phố mà ngành dịch vụ chiếm 60% thì đây là một cố gắng trong bối cảnh phải thực hiện "giãn cách xã hội".
Thủ tướng nhìn nhận, quyết tâm của Thành phố rất cao, nuôi chí lớn, không chỉ cho Thành phố mà đóng góp cho cả nước. "Cụ thể, năm 2020, các đồng chí đã quyết tâm đạt trên 6% tăng trưởng". Với con số này, Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng khoảng 5%, dẫn đầu trong khu vực.
"TPHCM là lò xo nén đủ rồi, hãy bung ra ngay và trở lại chính mình. TP.HCM không chỉ, không phải và không được là chữ U hoặc chữ W trong phát triển mà phải là chữ V", Thủ tướng nói.
Do đó, làm thế nào để trong 3 quý còn lại của năm 2020, Thành phố có tăng trưởng và phát triển kinh tế xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của mình. TP.HCM phải trở lại vị thế là cực tăng trưởng kinh tế, đầu tàu kinh tế của cả nước.
Cho rằng Thành phố cần nhìn lại chính mình, Thủ tướng lấy ví dụ, năm 2019, Thành phố chỉ triển khai được vỏn vẹn vài dự án bất động sản so với hàng trăm dự án những năm trước, "nguyên nhân do đâu, đùn đẩy trách nhiệm hay cơ chế, thể chế".
Giải ngân vốn đầu tư là việc cần làm ngay của Thành phố. Vốn thực hiện ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 của TP.HCM chỉ đạt 9,2 %, thấp hơn mức bình quân cả nước.
"Chúng ta có suy nghĩ gì khi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng rất khó nhưng vẫn giải ngân gấp 2-3 lần? Đây có phải là điểm nghẽn cho phát triển kinh tế Thành phố trong 4 tháng hay không?", Thủ tướng nêu vấn đề.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Thành phố cần phân tích kỹ và có ngay giải pháp khắc phục. Thành phố đạt mục tiêu đến tháng 10 năm nay tỉ lệ giải ngân đạt 80%, cuối năm đạt 100% thì phải làm cho tốt và cố gắng hết sức.
Thủ tướng cũng lưu ý phải chống lại những hành vi trục lợi trong đại dịch thông qua thâu tóm, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trọng yếu. Do đó, Thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tốt hơn nữa để vực dậy sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế.
Từng bộ, ngành phải sát vào tháo gỡ cho Thành phố, trong vòng 5-7 ngày phải xử lý giải quyết, trình lên phương án, không để tình trạng ngâm hồ sơ lâu, không được để tiêu cực tham nhũng xảy ra trong quá trình thực hiện, xử lý các dự án mà Thành phố trình...
Về nhiệm vụ, phương hướng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là TP.HCM trở thành đô thị hiện đại điển hình của khu vực và của thế giới, một thành phố thông minh, một thành phố xanh đáng sống để người dân có thể hưởng lợi công bằng từ những thành quả phát triển mang lại.
TP.HCM sớm hoàn thành đề án phát triển Thành phố thành trung tâm tài chính khu vực, tạo nền tảng cho phát triển Thành phố thành trung tâm khoa học công nghệ.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến xử lý các kiến nghị cụ thể của Thành phố với tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thành phố phát triển. Thủ tướng bày tỏ ủng hộ đề xuất của TP.HCM về Khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Cơ hội tăng tốc kinh tế của Hải Phòng trong những tháng tiếp theo Các dự án lớn về phát triển hạ tầng du lịch, thương mại sẽ đi vào hoạt động, doanh nghiệp lớn của thế giới đang chuyển nhà máy từ nước ngoài về Việt Nam.. là xu hướng phát triển kinh tế của Hải Phòng. Hệ thống cảng tại khu vực Đình Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) Hàng loạt các dự án lớn...