Tang thương cô giáo cứu trường trong lũ
Di ảnh cô giáo Trần Thị Hoa đã dũng cảm vượt lũ cứu trường
Quyết tâm cứu đồ dùng học tập cho học sinh, cô Trần Thị Hoa đã bị nước lũ cuốn trôi. Sau ba ngày mất tích, thi thể cô đã được tìm thấy. Đám tang của cô được tiễn đưa trong ngày lũ, để lại bao nỗi đau, tiếc thương cho gia đình và người thân.
Vượt lũ dữ cứu trường
Trưa ngày 6/10, Chúng tôi đã theo canô cứu trợ của Ban chỉ huy quân sự huyện Hương Khê tìm đến nhà cô giáo Trần Thị Hoa bị mất tích trong lũ đã tìm thấy thi thể ngày hôm qua ở xóm 6, xã Hương Thuỷ. Tiếng trống chiêng xen lẫn với những tiếng khóc thương thảm thiết vang vọng ra từ ngôi nhà như ốc đảo đang bị bao bọc bởi nước lũ trắng xoá mênh mông nghe mà não ruột, não gan.
Anh Lê Trọng Thống người đã cùng vợ chồng cô Hoa vượt lũ cứu trường vô cùng đau xót kể lại: “7h sáng ngày 3/10, khi biết nước lũ dâng cao, trường Mần non Hương Thuỷ sắp bị ngập trong lũ, cô Hoa đã nhờ tôi và chồng là anh Trung ra để cứu trường. Ra đến đường sắt thấy nước lũ quá to, tôi và anh Trung bảo cô Hoa đưa chìa khoá phòng đây để bọn anh ra cứu trường còn em về lo dọn dẹp nhà cửa mà chạy lũ. Cô Hoa không chịu cứ một hai để em đi cùng các anh chứ việc nhà để sau giờ lo việc tập thể đã. Trường có hai người giữ chìa khóa tầng một, em cầm một cái còn cô kia thì ở xa không thể đến được, trường lại sắp ngập, nên đây là trách nhiệm của em. Em phải ra dọn trường đưa toàn bộ sách vở, dụng cụ học tập lên tầng hai chứ giao cho các anh em không yên tâm chút nào”.
Ba bố con anh Trung quỳ lạy trước giờ di quan của vợ
Anh Thống chưa hết kinh hoàng kể tiếp: “Anh Trung chiều vợ nên để cho vợ đi cùng. Anh Trung đi trước, Cô Hoa đi giữa và tôi đi sau cùng. Tôi bảo với cô, em đi bên chỗ cạn còn chỗ nào sâu để anh đi. Lúc vượt cầu Hối Hối thì nước lũ đã dâng đến ngang ngực. Vừa vượt qua được chỗ sâu nhất sắp lên phía bờ bên kia thì bất ngờ nước lũ đổ về quá mạnh cuốn trôi cả ba người. Tôi tìm cách vẫy vùng bám vào bụi cây rồi gắng sức bơi lên bờ. Sau khi quan sát thấy anh Trung đang hấp hối cố bơi vào bờ tôi đã lao ra cứu. Còn cô Hoa mất tăm mất tích. Anh Trung gào thét định lao ra tìm vợ nhưng tôi đã ngăn cán lại. Nếu giờ anh ra đó sẽ chết, biết tìm vợ đâu giữa biển nước thế này, hai người phải có một người sống để nuôi con”.
Nhìn vợ chết đuối trước sức mạnh kinh hoàng của cơn lũ dữ mà lòng người chồng quặn xé, ngất lên ngất xuống nhiều ngày liền: “Anh ấy cứ đòi chết, cứ than vãn là vì mình đã không giúp vợ hoàn thành nhiệm vụ cứu trường, không xứng đáng là người đàn ông” – anh Thống cho biết thêm.
Anh Trung và hai con gào thét thảm thương bên quan tài của vợ
Chính quyền địa phương và bà con lối xóm đã huy động thuyền và thay nhau túc trực tìm thi thể cô Hoa. Cả đoạn đường ray xe lửa nơi cô hoa mất tích dài chừng vài cây số đông nghịt người và khi đêm đến người ta thấy cả đoạn đường này rực đỏ đèn, đuốc và luôn vang vọng tiếng kêu gọi í ới của đội cứu hộ.
Video đang HOT
Nhưng việc tìm kiếm đành bất lực trước nước lũ ngày một hung dữ: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức chèo thuyền ra đó để tìm kiếm nhưng mưa to và gió thổi quá mạnh, nước ngày một dâng cao và chảy xiết nên không thể điều khiến được tay chèo. Ra được tìm được vài vòng là ai cũng liệt sức đành quay vào bờ. Nếu không cẩn thận dễ lật thuyền như chơi và bị lũ cuốn đi bất cứ lúc nào” – anh Phi một người trong đội cứu hộ cho hay.
Sang ngày thứ ba, khuôn mặt đội cứu hộ ai cũng thẫn thờ, không còn hy vọng tìm thấy thi thể của cô Hoa vì cứ nghĩ đã bị lũ cuốn trôi đi quá xa mất rồi và không biết rồi sẽ trôi dạt về đâu. Họ chỉ còn chờ vào phép nhiệm màu.
15h ngày 5/10, thi thể của người cô giáo quên mình vì trường, lớp đã nổi cách địa điểm bị lũ cuốn khoảng chừng một cây số. Ai cũng rơi nước mắt khi nhìn thấy thi thể cô tím bầm và bụng phình chướng lên to. Người chồng gào thét khóc thương vợ như vỡ trời, vỡ đất. Bầu trời Hương Khê vẫn xám xịt, mưa tuôn tầm tả và nước lũ trắng xóa cả cánh đồng cho những ngày tang thương.
Đẫm nước mắt tang thương ngày lũ
Dù đang gồng mình chống lũ, nhiều người đã tìm mọi cách vượt lũ đến nhà thăm viếng cô Hoa. Trên bàn thờ của cô khói hương nghi ngút và khuôn mặt tiếc thương của những người dự đám tang đã không ngừng rơi lệ trước cảm cảnh anh Trung bồng cháu Nga (4 tuổi) và ôm Thúy Hằng (9 tuổi) gào thét bên quan tài của mẹ. Thúy Nga còn dại không hiểu chuyện gì thấy bố và chị khóc, mọi người khóc, cứ khóc theo.
Để đưa tang cô giáo Trần Thị Hoa mọi người phải dùng thuyền nhỏ vượt lũ
Đến giờ di quan, chiếc quan tài được đưa lên thuyền và vượt qua biển lũ mênh mong để chôn cất thi hài cô giáo ở trên đồi cao.
“Em ơi! em không yêu anh à! Mười mấy năm lấy nhau không một lời nặng, tiếng to. Em vào nghề dạy hợp đồng từ năm 1992 lương còn thấp, anh ở nhà vẫn ráng hết sức thu xếp công việc cho em yên tâm công tác, vợ chồng nghèo rau cháo có nhau. Nay em mới được biên chế hơn một năm chưa được hưởng sung túc đã bỏ anh và hai con ra đi. Bố anh còn ốm nặng điều trị ngoài Hà Nội không kịp về để nhìn mặt con dâu lần cuối. Em ơi! hãy về với anh”- Tiếng anh Trung trên chiếc thuyền chở quan tài chị Hoa trong những ngày lũ như xé thêm nỗi lòng của mọi người.
Cháu Nga 4 tuổi đã phải chịu cảnh mồ côi mẹ
Còn tiếng khóc mẹ của Thúy Hằng càng réo rắt tận tâm can: “Con chẳng còn mẹ nữa mẹ ơi! Sao mẹ chết thảm quá, ra đi không nhắn nhủ một lời cho bố con. Từ nay nhà của mẹ ở trên đồi cao xa lắm. Từ mẹ sẽ làm bạn với sương gió, cỏ cây hoa lá. Con đã không còn mẹ nữa thật rồi mẹ ơi! Em con lớn lên không còn mẹ nữa mẹ ơi!”.
Theo Dân trí
Gần 30 người chết và mất tích, hàng trăm tỷ đồng trôi theo lũ
Quảng Bình là tỉnh thiệt hại lớn nhất về người, với 14 người chết. Thiệt hại về kinh tế là rất lớn sau đợt mưa lũ lịch sử ở Miền Trung.
Tính đến 19 giờ ngày 5/10, Quảng Bình đã có 14 người chết vì mưa lũ, trong đó đáng chú ý là vụ chìm tàu Huy Hoàng (chưa rõ đơn vị chủ quản) chở xi-măng ở cửa biển Gianh khiến cả 5 người trên tàu thiệt mạng.
Đến 17 giờ chiều nay, nước trên các sông Gianh và Kiến Giang sau khi vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1985 đã bắt đầu rút chậm, nhưng vẫn ở mức cao trên báo động 3 từ 0,6 đến 1m. Hiện toàn tỉnh có 35.500 hộ dân bị ngập sâu trong nước, trong đó có 4.000 hộ phải di dời đến nơi an toàn.
6/7 huyện của Quảng Bình bị lũ tấn công
6/7 huyện đều bị lũ tấn công, riêng thành phố Đồng Hới đã bị ngập nhiều đoạn, các tuyến đường chính ở cửa ngõ thành phố đều bị ngập khiến giao thông tắc nghẽn. 8 đoàn tàu với khoảng 1.100 khách và hàng nghìn phương tiện đường bộ bị mắc kẹt tại Quảng Bình. 9 xã vùng nam Quảng Trạch và xã Tân Hóa bị cô lập hoàn toàn, công tác cứu trợ gặp khó khăn.
Hiện Quân khu 4, Hải quân vùng 3 và Binh chủng phòng không - không quân đã cử máy bay trực thăng, canô, tàu lớn để phục vụ công tác cứu trợ dân và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Tại Quảng Trị, đợt mưa, lũ trong những ngày qua đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế đối với người dân tỉnh Quảng Trị. Để giúp dân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương trình Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 1.500 tấn gạo và 3.000 phao áo cứu sinhđể ứng cứu cho người dân vượt qua khó khăn.
Lũ cô lập nhiều khu dân cư
Toàn tỉnh đến thời điểm này đã có 3 người chết, trong đó có một trẻ em sinh năm 2008 (quê ở thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng) do gia đình bất cẩn trong khi bận sắp xếp đồ đạc nên không chăm sóc dẫn đến em bé rơi xuống nước chết đuối. Có 2 người mất tích, đến nay vẫn chưa xác định được danh tính.
Theo báo cáo mới nhất, đến chiều tối ngày 5/10, Hà Tĩnh đã có 6 người chết, thiệt hại ước tính hơn 300 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 7.200 nhà bị ngập, 1.800 ha rau màu các loại bị ảnh hưởng. Đặc biệt, đường Hồ Chí Minh đã sạt taluy tại 39 vị trí, với 20.097 m3 đất đá.
Tại nhiều điểm trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49A - B đã bị xói lở lề đường, sạt lở, hư mặt đường nặng. Ngoài ra, hệ thống đường đô thị, vành đai, đường tỉnh lộ, đường liên huyện, đường bê tông liên thôn cũng bị hư hại và xói lở nhiều...Riêng đường sông đã có 30 biển báo bị hư hỏng, trôi.
Tổng thiệt hại toàn tỉnh ước tính là 42,458 tỷ đồng.
Nhằm sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân trong vùng thiệt hại, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương xem xét hỗ trợ khẩn cấp những dụng cụ thiết yếu trong những đợt lụt bão sắp tới như: hỗ trợ 1.000 tấn gạo; 10 tấn mỳ tôm để giải quyết cho nhân dân trong vùng bị ngập lụt; 1000 phao áo phục vụ cứu hộ, cứu nạn và di dời dân.
Đồng thời, tỉnh cũng xin được hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn: 02 tàu 240CV chạy bằng dầu dilzen và 07 ca nô cao tốc 85CV.
UBND tỉnh TT- Huế cũng ban hành Quyết định trợ giúp đột xuất (một lần) từ nguồn ngân sách nhà nước cho các hộ gia đình gặp khó khăn do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, hộ có người chết, mất tích được hỗ trợ 4.500.000 đồng/người chết, mất tích; Hộ có người bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện hoặc các Trung tâm y tế các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế chữa trị: 1.500.000 đồng/người bị thương nặng.
Hộ có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy hoặc phải di dời nhà khẩn cấp đến nơi ở mới: 6.000.000 đồng/hộ. Đối với các hộ có nhà bị hư hỏng nặng thì tùy theo mức độ thiệt hại và khả năng tận dụng lại những vật liệu, tài sản để xây dựng, sửa chữa lại nhà ở mà hỗ trợ. Ngoài ra, Quyết định cũng quy định 2 phương thức, hình thức hỗ trợ: hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Đà Nẵng điều máy bay trực thăng cứu trợ người dân vùng lũ Chiều ngày 5/10, Trung đoàn trực thăng 954, thuộc Sư đoàn 372 cho biết: Trực thăng mang số hiệu Mi17 - 8411 do thượng tá Nguyễn Việt Hùng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 954 làm cơ trưởng đã cất cánh từ sân bay Đà Nẵng lên đường cứu trợ người dân vùng lũ.
Trực thăng cứu trợ của Trung đoàn C54 lên đường đi cứu trợ người dân vùng lũ
Trực thăng Mi17 - 8411 mang theo hơn 1 tấn mì tôm, phao cứu sinh, cùng phương tiện cấp cứu và đoàn cán bộ gồm 8 cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 372 do đại tá Nguyễn Văn Định, Tham mưu trưởng Sư đoàn 372 làm chỉ huy lập trạm cứu trợ người dân bị thiệt hại do mưa lũ.
Đây là chuyến bay phối hợp tác chiến của Sư đoàn 372 với Quân khu 4 tiến hành cứu trợ người dân vùng lũ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...
Theo Dân Trí
Đói khát giữa biển nước lũ Khi vừa nhận thùng mì ăn liền từ tay Chủ tịch UBND tỉnh, cháu Nguyễn Thị Nhật con chị Lệ ở xóm 5, Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh đã mở ngay gói mì ăn ngấu nghiến. Hàng nghìn ngôi nhà ở Hương Khê, Vũ Quang chìm trong lũ. Chúng tôi rời TP Hà Tĩnh lên vùng lũ với bà con nhân dân...