Tạo “văn hóa an sinh” trong xã hội
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) về vấn đề cải cách chính sách BHXH; tinh gọn, hiện đại hoá bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ của ngành BHXH diễn ra vừa qua.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam
Thành tựu lớn, thách thức lớn
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, cho biết: Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm vụ được giao trong công tác thu, giảm nợ BHXH; cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người hưởng… Tính đến hết quý I/2019, số người tham gia BHXH là 14,795 triệu người; tham gia BH thất nghiệp là 12,78 triệu người; BHYT là 83,6 triệu người.
Năm 2018, công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT của Ngành BHXH đã được Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Giám sát của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam đánh giá có hiệu quả, được sự đồng tình ủng hộ của doanh nghiệp, người lao động và nhân dân.
Tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2018″, BHXH Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các bộ, ngành có dịch vụ công. Những tháng đầu năm 2019, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, ứng dụng mới trong lĩnh vực này, như: Hệ thống tin nhắn tra cứu đóng, hưởng BHXH, BHYT; Hệ thống trả lời, tư vấn tự động…
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhận định, 10 năm qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, BHXH Việt Nam đã có một bước tiến dài với nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển đối tượng, diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng tăng lên; cải cách TTHC, ứng dụng CNTT đi trước đón đầu, hoàn thiện được cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT… đã tạo nền tảng đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lợi cũng cho rằng, Ngành BHXH cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi nhận thức của người dân về hệ thống an sinh xã hội chưa cao, các chính sách BHXH, BHYT được thiết kế chưa thực sự hấp dẫn với người dân, người lao động… Do đó, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam phải tiếp tục chủ động, cố gắng hơn nữa trong phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách. Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng phục vụ.
Cần xây dựng văn hoá an sinh
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà Ngành BHXH đã đạt được thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, góp phần mang lại sự hài lòng ngày càng cao cho người, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Ngành BHXH đang gặp phải.
“Những khó khăn, thách thức đó, Bộ LĐTB&XH sẽ sát cánh, đồng hành cùng BHXH Việt Nam để cùng nhau tháo gỡ, giải quyết với những giải pháp, việc làm cụ thể vì một mục tiêu chung đảm bảo quyền lợi của người dân, người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, thời gian tới, BHXH Việt Nam và Bộ LĐTB&XH cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, tập trung làm tốt các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Nghị quyết. Đặc biệt lưu tâm đến 3 vấn đề lớn:
Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức của nhân dân, người lao động về chính sách an sinh xã hội, với hai trụ cột chính là BHXH, BHYT. Phải tạo nên “văn hoá an sinh” trong xã hội để người dân thấy được sự sát sườn, thiết thực của các chính sách này, từ đó tự giác tham gia.
Thứ hai, hai ngành phải tăng cường phối hợp để góp ý, kiến nghị xây dựng, sửa đổi chính sách BHXH, BHYT hấp dẫn hơn; giải quyết ngay những vấn đề đang tồn tại như tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT cần phải có những chế tài mạnh, xử lý dứt điểm.
Thứ ba, hai ngành cần xây dựng, đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, hướng tới hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo; tăng cường kết nối dữ liệu giữa hai Ngành trong giải quyết chế độ cho người tham gia BHXH, BH thất nghiệp.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh mong muốn, thời gian tới tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ Bộ LĐTB&XH trong hoàn thiện, sửa đổi, xây dựng chính sách BHXH, BHYT; kết nối dữ liệu giải quyết chế độ BH thất nghiệp; thực hiện thanh tra chuyên ngành; phát triển BHXH tự nguyện…
Minh Anh
Theo PLVN
Năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH ghi dấu ấn đậm nét, có nhiều điểm đột phá
Tất cả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành đặt ra đều đạt và vượt mức chỉ tiêu. Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH đã đặt nền móng rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt với 3 đột phá bao gồm: thể chế, giáo dục nghề nghiệp và lĩnh vực người có công - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo với đoàn công tác của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Sáng 21/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cùng các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Quân và Nguyễn Thị Hà đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh làm Trưởng đoàn. Nội dung buổi làm việc nhằm đánh giá công tác xây dựng luật trong năm 2018 và nhiệm vụ năm 2019.
Báo cáo với Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh và đoàn công tác về những kết quả nổi bật ngành LĐ-TB&XH đạt được trong năm 2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, ngành đã nhận được sự quan tâm rất sâu sát, thường xuyên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo nhiều chương trình lớn của Bộ về Người có công, Vì người nghèo... Lãnh đạo Quốc hội cũng dành sự quan tâm tới ngành, đặc biệt từ các cuộc chất vấn Bộ trưởng, hoạt động của ngành được đánh giá cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Cùng với đó, công tác xã hội hóa, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã đem lại dấu ấn tích cực. Tất cả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành đặt ra đều đạt và vượt mức chỉ tiêu. Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH đã đặt nền móng rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt với 3 đột phá bao gồm: thể chế, giáo dục nghề nghiệp và lĩnh vực người có công. Cùng với đó, cải cách hành chính của Bộ đã tạo bước tiến vượt bậc; các lĩnh vực khác như BHXH, báo chí truyền thông cũng có những bước tiến bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những kết quả Bộ LĐ-TB&XH đạt được
Về nhiệm vụ trong năm 2019, Bộ trưởng khẳng định toàn ngành nỗ lực phấn đấu tiếp tục tạo sự đột phá và triển khai đồng bộ 14 nội dung nhiệm vụ đề ra trong năm 2019. Trong đó lựa chọn những vấn đề thiết yếu sau:
Thứ nhất, tập trung xây dựng thể chế, trong đó quan tâm hoàn thành được chiến lược phát triển ngành, chiến lược an sinh cho 10 năm tới với tư duy đột phá và hướng tới một xã hội mọi người đều hưởng được quyền an sinh theo đúng tinh thần Điều 34 Hiến pháp và các quy định của Đảng và Nhà nước; tập trung cao độ cho việc sửa đổi và trình Bộ luật Lao động sửa đổi với những nội dung đã trình xin ý kiến Chính phủ; trình Quốc hội sửa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; trình, sửa đổi Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Thứ hai, tiếp tục đột phá mạnh mẽ, tạo ra sự chuyển động thực sự trong thị trường lao động, tạo nên thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh ở 3 khía cạnh: Tạo việc làm mới, nếu trong năm 2018 là 1,65 triệu người thì con số này phải phấn đấu tăng hơn trong năm 2019; Tạo sự dịch chuyển từ phi chính thức sang chính thức với tỷ lệ phải cao hơn trong năm 2018; Dứt khoát phải giảm được tỷ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp xuống thấp hơn nữa.
Thứ ba, tiếp tục tập trung cao độ cho giáo dục nghề nghiệp, coi đây là khâu đặc biệt quan trọng, với cách làm mới, phấn đấu để đạt mục tiêu tổng quát là: Số người học, đặc biệt là cao đẳng, trung cấp nghề phải tăng lên; ra trường phải có việc làm, có thu nhập và ứng dụng, tập trung vào những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần. Do đó, cung và cầu phải kết nối rất hợp lý, phải dự báo được ngành nghề thích hợp nào xã hội đang cần.
Thứ tư, cần phải quan tâm tới một số vấn đề bức xúc đang đặt ra, nhất là lĩnh vực trẻ em, quản lý các cơ sở cai nghiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, năm 2018 là năm Bộ LĐ-TB&XH ghi dấu ấn đậm nét, có nhiều điểm đột phá như lĩnh vực người có công, việc làm... "Muốn đánh giá ngành chúng ta phải đánh giá sự hài lòng của người dân. Ngành có nhiều vấn đề bức xúc, nhưng đã được người dân ghi nhận, hài lòng", ông Bùi Sỹ Lợi nói và lưu ý thời gian tới, Bộ phải xây dựng chiến lược an sinh xã hội, trọng tâm là bao phủ BHXH đến toàn dân.
Quang cảnh buổi làm việc
Đánh giá cao những kết quả đạt được, nhất là trong công tác xây dựng thể chế của Bộ LĐ-TB&XH trong năm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị trong xây dựng luật cần có đánh giá tác động, làm tốt công tác truyền thông để định hướng dư luận; các dự án luật cần được tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá các mối quan hệ xã hội mà luật pháp điều chỉnh.
Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, liên quan đến Bộ LĐ-TB&XH, trong chương trình công tác năm 2019, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ thẩm tra và chỉnh lý dự án Bộ luật lao động (sửa đổi). Trong đó thẩm tra dự án Bộ luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trì tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Bộ luật, báo cáo và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ VIII năm 2019.
Ủy ban cũng thẩm tra và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong một số dự án luật; Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy và thứ tám năm 2019. Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới năm 2018; giám sát về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2018.
Bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ tiếp tục phối hợp tốt trong thời gian tới, có chia sẻ thông tin cùng các hoạt động khác như tham vấn, khảo sát, trao đổi đi đến thống nhất về quan điểm, chủ trương, những vấn đề lớn đối với cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm đúng tiến độ.
Thành Công - Quý Đức
Theo Dansinh
BHXH Việt Nam: Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu năm 2018 Thứ trưởng, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Nguyễn Thị Minh - yêu cầu toàn ngành tập trung quyết liệt hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao để tạo tiền đề cho năm 2019 và những năm tiếp theo. Theo Báo cáo Hội nghị trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2018...