Tăng thuế rượu, bia – nên thực hiện sớm!
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó có điều chỉnh thuế đối với rượu, bia và thuốc lá… Kể từ ngày 1-7-2015, thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia, thuốc lá sẽ được nâng lên 10-20% so với mức hiện đang áp dụng.
Theo đó, với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá hiện đang có mức thuế 65% sẽ điều chỉnh tăng lên 75% kể từ 1-7-2015 đến hết ngày 31-12-2017. Từ ngày 1-1-2018 sẽ là 85%. Còn đối với rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng thuế từ 50% hiện nay lên 65%; Rượu dưới 20 độ sẽ tăng thuế từ 25% hiện nay lên 35%. Bia cũng tăng thuế từ 50% lên 65% kể từ 1-7-2015. Không chỉ bia, rượu “nhà máy”, mà các loại bia “cỏ”, rượu “quốc lủi” cũng sẽ đồng loạt chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 10-20% từ 1-7-2015 tới đây.
Mặc dù rượu, bia, thuốc lá đã nằm trong 16 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, nhưng hiện nay các mặt hàng này có thuế suất chưa phù hợp với mặt bằng chung của các nước trên thế giới. Mục đích tăng thuế TTĐB là để hạn chế sử dụng của người tiêu dùng trong nước. Việt Nam đang đứng đầu trong danh sách “đệ tử lưu linh”. Tổ chức nghiên cứu thị trường Erowatch mới đây công bố thông tin cho biết với lượng rượu bia tiêu thụ của Việt Nam trong năm 2012 là 3 tỷ lít, bình quân đầu người 32 lít đã đưa Việt Nam trở thành quán quân uống rượu bia ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Thêm nữa, theo đại diện của hãng Heineken khi nghiên cứu thị trường đã dự báo tới năm 2015 Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ rượu, bia lớn nhất thế giới. Còn theo đánh giá của Tổ chức Nghiên cứu thị trường châu Âu, lượng tiêu thụ rượu, bia của Việt Nam từ nay đến năm 2016 sẽ tăng 10%/năm.
Trong khi đó, ngoài chuyện được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những căn bệnh nan y, tổn hại tới sức khỏe thì bia, rượu và thuốc lá còn là nguyên nhân của những câu chuyện đau lòng từ những vụ mất trật tự xã hội, rồi tai nạn giao thông khi con người mất kiềm chế, kiểm soát do sử dụng rượu bia gây ra. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu, thống kê nào, nhưng có thể khẳng định rằng các khoản đóng góp cho ngân sách từ ngành sản xuất rượu, bia so với những chi phí để khắc phục hậu quả của nó gần như tương đương. Điều này khiến cho nỗ lực của toàn xã hội trong phát triển kinh tế cũng như chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng bị trôi theo dòng chảy của rượu, bia.
Video đang HOT
Dư luận hoan nghênh đề xuất của Bộ Tài chính và thấy cần được thực hiện sớm để tăng thu ngân sách và giảm chi cho y tế do hậu quả của việc sử dụng bia, rượu, thuốc lá gây ra.
Tuy vậy, cũng có lo lắng rằng việc đánh thuế cao thì bia, rượu, thuốc lá nhập lậu qua đường tiểu ngạch sẽ tăng nên phải tăng cường khâu kiểm soát, kiểm tra, ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng sản xuất tại gia đối với bia, rượu… Và đã làm là phải làm tới cùng, bịt mọi ngóc ngách mới mong có phần thắng trong cuộc chiến với… ma men.
Theo ANTD
Tăng thuế để giữ tài nguyên
Ngày 21-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Chính phủ đề xuất tăng thuế suất nhiều loại tài nguyên để hạn chế việc khai thác, bán quặng thô.
Tiếp tục bán khoáng sản thô hôm nay, ngày mai chúng ta sẽ phải đi mua
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế. Do đó, cần thiết phải rà soát điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với một số loại tài nguyên để thực hiện mục tiêu hạn chế việc khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn, bảo vệ nguồn tài nguyên.
Cụ thể, các loại tài nguyên được đề nghị điều chỉnh mức thuế suất bao gồm: sắt: tăng từ 10% lên 13%; titan: tăng từ 11% lên 16%; vàng: tăng từ 15% lên 22%; vonfram, antimoan: tăng từ 10% lên 18%; đồng: tăng từ 10% lên 15%; cát: tăng từ 10% lên 11%; đá, sỏi: tăng từ 6% lên 7% (cho phù hợp với mức thuế suất của đá nung vôi và sản xuất xi măng); than: tăng từ 5-7% lên tương ứng là 7-9%... Ngoài ra, thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất nước sạch giữ như hiện hành (1% nếu sử dụng nước mặt và 3% nếu sử dụng nước dưới đất). Đối với nước thiên nhiên dùng cho mục đích khác, Chính phủ đề nghị thuế suất 3% nếu sử dụng nước mặt và 5% nếu sử dụng nước dưới đất. Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện, tăng từ 2% lên 4%.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, thuế tài nguyên thu được tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2009 thu 19.392 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng số thu ngân sách Nhà nước (NSNN); năm 2010 là 26.014 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng số thu NSNN; năm 2011 là 39.299 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng số thu NSNN; năm 2012 là 41.313 tỷ đồng...
Đồng tình với phương án tăng thuế tài nguyên do Chính phủ đề xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển góp ý: "Tôi cũng đồng ý là thuế của chúng ta chưa cao. Thuế với vàng tôi nhất trí nâng lên, nhưng đưa lên mức mà Chính phủ đề xuất thì cao quá." Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn liệu tăng thuế có làm khó doanh nghiệp: "Nền kinh tế đang khó khăn, doanh nghiệp đang rất khó. Nhiều loại thuế giảm, bây giờ tăng thuế tài nguyên cũng nên cân nhắc. Có nên tính toán xem để nền kinh tế ổn định đã rồi hãy tăng thuế?" Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng lo, "nếu tăng thuế suất mạnh quá, doanh nghiệp sợ không chịu nổi...".
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện hoàn toàn đồng tình với việc tăng thuế để hạn chế khai thác khoáng sản thô. Ông nói: "Chúng ta nghèo nên có gì đều mang đi bán, còn các nước thì không như thế. Nhiều nước nghèo người ta vẫn giữ tài nguyên. Chúng ta bán hôm nay thì ngày mai phải đi mua. Quản lý ở ta yếu kém nên khai thác khoáng sản bừa bãi, toàn vì lợi ích cục bộ địa phương. Để hạn chế tình trạng này, phải tăng thuế theo lộ trình phù hợp. Tôi thấy đề xuất của Chính phủ là hoàn toàn hợp lý". Ông Nguyễn Văn Hiện đề nghị Bộ Tài chính nhìn nhận vấn đề ở cấp độ vĩ mô, vì lợi ích quốc gia. Ông nói: "Anh nào cũng vì lợi ích cục bộ địa phương, đều muốn có sân bay, bến cảng... là không ổn".
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc đánh giá kết quả thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2009-2013, đề xuất Phương án cơ chế quản lý và biên chế của Kho bạc Nhà nước từ năm 2014. Cũng trong ngày 21-8, phiên họp thứ 20 của UBTVQH đã bế mạc sau hơn một tuần làm việc.
Theo ANTD
Chính Trung
Choáng hết cả linh hồn, vì bia rượu! Tôi có ông anh, hơn tôi 1 tuổi, vừa thoát chết trong chân tơ kẽ tóc. Vì rượu. Choáng hết cả linh hồn. Không thể không viết một chút về rượu bia... Là phụ nữ, nhưng tôi là người biết uống rượu, uống nhiều, được xếp vào hàng... đại ca. Bia, rượu, bia rượu lẫn lộn, kiểu gì cũng chơi hết. Từ cách...