Tăng phi mã, cổ phiếu của Twitter tạo hiệu ứng tốt trên sàn giao dịch
Cổ phiếu của công ty Twitter đã tăng phi mã tới hơn 27% sau khi Giám đốc điều hành (CEO) hãng xe điện Tesla của Mỹ – tỷ phú Elon Musk đã trở thành cổ đông lớn nhất với việc nắm giữ hơn 9% cổ phần.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 1/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo một tài liệu nộp lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ ngày 4/4, tỷ phú Musk đã mua gần 73,5 triệu cổ phiếu Twitter – tương đương 9,2% cổ phần của công ty. Khoản đầu tư trên của ông Musk khoảng 2,9 tỷ USD, dựa trên mức giá cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 1/4. Trên giấy tờ, số cổ phiếu này thuộc sở hữu của quỹ Elon Musk Revocable Trust mà Elon Musk là thành viên duy nhất.
Sau khi tỷ phú Musk trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng vọt tới 27,1%, lên mức 49.97 USD/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu của các công ty mạng xã hội khác như Meta Platforms và Snap Inc cũng có phần khởi sắc. Theo nhà phân tích thị trường Patrick OHare, tuy Twitter không đủ mạnh về giá trị vốn hóa để tác động đến thị trường rộng lớn hơn, nhưng cho biết động thái này đã thúc đẩy tâm lý trên sàn giao dịch. Ông nêu rõ: “Điều mà thị trường đang thực sự phản hồi là thời điểm mua cổ phiếu của ông Musk và họ giả định rằng đây là một tín hiệu đáng khích lệ về lâu dài đối với các cơ hội đầu tư tiềm năng”.
Trước khi tung tiền cho Twitter, tỷ phú Musk đã chia sẻ trên tài khoản cá nhân, nhấn mạnh việc “đang suy nghĩ nghiêm túc” về việc xây dựng một nền tảng mạng xã hội mới. Ông trở thành “công dân Twitter” từ năm 2009 và sử dụng nền tảng này như một kênh truyền đạt các quan điểm cá nhân về các vấn đề xã hội, các nhân vật đình đám hay định hướng kinh doanh. Tỷ phú Musk hiện có hơn 80 triệu người theo dõi trên Twitter.
Sắc đỏ trong tháng 1 có thể mở ra một năm 'sóng gió' cho Phố Wall
Chứng khoán Mỹ đã có một khởi đầu đầy biến động trong năm 2022.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Dù Phố Wall đã lấy lại được một phần mức giảm trước đó trong hai phiên cuối cùng của tháng 1, nhưng chỉ số S&P 500 vẫn kết thúc tháng vừa qua với mức giảm 5,3%, mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào tháng 3/2022. Chỉ số công nghệ Nasdaq đang trong giai đoạn điều chỉnh, trong khi chỉ số Russell 2000 đã xác nhận xu hướng đi xuống, với mức giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 11 năm ngoái.
Nhiều nhà đầu tư đang tiến hành chốt lời sau khi chỉ số S&P 500 đã kết thúc chuỗi ba năm khởi sắc nhất suốt 20 năm qua vào năm 2021 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ nâng lãi suất sau khi thị trường chứng khoán đã được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ nới lỏng hậu đại dịch của ngân hàng này.
Diễn biến trong tháng 1 có thể là tín hiệu xấu cho thời gian còn lại của năm nay. Kể từ năm 1950, khi chỉ số S&P 500 tăng trong tháng 1, chỉ số này đã tăng trung bình 11,9% trong 11 tháng còn lại của năm đó, theo số liệu của công ty môi giới LPL Financial. Tuy nhiên, khi đã giảm trong tháng 1, thì chỉ số S&P 500 thường chỉ tăng trung bình 2,7% trong 11 tháng còn lại.
Gần đây hơn, sắc đỏ trong tháng 1 không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với một năm ảm đạm của thị trường. Trong 10 lần gần đây chỉ số S&P 500 giảm trong tháng 1, có tới 9 lần chỉ số trên vẫn tăng trong 11 tháng tiếp theo, với mức tăng trung bình 13,1%, theo LPL Financial.
Trong tháng 1, giới đầu tư đặc biệt tháo chạy khỏi các cổ phiếu tăng trưởng, trong đó có công nghệ và nhiều cái tên khác có giá trị cao dựa vào tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Chỉ số đo diễn biến của nhóm cổ phiếu tăng trưởng trong chỉ số S&P 500 giảm 8,4% trong tháng 1 vừa qua.
Trong khi đó, các cổ phiếu giá trị, vốn lâu nay có diễn biến yếu hơn kỳ vọng, lại vững vàng hơn, với chỉ số đo diễn biến của nhóm cổ phiếu giá trị trong chỉ số S&P 500 chỉ giảm nhẹ 1,7%.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu năng lượng, vốn được dự đoán là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất trong môi trường lạm phát cao, là điểm sáng của thị trường, với chỉ số đo diễn biến của nhóm năng lượng tăng đến gần 19% trong tháng vừa qua, và đây cũng là nhóm duy nhất tăng điểm trong chỉ số S&P 500.
Chứng khoán châu Âu lập đỉnh trong phiên giao dịch đầu năm 2022 Thị trường chứng khoán châu Âu đã tăng lên các mốc cao nhất từ trước đến nay trong ngày 3/1, đánh dấu một sự khởi đầu đầy hào hứng khi bước vào phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2022. Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, miền tây nước Đức. Ảnh: AFP/TTXVN Cụ thể, chỉ số chứng khoán...