Tăng viện phí, có chống được nạn “phong bì”?
Điều khiến nhiều người quan tâm là với mức giá dịch vụ thay đổi chóng mặt lần này thì nạn “phong bì” có được dẹp bỏ…
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc BV Việt Đức cho biết, việc tăng giá viện phí như hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Với mức khung giá viện phí mới, các bệnh viện sẽ có điều kiện để nâng cấp trang thiếu bị phục vụ người bệnh. “Tăng viện phí không phải để tăng tiền thu nhập cho các bác sỹ, nhân viên làm việc trong bệnh viện. Việc tăng viện phí không chỉ tăng được chất lượng phục vụ cho người bệnh mà còn chống được nạn “phong bì” trong bệnh viện. Khi mọi chi phí đều cao thì hầu bao của người nhà bệnh nhân và bệnh nhân cũng thắt chặt hơn. Họ sẽ dành số tiền ấy để chăm sóc của người bệnh”, bác sỹ Quyết bày tỏ.
Những bệnh nhân tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi (Ảnh: Bảo Lâm)
Còn PGS.TS Trần Văn Thuấn – Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, lần điều chỉnh mức viện phí này là thiết thực. Nó xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của từng bệnh viện. Tăng viện phí lần này có rất nhiều tác dụng. Về lâu dài, điều chỉnh viện phí sẽ là cơ sở để các bệnh viện tăng cường cơ sở vật chất, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật chuyên sâu, giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế cao. Tăng viện phí chắc chắn sẽ đẩy theo mức trần BHYT lên, mệnh giá cho một đợt điều trị sẽ cao hơn môi trường chăm sóc bệnh nhân cũng sẽ được cải thiện. Nó cũng góp phần hạn chế nạn “phong bì” gây ảnh hưởng xấu hình ảnh y bác sỹ thời gian qua.
Được biết, khi điều chỉnh viện phí, BHYT sẽ thanh toán đầy đủ các chi phí của dịch vụ nên người bệnh chỉ phải chi trả các khoản theo luật quy định (cùng chi trả 5% hoặc 20% tùy đối tượng) chứ không còn phải thanh toán các khoản thiếu hụt mà bệnh viện bị “lỗ” do bảo hiểm không thanh toán như trước khi điều chỉnh giá. Vì vậy, người có thẻ BHYT sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi hơn.
“Mức giá dịch vụ thay đổi lần này cũng sẽ không tác động nhiều đến người bệnh bởi 80% bệnh nhân đến viện điều trị đều có BHYT. Đối với bệnh nhân nghèo đã có Quỹ từ thiện. Còn các bệnh như: ung thư phải chữa trị nhiều ngày bao gồm phẫu thuật, xạ trị, dùng hóa chất… thì được BHYT chi trả ít. Bởi vậy, ngoài tính hiệu quả, bệnh viện cũng sẽ cân nhắc đến hoàn cảnh kinh tế của từng người bệnh để lựa chọn phác đồ điều trị có giá phù hợp mà vẫn hiệu quả” – PGS.TS Trần Văn Thuấn nói.
Khi đề cập đến việc tăng viện phí cao đối với những người dân không có BHYT, trong đó có rất đông người nghèo, người lao động thu nhập thấp, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết: Quốc hội đã ban hành Luật BHYT, trong đó đã quy định lộ trình thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách chăm lo sức khỏe đối với các đối tượng chính sách xã hội như: Cấp thẻ BHYT miễn phí cho người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ dưới 6 tuổi và một số đối tượng chính sách xã hội khác. Đối với người nghèo, khi đi khám chữa bệnh thì được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí theo quy định.
Video đang HOT
“Để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân cũng như là giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho một số đối tượng, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính trình và được Thủ tướng Chính phủ nhất trí nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng là người cận nghèo từ 50% lên 70% và thực hiện từ năm 2012. Trong đó, dự kiến đề nghị Nhà nước nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng là người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên khoảng 50-60% để khuyến khích các đối tượng này”, ông Nguyễn Nam Liên cho biết thêm.
Ông Nguyễn Nam Liên cho biết: “Người có thẻ BHYT sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn do bệnh viện có kinh phí để mua thuốc, vật tư hóa chất… BHYT thanh toán với mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh có thẻ đối với các dịch vụ mà trước đây giá thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh phần quỹ bảo hiểm không thanh toán. Người bệnh tham gia BHYT sẽ được hưởng và tăng quyền lợi khi khám và điều trị bệnh”.
Theo C.T (Người đưa tin)
Tăng viện phí: Đừng để lòng tham lấn y đức
Nhân dân luôn trông chờ một cơ chế giám sát thường xuyên, nghiêm ngặt, minh bạch đối với ngành y tế để dân được cậy nhờ cái tâm y - đức.
Liên bộ Bộ Y tế - Tài chính đã cho phép các bệnh viện thực hiện khung viện phí mới từ 15/4/2012. Và đợt 1/8 mới đây, nhiều bệnh viện đã đồng loạt chính thức áp dụng khung viện phí mới này.
Người dân, đặc biệt là dân nghèo, lâu nay có cảm giác sợ "ông y tế" vì hàng loạt những hệ luỵ phát sinh khi họ không may phải vào bệnh viện để khám, chữa bệnh.
Đã đành, quy định thì phải chấp hành, nhất là mục đích tăng viện phí để góp phần nâng cao hơn chất lượng khám, chữa bệnh. Song, chỉ vài ngày sau khi nhiều bệnh viện thực hiện tăng viện phí, dư luận đã thêm lo lắng vì nhiều tiêu cực, lạm dụng đã phát sinh.
Lạm khai chỉ để móc túi bảo hiểm?
Trả lời báo giới, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) đã chỉ ra hàng loạt biểu hiện minh chứng nhiều nơi coi chủ trương tăng viện phí là cơ hội để... tăng thu bằng nhiều cách.
Tăng viện phí, nhưng bao giờ bệnh viện hết cảnh như thế này?
Theo dẫn giải của ông Phúc, các bác sĩ thường không đi găng tay trong quá trình siêu âm, nhưng cơ cấu xây dựng giá dịch vụ siêu âm tại một số bệnh viện lại kê 2 đôi găng/lần siêu âm. Hoặc có nơi xây dựng cứ 2 bệnh nhân là thay 1 đôi găng tay, hoặc mỗi bác sĩ sẽ thay mũ, khẩu trang khoảng 4-5 lần/ngày, nhưng thực tế thì các bác sĩ chỉ đeo 1 khẩu trang, 1 mũ trong suốt buổi sáng...
Ông Phúc cũng cho biết thêm, điều vô lý trong cơ cấu giá khó chấp nhận được. Ví dụ, có bệnh viện trong cơ cấu giá dịch vụ châm cứu laze, mặc dù không cần sử dụng kim nhưng cũng cơ cấu định giá kim tới 3 chiếc kim dài 15-20cm (2.500 đồng/chiếc) và 15 kim ngắn 6-8cm (600 đồng/chiếc), tiền bông cũng hết tới 2.100 đồng/lần châm...
Hay như với kỹ thuật mổ viêm ruột thừa, có nhiều địa phương đề xuất thu 1,2 triệu đồng tiền chỉ khâu, trong khi thực tế chỉ khoảng 400.000 đồng giá mực cho 1 lần in kết quả siêu âm tim và mạch máu cũng có viện áp dụng quá cao: 14.000 đồng, giấy in 3.000 đồng/tờ A4.... Hoặc một lần siêu âm nội soi cần đến 7 chiếc mũ, 7 khẩu trang và 9 đôi găng tay, cao gấp 7 đến 9 lần so với thực tế....
Đồng thời, trong khung giá trần tăng viện phí mà liên Bộ Y tế - Tài chính cho phép, nhiều bệnh viện đã tăng sát kịch khung, trung bình nhiều viện áp dụng ở ngưỡng tăng 80-90%, thậm chí có bệnh viện tăng tới 98% khung viện phí mới cho phép.
Với một số dẫn chứng nêu trên, mặc dù ông Phúc cảnh báo một số bệnh viện đã khai khống thêm vật tư để móc túi quỹ Bảo hiểm Y tế. Song, suy cho cùng, cái túi đích thực vẫn là từ người dân. Bởi, bên cạnh hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, ngân sách của bảo hiểm y tế là thu từ đóng góp trực tiếp của người dân. Hơn thế, nếu tăng thu mà thực tế chất lượng thăm khám, chữa bệnh không tăng thì thiệt hại rõ ràng tăng gấp bội vẫn đổ đầu người bệnh.
Cần giám sát nghiêm, minh bạch
Dù nhiều bệnh viện đã áp dụng khung viện phí mới, tức là người bệnh đã phải thực tăng chi trả, nhưng chưa có điều gì đảm bảo rằng chất lượng khám, chữa bệnh sẽ đồng thời tăng tương ứng.
Như vậy, cho dù những khai khống của bệnh viện chỉ nhằm móc túi ngành Bảo hiểm Y tế, không thu trực tiếp vào hóa đơn thanh toán của các người bệnh không có bảo hiểm y tế, xét cho cùng vẫn là một hành vi trục lợi kiểu "đục nước béo cò", phi nhân văn, phản y - đức.
Những bậc thày của ngành Y thường dạy học trò không đặt đồng tiền cao hơn tính mạng người bệnh. Song, giả sử đặt chuyện thu - nộp viện phí trong mối quan hệ cung - cầu, có người bán - người mua theo quy luật thị trường, hẳn là người mua (bệnh nhân) sẽ luôn muốn cái mình nhận được phải xứng với đồng tiền họ bỏ ra. Còn người bán (bệnh viện) lại luôn có lý lẽ để khẳng định rằng cái giá họ đưa ra là phù hợp, thậm chí đa số bệnh viện khẳng định dịch vụ khám, chữa bệnh chưa tốt vì... viện phí quá thấp.
Người dân mong muốn rằng đi đôi với việc tăng viện phí thì chất lượng khám, chữa bệnh cũng phải tăng lên (so với dịch vụ y tế còn quá nhiều vấn đề như hiện tại), và phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Không thể đặt nặng chuyện bán - mua trong môi trường y đức (mặc dù có không ít dịch vụ y tế chắc chắn phải thực hiện thỏa thuận bán - mua). Vì hệ thống y tế nước nhà được xây dựng, tồn tại và phát triển vẫn trên cơ sở tiền thuế, sự đóng góp của dân và là tấm gương phản chiếu thể hiện tính ưu việt, nhân văn của xã hội.
Do vậy, trong chính sách về y tế, xin hãy nghĩ đến người nghèo (mà đa số dân ta chưa giàu, hoặc nếu đang có mức sống trung bình thì cũng sẽ trở nên nghèo khó nếu mắc bệnh hiểm nghèo) để ngành y có thể đồng thời trị luôn "bệnh" vì thiếu tiền, vì sợ dịch vụ kém mà ngại khám, chữa bệnh. Mà căn bệnh này càng âm ỉ thì dân ta càng "om" nhiều bệnh, đến lúc không thể đừng nữa, mới đến bệnh viện thì bệnh đã nặng, tốn kém gấp bội phần cho bản thân họ và xã hội. Như thế, cái hại còn lớn hơn ở nguy cơ cho sức khỏe nguồn nhân lực, chủ thể trong mọi hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Theo Xuân Thân (VOV Online)
Áp dụng viện phí mới, bảo hiểm y tế có "vỡ quỹ"? Dự kiến từ tháng 7 này, biểu phí mới của gần 450 dịch vụ y tế sẽ chính thức được áp dụng. Với mức tăng viện phí này, liệu BHYT có "vỡ quỹ"? Mức phí đóng BHYT có tăng lên? Ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách BHYT - BHXH VN cho biết, khi đồng thuận với mức tăng giá...