Tạo danh tiếng cho cà phê bằng mô hình kiểu mẫu
Hiện nay cả nước có trên 635.000ha cà phê, trong đó Đăk Lăk và Lâm Đồng là hai địa phương vùng canh tác lớn nhất cả nước với diện tích lần lượt của hai tỉnh trên là trên 204.000ha và 150.000ha.
Được sự hỗ trợ của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng dự kiến sẽ xây dựng 100 mô hình sản xuất cà phê bền vững, cùng nhiều mô hình tái canh cây cà phê.
Thách thức trong sản xuất cà phê
Tại hội thảo “Khởi động các dự án cảnh quan cà phê bền vững – Chương trình ISLa tỉnh Lâm Đồng” mới đây, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) đã đưa ra nhận định, việc sản xuất cà phê hiện nay đang gặp không ít thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất bởi cà phê là loại cây trồng đòi hỏi khá nhiều lượng nước tưới, trong lúc đó phần lớn diện tích cà phê lại được sản xuất trên diện tích đồi dốc cao.
Video đang HOT
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh thăm m ô hình trồng cà phê bền vững tại Đăk Lăk. ảnh: K.L
“Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng cà phê cũng chịu tác động của quá trình sản xuất sử dụng nhiều hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật khiến đất canh tác bị xói mòn, mạch nước ngầm suy giảm gây nên cạn kiệt. Từ đó đặt ra yêu cầu cần có sự hài hoà giữa thâm canh, tăng trưởng diện tích sản lương với việc giảm thiểu tác hại của sâu bệnh, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn môi trường sản xuất và nông sản”- TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Ipsard cho biết.
Theo TS Tuấn, vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta phải nâng cao khả năng cạnh tranh cà phê Việt Nam trong khu vực cũng như toàn cầu, tạo nên danh tiếng của sản phẩm và giá trị tiền tệ, kinh tế của cà phê.
Sẽ xây dựng nhiều mô hình sản xuất cà phê kiểu mẫu
Ông Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian tới sẽ có 4 dự án được triển khai tại Lâm Đồng liên quan đến cây cà phê, bao gồm: Dự án Bảo tồn nước và quản lý đất canh tác cà phê. Dự án này được triển khai từ 2016 đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Đăk Lăk với diện tích 8.000ha;
Dự án phát triển mô hình cảnh quan cà phê và tăng cường năng lực giảm xói mòn đất, duy trì nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, được triển khai trong thời gian trên tại huyện Di Linh và Bảo Lâm với diện tích trên 4.400ha;
Dự án thiết kế cảnh quan huyện Di Linh trong đó lấy xã Gung Ré làm đơn vị điểm sau đó mới nhân rộng; đặc biệt là Dự án VnSAT Lâm Đồng. Dự án này được triển khai từ năm 2016 đến năm 2020, được triển khai tại 8 huyện của Lâm Đồng với diện tích trên 73.000ha.
Theo ông Phạm S, các dự án đều chú trọng đến việc xây dựng cảnh quan trong vườn cà phê và phát triển cà phê bền vững trong đó chú trọng đến việc bảo tồn tài nguyên nước, tài nguyên rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm thiểu tác động vào môi trường như việc sử dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, khai thác nguồn nước quá mức từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh của thương hiệu cà phê Lâm Đồng, nâng cao giá trị loại nông sản này đồng thời bảo vệ được môi trường sản xuất một cách bền vững.
“Thực tế ở Lâm Đồng đã có nhiều mô hình ứng dụng nước tưới tiết kiệm đã nâng cao năng suất sản lượng như của anh Nguyễn Đăng Trung xã Lộc Đức huyện Bảo Lâm (trên 7ha). Cà phê của anh đạt 7 tấn/ha, mỗi năm thu hoạch 100 tấn bơ”- ông Phạm S nói.
Riêng với sự hỗ trợ của dự án VnSAT, Lâm Đồng sẽ nâng cấp từ 10-12 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trong vùng dự án nhằm giảm thời gian vận chuyển nông sản xuống 20%, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống 50%, nâng cấp vườn giống đầu dòng, vườn ươm, đảm bảo cung cấp mỗi năm 5 triệu cây giống và 1 triệu chồi giống ra thị trường. Đồng thời xây dựng 100 mô hình sản xuất cà phê bền vững với 100 ha, 48 mô hình tái canh cà phê với diện tích 48ha và khoảng 800 mô hình tưới tiết kiệm nước cho cà phê.
Theo Danviet