Tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt mức cao nhất 7 năm qua
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, thị trường xuất khẩu nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm qua đã nỗ lực vượt qua và đạt được nhiều thành tích đáng kể trong năm 2018.
Các mô hình ứng dụng công nghệ mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp. Ảnh TL
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết như trên tại buổi chúc Tết các cán bộ ngành NNPTNT đã nghỉ hưu qua các thời kỳ tại Tp. HCM. Theo đó, năm 2018, các chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp đều hoàn thành tốt: GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây; Giá trị sản xuất tăng 3,86%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 42,4%; Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 40 tỷ USD, xuất khẩu nông sản đến trên 190 quốc gia trên toàn thế giới.
“Trong bối cảnh năm qua ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn từ thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, ngập mặn nặng, dịch bệnh thì kết quả này là một sự nỗ lực lớn, cố gắng vượt bậc của bà con nông dân và toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhóm cây công nghiệp: cao su, mía đường, tiêu, điều, cà phê,… năm qua đều xuống giá, bà con nông dân lỗ lã nhiều, là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019″, ông Nguyễn Xuân Cường đánh giá.
Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đạt được thành tích về chỉ tiêu môi trường, đã trồng rừng, che phủ rừng đạt tỷ lệ trên 41,65%. “Đây là một chỉ tiêu rất tích cực vì tỷ lệ này trên thế giới cũng chỉ đạt được 29%. Các nước trong khu vực Châu Á thua xa chúng ta rất nhiều, kể cả các nước cận kề. Điều đó cho thấy chúng ta không chỉ chăm lo về mặt kinh tế mà còn quan tâm đến các giải pháp bền vững môi trường”, ông Cường cho biết.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ các đơn vị của ngành ở khu vực phía Nam sáng 19.1, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã gởi lời cảm ơn sâu sắc và lời thăm hỏi, chúc Tết các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ, các cán bộ lão thành cách mạng, các Anh hùng lao động của ngành nông nghiệp qua các thời kỳ và các cán bộ, doanh nghiệp của ngành. Đây là lực lượng đã góp phần to lớn vào sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà.
Ông Nguyễn Hồng Cẩn, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, cho rằng năm nay ngành nông nghiệp thắng lợi lớn nhưng cũng còn những tồn tại lớn cần giải quyết từ thiên tai, dịch bệnh đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ mới. “Phải rút kinh nghiệm đây là cơ hội và thời cơ cho ngành, phải nắm bắt không hời hợt. Thủ tướng kêu gọi ngành nông nghiệp phải bước vào nền nông nghiệp 4.0 và Top 10 thế giới, đồng chí Bộ trưởng phải có kế hoạch cụ thể cho mục tiêu này”, ông nhắn nhủ.
Đồng tình với lời nhắn nhủ này, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng đánh giá rằng, nông dân Việt Nam trình độ và kiến thức còn rất xa để có thể hiểu và tận dụng được lợi thế của những hiệp định thương mại quốc tế mà chúng ta vừa ký kết được, cũng như chưa áp dụng được các công nghệ mới của nền nông nghiệp 4.0.
“Ngành nông nghiệp năm nay xuất khẩu được 40 tỷ USD nhưng còn rất nhiều doanh nghiệp, trang trại chưa làm được nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nhiều trang trại không có tiền để làm chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Đề nghị Bộ NNPTNT quan tâm đầu tư hơn nữa cho những thành phần này để ngành nông nghiệp sạch của chúng ta phát triển và vươn xa hơn nữa”, bà Minh đề nghị.
Video đang HOT
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (người đầu tiên bên trái) chúc tết các cán bộ của ngành qua nhiều thời kỳ. Ảnh: Ngọc Minh
Trong khi đó, GS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Luật lại đề xuất Bộ NNPTNT quan tâm đầu tư hơn nữa cho các viện, trường nghiên cứu về nông nghiệp chi phí hoạt động và điều kiện về vật chất, cơ sở hạ tầng.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An lại quan tâm đến thị trường Trung Quốc và kiến nghị Bộ NNPTNT sắp tới đẩy mạnh xuất khẩu nông sản bằng con đường chính ngạch sang thị trường này hơn nữa. Ở lĩnh vực trái cây, hiện mới có chỉ 8 loại xuất khẩu chính ngạch qua thị trường này là còn rất ít. Còn rất nhiều việc phải giải quyết, bộ trưởng không được ngủ quên trong chiến thắng”, ông Huy kỳ vọng.
Theo Danviet
Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Tập trung cho 3 trục sản phẩm
Kết thúc năm 2018, sản xuất nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng đạt trên 3,6%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cần xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn để phát triển bền vững.
Nhân dịp này, PV Báo NTNN đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (ảnh).
Đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản
Xin Bộ trưởng cho biết khái quát về những kết quả đã đạt được trong năm 2018 vừa qua?
- Thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ NNPTNT đã chủ động xây dựng phương án tăng trưởng ngành cho từng quý và cả năm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM, đồng thời đã xác định cụ thể các giải pháp thực hiện cho từng lĩnh vực và phân giao nhiệm vụ cho các đơn vị để tập trung thực hiện.
Nhờ đó, toàn ngành đã đạt và vượt cả 5/5 mục tiêu kế hoạch đề ra; trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như tăng trưởng ngành, kim ngạch xuất khẩu, xây dựng NTM và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn.
Năm nay là lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 40 tỷ USD trong khi bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến rất phức tạp. Để đạt được kết quả trên, ngành nông nghiệp đã triển khai những giải pháp như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Mô hình trồng rau công nghệ cao tại Hà Nội. Ảnh: KNHN
- Trong bối cảnh thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thị trường nông sản lớn của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn có sự vươn lên khá mạnh mẽ, ước tính cả năm sẽ đạt vượt mức kỷ lục 40 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).
Có được điều này là do, thị phần xuất khẩu đều duy trì, củng cố và mở rộng, 5 thị trường XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc tiếp tục có sự tăng trưởng. Các thị trường mới nổi, thị trường ngách (Trung Đông, châu Phi, Đông Âu) đều được lựa chọn phát triển bài bản. Mặt thứ hai là, giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng, điển hình như lúa gạo, rau, quả, thủy sản...
Tuy nhiên, thị trường nông sản thế giới năm qua ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu khiến cho nguồn cung tăng nhanh, trong khi nhu cầu thế giới giảm hoặc tăng chậm.
Đạt mục tiêu số xã nông thôn mới trước 1 năm
Theo mục tiêu, đến năm 2020, cả nước phải có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM. Bộ trưởng có thể cho biết, kế hoạch để đạt được mục tiêu trên?
- Sau hơn 8 năm thực hiện, tính đến tháng 12.2018, cả nước có 3.787 xã (42,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã; cả nước chỉ còn 21 xã dưới 5 tiêu chí; 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Đây là những con số hết sức ấn tượng, là một thành quả to lớn, cho thấy xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã thực sự trở thành một phong trào cách mạng mạnh mẽ, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân ủng hộ.
Đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 43 tỷ USD
Năm 2019 là năm cuối trong việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch dài hạn đến năm 2020. Bộ NNPTNT sẽ đặt ra những chỉ tiêu, kế hoạch gì và giải pháp để thực hiện, thưa Bộ trưởng?
- Từ các kết quả đã đạt được, trong năm 2019, ngành nông nghiệp đặt ra một số chỉ tiêu sau: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 43 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt khoảng 50% và 70 huyện đạt tiêu chí NTM; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, toàn ngành sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp, nhiệm vụ như sau:
Trước tiên, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương; có chính sách và giải pháp mở rộng quy mô, sức cạnh tranh để bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng NTM ở địa phương theo mô hình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
Mặt khác, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình MTQG xây dựng NTM nhằm đạt mục tiêu cuối năm 2018 cả nước có 50% số xã và 70 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.
Đồng thời, phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản: Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Cũng cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác để thu hút đầu tư xã hội vào tam nông.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Danviet
Xuất khẩu nông sản 2018: Cao su, tiêu, điều"ôm" nỗi buồn riêng Năm 2018 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu (XK) nông sản với kim ngạch dự báo sẽ đạt 40 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực của mặt hàng lúa gạo, rau quả..., vẫn còn nhiều mặt hàng phải ngậm ngùi với nỗi buồn riêng. Lượng tăng, giá trị giảm Báo cáo của Cục Chế...