Tảo mộ thuê ngày Tết
Tháng Chạp mà nghĩa trang Gò Cà (Hoà Vang, Đà Nẵng) nắng như đổ lửa, trùng điệp hàng ngàn ngôi mộ vàng lên trong nắng, thấm đẫm từng giọt mồ hôi của những tốp người cần mẫn sơn phết, lau chùi, nhổ cỏ vệ sinh mộ. “Cai” tảo mộ thuê chỉ tay năm ngón, điện thoại réo liên tục…
Lo cho người âm đón Tết
Chế Anh Hậu (Hòa Khương) – một cái tên rất… ca sĩ nhưng mưu sinh bằng nghiệp thợ nề. Thời buổi đất đai đóng băng, xây dựng đìu hiu, Hậu thất nghiệp dài dài cả năm trời nhưng đến tháng Chạp lại bắt đầu đắt hàng, đủ cho một cái tết tàm tạm.
Hậu thuộc đội của chủ thầu Ba Toa (xã Hòa Khương), khoảng 10 người, bắt đầu đổ quân ra nghĩa trang Gò Cà sơn sửa mộ phần từ đầu tháng 12 âm lịch, công việc cứ thế kéo dài đến tận gần 29 tết mới nghỉ.
“3 năm nay, em xung vào đội quân chạp mả thuê (tảo mộ thuê – PV), kiếm được lắm. Như năm nay, làm quần quật không nghỉ từ sáng tới tối, được bao ăn trưa, được trả 250 ngàn/ngày. Thế là tết này có gần chục triệu đưa vợ, sướng !” – mồ hôi giọt tong tong trên mộ phần giữa trưa nắng, nhưng Hậu không giấu nét cười tươi.
Chế Anh Hậu sắp sơn xong một ngôi mộ lớn
Theo Chế Anh Hậu, ở Gò Cà có khoảng trên dưới 15 đội quân của cai thầu, trong đó Ba Toa, thím Bảy và Hùng là ba cái tên nổi trội nhất.
Chế Anh Hậu mới sơn xong một ngôi trong khu mộ to đùng, rít hơi thuốc dài, buồn bã: Còn cả trăm cái như thế này, làm quần quật đến 29 Tết, ra năm cung cúc lên lại, xem gia chủ họ hương khói thế nào, chủ yếu là để nhận tiền lì xì chứ tiền công thì quy về một mối nơi cai rồi.
Ba năm nay, chưa tết nào rảnh được mà chạp mả ông bà, cũng bởi lo chạp mả thiên hạ mất rồi.
“Ba Toa và thím Bảy là dân Hòa Khương, trước cũng vất vả lắm, gặp cạnh tranh dữ dội từ các đội khác, có cả dân Đại Hiệp (Đại Lộc – Quảng Nam) ra, nhưng dần dần, lãnh địa được phân chia rõ ràng, ai có mộ phần nấy, không được đụng nhau” – Hậu kể xong rồi vanh vách như thuộc làu: Ba Toa gần 1 ngàn mộ, thím Bảy gần ngàn mốt, Hùng thì hơn 500, những người còn lại như ông K., ông Tám cũng có 3-4 trăm mộ, cứ thế mà làm.
Anh Nguyễn Dũng (Hòa Khương), “biên chế” trong đội quân tảo mộ thuê của thím Bảy hơn 5 năm nay, vừa tỉ mẩn vẽ lại con rồng trên đầu mộ phần, nói: Công việc này đòi hỏi phải tập trung, vì thế giá tiền cao hơn những người quét vôi dọn cỏ. Thường sơn mộ 250 ngàn/ngày, còn các phần việc khác chỉ 150 – 200 ngàn/ngày thôi. Tính sơ sơ, Dũng cũng có gần 10 triệu cho cái tết.
“Thím Bảy xua quân đi làm cả tháng nay rồi, bà ấy là người có tâm, vôi hay sơn gì bà ấy cũng bắt mua chất lượng tốt, bởi thế nên nhiều chủ mộ ở Đà Nẵng, Sài Gòn thích. Bà ấy giờ quản cả ngàn ngôi mộ.
Đội quân thím Bảy pha sơn chuẩn bị tỏa ra các khu mộ để làm việc
Quá trưa, thím Bảy phóng xe máy lên kiểm tra, cười tươi rói phân trần: Làm phúc đức thôi chú ạ, ai tính toán tiền nong gì ở cái xứ âm binh này. Rồi thím cũng không ngại khoe: Chị quản gần ngàn cái, toàn quen cả, cũng hơn 10 năm rồi còn gì, có chủ mộ biết chị dễ đến 20 năm nay rồi.
Nói đoạn, thím chỉ tay, phóng tầm mắt ra xa, nơi hàng ngàn ngôi mộ chập chùng: Khu đó của em trai chị, khoảng 300 cái, dưới nữa là của ông cậu, hơn 500 cái. Làm ăn có uy tín, có cái tâm nên giờ được đặt hàng nhiều chú ạ. Rồi thím lại cười: Thôi, chị zdọt đã, về lo bán hương cho người lên… tảo mộ, đây mới là nghề chính của chị.
Video đang HOT
Thím Bảy bán hương ở cổng nghĩa trang Gò Cà nên chỉ ghé tầm trưa kiểm tra công việc, nhưng cai Hùng lại ở xa nên thường xuyên ở lại cùng đội.
Hùng còn trẻ, cũng xuất thân từ thợ nề nhưng hơn 10 năm nay chuyển hẳn sang làm cai chăm sóc mộ ở Gò Cà. Quân của Hùng chỉ 7 người nên việc sơn sửa vôi ve, vệ sinh nhổ cỏ cho hơn 500 ngôi mộ phải tiến hành trước tháng Chạp.
Cai Hùng đang quan sát công việc
“Ngó đơn giản thế thôi, nhưng phức tạp lắm đấy, muốn ăn tiền phải làm đẹp lòng gia chủ”. Rồi Hùng chỉ tay vào anh Nguyễn Tín đang sơn đầu rồng, nói: Đó, loạng quạng là 3 người mất cả buổi với cái này.
Theo Hùng, quy định ngầm trong việc tảo mộ thuê ở Gò Cà là khu vực của chủ thầu nào thì người đó làm, không bao giờ lấn sân của nhau và người ngoài tự ý vào làm chắc chắn sẽ sinh chuyện.
“Chẳng ai viết ra, nhưng quy định ở đây là vậy, giờ có chủ mộ nào đến trả tôi nhiều tiền để tảo mộ khu khác tôi cũng không làm. Làm việc này chủ yếu để tiếp thị, để sau người ta giới thiệu mình xây mộ, nếu làm không sạch là bị chủ mộ phàn nàn, mất mối làm ăn”- Hùng nói.
Vì đâu từng cai có thể quản đến cả ngàn ngôi mộ? Hùng kể, ban đầu chẳng chủ mộ nào yêu cầu sơn sửa, nhưng các cai cứ cho quân dọn dẹp sơn sửa luôn.
“Làm thế để giữ mối làm ăn, thật ra cũng không lỗ. Khi Tết đến, mọi người đi thăm mộ ông bà tổ tiên, nhìn thấy mộ sạch sẽ khang trang thì họ tiếc gì tiền. Ít thì 50 chục ngàn, nhiều thì vài trăm”. Để lấy được tiền, sáng sớm mồng Một Tết là người nhà chủ thầu lại chia ra canh giữ tất cả khu mộ của mình, khi có ai đến thắp hương là họ lặng lẽ đứng bên cạnh, chủ mộ hiểu ý, thế là đưa tiền.
Ít rảnh để tảo mộ ông bà
Già nhất trong đội quân tảo mộ thuê của thím Bảy là ông Tư (Hòa Khương), với thâm niên 20 năm cần mẫn tảo mộ người dưng. Ông Tư cũng chính là người đầu tiên đi tảo mộ thuê ở Gò Cà. Ông Tư kể, hồi đó chỉ là làm ơn nghĩa đối với những ngôi mộ vô chủ, những mộ từ lâu không ai chăm sóc hương khói. Dần dần, ông được gia chủ cho quà, bánh kẹo rồi lì xì năm mới, lúc mươi ngàn, khi hai chục. Sau này, già Tư nhập luôn vào đội quân thím Bảy, trở thành thợ chủ lực.
Ông Tư đã 20 năm làm nghề tảo mộ thuê
Ông Tư vừa pha sơn, kể rằng làm thợ nề bình thường có thể qua loa đại khái một tí nhưng với cái nghề tảo mộ thuê, ai cũng mang trong mình một nỗi sợ mơ hồ. “Làm không tốt thì có tội với người âm, rồi hậu vận của mình, con cháu mình cũng chẳng ra gì”.
Theo ông Tư, nghề tảo mộ thuê ra đời từ hơn chục năm trước, khi vùng đất Gò Cà trở thành “đô thị sầm uất” dành cho người của thế giới bên kia. Ban đầu, một vài người sống gần nghĩa trang được chủ mộ thuê cuốc đất, dọn cây cỏ dại quanh mộ vào tiết tảo mộ cuối năm.
Chủ mộ khỏi mất công đi tảo mộ, còn những người được thuê thì có thêm thu nhập. Đôi bên cùng có lợi, thế là dần hình thành nghề tảo mộ thuê, cái nghề “sống trên đất chết” theo đúng nghĩa của nó.
Theo thời gian, nghĩa trang Gò Cà không ngừng gia tăng “dân số”, những ngôi mộ chen chúc nhau, mộ của người nghèo cũng lắm mà của người giàu cũng nhiều, vì thế nghề tảo mộ trở thành “việc nhẹ lương cao” so với những công việc khác, thu hút nhiều người tham gia.
Mưu sinh cận tết ở nghĩa trang Gò Cà
Phần lớn những người đi tảo mộ thuê đều không khá giả gì, họ là nông dân, công nhân… làm việc này cốt để lấy tiền trang trải 3 ngày Tết.
Anh Trần Tấn Tư (lính cai Hùng), kể rằng, ông Tư – người chứng kiến từ đầu đến cuối những thăng trầm của nghề tảo mộ thuê luôn khuyên anh em ráng kiếm nghề khác, ổn định cuộc sống lâu dài.
“Biết là chơi cả năm chỉ làm tháng tết, ai cũng xót xa nhưng tìm việc bây giờ khó quá, thôi đành sống chết bám nghĩa trang” – anh Tư nói.
Theo 24h
Lại "nóng" kỳ thị vùng miền
Một số doanh nghiệp thông báo: không nhận lao động quê Thanh Nghệ Tĩnh, một số cá nhân lên mạng lập ra những hội như "Hội những người ghét dân Thanh Hóa" với những lời lẽ thô thiển, xúc phạm đến cả một cộng đồng người.
Trao đổi với Kiến Thức, GS.Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, không thể chấp nhận được sự kì thị, phân biệt vùng miền.
Lên mạng xã hội, lập "Hội" kỳ thị vùng miền
Thời gian qua, dư luận xôn xao về vấn đề kỳ thị vùng miền cục bộ ở một số nơi, trong nhận thức lệch lạc của một bộ phận người. Đặc biệt, có thời điểm tại không ít khu công nghiệp ở Bình Dương, TP.HCM, nhiều công ty tuy thiếu lao động trầm trọng nhưng họ nhất quyết từ chối nhận hồ sơ của lao động nam người Nghệ An, Thanh Hóa vào làm việc. Thậm chí có công ty còn thẳng thừng treo bảng: "Không nhận nam Nghệ An, Thanh Hóa".
Một số cá nhân kỳ thị vùng miền đến mức, khi tuyển người ở ghép cũng sẵn sàng đặt thêm điều lệ "Không phải quê Thanh Hóa", thậm chí có cá nhân còn lên mạng xã hội Facebook lập trang "Tẩy chay người Thanh Hóa".
Những trang kỳ thị vùng miền vẫn xuất hiện trên mạng xã hội.
Bao giờ mới hết phân biệt vùng miền?
Tưởng như sau khi có sự lên tiếng của các phương tiện truyền thông đại chúng, sự vào cuộc tích cực từ phía các cơ quan chức năng, tình trạng này sẽ chấm dứt. Nhưng thực tế, một số cá nhân vẫn bất chấp những quy định của pháp luật, có suy nghĩ hành động và nhận thức chủ quan, sai lệch, xúc phạm đến cả một cộng đồng người.
Hiện nay, cộng đồng mạng xã hội đang vô cùng bức xúc với một trang trang Facebook có tên "Hội những người ghét dân Thanh Hóa" vừa xuất hiện mới đây với những lời lẽ tục tĩu và kích động. Nghiêm trọng hơn, "Hội" này đã thu hút đến 2.600 thành viên, và có thời điểm có đến 11.000 người nói về vấn đề này.
Với "khẩu hiệu" hoạt động đầy tính kích động: "Đây là trang dùng để mọi người cùng nhau bàn tính, động viên nhau bài trừ bọn Thanh Hóa khỏi đất nước này để làm đất nước sạch sẽ hơn". "Hội" này đã thu hút rất nhiều những comment (bình luận) thiếu văn hóa, xúc phạm mơ hồ đến cộng đồng người Thanh Hóa. Ngoài ra, trên mạng cộng đồng Facebook còn xuất hiện trang: "Hội những người ghét cay ghét đắng dân Thanh Hóa", "Hội những người ghét dân Nghệ An"...
Sự tồn tại của những "Hội" trên đã khiến dư luận một lần nữa bức xúc, họ phẫn nộ khi vấn đề kỳ thị vùng miền đã được khá nhiểu cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng "mổ xẻ", phân tích đúng sai. Nhưng thực tế, sự kỳ thị vùng miền vẫn còn âm ỉ trong tiềm thức của một bộ phận người.
Không thể chấp nhận được kỳ thị vùng miền
Trao đổi với PV, GS.Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, không thể chấp nhận được sự kì thị, phân biệt vùng miền, dù trong suy nghĩ, nhận thức lệch lạc của một số người.
GS.Nguyễn Minh Thuyết
"Việc nói năng, viết lách mang hàm ý kỳ thị vùng miền là không thể chấp nhận được. Bởi nó không chỉ xúc phạm nhân phẩm người khác, thể hiện suy nghĩ lệch lạc mà còn xúc phạm đến cả cộng đồng lên đến hàng triệu người, từ những người già đáng kính đến các em thơ. Tiếc rằng, sự kém hiểu biết, kém văn hóa, có tâm không trong sáng, thiếu lương tri khi nhìn nhận về các vấn đề trong cuộc sống vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người", GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết
"Ở nước ngoài phân biệt vùng miền thường bị xử lý rất nặng, còn ở nước ta chỉ cấm kỳ thị về tôn giáo, dân tộc. Tuy không phải lúc nào cũng dùng đến luật và an ninh mạng nhưng việc thay đổi nhận thức lệch lạc này nên được điều chỉnh bằng chính cộng đồng mạng", GS Thuyết nhận định.
GS Thuyết cũng cho rằng: "Muốn giảm thiểu tình trạng này, cần sự kết hợp của nhiều yếu tố, truyền thông, sinh hoạt đoàn thể, giáo dục thiếu niên từ bé, để người ta nhận thức đúng. Hơn nữa, bản thân mỗi công dân phải hành xử sao cho đúng để làm nổi lên nét đẹp của các vùng miền. Ngay ở địa phương phải đoàn kết, đi tứ phương cũng phải gắn kết, nhưng nên gắn kết để làm những việc tốt đẹp, để người khác nhìn vào cho đúng".
Trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học - Bộ Công an cho rằng: "Về lâu về dài, cần có những biện pháp giải quyết thực trạng này. Tất nhiên, chắc chắn là không thể nào xóa bỏ triệt để sự phân biệt vùng miền, nhưng phải làm sao để điều này không ảnh hưởng tới việc công, tới sự phát triển của đất nước, xã hội. Muốn làm được điều này thì phải khắc phục trước tiên từ cấp lãnh đạo. Chừng nào giới lãnh đạo vẫn còn phân biệt vùng miền thì không thể nào giải quyết được vấn đề này".
Kỳ thị vùng miền... là vi phạm pháp luật
Theo luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, bất kì ai kỳ thị, phân biệt vùng miền dù là ở ngoài đời hay trên mạng xã hội cũng đều vi phạm pháp luật.
"Ở mỗi vùng quê có những phong tục tập quán những nét đẹp văn hóa khác nhau. Người ở các vùng quê khác nhau nên tôn trọng nhau. Các hành vi lăng mạ, sỉ nhục hay kích động chia rẽ tôn giáo, dân tộc, vùng miền đều là phạm pháp. Mức xử phạt tùy theo hậu quả của hành vi đó gây ra. Trường hợp nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật", LS Trần Đình Triển cho biết.
LS Trần Đình Triển
"Khi mạng xã hội xuất hiện những trang Facebook phân biệt vùng miền, các cơ quan pháp luật, an ninh mạng cần điều tra, tìm ra chủ nhân của trang Facebook ấy để xem xét tùy hành vi, mức độ mà xử lý hành chính hay hình sự. Trong một số trường hợp, cá nhân hay nhóm người nào đó lên mạng chửi mắng, lăng mạ người khác hoặc có hành vi kích động chia rẽ dân tộc, vùng miền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc thì các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để điều tra làm rõ. Khi đã có đầy đủ bằng chứng cấu thành tội phạm thì hoàn toàn có thể truy tố trước pháp luật theo Điều 87 Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết. Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể phải chịu từ 5 đến 15 năm tù", LS Trần Đình Triển cho biết.
Theo 24h
"Loạn" thông tin xuất khẩu lao động trên mạng Gần đây, nhiều đơn vị, cá nhân liên tiếp đăng tải các thông tin tuyển dụng lao động sang các thị trường Qatar, Algeria, Angola... Trong khi đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định chưa có hợp đồng nào ở những thị trường trên được thẩm định. Viêm gan B vẫn được đi xuất khẩu lao động Trên các trang...