Tạo điều kiện cho phạm nhân về tâm lý lao động, cải tạo tốt để hoàn lương
Thời gian qua, hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam cho thấy ý nghĩa về môi trường lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, hướng nghiệp, dạy nghề, cải thiện đời sống cho phạm nhân.
Các phạm nhân được Trại giam Gia Trung (thuộc Cục C10, Bộ Công an) bố trí xe đưa đón về tận địa phương. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN.
Mở rộng hợp tác với các tổ chức, cá nhân đào tạo nghề
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, các bản án, quyết định của Toà án được thi hành nghiêm minh; an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ được bảo đảm; thực hiện tốt chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội; công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, cũng như thi hành các biện pháp tư pháp ngày càng hiệu quả.
Cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án hình sự ngày càng được tăng cường; tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ được củng cố, kiện toàn từ Bộ Công an đến Công an các đơn vị, địa phương theo hướng tập trung, thống nhất, từng bước chuyên môn hóa.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện công tác thi hành án hình sự nói chung, công tác thi hành án phạt tù nói riêng, trong đó công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo, việc tổ chức lao động cho phạm nhân vốn đang gặp nhiều khó khăn, lại càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn trong việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, trước tình hình trên, vấn đề đặt ra là cần phải hợp tác với các tổ chức, cá nhân để mở rộng ngành nghề liên quan đến công nghệ, máy móc,… tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân và tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề, vận dụng những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục, cải tạo phạm nhân, Bộ Công an đã có Công văn số 2471/BCA-C81 ngày 18/8/2011 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc được liên kết với các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp của địa phương đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất cho phạm nhân trong nhà xưởng, tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề.
Video đang HOT
Các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp đóng trên địa bàn có tình hình an ninh, trật tự ổn định, được chính quyền địa phương sở tại đồng ý và xây dựng đầy đủ các công trình bảo đảm các yêu cầu về an ninh, an toàn giam giữ, quản lý phạm nhân thì được hợp tác với trại giam tổ chức lao động cho phạm nhân. Hình thức này phù hợp với xu hướng xã hội hóa một số công việc thi hành án được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, thời gian qua, hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam cho thấy ý nghĩa về môi trường lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, cải thiện đời sống cho phạm nhân và tăng giá trị đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ công tác tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân, nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù. Đặc biệt, tạo điều kiện phù hợp cho phạm nhân về tâm lý lao động, thái độ chấp hành cải tạo và tiếp thu kiến thức trong dạy nghề, truyền nghề, giúp phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội.
Còn nhiều khó khăn
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện. Đó là, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có quy định thành lập các khu lao động, dạy nghề, hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trên đất trại giam quản lý.
Tuy nhiên, việc mời gọi hợp tác này gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do đặc thù các trại giam đóng quân tại địa bàn xa các trung tâm kinh tế, chính trị của địa phương, khó tiếp cận với các thị trường tiêu thụ sản phẩm như đô thị, thành phố, khu công nghiệp; giao thông đi lại khó khăn làm tăng chi phí vận chuyển, chi phí tiêu hao, giá thành sản phẩm lao động. Một số trại giam gần trung tâm thì diện tích nhỏ hẹp rất khó bố trí quỹ đất để phối hợp, hợp tác.
Pháp luật về quản lý đất đai hiện hành có quy định cho phép trại giam được sử dụng đất, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức cá nhân để xây dựng nhà xưởng lao động, tạo việc làm, ngành nghề để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trên đất do trại giam quản lý.
Tuy nhiên, quy định việc sử dụng đất rất chặt chẽ, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ an ninh là chính. Các doanh nghiệp, cá nhân hợp tác chỉ được phép khai thác tài sản đầu tư trên đất, quyền trực tiếp quản lý đất đai, quản lý lao động là các trại giam. Khi cơ quan có thẩm quyền (Bộ Công an) quyết định thu hồi, xoá bỏ phương án sử dụng đất thì rủi ro thiệt hại về giá trị tài chính, thanh lý hợp đồng, tài sản trên đất cơ bản sẽ do tổ chức, cá nhân hợp tác, phối hợp với các trại giam chịu trách nhiệm, tiềm ẩn nhiều thiệt hại về kinh tế dẫn đến các tổ chức, cá nhân ngần ngại xem xét đầu tư hoặc khó thực hiện mong muốn hợp tác lao động, tạo việc làm, ngành nghề có tính lâu dài với các trại giam.
Thực tiễn khảo sát các loại hình ngành nghề lao động, việc làm cho phạm nhân trong các trại giam hiện nay chủ yếu là các ngành nghề đơn giản như: lao động nông, lâm nghiệp, thủ công, lao động chân tay, sơ chế…, yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp. Mặt khác, thời gian hợp tác thường ngắn hạn, theo từng năm, mang tính thời vụ, không lâu dài.
Do vậy các ngành nghề này ít có khả năng hình thành kỹ năng nghề lao động thường xuyên và có hiệu quả hạn chế trong việc nâng cao trình độ kỹ năng lao động của phạm nhân trong thời gian chấp hành án, khó đáp ứng yêu cầu, trình độ của thị trường lao động ngoài xã hội nên giảm hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng. Trong khi số lượng phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trong độ tuổi sung sức lao động (từ 18 đến 45 tuổi), có nhu cầu lớn để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống chiếm tỷ lệ rất cao trên tổng số phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hằng năm (trung bình là 86,41%).
Công tác giáo dục cải tạo, lao động, dạy nghề đối với phạm nhân là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác thi hành án phạt tù, là trách nhiệm của các trại giam nhằm chuẩn bị cho phạm nhân về tâm lý, kỹ năng, thái độ để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc trại giam bố trí, sắp xếp, tổ chức cho phạm nhân lao động thường xuyên, môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền, công nghệ sản xuất sát với yêu cầu thị trường lao động là rất quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu này, nhiều trại giam không có khả năng tạo ra việc làm, công nghệ mà phải tìm kiếm hợp tác với tổ chức, cá nhân để bố trí việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan.
Thí điểm tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong thời gian 2 tháng.
Dự thảo nêu rõ, phạm nhân đưa ra các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam phải bảo đảm các điều kiện: Có nơi cư trú rõ ràng; từ ngày đến trại giam có tư tưởng ổn định, yên tâm chấp hành án; có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn dưới 5 năm.
Phạm nhân mức án từ 15 năm trở xuống phạm tội lần đầu hoặc đã có một tiền án do phạm tội vô ý và phải bảo đảm các điều kiện: Phạm nhân có mức án từ trên 7 năm đến 15 năm phải chấp hành được 1/3 mức án, hạ loại giam giữ xuống B2; phạm nhân có mức án từ trên 3-7 năm đã có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt loại "Khá" hoặc "Tốt" 6 tháng trở lên.
Đối với số phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ lựa chọn số phạm nhân không còn biểu hiện lệ thuộc về ma túy.
Cán bộ công an hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân (Ảnh minh họa: Bộ Công an).
Theo dự thảo, cán bộ trinh sát trại giam lựa chọn, lập danh sách đề xuất Trưởng phân trại duyệt, gửi Đội trưởng Đội Trinh sát lấy ý kiến của Đội Giáo dục - hồ sơ, Đội Quản giáo, Đội Cảnh sát bảo vệ - cơ động, Đội Y tế sau đó tổng hợp và thẩm định trước khi báo cáo, đề xuất Ban Giám thị trại giam duyệt.
Mỗi khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam lựa chọn một cán bộ sĩ quan nghiệp vụ có kinh nghiệm trong công tác để phụ trách và chịu trách nhiệm chính điều hành các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân.
Dự thảo quy định, phạm nhân lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được đảm bảo quyền lợi, thực hiện nghĩa vụ và hưởng chế độ, chính sách như phạm nhân trong trại giam theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
Trường hợp phạm nhân vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật với hình thức phạt giam tại buồng kỷ luật thì đưa phạm nhân đó về trại giam để xử lý kỷ luật theo quy định.
Dự thảo nghị quyết cho biết sẽ ưu tiên lựa chọn ngành nghề có dây chuyền sản xuất, phương thức tổ chức vận hành ổn định, có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, tạo điều kiện để phạm nhân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Ngành nghề tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề không thuộc danh mục các ngành nghề có mức độ điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm từ mức độ V trở lên theo quy định Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc Ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Một số ngành nghề thuộc danh mục các ngành nghề còn lại trong điều kiện cho phép, doanh nghiệp phải cam kết tổ chức dạy nghề, vận hành an toàn cho phạm nhân và được cấp phép vận hành.
Trường hợp không đưa ra ngoài trại giam
Dự thảo nghị quyết đề xuất, không đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam thuộc một trong những trường hợp sau: Phạm nhân có từ 2 tiền án trở lên; tái phạm nguy hiểm; phạm nhân có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù loại "Trung bình" hoặc "Kém"; phạm nhân đã có hành vi trốn khỏi nơi giam hoặc bỏ trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc; là đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong các vụ án, tổ chức tội phạm và trong các vụ án kinh tế lớn dư luận xã hội quan tâm.
Ngoài ra, phạm nhân phạm một trong các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Hiếp dâm; Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng; Giết người; Trộm cắp tài sản có tính chất chuyên nghiệp; Cướp tài sản hoặc Cướp giật tài sản có tính chất chuyên nghiệp hoặc sử dụng vũ khí (các loại súng quân dụng, kiếm, mã tấu) hoặc hành hung để tẩu thoát; Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; Phạm nhân là người chưa thành niên; Phạm nhân là người nước ngoài; Phạm nhân liên quan đến an ninh quốc gia cũng thuộc diện không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề...
Phó Thủ tướng ký quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, hai đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với...