Tăng tốc phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp
Cú hích từ gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại trong chương trình phục hồi kinh tế – xã hội giai đoạn 2022 – 2023 đang thu hút vốn doanh nghiệp đầu tư các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đang tạo động lực khởi động hàng loạt dự án nhà ở xã hội, tạo nguồn cung và giải bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp.
Những tín hiệu khả quan
Từ đầu năm, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được các doanh nghiệp tư nhân khởi công xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng trên cả nước.
Đơn cử, Công ty TNHH Hòa Bình (Tập đoàn Hòa Bình) mới đây đã khai trương nhà mẫu dự án nhà ở xã hội được xây dựng trên cả nước. Vị trí dự án khởi công xây dựng ở Hà Nội tại 321 Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) đảm bảo theo quy định pháp luật về giá nhà đất không quá 17 – 18 triệu/m2, dành cho đối tượng người mua nhà đủ điều kiện (chưa có nhà ở hoặc nhà ở không quá 15 m2, hộ khẩu Hà Nội và có chứng minh thu nhập thấp). Công ty TNHH Hòa Bình sẽ triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương theo quy hoạch được phê duyệt, với các tòa nhà từ 10 – 12 tầng, diện tích 25 – 70 m2/căn (Theo Nghị định 49/2021/NĐ-CP).
Các doanh nghiệp bất động sản đều mong muốn các địa phương tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: TTXVN.
Video đang HOT
Tổng công ty ầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD – Bộ Xây dựng) cũng đã sẵn sàng khởi công 5 dự án, với tổng diện tích sàn hơn 230.000 m2, với gần 2.560 căn hộ; Tổng công ty Viglacera đã khởi công 2 khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh và ông Mai, Quảng Ninh. Trong đó, dự án tại Bắc Ninh sẽ cung cấp 2.000 căn hộ chung cư, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 10.000 công nhân và chuyên gia làm việc tại khu công nghiệp này. Còn dự án tại Khu công nghiệp Đông Mai, với quy mô khoảng 1.000 căn hộ cho công nhân và 72 căn nhà thấp tầng dành cho chuyên gia…
Báo cáo từ Bộ Xây dựng qua rà soát một số địa phương tính từ thời điểm sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội được ban hành, đã có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công xây dựng, với tổng số khoảng 23.965 căn; trong đó có 5 dự án nhà ở xã hội gồm 20.765 căn. Trong quý II/2022, Bộ Xây dựng có kế hoạch tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn; lập danh mục các dự án nhà ở có liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước như: Dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua. Nhằm tạo đà bứt phá trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trong Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đã đề xuất những giải pháp cụ thể. Trong đó, có gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho các cá nhân vay mua, thuê mua và cải tạo nhà ở với lãi suất 4,8%; hỗ trợ lãi suất 2% đối với các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ… nằm trong gói hỗ trợ khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Hai gói hỗ trợ này được thực hiện trong hai năm 2022 – 2023, được kỳ vọng là bước đột phá góp phần thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội và các chính sách an sinh khác.
Tạo đột phá về cơ chế, đa dạng hóa các nguồn lực
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác tới thăm khu nhà ở xã hội Becamex tại phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương mới đây, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022 – 2023, trong đó có các chính sách liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Chiến lược Phát triển nhà ở quốc giai giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đáp ứng nhu cầu với giá cả phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; đồng thời, phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững.
Để phát triển nhà ở xã hội hiệu quả, đúng mục tiêu, Chính phủ yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và làm việc, đặc biệt quan tâm phát triển mô hình nhà ở xã hội, hỗ trợ hàng trăm nghìn công nhân lao động, người thu nhập thấp… có mái ấm để an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống; đồng thời, triển khai mạnh mẽ các giải pháp đồng bộ để tạo đột phá về phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân, người lao động, trên cơ sở kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa người dân – Nhà nước – doanh nghiệp trong phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình và điều kiện; phát huy các các kinh nghiệm tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển nhà ở xã hội để nhân rộng trong cả nước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), các gói hỗ trợ của Chính phủ hứa hẹn sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới việc phát triển nhà ở xã hội. Như quy định cấp trực tiếp 15.000 tỷ cho người thuê mua nhà ở xã hội trong 2 năm. Điều này sẽ mang tới cơ hội không lo thiếu người mua, chỉ lo thiếu dự án. Hay quy định hỗ trợ lãi suất 2% cho các đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong gói có quy mô 40.000 tỷ đồng.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện các các công ty bất động sản đều cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay cần được ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, nhất là tạo đột phá về quỹ đất và thủ tục pháp lý tại địa phương, nhằm tạo động lực và yên tâm phát triển nhà ở xã hội. Vì thực tế, hầu hết các doanh nghiệp muốn tăng cung các dự án, nhưng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề pháp lý dự án. Các doang nghiệp khi có cơ hội, thuận lợi đều sẵn sàng bắt tay triển khai các dự án.
Khởi công xây dựng khu nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh)
Ngày 24/3 tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Tổng công ty Viglacera - CTCP (Bộ Xây dựng) đã khởi công xây dựng Dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại Khu công nghiệp (KCN) Đông Mai.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực phát triển nhà ở, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, tạo ra các động lực mới cho nền kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc đang đặt ra. Tuy nhiên, bên cạnh một bộ phận lớn người dân có nhà ở theo cơ chế thị trường, còn có bộ phận không nhỏ người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là tại khu vực đô thị, khu công nghiệp đang khó khăn về nhà ở.
Mô hình xây dựng dự án khu nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Đông Mai.
Chiến lược nhà ở Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, đến năm 2020, cần 12,5 triệu m2 sàn nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp khu vực đô thị. Tuy nhiên, đến tháng 12/2021, trên địa bàn cả nước mới chỉ hoàn thành hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 (đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020) và đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2.
Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 còn tăng cao hơn nữa với khoảng gần 300.000 căn hộ cần xây mới. Riêng đối với tỉnh Quảng Ninh, theo Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh mới phát triển được 78.300 m2 sàn nhà ở cho người dân thu nhập thấp khu vực đô thị có khó khăn về nhà ở, tương đương 74% chỉ tiêu Chương trình. Như vậy số lượng nhà ở cho công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị trên địa bàn cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng vẫn còn thiếu và tình trạng này sẽ sớm trở nên gay gắt hơn khi nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp đi vào hoạt động trong thời gian tới.
KCN Đông Mai có diện tích 167,8 ha đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút được 23 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, với số lao động khoảng 15.000 người.
Với vị trí nằm sát ngay KCN Đông Mai, dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai phát triển có tổng diện tích 9,1 ha bao, gồm: 5 khối nhà cao 6 tầng với 1.000 căn hộ dành cho công nhân và 72 căn nhà thấp tầng dành cho chuyên gia làm việc tại KCN Đông Mai. Dự án được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tiện ích đầy đủ như công viên cây xanh, trường mầm non, dịch vụ công cộng, hệ thống PCCC, siêu thị, phòng khám, hiệu thuốc... Dự án có giá bán chỉ từ 7,1 triệu đồng/m2, kịp thời góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho đối tượng công nhân và chuyên gia, giúp người lao động "an cư lạc nghiệp" gắn bó lâu dài với doanh nghiệp trong KCN và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội địa phương.
Nghị quyết số 11/NQ-CP: Xây dựng 7 dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân Bộ Xây dựng cho biết, qua rà soát một số địa phương tính từ thời điểm sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, đã có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp...