Tảo hôn, người phụ nữ 30 tuổi chuẩn bị vượt cạn lần thứ 6
Gia cảnh nghèo khó, chị Hôn (ngụ huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) lấy chồng khi còn nhỏ tuổi. Mới tròn 30, chị đã trải qua 5 lần sinh nở và đang mang thai đứa thứ 6.
Cuộc sống khốn khó của người mẹ 30 tuổi chuẩn bị có đứa con thứ 6 Cưới chồng từ lúc 14 tuổi, đến nay Đinh Thị Hôn (30 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) lần lượt sinh 5 đứa con và đang mang bầu đứa thứ 6.
Căn nhà sàn của gia đình chị Đinh Thị Hôn nằm trên đỉnh đồi ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên (huyện vùng cao Sơn Tây). Lãnh đạo xã Sơn Liên xác nhận chị Hôn là “người mẹ đặc biệt” nhất ở địa phương.
Nhân viên y tế về tận buôn làng khám thai cho sản phụ Hôn. Mới tròn 30 tuổi nhưng bà mẹ người dân tộc Kadong này đã trải qua 5 lần “vượt cạn” và đang mang bầu (7 tháng tuổi) đứa con thứ 6.
Cuộc sống khó nghèo, ăn uống thiếu thốn, người mẹ này lo lắng về sức khỏe trong lần sinh đứa con thứ 6 này. “Năm 13 tuổi tôi gặp Bôn trong lớp xóa mù chữ ở làng rồi quen nhau. 14 tuổi mình thấy ưng cái bụng rồi xin cha mẹ lấy anh ấy làm chồng, đến năm 15 tuổi thì sinh con trai đầu lòng”, chị Hôn kể.
Đôi vợ chồng trẻ đặt tên cho 5 đứa con dựa theo sở thích bài hát hoặc yêu mến diễn viên sau khi xem phim Hàn Quốc trên tivi. Đứa con trai đầu tên là Đinh Tony (13 tuổi, học lớp 7), rồi đến Đinh Chapy (11 tuổi, lớp 4), Đinh Hoàng Y(9 tuổi, lớp 3), Đinh Thị Y Gái (6 tuổi, lớp 1), Đinh Kim Dong E (4 tuổi) và đang mang thai đứa thứ 6.
Sau khi sinh đứa con thứ 3, chị Hôn đến Trạm y tế xã đặt vòng. Do không thích ứng với việc đặt vòng nên bụng quằn quại đau, sốt cao, chị đành tháo vòng ra rồi lại “dính bầu”.
Video đang HOT
Từng sống ở xóm làng dưới thấp nhưng đến năm 2009, gia đình chị phải di dời nhà cửa lên ở khu tái định cư, nhường đất xây dựng công trình thủy điện Đăkđrinh. Những trận mưa lũ liên tiếp gây sạt lở làm hỏng nhà, vợ chồng chị cùng con cái tiếp tục di dời đến nơi mới trên quả đồi cao ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên. Do ở cách xa khu dân cư, hàng ngày chị phải mang can nhựa đi lấy nước suối về nấu ăn.
Cuộc sống khó khăn, quanh năm suốt tháng, anh Bôn phải đi phát rẫy, thu hoạch keo thuê để kiếm tiền mua gạo nuôi con qua ngày.
Bữa trưa của gia đình chỉ có nồi cơm nấu từ gạo rẫy, canh rau rừng, vài con cá khô.
Bé trai Đinh Kim Dong E (4 tuổi) được mẹ đặt tên phỏng theo tên diễn viên Hàn Quốc.
Với người mẹ trẻ này, giai đoạn mang thai ở nhà nghỉ dưỡng mới có thời gian chăm sóc con cái. Ông Nguyễn Văn Nhất, Trưởng trạm Y tế xã Sơn Liên, cho hay trải qua 5 lần sinh con, chị Hôn đều nhờ bà mụ ở làng hỗ trợ đỡ đẻ tại nhà. “Các cháu ra đời, lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn nên đều suy dinh dưỡng so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi”, ông Nhất nói.
Do nhà ở biệt lập trên đồi cao, hàng ngày những đứa con của chị Hôn phải băng rừng, vượt đường dốc núi hiểm trở để đến trường.
Những đứa trẻ ra đời trong điều kiện thiếu thốn “cơm không đủ no, áo không đủ mặc”, mùa đông phải chịu cảnh giá rét.
Cậu bé Đinh Chapy (11 tuổi), con trai thứ hai của vợ chồng chị Hôn. Sau nhiều lần sinh con, người mẹ trẻ ám ảnh, sợ hãi nhất là vào tháng 2/2007, trong lúc chồng lái xe máy chở đi công việc thì bị trượt ngã. “Lúc đó tôi mang thai đến tháng thứ 7 nên bị ngã xuống đường bụng đau đớn dữ dội, sau đó đẻ non. May mắn là mẹ tròn con vuông, con trai lớn lên khỏe mạnh được đặt tên là Chapy”, chị thuật lại.
Căn nhà sàn trống trơn không có tài sản gì giá trị, đêm về những đứa con ngủ cùng nhau trên tấm chiếu thế này. Theo người dân thôn Nước Vương (xã Sơn Liên), thương những đứa trẻ nheo nhóc thiếu đói, họ thường xuyên cho vợ chồng chị Hôn mượn gạo nấu ăn qua ngày đợi đến khi anh Bôn đi làm thuê có tiền trả lại sau. Người mẹ trẻ cũng cam kết sau khi sinh đứa con thứ 6 này sẽ đi đình sản, không đẻ thêm nữa.
Theo Minh Hoàng (Zing)
Trộm vợ - Sơn nữ chưa kịp lớn đã làm mẹ trẻ con!
Những cô gái chưa kịp lớn đã bị trộm về làm vợ, nhiều em trong số đó đang ở lứa tuổi học sinh. Lấy chồng, sinh con, nhiều ước mơ trở nên dang dở. Lời ru của những người mẹ chưa kịp lớn ấy nghe đắng đót, ngậm ngùi...
Trường THPT Quỳ Hợp 3, nơi có đến hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái. Trước đây, trung bình mỗi năm có 5-6 nữ sinh của trường bị "trộm vợ"
Từ một nét đẹp trong hôn nhân của người Thái, tục trộm vợ đã bị biến tướng, khiến nó trở thành nỗi ám ảnh của không ít cô gái vừa mới lớn.
Theo bà Vi Thị Hoa - Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), một trong những nguyên nhân là do người phụ nữ, đặc biệt là các em gái đã cam chịu khi bị trộm làm vợ. Hơn nữa, tình trạng trộm vợ xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện nên khi cơ quan chức năng biết thì sự việc đã rơi vào "chuyện đã rồi".
"Nếu như trước đây việc trộm vợ xuất phát từ việc hai bên trai gái có tình cảm với nhau, được chuẩn bị kỹ càng và có sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè, người thân của chàng trai, cô gái thì gần đây, tục trộm vợ đã biến tướng, trở thành "bắt vợ". Nhiều cuộc trộm vợ diễn ra ngay giữa ban ngày. Chàng trai có thể hành động một mình hoặc có sự trợ giúp của bạn bè để khống chế, đưa cô gái về nhà mình. Sau khi đưa cô gái về, nhà trai sẽ tổ chức những bước như quy trình "trộm vợ" ngày xưa để buộc cô gái phải chấp nhận làm vợ dù không yêu thương, thậm chí là chưa từng quen biết", ông Lương Viết Thoại - một người am hiểu phong tục người Thái ở Quỳ Hợp cho hay.
Một cuộc trộm vợ giữa ban ngày tại xã Châu Lộc (Quỳ Hợp) từng gây chấn động cộng đồng sau khi video được đăng tải lên mạng xã hội vào đầu năm 2017
Ông Nguyễn Minh Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 - nơi có đến hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái theo học thì những năm trước đây, trung bình sau mỗi kỳ nghỉ Tết có 5-6 học sinh nữ không trở lại trường do bị "trộm" làm vợ.
Sau khi bị trộm làm vợ, Lô Hồng V. (xã Châu Tiến) vẫn được nhà chồng tạo điều kiện cho tiếp tục đi học. Có lẽ, em là số ít nữ sinh được trở lại trường học sau khi đã lấy chồng. Vào thời điểm đó, V. đang học lớp 11, Trường THPT Quỳ Hợp 3. Em học khá tốt và vẫn tiếp tục được phân công làm lớp trưởng. Biết hoàn cảnh của em, các thầy cô giáo cũng hết sức động viên và gửi gắm nơi em nhiều kì vọng.
Cô Võ Thị Đông - giáo viên Trường THPT Quỳ Hợp 3 chia sẻ với các nữ sinh trong buổi sinh hoạt CLB bạn gái về những học sinh của mình từng là nạn nhân của tục trộm vợ đã bị biến tướng
"Nhiều hôm V. đến lớp với vẻ mệt mỏi, thiếu ngủ hằn rõ trên mặt. Thậm chí có lúc em còn xin phép được chợp mắt một chút trong giờ học bởi tối hôm trước em gần như phải thức thâu đêm vì con lên cơn sốt. Thỉnh thoảng em nghỉ học một vài ngày, còn đợt ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học thì em hầu như vắng hẳn.
Tôi đến nhà động viên em đến lớp, cố gắng học hết chương trình phổ thông. Em buồn bã lắc đầu, bảo mùa trồng keo đến rồi, dù bố mẹ chồng và chồng không bắt em làm để em được đi học nhưng em là dâu, là con trong nhà, không thể để mọi người vất vả mà yên tâm ngồi học được.
Em nói vậy tôi cũng không thể làm gì được nhưng tiếc cho em. Em đã từng là một học sinh có học lực tốt, có hoài bão, ước mơ nhưng đành chôn vùi tất cả vì trách nhiệm làm vợ, làm mẹ ở cái tuổi còn quá nhỏ", cô giáo Võ Thị Đông (Trường THPT Quỳ Hợp 3) kể về trường hợp của V.
Chuyện trộm vợ của Lữ Văn B. (nguyên Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Châu Tiến, Quỳ Hợp) vẫn được nhắc lại bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến người bị trộm làm vợ mà B. cũng phải trả giá cho hành động nông nổi của mình. Một đêm cách đây 12 năm, B. đến Trường phổ thông dân tộc nội trú Quỳ Hợp (nay là Trường THPT Quỳ Hợp 3) "trộm" Lô Thị H. về làm vợ. Thời điểm ấy Lô Thị H. đang là học sinh lớp 11.
Các nữ sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 tại buổi sinh hoạt CLB bạn gái với chủ đề tục trộm vợ và tình trạng tảo hôn. Nhiều em đã trực tiếp chứng kiến bạn hoặc người quen của mình bị trộm làm vợ
Vào thời điểm bị B. tổ chức "trộm vợ" và thực hiện lễ cưới, Lô Thị H. chưa đủ tuổi kết hôn. Dù lấy được vợ nhưng B. cũng phải trả cái giá khá đắt đó là bị kỷ luật về Đảng, miễn nhiệm chức danh Phó Bí thư đoàn thanh niên xã. Còn vợ của B. cũng lỡ dở con đường học hành để gánh trên đôi vai của mình trách nhiệm làm dâu, làm vợ, làm mẹ.
Cũng giống như Lô Thị H., Lô Hồng V., sau Tết Nguyên đán năm 2017, Lô Thị Xuân V. (trú xã Châu Cường, Quỳ Hợp, học sinh lớp 11, Trường THPT Quỳ Hợp 3) cũng bị "trộm vợ". Chồng em là một chàng trai người xã Châu Quang.
16 tuổi, Xuân V. thành gái đã có chồng. 18 tuổi, em đã kịp làm mẹ trẻ con. Trong khi bạn bè cùng lứa tuổi vẫn đang hồn nhiên, vô lo, vô nghĩ thì Xuân V. quay cuồng với trách nhiệm của một người phụ nữ đã có chồng. Và con đường trở lại trường của em đã vĩnh viễn khép lại từ cái đêm bị "trộm" ấy...
Hoàng Lam
Theo Dantri
Học chưa hết lớp 5 vẫn được làm chủ tịch, bí thư xã suốt 18 năm Đó là trường hợp của ông Đinh Bờ Ghi (sinh 1965) ở xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Dù trình độ chưa hết bậc tiểu học nhưng ông Ghi vẫn được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch rồi Bí thư xã này suốt từ năm 1999-2017. Xác nhận thông tin trên là có thật, trao đổi với PV Dân Việt,...