Tăng tuổi lao động hay tiền đóng bảo hiểm để chống vỡ quỹ lương hưu?
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH đưa ra dự báo, nếu không điều chỉnh chính sách, Quỹ hưu trí và tử tuất có số thu bằng số chi vào năm 2021. Đến năm 2034 thì số thu bảo hiểm xã hội trong năm và số dư tồn tích Quỹ không đảm bảo khả năng chi trả…
Chiều 18/4, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH đưa ra dự báo, nếu không điều chỉnh chính sách, Quỹ hưu trí và tử tuất có số thu bằng số chi vào năm 2021. Từ năm 2022 trở đi, để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích thêm từ số dư của tồn tích Quỹ bảo hiểm xã hội và đến năm 2034 thì số thu bảo hiểm xã hội trong năm và số dư tồn tích Quỹ không đảm bảo khả năng chi trả.
Tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh, năm 2007 chỉ chiếm 57,2%, 2008 con số này là 73,7%, 2011: 77%, 2012: 68,6%, ước năm 2013 76,6% – Bộ trưởng LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.
Để ngăn ngừa khả năng mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất, cơ quan soạn thảo dự luật đề xuất điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên cao hơn so với quy định hiện hành.
Qua giai đoạn dân số vàng, chi phí cho lương hưu sẽ là một áp lực lớn với Quỹ bảo hiểm xã hội.
Phân tích của Bộ LĐ-TB&XH, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện đang thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009, số năm trung bình còn sống thêm của nam ở tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ ở tuổi 55 là 24,5 năm.
Video đang HOT
Cụ thể, Bộ đề nghị quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi áp dụng với các nhóm đối tượng còn lại.
Nhóm ý kiến khác đặt vấn đề, nếu tổ chức thi hành pháp luật tốt, số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể tăng thêm khoảng 4-5 triệu người; số nợ bảo hiểm xã hội sẽ giảm và thu hồi nợ có hiệu quả; việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trên cơ sở mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội mới theo quy định của Bộ luật lao động, số lượng tham gia bảo hiểm tự nguyện tăng… thì thời điểm xảy ra khả năng mất cân bằng Quỹ hưu trí sẽ kéo dài chứ không phải là vào năm 2034 như dự báo.
Không giấu lo lắng trước những thông tin đưa ra, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cảnh báo, cần tính tới khả năng thu chi trong tương lai khi mà dự báo độ tuổi dân số vàng chỉ còn một giai đoạn ngắn. Việt Nam sắp bước vào giai đoạn đất nước chưa giàu mà dân số đã già, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Việc đảm bảo an toàn Quỹ bảo hiểm xã hội, theo đó, có ý nghĩa cả về mặt kinh tế, xã hội và chính trị.
Đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian làm việc của các đối tượng đóng BHXH, ông Hiển cho rằng, nam 62 – nữ 60 không quá chênh lệch.
Ngược lại, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Mai Đức Chính nêu thực tế, cán bộ trong các ngành giáo dục, y tế và đặc biệt là lao động nữ trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều “kêu mệt”, đến 45-50 tuổi đã không làm việc được nữa mà bắt họ chờ đến 60 tuổi mới được nghỉ hưu thì quy định này chỉ phù hợp với khu vực hành chính – sự nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu lúc này chưa hợp tình hợp lý và yêu cầu tính cách khác, con đường khác để giải quyết vấn đề. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng quỹ BHXH một cách bền vững.
Chủ tịch Quốc hội dặn, chỉ được mang quỹ đầu tư vào những nơi an toàn, đảm bảo bảo tồn vốn, không được cho vay. Tiền quỹ, theo Chủ tịch Quốc hội, là tiền tiết kiệm của người về hưu, phục vụ mục đích an sinh xã hội, mục đích không phải kinh doanh, không phải tìm cách sinh lời.
Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách kiến nghị giải pháp tăng mức đóng bảo hiểm.Theo ông Phùng Quốc Hiển, đưa ra một phương án tính lương đóng bảo hiểm chỉ nên ở mức bằng lương và phụ cấp lương, còn những khoản phụ cấp thêm rất khó xác định vì các khoản thu nhập khác nhau, có những khoản thu nhập không tính được, không khả thi.
Nếu tính đầu vào là số tiền đóng góp thì phải tính đầu ra được hưởng thế nào, trả lương hưu sao cho hợp lý, tránh tình trạng chênh lệch lớn, lớp người có đóng góp nhiều cho đất nước về hưu từ trước năm 1993 có mức lương hưu thấp, càng nghỉ hưu muộn, lương hưu càng cao, lương cán bộ cao cấp không bằng lương hưu của cán bộ lực lượng vũ trang.
P.Thảo
Theo Dantri
Giám sát tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chọn vấn đề tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan là một trong ba chuyên đề giám sát trong năm 2015 trình Quốc hội quyết định.
Ngày 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về chương trình hoạt động giám sát năm 2015. Chuẩn bị nội dung này, Văn phòng Quốc hội nêu ra 6 nhóm vấn đề để Ủy ban Thường vụ xem xét, lựa chọn.
Chốt lại, 3 chuyên đề được chọn là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2013; Tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2011-2014.
Ủng hộ nội dung giám sát tình hình oan sai, bồi thường cho người bị oan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích: "Chọn oan sai là một việc liên quan đến quyền dân chủ. Công lý phải được bảo đảm cho người dân, vì vậy phải soi trở lại những luật tổ chức, luật liên quan đến đảm bảo công lý cho người dân đã được chưa". Chủ tịch Quốc hội cho rằng định hướng hoạt động giám sát nên hướng đến các nội dung đang được triển khai theo tinh thần Hiến pháp, như cải cách thể chế, quyền con người, quyền công dân...
Vụ án oan 10 năm của ông Chấn (Bắc Giang) được nhận định không phải là cá biệt.
Dựa trên 3 chuyên đề này, Quốc hội sẽ lựa chọn 2 chuyên đề để chính thức triển khai hoạt động giám sát năm tới.
3 nội dung khác không được lựa chọn là: Hiệu quả sử dụng vốn ODA cho đầu tư phát triển trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo trợ xã hội; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược.
Thảo luận về nguyên tắc tổ chức hoạt động giám sát, có ý kiến nghị giảm bớt mật độ giám sát vì năm tới là thời gian bước vào chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 12, sẽ có rất nhiều công việc.
Chủ nhiệm UB Tài Chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, trong năm 2014, Quốc hội cũng tiến hành 2 cuộc giám sát tối cao, UB Thường vụ cũng tiến hành giám sát 2 chuyên đề và tất cả các UB giám sát tổng số 21 cuộc. Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị năm tới chỉ thực hiện một cuộc giám sát.
"Lắc đầu" với những ý kiến "bàn lùi", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng không thể vì nhiều việc quá mà coi nhẹ một trong ba chức năng của Quốc hội là giám sát.
"Tinh thần phải làm quyết liệt, khó mấy cũng làm. Đất nước phát triển sôi động, nhân dân đang nhìn vào Quốc hội mà đến cuối khóa lại có vẻ mềm đi là không được. Quốc hội phải "sống" liên tục, hành động liên tục, như cuộc sống đang vận động" - ông Ksor Phước nói.
Góp ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng các ủy ban nên đổi mới một bước. Hiệu lực hiệu quả giám sát rất quan trọng nên nâng cao hơn vai trò quyền hạn của cơ quan giám sát thông qua các cuộc giám sát. Lâu nay, theo Chủ tịch Quốc hội, việc giám sát hầu như giao cho các ủy ban làm, nặng quá. Chủ tịch Quốc hội định hướng không chọn chuyên đề riêng của từng ủy ban nữa mà trong chuyên đề giám sát chung, các ủy ban đều phải tham gia giám sát, có một ủy ban chủ trì, nhưng thành phần là phải có các ủy ban tham gia.
P.Thảo
Theo Dantri
Vẫn chưa cho người Việt vào casino Dù có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị từ hơn một năm trước nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa mạnh dạn mở cửacho người VN vào casino. Điều này đã dẫn đến nhiều ý kiến căng thẳng trong phiên thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua. Casino Đồ Sơn - Ảnh: Ngọc Thắng Báo cáo...