Tăng tuổi nghỉ hưu: Làm sao tối ưu hóa lợi ích cộng đồng và người lao động?
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,5 tuổi, nhưng tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên. Các nhà nghiên cứu chính sách cho rằng, nếu không nâng tuổi nghỉ hưu, trong tương lai Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động.
Theo lộ trình từ 1-1-2021 tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi
Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã chính thức được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến với nhiều nội dung gây tranh luận. Mặc dù, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, tăng tuổi hưu là chuyện không thể chậm trễ, nhưng đề xuất này vẫn vấp phải không ít ý kiến phản đối từ phía lao động trực tiếp.
Không tăng tuổi hưu sẽ phải nhập khẩu lao động
Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án điều chỉnh tuổi hưu. Trong đó phương án 1, quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Cả 2 phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021). Tuy nhiên, phương án 1 có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Lý giải đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, quy định độ tuổi nghỉ hưu hiện nay đã qua hơn 60 năm áp dụng. Lúc bắt đầu có quy định thì tuổi thọ bình quân người Việt chỉ hơn 45 tuổi, trong khi đó hiện nay đã lên 73,5 tuổi. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam cũng được xếp vào nhóm những nước nhanh nhất hiện nay. Cho nên, nếu không điều chỉnh tuổi hưu, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.
Giáo viên mầm non phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày với áp lực công việc lớn
Cào bằng có công bằng?
Kéo dài tuổi hưu là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến hàng triệu lao động và thời gian qua có khá nhiều diễn đàn trao đổi, thảo luận, phản biện về tính hợp lý của đề xuất này. Là người có kinh nghiệm 15 năm trong ngành giáo dục mầm non, bà Đinh Bích Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt Triều hữu nghị (Hà Nội) cho hay, hàng ngày mỗi giáo viên mầm non phải có mặt từ 7h – 7h30 và rời trường lúc 17h30.
Video đang HOT
Người lao động làm việc 8 tiếng/ngày, nhưng giáo viên mầm non luôn làm việc hơn 10 tiếng/ngày. Cường độ làm việc cao, thời gian làm việc kéo dài, trong suốt 15 năm công tác tại trường, tôi chưa thấy giáo viên nào nghỉ hưu đúng tuổi 55 cả mà toàn về hưu trước tuổi. Cho nên, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì giáo viên mầm non sẽ không đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Không chỉ nghề giáo viên, nhiều công nhân trong lĩnh vực dệt may, sản xuất linh kiện điện tử cũng chia sẻ những khó khăn trong công việc khi tuổi đã cao. Chị Nguyễn Thị Hằng – công nhân may ở Thái Nguyên cho biết, doanh nghiệp đang có xu hướng sa thải người lao động ở tuổi 40-45 để thay thế người trẻ hơn. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, đặc biệt lao động nữ sẽ không thể nào giữ được việc.
“Tôi năm nay 48 tuổi nhưng làm việc không thể nhanh bằng những lao động trẻ mới vào, nếu tính theo năng suất lao động thì lương không thể cao bằng. Bên cạnh đó, công nhân dệt may trừ thời gian nghỉ giải lao thì phải ngồi hàng giờ liên tục, mờ mắt, chân tay đau mỏi, đường kim mũi chỉ không còn chính xác. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi, người lao động làm sao đủ sức theo đuổi nghề? Không đủ sức khỏe buộc phải nghỉ sớm với lương hưu thấp và tuổi già tiếp tục tìm kế mưu sinh, như vậy quá thiệt thòi” – chị Hằng nói.
Lại cũng có ý kiến phản biện cho rằng, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có đề cập đến trường hợp người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn; nhưng công nhân làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp lại không thuộc đối tượng này. Vì thế, nhiều người lo ngại, nếu cơ quan soạn thảo không đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể cho từng đối tượng mà tăng đồng loạt, thì công nhân lao động trực tiếp sẽ rất thiệt.
Nâng cao chất lượng hoạch định và thực thi
Nhận định về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình ở cả nam và nữ, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, đây là chính sách đã được bàn thảo và được người lao động quan tâm trong nhiều lần sửa đổi, hoàn thiện các chính sách pháp luật. Lắng nghe ý kiến của người lao động qua tiếp xúc, hội thảo cho thấy, lực lượng lao động trực tiếp không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu còn chiếm số lượng lớn. Tỷ lệ này ở các khu vực và ngành nghề khác nhau có con số cụ thể khác nhau, ví dụ như khu vực của công chức, viên chức thì tỷ lệ đồng ý cao hơn.
“Tôi cho rằng, về mặt điều chỉnh chính sách, cần phải đặt ra vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc tăng tuổi hưu không thể áp dụng chung với mọi đối tượng mà phải được cân nhắc xem xét, phân loại ngành. Thực tế, tuổi thọ của người Việt Nam đang tăng, nhưng sức khỏe hầu như không tiến bộ. Điều kiện lao động ở nước ta chậm được cải thiện, có nơi còn thô sơ, khắc nghiệt, nhiều rủi ro. Nếu lao động không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì năng suất lao động sẽ thấp, điều này gây bất lợi về mặt kinh tế, ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội. Đây là những vấn đề mà khi chúng ta xây dựng lộ trình tăng tuổi hưu cần có nghiên cứu, đánh giá để hoạch định các chính sách cho phù hợp” – ông Lê Đình Quảng nêu ý kiến.
Theo các nhà nghiên cứu chính sách, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thường phải xem xét một cách tổng thể ở lợi ích quốc gia và có thể xử lý bằng nhiều cách. Một chính sách khi ban hành chắc chắn không thể làm cho tất cả mọi người thỏa mãn, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nếu như phải lấy ý kiến của đối tượng lao động trực tiếp thì chắc chắn không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác cũng sẽ không có việc đồng thuận trong điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Quy định pháp luật chỉ mang tính định hướng còn việc điều chỉnh như thế nào, tính toán ra sao, các ngành nghề nào được nghỉ hưu trước tuổi phải được quy định tại các văn bản dưới luật khác như nghị định, thông tư. Vấn đề đặt ra ở đây là, cơ quan soạn thảo cần có những phương án, giải pháp mang tính hài hòa để tránh những băn khoăn, lo lắng cho người lao động khi dự thảo Bộ luật được thông qua.
Theo Baogiaothong
Bộ trưởng LĐTBXH : Tăng tuổi hưu không phải để quan chức giữ ghế
Phải nhìn nhận Việt Nam hiện không phải ở giai đoạn đỉnh cao của dân số vàng, đang chuyển sang già hóa dân số.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu không có chuyện người già tranh chấp chỗ làm của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ với báo chí sáng 29/5.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ảnh V.H).
Thưa Bộ trưởng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay có nhiều luồng quan điểm khác nhau, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có lộ trình dài nhưng phải hành động mau lẹ, đặc biệt tiến tới thích ứng được với già hóa dân số vào 2035.
Chúng ta đang khẳng định Việt Nam là dân số vàng, nhưng thực chất thời điểm dân số vàng bắt đầu chuyển sang già vào 2014. Năm 2000, bình quân lao động bước vào tuổi lao động là 1,2 triệu, đến bây giờ lực lượng lao động đã giảm xuống còn 400.000 người.
Nếu tính về lực lượng lao động, có thể nói rằng, tỉ lệ lao động bước vào tuổi lao động ngày càng giảm, khoảng 7% người ở độ tuổi 60 trở lên.
Độ tuổi lao động đã được quy định từ năm 1961, tức là hơn 60 năm rồi. Khi đó, bình quân tuổi thọ Việt Nam mới trên 45 tuổi, đến nay tuổi thọ bình quân là 76,6, đặc biệt sống sau tuổi nghỉ hưu nữ là 79,5 tuổi - là một trong những nước có tuổi thọ cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thời gian đóng BHXH của nam và nữ đều thấp, thời gian hưởng lại rất cao. Thông thường các nước mức lương bảo hiểm là 30% đến cao nhất là 45%, nhưng ở Việt Nam người hưởng cao nhất 75%, bình quân là 70%.
Nếu một người bình quân đóng BHXH 28 năm thì chỉ đủ để chính mình hưởng trong 10 năm, 9,5 năm còn lại là phải lấy đóng góp của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ hiện tại. Do đó, riêng việc đảm bảo cân bằng ổn định của quỹ BHXH thì điều chỉnh tuổi hưu là cần thiết. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nằm trong tổng thể rất nhiều phương án và các luật khác chứ không phải chỉ Bộ luật Lao động này.
Tôi rất muốn báo chí tuyên truyền rộng hơn cho người lao động hiểu là đây là điều chỉnh dần dần, điều chỉnh theo lộ trình chậm và đến năm 2028 mới có người nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62, đến năm 2035 người nữ đầu tiên mới nghỉ hưu ở độ tuổi 60
Vậy người lao động có quyền được nghỉ hưu trước tuổi không, thưa Bộ trưởng?
- Người lao động trong 3 trường hợp: suy giảm sức khỏe, lao động nặng nhọc, độc hại có quyền nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi. Đi liền với đó, chúng tôi đang phải thiết kế chính sách, thậm chí có thể có người nghỉ hưu ở tuổi 50, hay quyền nghỉ hưu sớm hơn, nghỉ khi đóng đủ BHXH rồi, kể cả chưa đủ tuổi. Có nghĩa là không phải bắt buộc người lao động cứ phải đủ tuổi mới được nghỉ hưu.
Đối với đối tượng là công nhân, chúng tôi đặc biệt quan tâm. Chính phủ cũng đang rà soát lại toàn bộ ngành nghề, những công việc lao động nặng nhọc độc hại là phải có danh sách kèm theo Bộ luật Lao động.
Ví dụ, riêng lĩnh vực than hầm lò, chúng ta đang quy định 24 lĩnh vực có thể nghỉ hưu sớm hơn. Những lĩnh vực khác, lực lượng lao động có tình độ cao, như với ngành tòa án, kiểm sát..., các vị là giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học giỏi, phải khuyến khích họ làm suốt đời, họ muốn cống hiến đến lúc nào thì cống hiến.
Chúng ta cần phân biệt tuổi nghề và tuổi hưu. Nghỉ hưu là người đủ điều kiện để hưởng BHXH, còn nghề thì khác, bởi có nghề làm thời gian ngắn, có nghề làm thời gian dài. Như lao động trong lĩnh vực xiếc, thể thao chỉ được thời gian ngắn sau đó phải chuyển nghề. Có trường hợp người thôi làm quản lý rồi họ vẫn có thể làm nghề của mình. Ví dụ như làm luật sư có thể làm suốt đời.
Tôi rất muốn chúng ta hiểu một cách đầy đủ về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và đến lúc này chúng ta không thể không tăng tuổi nghỉ hưu. Nếu đến năm 2035 không điều chỉnh, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản hay một số nước hiện nay.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu liệu có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người trẻ không, thưa Bộ trưởng?
- Chúng tôi xác định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định và cả việc làm cho giới trẻ. Phương án 1 đã cân đối công việc hiện tại cho giới trẻ và cả cho cả người già. Hiện có 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang làm việc tiếp. Lúc này lực lượng lao động trẻ của chúng ta không dồi dào nữa. Tôi quan sát rất nhiều khu vực nông thôn, hiện nay chỉ còn người già và phụ nữ, không thấy thanh niên đâu.
Phải nhìn nhận Việt Nam hiện không phải ở giai đoạn đỉnh cao của dân số vàng, đang chuyển sang già hóa dân số. Cần khẳng định, việc tăng tuổi nghỉ hưu không có chuyện người già tranh chấp chỗ làm của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc. Đây là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, chúng ta sẽ chuyền gánh nặng cho thế hệ sau.
Trong dự thảo Luật lao động (sửa đổi), Chính phủ quy định nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:
Phương án 1, tuổi hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021).
Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).
Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Danviet
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tăng tuổi nghỉ hưu "đón đầu xu thế" già hóa dân số Theo ông Bùi Sỹ Lợi việc tăng tuổi nghỉ hưu, bước đầu chính là cách điều chỉnh nhận thức, quan điểm và phương pháp để người lao động Việt Nam quen dần với việc phải làm việc sau khi về già. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Tăng tuổi nghỉ hưu...