Tăng thuế VAT: “Ông làm tài chính mà nói vậy nghe buồn cười quá”
“Lấy ví dụ một người nghèo mỗi tháng có 3 triệu đồng thì phải bỏ 50% chịu thuế VAT, tức 1,5 triệu đồng mà chỉ cần nhân 2% thì mất thêm 30 nghìn đồng. Đối với một người nghèo như thế là rất đáng kể”, chuyên gia kinh tế bình luận.
Liên quan tới đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12%, một số lãnh đạo Bộ Tài chính mới đây khẳng định, sẽ không tác động nhiều tới người nghèo và người thu nhập thấp.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai: “Nhóm thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục. Y tế và giáo dục thuộc đối tượng không chịu thuế, nhóm lương, thực thực phẩm thì người bán trực tiếp bán ra không chịu thuế mà chỉ thương mại bán ra mới phải chịu thuế ở mức thấp 5%. Nếu dự kiến tác động đối với người dân, đặc biệt người nghèo và thu nhập thấp là không nhiều”.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng cho rằng: “Thông tin nói mớ rau 500 đồng, nếu tăng thuế thì làm rau tăng giá. Rau, thịt có chịu thuế GTGT đâu. Như vậy những mặt hàng không chịu thuế VAT dù VAT tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì. Về lý thuyết, thuế gián thu đều có tính chất lũy thoái so với thu nhập. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này còn phụ thuộc là hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng”.
“Lãnh đạo nói vậy nghe buồn cười quá”
Ý kiến này của các quan chức Bộ Tài chính đã vấp phải phản ứng lớn từ dư luận. Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, lý lẽ do lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra chưa thực sự hợp lý bởi thuế VAT là loại thuế gián thu, khi tăng nhất định sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng (hay còn được gọi là dân).
Trong hàng trăm bình luận gửi về Dân trí, một độc giả là Nguyễn Thanh Sơn bình luận: “Ông nói thế nào chứ, dân mua thịt, mua rau không chịu thuế, nhưng muốn có thịt thì phải nuôi, muốn có rau thì phải trồng. Thức ăn chăn nuôi tăng thuế, thuốc thú y tăng thuế, phân bón tăng thuế, thuốc bảo vệ thực vật tăng thuế… thì giá thịt, giá rau có tăng không, người nghèo có phải móc thêm túi không hả ông, bà Thứ trưởng?”.
Độc giả Nông Dân Việt cho rằng: “Bó tay giải thích giống cho qua chuyện, tôi ví dụ nhé nếu người nghèo họ mua một món gì đó cho gia đình sử dụng khi thuế tăng giá bán tăng vậy người nghèo có thiệt không? Ai nói không ảnh hưởng thì nên xem lại nhé. Khi tăng bất cứ thuế gì người thiệt hại vẫn là người dân thôi. Tiền thuế doanh nghiệp đã cộng vào khi bán họ đã khấu trừ. Nếu tăng thuế họ sẽ cộng vào giá bán”.
Độc giả Nguyentuan thẳng thắn: “Ông nói “thông tin nói mớ rau 500 đồng, nếu tăng thuế thì làm rau tăng giá. Rau, thịt có chịu thuế GTGT đâu”. Nhưng xin thưa ông thế này rau thịt không có chân để chạy từ chỗ này đến chỗ khác mà phải có phương tiện vận chuyển. Mặt khác cây rau, miếng thịt cũng không phải có được bằng khí trời mà phải có nguyên liệu đầu vào để chăn nuôi mới có, ông làm tài chính mà nói vậy nghe buồn cười quá”.
Video đang HOT
Một độc giả bình luận: “Mớ rau và thịt không chịu thuế là đúng. Tuy nhiên, khi tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến giá của rau và thịt đấy ông Thi! Cần nghĩ xa và rộng cho dân!”.
“Tăng thuế GTGT là cả một vấn đề lớn nên các ngài nghiên cứu cho kỹ! Hãy lấy lợi ích của nhân dân lên hàng đầu! Việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì không có lợi cho dân thì đừng làm!”, một độc giả bình luận.
“30 nghìn đồng đối với một người nghèo cũng đáng kể”
Bình luận về những phát ngôn này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu tiếp tục bảo lưu quan điểm “nói chung người nghèo vẫn phải chịu thuế nhiều”.
Ông Hiếu phân tích: “Có thể đúng ở cái ví dụ đi chợ mua vài miếng thịt, mua rau có ai đánh thuế VAT đâu bởi người đi chợ trả bằng tiền mặt, người bán không hóa đơn. Nhưng nói chung, một sản phẩm phải đi qua nhiều quy trình, mặt hàng này là đầu vào của mặt hàng kia, và đã bị đánh thuế từ trước rồi nên cuối cùng, người mua vẫn phải chịu thuế của cả công đoạn giữa. Thuế VAT nó đã tồn tại ở trong quy trình chuyển dịch qua các công đoạn của hàng hóa rồi”.
“Lấy ví dụ một người nghèo mỗi tháng có 3 triệu thì phải bỏ 50% chịu thuế VAT, tức 1,5 triệu đồng mà chỉ cần nhân 2% thì mất thêm 30 nghìn đồng. Đối với một người nghèo như thế là rất đáng kể. Với người giàu 1 tháng có 100 triệu đồng thì tiền còn lại sau đóng thuế vẫn rất nhiều, trong khi người dân nghèo sau khi trừ thuế đi, số tiền còn lại đã ít ỏi rồi lại càng ít ỏi”, ông Hiếu nói thêm.
Đồng quan điểm, trao đổi với báo chí, TS Lưu Bích Hồ cũng cho rằng: “Thứ trưởng Bộ Tài chính nói là tác động không nhiều nhưng tôi nói là còn tùy đối tượng cụ thể. Thế nhưng với người nghèo, tác động là khá đấy chứ không ít đâu. Tất nhiên rau, thực phẩm bán lẻ ở chợ thì không có VAT nhưng những mặt hàng, dịch vụ quan trọng thì vẫn có như xăng, dầu, điện hay nhiều hàng hóa tiêu dùng khác”.
“Đừng nói tác động không nhiều một cách chung chung. Phải tính xem người ta có chịu được không, chấp nhận được không. Tỷ lệ chi cho những nhu cầu thiết yếu chiếm phần lớn thu nhập người ta rồi, người ta không còn để dành nữa, chưa kể còn bao nhiêu khoản chi tiêu khác. Mình đánh thêm thuế, từ 5% lên 6% với một số mặt hàng hay 10% lên 12% đáng kể lắm chứ. Thu nhập của người dân còn thấp, tăng 1-2% là đáng kể rồi”, ông Hồ nói thêm.
Cho rằng, thuế VAT của Việt Nam hiện đúng là thấp hơn so với nhiều nước, nhưng chuyên gia cũng lưu ý, nếu so sánh với quốc tế thì phải tính tỷ lệ thu thuế VAT trong tổng thu. Với nước ta, tỷ lệ này khoảng gần 28% còn các nước cao nhất như EU thì chỉ trung bình 21%, thậm chí nhiều nước dưới mức này.
“Thế nên, đừng nghĩ ta mới áp thuế 10% còn thấp mà phải tính tỷ lệ đó là cao trong tổng thu ngân sách rồi. Ta tăng thêm thuế thì tỷ lệ đó lại càng cao hơn. Mỗi nước có bối cảnh khác nhau chứ không phải mức thuế của mình thấp thì tăng lên”, ông nói thêm.
Theo Phương Dung (Dân Trí)
Chính sách thuế VAT mới đang "bóp chết" doanh nghiệp phân bón nội
"Luật 71 hướng đến giảm thuế giá trị gia tăng cho người nông dân mua phân bón, song đây chỉ là lợi ích ngắn hạn. Chính Luật này đã và đang bóp chết các doanh nghiệp phân bón trong nước, thúc đẩy và mở cửa cho nhập khẩu phân bón từ nước ngoài tràn vào Việt Nam".
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam tại Toạ đàm Gỡ khó chính sách Thuế VAT cho phân bón Việt Nam diễn ra sáng nay (27/10) tại Hà Nội.
Theo nhiều DN, họ đang gặp phải khó khăn rất lớn do phân bón nước ngoài được trợ giá hai lần ồ ạt vào Việt Nam, khiến canh tranh không công bằng cho các DN trong nước.
Theo ông Thuý, trong khi DN phân bón chịu thiệt hại lớn từ chính sách thuế VAT của Luật 71 thì họ lại chịu cạnh tranh từ chính sách thuế nhập khẩu phân bón bị hạ mạnh. Cụ thể, trước kia phân bón nhập khẩu phải chịu thuế 11% (bao gồm 6% thuế nhập khẩu và 5% thuế VAT) thì nay, mức thuế này hạ xuống còn 6%.
"Luật 71 hướng đến giảm thuế giá trị gia tăng cho người nông dân mua phân bón, song đây chỉ là lợi ích ngắn hạn. Chính Luật này đã và đang bóp chết các doanh nghiệp phân bón trong nước, thúc đẩy và mở cửa cho nhập khẩu phân bón từ nước ngoài tràn vào Việt Nam", ông Thuý phân tích.
Ông Dương Trí Hội, Phó TGĐ Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí cho biết: Có nhiều nhà máy sản xuất phân bón của Việt Nam hiện nay đang được đầu tư nhà xưởng, công nghệ hiện đại. Nhưng khấu hao chưa có mà giá thành sản phẩm thời gian qua liên tục hạ, trong khi chính sách thuế VAT hiện nay là không công bằng nên các DN rất sợ đầu tư.
"Thuế VAT đầu ra cho phân bón bằng 0%, chúng tôi hiểu Nhà nước đang ủng hộ cho nông dân, giảm giá bán, chính phủ hoàn thuế cho DN, hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, chúng ta lại vô tình mở cửa cho phân bón nước ngoài hưởng lợi, phá sản xuất trong nước", ông Hội nói.
Ông này nhấn mạnh: "Nếu DN phân bón trong nước không cạnh tranh được, thua lỗ, phá sản thì cuối cùng chúng ta lại nhường thị trường cho phân bón Trung Quốc, Indonesia, Malaysia... Trong khi đó, ở các quốc gia này, chính sách hỗ trợ phân bón trong nước của họ khiến phân bón nước ngoài không phải dễ mà vào được".
Để tháo gỡ khó khăn, bà Trần Thị Bình, Đại diện Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau kiến nghị: "Chúng tôi cần được cân đối quyền lợi giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng chứ không đòi hỏi đặc quyền cho riêng mình, Chúng tôi mong Quốc hội sửa lại Luật, ít nhất cũng phải áp dụng VAT đầu ra là 5% để tháo gỡ khó khăn cho DN".
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Đại diện Công ty CP Phân bón DAP Vinachem (Hải Phòng) cho hay: Trên thực tế, lợi ích của người nông dân khi áp dụng Luật 71 chưa chắc đã được hưởng giảm giá bởi vì thị trường không thể bền vững khi lệ thuộc phân bón nước ngoài. Thời gian qua, giá phân bón trong nước giảm là do giá thế giới đồng loạt giảm, cả phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu cũng đều giảm.
"DN trong nước đang phải chi nhiều tiền hơn để sản xuất, giá bán ra thị trường thấp hơn thì bản chất phải xem phân bón nước ngoài có trợ giá hay không, chính sách của chúng ta có cào bằng không? Nếu Luật 71 tiếp tục được áp dụng, không màng tới những khó khăn của DN, chắc chắn các DN phân bón sẽ dừng hoạt động và phá sản là điều tất yếu. Lúc ấy thị trường phân bón ngày càng lệ thuộc ngoại nhập. Điều này rất nguy hiểm", ông Trung nói.
Ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng cho rằng, có nhiều vấn đề đang đặt ra ở đây là Luật khi xây dựng và áp dụng phải thỏa mãn lợi ích các bên. Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi thấy tồn tại nhiều vấn đề.
Hỗ trợ nông dân thuế VAT đầu ra bằng 0%, điều này đồng nghĩa với lượng phân bón nhập khẩu về ồ ạt, với giá rẻ, cạnh tranh rất mạnh với DN. Các DN trong nước thời gian qua đã cố gắng sản xuất tốt, thay đổi công nghệ để ổn định thị trường, nhưng giá phân bón thế giới xuống thấp, lại chịu các điều chỉnh về thuế VAT này, khiến họ cực kỳ khó khăn.
Ôg Thái phân tích: Thuế VAT đầu vào vẫn áp dụng 10%, nhưng đầu ra bằng 0% thì ngân sách Nhà nước được lợi, nhưng lại tăng chi phí DN sản xuất phân bón. Họ không biết bù trừ khoản thuế này vào đâu, ngoài vào giá thành sản phẩm. Giá cao, sản xuất đình trệ, DN thua lỗ, công nhân mất việc. Như vậy, mục đích cuối cùng của Luật 71 là an sinh xã hội, tạo việc làm đã không làm được.
"Vừa qua Ban chỉ đạo 389 Quốc gia có đi kiểm tra phân bón ở nhiều nơi, DN cho biết với bối cảnh hiện nay, họ không dám đầu tư đổi mới công nghệ và hiện đại hoá dây truyền sản xuất bởi mức khấu hao lớn cho thiết bị trong khi chính sách thuế đang tạo điều kiện cho phân bón ngoại nhập. Như tình hình hiện nay, DN chỉ còn nước quay về với công nghệ cuốc xẻng - sản xuất phân bón thủ công", ông Thái cho biết.
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Mất 4.000 tỉ vì ô tô Trung Quốc trốn thuế? Nhiều doanh nghiệp cho biết không thể cạnh tranh nổi với xe Trung Quốc lách thuế. Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam (VAMI), cho biết thời gian qua đã nhận được nhiều kiến nghị của các DN hội viên về tình trạng các đơn vị nhập khẩu xe của Trung Quốc (TQ) khai...