Táo quân, Ngọc Hoàng và “chỉ số nụ cười”
Với cái “chỉ số nụ cười” ngắn ngủi ngây ngất kia, chỉ sợ một ngày không xa nào đấy, người dân sẽ nhìn nhận Táo quân và Ngọc Hoàng khác đi.
Cuối năm nay tuyết rơi trắng xóa khắp Sa Pa. Đây là một hiện tượng thiên nhiên rất đẹp, hiếm thấy ở xứ sở nhiệt đới này, vì thế đã có những dòng người háo hức nô nức từ khắp mọi nơi trong cả nước kéo lên thị trấn nhỏ bé hẻo lánh để tận hưởng cho được cái không khí khung cảnh kỳ diệu lý thú. Không những tận hưởng, có người còn mong ước tuyết rơi dày thêm, lâu hơn để mà thỏa chí du sơn thưởng ngoạn. Những mong ước ấy rất thật và hoàn toàn chính đáng, đó là quyền và hạnh phúc của mỗi một con người.
Nghịch lý của hạnh phúc
Thế nhưng rồi, cái nghèo, cái khốn khó thường nhật vẫn âm ỉ trong mỗi số phận con người cộng hưởng với cái rét thấu xương buốt thịt của ngoại cảnh “tuyết rơi” được đưa ra, như tạt một “gáo nước lạnh” vào điều cầu xin trong sáng kia, tạo nên một diễn đàn tranh luận “bốc khói” trên không gian mạng. Chia sẻ và đồng cảm với khó khăn, với những cảnh đời bất hạnh cũng là những tình cảm rất thật và hoàn toàn chính đáng.
Cái lạnh, cái khắc nghiệt của thời tiết dưới 0 độ C khó có thể là người bạn đồng hành với sự mỏng manh “thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu trường lớp, thiếu sách vở” của đồng bào miền sơn cước, với đàn trâu đàn bò, với những ruộng hoa màu đang chờ gặt hái… Có gì hạnh phúc hơn khi ai cũng biết quan tâm san sẻ “lá lành đùm lá rách” với những người xung quanh ta? Vậy là tranh luận được nổ ra…
Tranh luận trao đổi là quyền của mỗi công dân. Một xã hội đa ngôn, thông tin đa chiều là một xã hội phát triển. Nhưng mức độ “hòa bình” của những ý kiến khác biệt tùy thuộc vào khả năng biết kìm chế, giữ được giới hạn chừng mực của mỗi thành viên. Mọi sự thái quá cực đoan quy chụp dù là vô tình hay cố tình đều dẫn đến sự “tổn thương” không đáng có từ mọi phía. Và đó cũng chính là nghịch lý của phản biện, nghịch lý của hạnh phúc, nghịch lý đó tồn tại khắp nơi trong cuộc sống, trong chính riêng bản thân mỗi con người.
Đêm ba mươi, mọi người được thưởng thức “bữa tiệc cười” hay nhất của năm – “Gặp nhau cuối năm”. Ảnh: Mạnh Thắng
Từ câu chuyện “tuyết rơi” nho nhỏ kia, chúng ta bàn đến chỉ số hạnh phúc của dân tộc. Một dân tộc luôn có “chỉ số hạnh phúc” vào tốp đầu của thế giới. Đó là một khảo sát đánh giá khách quan từ nhãn quan “phồn thực, phồn thịnh” của truyền thông phương Tây, một thứ tự xếp hạng rất đáng tự hào, rất có lợi cho việc quảng bá thương hiệu Việt Nam.
Chỉ số này được hân hoan đón nhận, mơ mộng ngợi ca. Ai cũng biết rằng lạc quan tếu hoặc bi quan tếu đều là những biểu hiện thái quá không có lợi, nhiều lúc chỉ tập trung nhớ lâu nhớ dai những chỉ số “có lợi” mà quên mất đi những chỉ số “không có lợi” là một điều không công bằng.
Truyền thông phương Tây làm thống kê đủ mọi mặt xã hội, có cái nó khen ngợi nước mình nhưng có cái nó chê nước mình, cũng cần nhìn nhận những mặt hạn chế mà tiếp thu, cầu thị, gạn đục khơi trong mà tiến bộ.
Hạnh phúc vốn khác nhau
Dù có lạc quan hay mơ mộng bao nhiêu thì cũng phải thừa nhận rằng nước ta vẫn còn nghèo, cơ chế chính sách vẫn còn quá nhiều bất cập và tài nguyên đất đai khoáng sản thì khó có thể sinh sôi nảy nở thêm ra. Cái mộng ước của tiền nhân là “sánh vai các cường quốc năm châu” vẫn là con đường dài và rất dài nếu nhìn nhận từ hiện thực, hiện trạng đất nước hôm nay.
Không dám xa vời với những đòi hỏi tất cả người già đều có lương hưu, tất cả người thất nghiệp đều có trợ cấp, thực tế thì ngay cả những người đóng bảo hiểm y tế đều đặn thường xuyên vẫn còn đó những nỗi lo khi không may ốm đau phải nhập viện- nhiều lúc vẫn bị xem là “người nghèo”.
Hãy khách quan làm một người quan sát tích cực, hàng ngày chúng ta ra đường có bao nhiêu trẻ em, người già, người tàn tật… đang phải đầu tắt mặt tối mưu sinh kiếm ăn từng bữa. Tự mỗi một người hãy làm một con số thống kê, những “cảnh đời” ấy đã tồn tại từ khi nào và cho đến hôm nay nó có chiều hướng tăng thêm hay giảm xuống. Song song với sự phù phiếm vật chất của ánh đèn phố hội là sự vô cảm, sự xuống cấp của đạo đức và lắm lúc, người ta còn chấp nhận thỏa hiệp với “tiêu cực” để được việc cho chính bản thân mình.
Internet và sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin trang bị cho chúng ta một “bữa tiệc truyền thông” hoành tráng và những tranh luận đa chiều “ nóng hổi” kịp thời về mọi mặt đang diễn biến trong xã hội. Thế nhưng, bản tin nào được truyền thông ưu ái nhất, bản tin nào được dư luận chăm chú nhất và chúng ta thực sự được “chém gió” những vấn đề gì.
Chiếc ghế nhà trường cho ta nhiều cách thức và nhiều chủ thuyết để tranh luận, để làm sáng tỏ bất cứ một vấn đề nào. Khó có thể thuyết phục mọi người khi ai đó khẳng định rằng “ở Việt Nam không có báo lá cải”. Thế nhưng, cái dư luận khủng khiếp kia nhiều khi lại trút lên đầu những số phận mà một nhân vật nổi tiếng đã được đúc tượng, vẽ tranh, lên phim ảnh từng than thở- “ai cho tôi lương thiện?”
Video đang HOT
Cái nghèo của hiện tượng “tuyết rơi” nói trên rất dễ lay động lòng người, nhưng rồi để nhìn nhận “cái nghèo” lớn lao của một đất nước thì thật không dễ, nhất là những người lắng nghe lại bị cái bệnh “lạc quan tếu”. Chỉ mong rằng cái chỉ số hạnh phúc đáng tự hào kia bắt nhịp được cùng với các “chỉ số tiến bộ” khác để mà đất nước mau được thịnh vượng khải hoàn.
Nền kinh tế trì trệ mấy năm nay không cản được dòng người tất bật đổ ra đường chuẩn bị cho cái Tết Giáp Ngọ sắp đến. Mùa xuân lại về, trăm hoa lại đua nở. Đêm ba mươi bên tách trà, chậu bông chờ đón thời khắc thiêng liêng giao thừa, mọi người được thưởng thức “bữa tiệc cười” hay nhất của năm. “Gặp nhau cuối năm” là một chương trình truyền hình ra đời đã hơn mười năm, năm nào các Táo tầm vĩ mô cũng về trời báo cáo và năm nào Ngọc Hoàng cũng đưa ra thông điệp của năm.
Từ xa xưa, dân ta đã thờ Táo quân trong nhà và luôn tin rằng Ngọc Hoàng sáng suốt biết phải làm gì cho dân bớt khổ, bớt khó khăn. Nhưng rồi, với cái “chỉ số nụ cười” ngắn ngủi ngây ngất kia, người dân lại tiếp tục muối mặt với một năm mới mà giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế, xăng, điện… vẫn còn đấy, những bất cập giống y chang những năm trước đây. Chỉ sợ một ngày không xa nào đấy, người dân sẽ nhìn nhận Táo quân và Ngọc Hoàng khác đi, có khi họ quan niệm rằng những nhân vật ấy chỉ giỏi đóng hài thì cũng chẳng phải ngạc nhiên lắm đâu.
Hạnh phúc của mỗi người khác nhau, hạnh phúc của mỗi dân tộc cũng khác nhau, và đôi khi nó rất phiến diện khi được những anh nhà giàu khen ngợi.
Theo Trithuctre
Chí Trung: Táo gì cũng đóng, miễn không phải là Táo Giao thông
Nghệ sỹ ưu tú Chí Trung cho biết lý do không đóng Táo Giao thông là vì vai diễn đã không còn nhiều "chất liệu".
Gây ồn ào sau khi thông tin ngừng làm Táo Giao thông trong chương trình Hài kịch nổi tiếng Táo quân đã khiến Chí Trung liên tục bị truyền thông hỏi thăm. Hẹn gặp Chí Trung tại nơi anh đang lưu trú trong những ngày ở TP HCM, anh ngồi miệt mài giữa đống Poster, áp phích và hàng ngàn chiếc vé. Khuôn mặt không thoát khỏi vẻ lo lắng sau nụ cười giòn tan, Chí Trung tâm sự: "Tôi khá căng thẳng vì sau 8 năm Chí Trung lại quay trở về Sài Gòn và đưa cả đoàn kịch Nhà hát Tuổi Trẻ vào đây. Tám năm trước tôi không hề do dự trên con đường Nam tiến và đã có nhiều thành công khi chinh phục khán giả TP HCM.
Nhưng trong thời kỳ khó khăn của ngành sân khấu nói riêng và cả nước nói chung, sao tôi cứ cảm giác bất an. Có lẽ cũng bởi trọng trách quá lớn, hay bởi đã lâu không có đoàn kịch phía Bắc nào vào diễn tại mảnh đất giàu tình cảm nhưng cũng hết sức ồn ào này".
Danh hài Chí Trung.
Ở Chí Trung luôn có một cái máu nghệ sỹ rất lớn, anh miệt mài và luôn tìm tòi những điều mới mẻ cho loại hình nghệ thuật sân khấu kịch. Tuy nhiên khi các loại hình giải trí và truyền hình thực tế quá phát triển vô tình đã khiến cho sân khấu kịch bị lãng quên.
Bên cạnh Chí Trung là bàn làm việc đầy rẫy những tờ rơi quảng cáo cho hai vở kịch mà đoàn rẽ biểu diễn tại sân khấu miền Nam. Một tay rót nước, một tay cầm poster Chí Trung chia sẻ: "Nếu có kiếp sau sẽ xin thôi không làm nghệ sỹ, đơn giản vì các bạn không cần tôi, nếu các bạn cần tôi và khán giả TP Hồ Chí Minh cần tôi thì hãy đến với tôi trong các vở kịch sắp tới. Bọn tôi cũng có đến lúc kiệt sức và mệt mỏi. Tôi là một người có khá nhiều lợi thế, tôi có thương hiệu khá tốt nên có rất nhiều món lợi nhỏ, bên cạnh đó tôi rất được truyền thông để ý và thương yêu cũng như tôi biết cách chăm sóc bản thân để không dính vào những scandal".
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với danh hài Chí Trung về nghề nghiệp cũng như những ồn ào xung quanh việc nghỉ Táo Giao thông 2013.
Táo gì cũng đóng miễn không phải Táo Giao thông.
-Anh có thể nói rõ hơn về lý do việc anh nghỉ vai diễn Táo Giao thông năm nay, phải chăng vì chương trình không còn được hot như trước?
Hoàn toàn không phải vậy, mọi việc đều nằm trong kế hoạch của tôi. Tôi xin nghỉ vai diễn Táo Giao thông là bởi nó không còn có "chất liệu" như những năm trước, vai diễn của tôi đòi hỏi phải nói về cầu cống sụt lún, ăn cắp nguyên vật liệu, mãi lộ, chính chủ vì bản chất của hài kịch là phê phán chứ không phải khen ngợi. Tôi và đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng đã phải suy nghĩ rất nhiều, vai diễn không có nhiều sự đổi mới nên tôi đã xin rút. Giao thông năm nay có chuyển biến rất tốt, tắc đường không còn nhiều như trước, rất nhiều cầu vượt đã được xây nên. Nhiều người cũng nói tôi rằng tại sao không đưa những cái tốt của giao thông năm nay vào Táo thì tôi nói rằng chức năng của Táo không phải là khen ngợi mà là phê phán.
-Vậy nếu có một vai diễn Táo khác anh sẽ nhận lời tham dự chứ?
Điều đó là đương nhiên, tôi cũng đang xin làm Táo khác, Táo tàu hay Táo thối gì cũng được miễn đừng là Táo Giao thông. Đến ngày 26 tháng này tôi mới biết được mình có nhận vai gì không vì nếu anh Hải (Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - PV) có một vai táo mới và muốn Chí Trung tham gia thì tôi rất sẵn sàng.
Chí Trung nổi tiếng với vai diễn Táo Giao thông trong chương trình Táo quân diễn ra hằng năm.
-Là người trong cuộc anh có cảm nhận được rằng Táo quân một vài năm gần đây đang giảm dần sức hút và không còn được quan tâm như trước?
Là một người diễn viên đóng rất nhiều năm trong Táo quân và năm nay lại không tham gia nên tôi không muốn nói về vấn đề này, vì dù sao khi ra khỏi con thuyền thì quay lại nói khen ngợi hay chê bai đều là điều không hay.
-Không ít ý kiến cho rằng chương trình Táo quân nên dừng lại và để có một chương trình giải trí khác thay thế, anh nghĩ sao?
Tôi cũng chia sẻ thật rằng một chương trình Hài để tồn tại được đến bây giờ thì việc vượt qua chính mình thực sự là một thách thức. Việc tìm các "chất liệu" trong đời sống để làm nên hài kịch không phải là điều dễ dàng. Nói về Y tế năm nay thì có quá nhiều điều để nói nhưng mà vụ Cát Tường đưa lên thì là một nỗi đau chứ không còn là tiếng cười, do vậy BTC cũng rất cẩn trọng.
Trách nhiệm của đạo diễn Đỗ Thanh Hải rất lớn, năm nào cũng suy nghĩ cho tóc bạc ra nhưng đó thực sự là một thách thức. Muốn dừng không được, đối với người dân thì việc 30 Tết có con gà, mâm cỗ thì việc hướng lên màn hình tivi là niềm vui duy nhất còn lại trong năm. Đó là cái áp lực, còn những người làm chương trình không ai muốn kéo dài ra một cái gì đó mặc dù cái cốt nó còn rất ít, không phải ai cũng muốn làm nhưng đấy lại là nguyện vọng của khán giả những người yêu mến Táo quân.
Có một triệu người nói nhàm rồi lại thôi nhưng lại có hàng chục triệu người nói phải làm đi. Đây là món ăn duy nhất cho dù nó không được ngon như năm ngoái nhưng cũng là món ăn duy nhất chúng tôi còn lại trong năm nay. Và cũng là một phần thưởng duy nhất cho người lao động mà không phải đóng thuế, không mất tiền mua.
Không chạnh lòng khi lương nghệ sỹ thấp
-Được biết sắp tới anh sẽ đưa nhà hát Tuổi trẻ vào TP Hồ Chí Minh để biểu diễn trong khi sân khấu kịch khắp nơi lại đang gặp nhiều khó khăn, anh có nghĩ mình đang liều?
Tám năm nay tôi chẳng dám thò mặt ra khỏi hang chuột, tôi vẫn miệt mài xây dựng Nhà hát Tuổi trẻ và đến nay đây là nơi khuấy đảo duy nhất ở Hà Nội, là đơn vị duy nhất mà khát khao biểu diễn. 8 năm tôi mới trở lại miền Nam và lần này với vai trò Phó giám đốc nhà hát nên tôi khá áp lực. Tôi thấy hiện cái gì cũng tăng chỉ có mỗi giá vé kịch là không tăng, 10 năm nay giá vé vẫn đứng im. Không phải chỉ có Nhà hát Tuổi Trẻ mà một số nhà hát như Phú Nhuận, Thành Lộc vẫn giữ giá 120-150 nghìn đồng.
Tôi không hề liều, bởi bao nhiêu năm qua tôi có trách nhiệm gây dựng nhà hát ở miền Bắc mà miền Nam tôi hầu như bỏ ngỏ. Chính thành công của vở Trái tim trong nắng của tác giả Lưu Quang Vũ diễn ra ở Hà Nội vào tháng 9 là động lực để tôi và Nhà hát Tuổi trẻ Nam tiến.
-Nhưng văn hóa của miền Nam và miền Bắc khá khác nhau, anh có nghĩ mình sẽ chỉnh sửa kịch bản để phù hợp với số đông nơi đây?
Tôi sẽ không chỉnh sửa gì cả, tôi đã mang đặc sản của mình vào nên tôi sẽ giữ nguyên nó. Tôi sẽ tìm ra những khán giả miền Bắc yêu mến tôi, yêu mến kịch của Lưu Quang Vũ sẽ tìm đến với các đêm diễn. Hiện giờ sự pha trộn vùng miền đang đông khủng khiếp, người miền Bắc sống ở miền Nam khá đông nên tôi không lo mọi người không quen với phong cách làm kịch của xứ Bắc.
Gia đình hạnh phúc của Chí Trung - Ngọc Huyền.
-Vào đây làm việc trong suốt thời gian hơn một tháng vậy vợ con anh chia sẻ với anh thế nào?
May mắn cho tôi là vợ tôi là diễn viên cùng đoàn và luôn kề vai sát cánh cùng tôi. Vợ tôi chưa cho tôi một giây phút nào tự do trong suốt 35 năm yêu và cưới. Con gái lớn tôi cũng đã lấy chồng còn con trai thì đang học đại học RMIT ở trong này nên tôi hoàn toàn yên tâm để làm mọi công việc.
-Anh có cảm thấy chạnh lòng khi đều là nghệ sỹ nhưng lương nghệ sỹ hài quá thấp so với các ca sỹ trẻ hiện nay, thậm chí là các ca sỹ trẻ mới vào nghề?
Tôi nghĩ so sánh là một điều khập khiễng, tôi chả có gì chạnh lòng cả. Bởi việc của tôi, thương hiệu của tôi chỉ bán được thế thôi. Câu nói "Ở đời phải biết mình là ai" rất đúng đắn, tôi không buồn bã hay phải chạnh lòng gì đâu. Ngay cả như diễn viên Lê Khanh, biểu tượng của Nhà hát Tuổi trẻ một tối bồi dưỡng có 200 nghìn đồng mỗi yối, tôi cũng vậy nhưng chúng tôi rất vui vẻ trong cái niềm bao cấp đây và chúng tôi quen rồi.
-Nghệ sỹ hài thì thường mang lại tiếng cười cho khán giả, cho người đời vậy trong cuộc sống không biết ai sẽ mang lại tiếng cười cho anh?
Vợ tôi - Ngọc Huyền thôi, cô ấy thường mang lại tiếng cười cho tôi và cả gia đình. Và tôi là người biết cân chỉnh cuộc sống sao cho phù hợp nhất. Điều đau khổ nhất với tôi là không được làm gì, tôi tuổi Tân Sửu nên quần quật làm suốt ngày.
Vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền sẽ ở lại TP. Hồ Chí Minh hơn một tháng để phục vụ khán giả "đặc sản" của chính mình.
-Bề ngoài đầy hài hước và thú vị nhưng ẩn sâu trong mỗi danh hài là một nỗi niềm cô đơn không biết chia sẻ cùng ai, anh thấy đúng không?
Đúng chứ, nghệ sỹ hài thì nhiều khi như cốc nước trong, trong vắt thì cho đời còn cặn thì mang về nhà. Mỗi mảnh đời thì đều có những góc riêng như chị Minh Vượng, anh Công Lý hay Quốc Khánh... nhưng vì số phận thôi. Bản thân của nghệ sỹ hài là mang lại tiếng cười cho khán giả, vậy thì nhăn nhó để được gì, có kể khổ cũng chả ai tin vì họ đang nghĩ mình diễn.
-Là một nghệ sỹ hài hoạt động rất lâu năm vậy anh cảm thấy điều gì làm mình hài lòng nhất?
Tôi làm nghề được 35 năm và cái tôi cảm thấy được nhất là rất nhiều người biết đến Chí Trung, đi đâu cũng vậy, đều được quan tâm. Tôi cũng tự hào mình là nghệ sỹ hài được nhiều người yêu mến nhưng họ lại không khinh, bởi vì tôi không làm hề. Còn về cuộc sống vật chất thì hiện tại tôi cũng rủng rỉnh vì đã có nhà, xe hơi hay trang trại nhưng hoàn toàn bằng sức lao động của mình.
-Con cái của anh liệu có ai muốn nối theo nghiệp bố mẹ làm nghệ sỹ hài không?
Hai con của tôi thì có thể tự hào về bố mẹ nhưng đi theo nghề nghiệp thì không, mỗi đứa giờ đều có công việc của riêng mình. Vì con tôi nhìn thấy sự vất vả của bố mẹ đã hơn 50 tuổi nhưng vào Sài Gòn với một đống giấy tờ, vé chương trình và mặt hoảng hốt suốt ngày. (Cười lớn).
Cám ơn NSƯT Chí Trung về cuộc trò chuyện!
Theo Trithuctre
Chí Trung: Hy vọng có vai Táo khác cho tôi "Biết đâu Thanh Hải vẫn có thể xoay chuyển được một vai diễn Táo khác cho tôi diễn". Ngay sau khi thông báo bỏ vai diễn Táo Giao thông vì vai diễn này không còn nhiều điểm mới mẻ, trong khi tình hình giao thông của đất nước đã có một năm phát triển tốt đẹp hơn, rất nhiều người quan tâm đến...