Tạo điều kiện để các vùng kinh tế trọng điểm tiếp tục là đầu tàu phát triển kinh tế
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 200/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam, Đồng bằng Sông Cửu Long đã tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi, tiềm năng, lợi thế để trở thành các cực tăng trưởng quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trên nhiều lĩnh vực.
Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương liên quan đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về phát triển vùng kinh tế trọng điểm theo lĩnh vực được giao. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tài chính, tín dụng, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, hạ tầng giao thông, đất đai, tài nguyên… gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các bộ, cơ quan và các địa phương liên quan; trên cơ sở đó, chủ trì, phối hợp dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2020.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý cần phải khẩn trương rà soát, hoàn thiện việc lập quy hoạch vùng của các vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch cấp tỉnh đối với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm khắc phục các vướng mắc hiện nay và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo điều kiện để các vùng kinh tế trọng điểm tiếp tục là đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước.
Thủ tướng nêu rõ việc ưu tiên bố trí các nguồn lực của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đồng thời có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông, công trình chống ngập, mặn, sạt lở, ứng phó biến đổi khí hậu… quan trọng, quy mô lớn, tác động lan tỏa cao tại các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là đối với vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả, mức độ liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng với nhau; chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án đường giao thông quan trọng.
Video đang HOT
Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch hành động gắn với các biện pháp cụ thể để thu hút và đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường, liên kết chặt chẽ với các dự án trong vùng và cả nước. Đồng thời, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân; nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi phù hợp về vốn, tín dụng để thúc đẩy đầu tư các dự án quy mô lớn trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Thủ tướng nêu rõ phải có cơ chế huy động nguồn lực phù hợp, nhất là cơ chế huy động vốn của chính quyền địa phương hoặc Chính phủ bảo lãnh cho các địa phương trong vùng để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, vùng và cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ xem xét 2 phương án về cơ chế điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm. Phương án thứ nhất là giữ nguyên như hiện nay để các địa phương luân phiên làm Chủ tịch vùng. Phương án thứ hai quy định Phó Thủ tướng là Trưởng ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm hoặc Chủ tịch vùng để nâng cao hiệu quả công tác điều phối, liên kết giữa các địa phương trong vùng. Đánh giá thực trạng và nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn một cách thiết thực hơn, Thủ tướng đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng kinh tế trọng điểm và đáp ứng các yêu cầu phát triển trong xu hướng mới, trong đó làm rõ vai trò của Ban Chỉ đạo Hội đồng Vùng trong huy động, sử dụng nguồn lực, điều phối, xử lý các vấn đề mang tính liên vùng của các địa phương và xác định các nhiệm vụ và thời hạn thực hiện cụ thể.
Các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Theo đó, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, chế biến, chế tạo, điện tử, dịch vụ, ngân hàng, tài chính, logistics, … hình thành các vùng trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, hệ sinh thái công nghiệp ô tô, các ngành dịch vụ vận tải, phát triển du lịch miền Trung kết hợp với Tây nguyên thành vùng du lịch trọng điểm mang tầm khu vực và thế giới. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao để phát triển các chuỗi giá trị, phát triển mạnh các loại dịch vụ, phát huy vai trò đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh để đưa vùng tiếp tục là một động lực tăng trưởng ngay trong năm 2020 và thời gian tới. Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến nông sản, phát huy vai trò đàu tàu về du lịch, dịch vụ của Phú Quốc, thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ.
Thủ tướng đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong các vùng kinh tế trọng điểm chỉ đạo các cơ quan liên quan đề cao trách nhiệm trong phối hợp phát triển kinh tế vùng và từng địa phương. Lãnh đạo các địa phương có biện pháp động viên sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã được giao, bảo đảm giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công được giao trong năm 2020 và các nguồn vốn còn lại từ năm trước chuyển sang, khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các địa phương triển khai các giải pháp mạnh, đồng bộ, hiệu quả để thu hút đầu tư, thúc đẩy phục hồi và phát triển mạnh sản xuất kinh doanh sau dịch; tận dụng cơ hội có được từ các kết quả bước đầu trong trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 để thu hút đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư khu vực và toàn cầu.
Các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân; nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi hỗ trợ về tín dụng, điện, nước, kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic, bảo đảm nguồn nhân lực… để phục vụ nhu cầu của các dự án quy mô lớn, công nghệ cao và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Thủ tướng muốn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về đích sớm 10 năm
Thủ tướng nói, TP.HCM cùng 7 tỉnh còn lại sẽ là "bát giác kim cương", Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ về đích sớm hơn ít nhất 10 năm so với cả nước.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị với các tỉnh, thành phố khu kinh tế trọng điểm phía Nam vào chiều 30/5 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi kết luận hội nghị với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam vào chiều 30/5 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Thủ tướng, Vùng KTTĐ phía Nam sẽ về đích sớm hơn ít nhất 10 năm trong mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tức là trở thành một vùng hùng cường vào năm 2035.
Đại diện các tỉnh, thành phố trong vùng cam kết hoàn thành chỉ tiêu kinh tế, xã hội của năm 2020, đồng thời kiến nghị với Thủ tướng nhiều vấn đề.
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Trung ương tập trung ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, đặc biệt là tuyến đường cao tốc, hệ thống đường vành đai TP.HCM, hệ thống cảng logictics.
Tỉnh Bình Phước kiến nghị sớm đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Hoa Lư và tuyến đường sắt từ Dĩ An đi Hoa Lư nhằm giảm áp lực vận tải cho Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 phục vụ phát triển các tỉnh, thành trong Vùng KTTĐ phía Nam với các tỉnh, thành Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, ông Michael Kelly, Chủ tịch điều hành cấp cao, kiêm Tổng Giám đốc Điều hành ACDL - Chủ đầu tư dự án The Grand Hồ Tràm Strip (Bà Rịa - Vũng Tàu) - dự án du lịch lớn nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, ông cũng như một số nhà đầu tư mong muốn Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Ghi nhận kiến nghị của các tỉnh, thành Vùng KTTĐ phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ giải quyết cụ thể từng kiến nghị, "không phải nói cho qua chuyện mà nói là làm, có hành động chỉ đạo cụ thể".
Thủ tướng bày tỏ trân trọng quyết tâm của các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ phía Nam chưa thay đổi mục tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2020. Vì thế, "Hội nghị này chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi".
Điều này có ý nghĩa quan trọng khi đây là Vùng KTTĐ lớn nhất cả nước, đóng góp cho Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Trong tương lai gần, đây sẽ là vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á và cả Đông Á.
"Còn tương lai gần đó là 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa thì đó là ý chí, hành động, sáng tạo của chúng ta". Một vùng phát triển kinh tế nhưng môi trường sống trong lành, Thủ tướng cho rằng, TP.HCM và 7 tỉnh còn lại sẽ là "bát giác kim cương" ở đây.
Do đó, Vùng KTTĐ phía Nam sẽ đạt mục tiêu, về đích sớm hơn ít nhất 10 năm trong mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tức là trở thành một vùng hùng cường vào năm 2035.
Vì thế, theo Thủ tướng, cả vùng phải đoàn kết, cùng nhau nắm tay cùng phát triển trong một tầm nhìn mới, một ý chí, nghị lực, khát vọng của từng cá nhân lãnh đạo, cá nhân doanh nhân, từng địa phương, dám dấn thân, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm với sự phát triển của đất nước.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất lập dự án kết nối các loại hình giao thông kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế, kể cả dự án cầu Phước An mà sáng 30/5 Thủ tướng đã đi thị sát.
Đầu tư giao thông liên kết 8 tỉnh, thành phía Nam Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiên cứu cơ chế đặc thù và gói hỗ trợ cho các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Ngày 30-5, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành đã làm việc với 8...