Tào Tháo: Hai mươi năm trả thù không muộn
Trên thực tế, Tào Tháo là con người thù dai. Hơn nữa, trả thù không ghê tay. Lầm to khi cho rằng Tào Tháo không biết trả thù. Có điều, sau hai mươi năm mới trả thù thì Tháo đúng là kẻ “gian hùng”.
Một cuộc đại thanh trừng của cha con Tào Tháo
Trương Tú hàng Tào thật đúng lúc. Khẩu hiệu phụng thiên tử dĩ lệnh bất thần của Tháo lúc này mới thực thi được 3 năm, thiên hạ phản đối ầm ầm. Bản thân Tháo chưa được người ta trọng vọng. Sau đó lại bị Trần Lâm kể tội, chửi rủa Tháo thậm tệ, nói Tháo xưa nay coi thường lẽ phải, chẳng qua là một tên ma giáo, thậm chí rủa Tháo là kẻ vô đạo, tham lam ngỗ ngược chưa từng thấy, là quân vô lại, lưu manh.
Bài hịch có những chỗ chưa chắc đã đúng sự thực, nhưng Tào Tháo cũng có những chuyện không thể thanh minh. Tỉ như chuyện giết Biên Nhượng, cướp Từ Châu, là những vết nhơ không rửa sạch. Năm Sơ Bình thứ tư đời Hán Hiến đế (193 sau công nguyên), Tào Tháo thân chinh đánh chiếm Từ Châu, báo thù chuyện bộ tướng của Từ Châu mục Đào Khiêm là Dương Khải giết cha Tháo là Tào Tùng và em ruột Tháo Tào Đức. Đào Khiêm bỏ chạy về Nghiệp Quận (nay là huyện Đàn Thành tỉnh Sơn Đông). Tào Tháo trút giận lên đầu nhân dân, thả quân cướp phá, giết hại những người vô tội, chôn sống hàng vạn người cả đàn ông lẫn đàn bà bên bờ Sái Thủy (khanh sát sổ vạn khẩu), khiến dòng sông bị tắc. Rất nhiều thành trì không còn dấu vết (vô phục hình tích), người không còn, mà gà chó cũng giết sạch.
Vì vậy sau đó, khi Tào Tháo quyết định lại tiến đánh Từ Châu, Tuân Úc cả quyết dân Từ Châu sẽ liều chết chống cự, dứt khoát không chịu đầu hàng bởi vì trong lần thứ nhất bị giết nhiều quá. Quả thực Tào Tháo cũng quá đáng, Đào Khiêm gian ác thì giết một ông ta hoặc cả bọn là đủ, cớ sao lại giết dân? Lạm sát người vô tội là táng tận lương tâm!
Vậy nên Tào Tháo cần có một dịp nào đó để chứng tỏ ông ta có lòng khoan dung và tình cảm cao đẹp. Ông ta cần có một điển hình để chứng tỏ lòng nhân từ bác ái. Trương Tú dẫn xác đến, khiến ông ta vui mừng khôn xiết. Vậy là ông ta khép lại chuyện cũ, tỏ ra ngày càng tín nhiệm Tú, phong chức cho Tú hơn cả tướng lĩnh của Tháo. Tú hưởng lộc hai nghìn hộ. Các tướng lĩnh, của Tháo cao nhất cũng chi một nghìn hộ.
Đương nhiên cái hình mẫu do Tháo dựng nên, về sau vẫn bị trả thù. 8 năm sau, Trương Tú theo Tháo đi đánh Ô Hoàn, chưa đến nơi đã chết không rõ nguyên nhân. Nguỵ lược chép rằng, Tú bị Tào Phi dọa mà chết. Để lấy lòng Tào Phi, Tú nhiều lần mời Tào Phi nhậu nhẹt, không dè Tào Phi nổi giận: Ngươi giết anh trai ta, đồ mặt dày! Tú sợ quá, tự đâm cổ chết (Tâm bất tự an, nãi tự sát). Đây là một nghi án, ta không bàn. Nhưng con trai Tú là Trương Tuyền thì đúng là bị giết. Tuyền chết vì liên can đến vụ án Trương Phúng mưu phản. Nghe nói vụ này chết đến mấy nghìn người (liên tọa tử giả sổ thiên nhân). Đó là năm Kiến An thứ hai mươi bốn (219 sau công nguyên), sau khi Trương Tú đầu hàng hai mươi năm. Đó là một cuộc đại thanh trừng khi Tháo còn sống. Kẻ ra tay vẫn là Tào Phi.
Ảnh minh họa.
Đến nay không sao tìm ra Trương Tuyền đã dính vào vụ án này như thế nào. Có thể là Trương Tuyền thấy cha bị bức tử nên oán giận Tháo, tham gia vào vụ mưu phản của Trương Phúng. Cũng có thể Tào Phi là kẻ gián tiếp gây ra cái chết của Trương Tú, sợ Tuyền báo thù, cố ý đẩy Tuyền đi đến mưu phản rồi giết chết để bịt miệng (sát nhân diệt khẩu). Lại cũng có thể không bức tử Trương Tú, nhưng rất biết Tháo dung nạp Trương Tú hoàn toàn do nhu cầu chính trị. Tháo không bao giờ quên Tú đã giết Tào Ngang. Không giết Trương Tú thì bắt con Tú chịu tội. Vì vậy, Trương Tuyền chết có thể là một án oan, hoặc bị đẩy đến chỗ chết. Trên thực tế, Tào Tháo là con người thù dai. Hơn nữa, trả thù không ghê tay. Lầm to khi cho rằng Tào Tháo không biết trả thù. Có điều, sau hai mươi năm mới trả thù thì Tháo đúng là kẻ “gian hùng”.
Tranh thủ chữ tín trong thiên hạ
Nhưng đối với Giả Hủ thì Tào Tháo lẫn Tào Phi đều đối xử rất tốt. Trên thực tế, trong vụ này, Tháo là người vớ bẫm. Trương Tú chẳng qua tìm được lối thoát, Giả Hủ thì có chỗ trú chân, còn Tháo thì kiếm được một cái vốn kếch xù về chính trị. Do vậy thái độ của Tháo đối với Giả Hủ khác với Trương Tú. Với Trương Tú, Tháo vừa lung lạc vừa đề phòng nhưng lại tỏ ra không đề phòng.; Với Giả Hủ, Tháo vừa cảm kích vừa hỉ hả, mà lại thật tình. Khi Trương Tú về hàng, Tháo cầm tay Giả Hủ, giọng cảm kích: “Chính tiên sinh giúp ta tranh thủ được chữ tín trong thiên hạ” (Sử ngã tín trọng vu thiên hạ giả, tử dã). Tháo không nói đãi bôi, mà thực lòng. Từ đó, mưu sâu kế lớn Tháo đều bàn riêng với Giả Hủ.
Trên thực tế, Giả Hủ có lẽ là người thông minh nhất trong lịch sử Tam quốc. Rất nhiều mưu sĩ, danh nhân thời Tam quốc đều có kết cục chẳng ra gì. Điểm lại những người về phe Tào Tháo, người thì bất hòa như Mao Giới, người thì chết một cách bí hiểm như Tuân Úc, người thì toi mạng như Hứa Du. Riêng Giả Hủ thì vững như bàn thạch, chết già trên giường. Ông ta phục vụ 2 đời họ Tào, là Thái úy dưới triều đại Tào Phi, chết năm 77 tuổi, tên thụy là Túc hầu, kết cục tốt hơn những người khác.
Video đang HOT
Sự thông minh của Giả Hủ ở chỗ, ông ta thấu hiểu tình đời, đi guốc trong bụng người khác. Theo Tam quốc chí. Giả Hủ truyện, sau khi bày cho Lý Giác và Quách Tự – “hai con sói tây bắc”đột nhập Tràng An, Giả Hủ không vào hùa với chúng, mà bỏ đi. Sau khi rời Tràng An, lúc đầu Giả Hủ theo Đoàn Uy, sau theo Trương Tú. Khi rời bỏ Đoàn Uy, người ta hỏi, Đoàn Uy đối xử với ông quá tốt, vì sao ông bỏ đi? Giả Hủ nói, Đoàn Uy có tính đa nghi. Ông ta rất khách khí với tôi, chứng tỏ ông ta dè chừng tôi, sợ tôi cướp quyền của ông ta. Một ngày nào đó, ông ta sẽ thịt tôi. Tôi bỏ đi, ông ta như cất được gánh nặng. Đoàn Uy là con người thân cô thế cô, rất cần ngoại viện, vì vậy, sẽ đối xử tử tế với gia đình tôi. Trương Tú không có mưu sĩ, rất muốn tôi về với ông ta. Vậy là tôi và gia đình tôi đều an toàn.
Sau đó quả như lời Giả Hủ, Trương Tú việc lớn việc nhỏ đều nghe lời Giả Hủ. Đoàn Uy thì đối xử với gia đình Giả Hủ ngày càng hậu hĩ. Giả Hủ liệu việc như thần, thần tình là ở điểm này. Nhiều người bị Tam quốc diễn nghĩa bịp, tưởng trên đời có “diệu kế trong cẩm nang” (cẩm nang diệu kế). Làm gì có cẩm nang cho các mưu mô thủ đoạn? Cẩm nang chính là nắm được người khác nghĩ gì làm gì.
Biết người cũng là biết mình. Sau khi về với Tào Tháo, Giả Hủ biết rất rõ thân phận của ông ta. Một người đa mưu túc kế như ông ta, vừa là đối tượng lợi dụng, vừa là nhân vật nguy hiểm đối với các bậc quân chủ, huống hồ ông ta vốn là tên “phản thùng”. Do vậy, ông ta hết sức nhún nhường. Lúc đầu ông ta kín tiếng, rất ít khi bày mưu, cũng không giao du với ai, ngay cả gả chồng cho con gái cũng không chọn cửa quyền (Hủ tự dĩ phi Thái tổ cựu thần, nhi sách mưu thậm trường, cụ kiến tình nghi cái môn tự thủ, thoái vô tư giao nam nữ giá thú, bất kết cao môn). Thu mình trong vỏ bọc, Giả Hủ thông minh rất mực.
Giờ đây nhìn lại, công việc xuất sắc nhất của con người thông minh Giả Hủ, là tổ chức cho Trương Tú hàng Tào. Đúng là ma dẫn lối quỉ đưa đường, Trương Tú hàng Tào đúng lúc. Trước đó mấy tháng, Viên Thiệu huy động mười vạn tinh binh tiến về Hứa Xương. Trước đó hai tháng, quân Tào đóng quân ở Quan Độ. Một cuộc chiến tranh có tính chất quyết định vận mệnh Trung Quốc sắp nổ ra. Cuộc chiến đó đã diễn ra như thế nào?
dịch giả Trần Đình Hiến
Theo doanhnghiepvn.vn
Thời trang giảng đường: Nơi thoải mái "hai dây", nơi "kín cổng cao tường"
Ngay ở TPHCM, có những trường sinh viên thoải mái thích gì mặc nấy, áo hai dây là hình ảnh quen thuộc. Ngược lại, nhiều trường quy định sinh viên "kín cổng cao tường".
Hai mảnh, quần đùi... cỡ nào cũng có
Vào các trường đại học ở TPHCM, nhất là một trường tư ... hay các trường đào tạo về nghệ thuật, kiến trúc có thể thỏa sức nhìn đủ phong cách thời trang của sinh viên.
Những phong cách năng động, trẻ trung, hiện đại, thoải mái và cũng đầy cá tính dữ dội.
Áo hai dây, ái quây, quần alibaba, quần thụng, quần đùi, váy ngắn rồi nhiều quần áo thời trang hiện đại, đủ sắc màu được sinh viên trưng diện lên giảng đường. Tất cả tạo nên một không gian thời trang sôi động, tự do, thoải mái và cũng không phần đẹp mắt.
Quần áo đủ kiểu thời trang, tóc tai càng rực rỡ. Rất nhiều chàng trai cô gái với đủ kiểu tóc với đủ màu sắc.
Nếu người ngoài lạc vào đây, sẽ phải ngỡ ngàng, tò mò đưa mắt theo nhìn... một cô gái nào đó thoải mái với chiếc áo hai dây hở bụng, lưng, quần ống rộng cùng với mái tóc đỏ chóe hay tím ngắt. Hay một cô gái mặc áo dài che kín cả chiếc quần đùi ở trong.
Cũng không phải không có những cô gái cạo nửa đầu, nửa còn lại là nhúm tóc dài chóe sáng.
Hay một anh chàng mặc chiếc áo ba lỗ xanh tươi non chuối với chiếc quần đùi đỏ ôm sát, với đôi dày hồng và mái tóc nhuộm highlight xanh tím. Nhiều chàng trai cột tóc đuôi ngựa, ăn mặc bụi bặm.
Nhiều người sẽ cho rằng là kỳ quái, kỳ dị, không hiểu nổi tại sao sinh viên lại có thể ăn mặc, tóc tai như vậy đến trường hay lắc đầu tự hỏi sao nhà trường lại cho phép sinh viên ăn mặc như vậy.
Phong cách ăn mặc tự do ở nhiều trường ĐH tại TPHCM
Thế nhưng hầu hết các trường tư thục, nhất là các trường theo mô hình quốc tế đều không can thiệp, không đưa ra những quy định về quần áo, tóc tai với sinh viên. Ở đây, có thể nói sinh viên tự do ăn mặc, thể hiện theo phong cách thời trang, cá tính của mình.
Nơi cao cổng kín tường
Ngược lại, vào rất nhiều trường ĐH, nhất là các trường công có thể thấy sự hiền lành, chân chất, đơn giản trong phong cách ăn mặc, thời trang của sinh viên khi đến giảng đường.
Có thể nói, về ngành học, về môi trường học cùng với những xuất phát điểm khác nhau nên sinh viên ở trường công lập phong cách, tư duy về thời trang của các bạn đơn thuần, nhẹ nhàng.
Chưa kể, không ít trường đặt ra những quy định "cao cổng kín tường" đối với sinh viên như "quản" học sinh phổ thông tiếp tục tác động đến thời trang giảng đường của sinh viên.
Mới đây, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM ban hành nội quy học đường với các quy định về tác phong của sinh viên như phải mặc đồng phục khi đến trường, đi giày dép có quai hậu, không được cạo trọc đầu... vấp phải phản ứng không chỉ người ngoài mà ngay cả sinh viên. Nhiều người cho rằng trường quá máy móc, cứng nhắc, nhất là đưa ra lý do... để tránh phân biệt giàu nghèo.
Điều này vô tình đi ngược với môi trường giảng đường, nơi sinh viên luôn được khuyến khích sáng tạo cũng như chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt. Tránh sự phân biệt, kỳ thị không phải là cùng mặc đồ giống nhau mà hơn hết, cần có sự nhìn nhận trong tư duy.
Trước đó, ĐH Cửu Long (Vĩnh Long) cũng từng ra quy định cấm toàn thể giáo viên, nhân viên, sinh viên mặc quần jean, áo thun, đi dép lê.
Hay Trường ĐH Tài chính - Marketing, TPHCM quy định sinh viên khi đến trường mặc áo sơ mi, áo thun có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, mặc quần tây hoặc quần jean lịch sự, váy dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai hậu.
Các trường lý giải là để phù hợp với truyền thống, tránh phản cảm ở môi trường học đường.
Quy định này của các trường gần như không được thực hiện được nhưng ít nhiều ràng buộc phong cách, tư duy thời trang của sinh viên.
Sự "đối chọi" phong cách thời trang giữa các trường cũng có nhiều ý kiến tranh cãi về phù hợp hay không phù hợp.
Sinh viên nhiều trường lại khá đơn giản, đơn điệu về thời trang (Ảnh minh họa)
Như chia sẻ của ThS Phan Bảo Giang, ĐH Kinh tế Tài chính, nhiều giảng viên ở trường công sang trường tư dạy có thể bị "choáng", "sốc" trước cách ăn mặc của sinh viên.
Hay một Tiến sĩ mỹ học nổi tiếng, khi dạy tại một trường công lập, ông khuyến khích sinh viên hãy mạnh dạn hơn trong việc ăn mặc, dám thể hiện mình theo hướng cảm thụ cái đẹp, thẩm mỹ lẫn phong cách cá nhân.
Khi vào các trường tư, kiến trúc, nghệ thuật... , ông đánh giá sinh viên rất phong cách, cá tính, dám thể hiện mình, đầu tiên qua thời trang. Các em cũng dạn dĩ, tự tin hơn khi thể hiện các quan điểm, suy nghĩ của bản thân.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Chính sách giữa trường công và trường tư rất bình đẳng, thực thi còn méo mó Quan trọng nhất chính là sự công bằng bình đẳng, là cách nhìn của xã hội đối với các trường ngoài công lập. Không thể nhìn kiểu như con đẻ, con nuôi. Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa 12,...